"Lễ hội "cầu mưa của bản Na Sang, xã Núa Ngam huyện Điện Biên.
Dân tộc Lào sống dọc các con suối lớn, đời sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất lúa ruộng và chăn nuôi, nên khô hanh, hạn hán là một trong những nỗi lo của họ về mùa màng thất bại, ảnh hưởng đời sống cả cộng đồng. Tiết tháng ba vùng Tây Bắc khắc nghiệt. Đó là những tháng cao điểm của mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, khô hanh kéo dài. Nước từ các con suối, hồ chứa cạn dưới mức bình thường. Thời điểm này lại có gió phơn (gió Lào) mang hơi nóng như rang phả vào mặt, làm táp lá lúa và làm tăng quá trình bốc hơi nước từ các hồ ao, nơi dự trữ nguồn nước tưới. Đây chính là lúc dân tộc Lào tổ chức lễ hội cầu mưa.
Từ sáng sớm, chiêng trống nhà trưởng bản (chủ hộ giữ hồn áo người đầu tiên dựng bản, dựng mường gọi là Chảu sửa) thúc liên hồi, thay cho lời mời gọi. Tối trước những phụ nữ trong bản (nhân lực chính đi thăm đồng, thăm nguồn nước) đã bàn với trưởng bản chuyện tổ chức lễ hội cầu mưa nên vùng dậy sửa soạn trang phục tham gia cùng cộng đồng “Gọi cái nước của trời làm mát lòng đất mẹ, nuôi cây lúa thêm bông”. Phụ nữ dân tộc Lào tóc cuốn cao trên đỉnh đầu giống “Tằng cẩu” của phụ nữ Thái nên khá cầu kỳ, tốn nhiều thời gian. Theo phong tục, mọi người tham gia lễ hội phải nhịn đói, trèo đèo lội suối tìm đến dầu nguồn nước nơi tổ chức lễ hội cầu mưa, cầu thần linh che chở, ban phát mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tốt tươi. Dọc đường đi, nhóm phụ nữ xin ăn từ những chủ hộ làm ăn phát đạt năm trước, giáo dục con cháu theo truyền thống dân tộc, có uy tín trong cộng đồng để lấy phúc. Họ tự ngầm hiểu, đó chính là truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ lộc trời cho bà con dân bản.
Mỗi gia đình trong bản có 1 - 2 người tham dự lễ hội cầu mưa (trừ trưởng bản còn tất cả là phụ nữ). Nhóm người mang theo lồng gà (đan bằng mây tre) được buộc vào một đòn tre do 2 người khỏe mạnh nhất nhóm khiêng. Đến trước cửa những gia đình làm ăn may mắn năm trước, họ dừng lại, chỉnh đốn trang phục và lên tiếng gọi chủ hộ. Khi chủ hộ mang xôi (khẩu ón), bánh chưng (khẩu tổm) xuống cầu thang, người đại diện nhận và cúi chào theo phong tục (tay chắp trước ngực) cám ơn. Chủ hộ đã chuẩn bị sẵn chậu nước lấy từ đầu nguồn té vào đám người đi lễ hội, nước bắn càng cao, người đi hội ướt càng nhiều theo quan niệm dân tộc Lào là càng may mắn, lễ hội càng hiệu nghiệm. Xin ăn qua 3 - 5 nhà, nhóm người đi đến đầu nguồn nước, nơi những tảng đá to như con lợn, con trâu vào mùa mưa chìm sâu trong nước thì nay cạn trơ tận đáy được chọn là nơi tổ chức lễ hội. Mọi người quây quần trên những tảng đá to ăn sáng, những thanh nữ (con gái chưa lấy chồng, độ tuổi trăng tròn) được chọn làm người té nước. Nước từ đầu nguồn té càng cao, phụ nữ tham gia lễ hội ướt càng nhiều năm đó thời tiết diễn biến càng thuận: Mưa làm tan những cơn khát của đất, cây lúa đang thì con gái được mưa ví như “Phát cờ mà lên”.
Sau lễ hội cầu mưa, phụ nữ tắm mát, nô đùa trong nguồn nước và trở về nhà mong cho sấm truyền, cơn mưa rơi xuống. Đêm đó, già trẻ gái trai cả bản tụ hội đốt lửa, múa lăm vông, mừng lễ hội cầu mưa tổ chức linh nghiệm. Điện Biên có một số bản dân tộc Lào thuộc xã Núa Ngam, Pa Thơm (huyện Điện Biên), Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội cầu mưa dân tộc Lào, nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phát huy giá trị.
Hoàng Như Hiển (sưu tầm)