LỄ HỘI DÂN TỘC MƯỜNG, HÒA BÌNH (Bùi Mgọc Thanh) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Sunday, March 19, 2017

LỄ HỘI DÂN TỘC MƯỜNG, HÒA BÌNH (Bùi Mgọc Thanh)


Hòa Bình Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Hoà Bình là một tỉnh miền núi có nền "Văn hoá Hoà Bình" nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ, là vùng sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, là miền đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, vùng của những lễ hội giầu bản sắc dân tộc Tây Bắc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc: Mường, Dao Thái, Mông...  Là quê hương của những làn điệu dân ca "ngọt như mật ong, trong như dòng suối"; những trường ca, truyện thơ đậm nét văn hóa dân tộc và chất nhân văn tinh tế…  Mời bạn đến với mảnh đất Hoà Bình để cùng khám phá và cảm nhận vẻ đẹp của một miền văn hoá giàu bản sắc.

I.Khi nhắc đến văn hóa Hòa Bình, không thể không nhắc tới văn hóa của người Mường. 
Trong cộng đồng 7 dân tộc gồm Mường, Dao, Thái, Tày, Mông, Kinh và Hoa đang sinh sống trên mảnh đất Hòa Bình thì người Mường chiếm tới 63,3% và được gắn liền với những địa danh nổi tiếng là Bi, Vang, Thàng, Động, cùng áng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước.” 
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, người Mường Hòa Bình có những đặc trưng riêng về ngôn ngữ, trang phục, phong tục, tập quán... tạo nên vẻ đẹp phong phú và đặc sắc trong bức tranh văn hóa Hòa Bình. 
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Mường Hòa Bình vẫn được lưu giữ và phát huy, trong đó, lễ hội được đánh giá là một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt có từ xa xưa của người Mường, bao gồm các mặt như tinh thần, vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật.... 
Do người Mường có nguồn gốc gần với người Kinh nên ngôn ngữ của họ thuộc nhóm  Việt-Mường. Đồng bào Mường định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường có truyền thống làm ruộng và cây lúa nước là cây lương thực chủ yếu.

II.Nhà sàn của người Mường
Đến thăm những bản làng của đồng bào Mường, chúng ta sẽ thấy những ngôi nhà sàn dựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra cánh đồng xanh bát ngát, xung quanh nhà là cây cối bốn mùa đơm hoa, kết trái. Ngôi nhà sàn dựng theo kiểu truyền thống của người Mường, vì được bố trí khéo léo nên không gian rất thoáng đãng và đặc biệt tiện lợi. Với đặc trưng kiểu nhà này, người Mường đã tạo nên cho mình một tập quán riêng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong lao động sản xuất, vừa trồng lúa, làm nương rẫy, vừa chăn nuôi gia súc gia cầm. Nhà sàn của người Mường ngoài công năng để ở và cất trữ tài sản, phòng tránh thú dữ, rắn, rết và phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở vùng núi, còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hóa, giáo dục các thành viên trong gia đình.
Trong truyền thống văn hoá của dân tộc Mường thì không cho phép dựng nhà thành hàng, lối nhưng bao giờ, nhà sàn cũng đều ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận tiết trời trong lành và tiện cho việc sinh hoạt, săn bắn, đi rừng. Ở giữa màu xanh thiên nhiên núi rừng, những nếp nhà sàn vẫn tồn tại như một minh chứng rõ nét nhất về sức sống lâu bền của văn hoá Mường hàng nghìn năm qua.
Nhà sàn của người Mường thường phân ra ba mặt bằng: Mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình; sàn nhà là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi; còn gầm sàn nhà dùng để các dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc, gia cầm. Mỗi nhà có thể bày biện, trang trí khác nhau nhưng cấu trúc cơ bản về gian, buồng giống nhau.

Hình ảnh: nhà sàn ở huyện Lạc Sơn

Nguyên liệu cơ bản được bà con sử dụng để dựng nhà sàn là gỗ, thường là các loại gỗ trai, chò chỉ, nghiến, sến, táu, dổi, de, đinh, lát...Ngoài gỗ để làm các chi tiết chính, nhà sàn của người Mường cần sử dụng các loại tre, bương, hóp để làm đòn tay, đan vách... Cột nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông nhưng phổ biến là tròn; chân cột thường được chôn xuống đất nhưng cũng có nơi dùng các hòn đá tảng để kê. Vì chân cột nhà sàn thường được chôn sâu xuống đất từ 80cm - 1m nên phải làm cột bằng thứ gỗ không bị mối ăn, không mục, không mọt. Trước đây nhà sàn cổ sử dụng đinh gỗ, đinh tre, chêm gỗ để cố định mộng chính và dùng các loại dây leo bện để níu những mộc phụ theo hình chữ X. Hiện nay bà con nơi đây đã biết sử dụng đinh sắt để thay cho dây lạt, dây rừng có tuổi thọ không cao. Mái nhà sàn truyền thống thường được lợp bằng cỏ gianh, lá cọ nên nhà người Mường ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.

Hình ảnh: nhà sàn Huyện Mai Châu

Nhà sàn cổ truyền của người Mường thường cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái... (tương đương ba gian, năm gian, bảy gian...). Các cửa số, kể cả cửa voóng toong (cửa sổ chính) chỉ làm ở phía trước của ngôi nhà. Giữa các gian thường không có cửa một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt có tính chất tượng trưng. Riêng buồng con dâu, con gái lớn, mặc dù không có cửa nhưng những quy ước bất thành văn rất chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt rằng, ai khi nào được vào và ai khi nào không được vào.
Đặc biệt, ở bất kỳ hướng cửa sổ nào với người Mường đều được coi là thứ rất linh thiêng và là điều tối kỵ nếu phụ nữ ngồi lên cửa sổ. Cửa sổ trong tiềm thức và phong tục lâu đời của người Mường là dùng để tiễn đưa những người thân trong gia đình sang thế giới bên kia sẽ đi theo lối này.
Người Mường xưa thể hiện sự giàu có, địa vị xã hội bằng cách làm nhà to, làm nhiều nhà. Nhà sàn của nhà lang bậc trung hồi đầu thế kỷ XX thường dài đến 100m. Với nhà lang nhỏ thường làm nhà dài 30 đến 40m, nhà dân thường có khả năng kinh tế thì thường khoảng 20m. Vì thế, nhà sàn là trung tâm trong không gian sống rất đặc trưng của người Mường.
“Màn” hay còn gọi là cầu thang thường được làm bằng gỗ hoặc nguyên thân cây gỗ tròn và tạo bậc trên chính những thân cây đó hay cũng có thể được đẽo thành hình chữ nhật. Cầu thang không dựng thẳng vào cửa chính mà dựng vào mép một cái sảnh gỗ và đặt vuông góc với chiều đòn nóc của nhà.
Trong nhà sàn của người Mường, không gian được chia theo cả chiều dọc và chiều ngang. Từ cầu thang chính bước vào phần giữa sàn nhà phía dưới bếp, phía ngoài là để tiếp khách, phía trong là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Trong nhà, theo chiều dọc, phía trên có các cửa sổ gọi là cửa voóng, chỗ ngồi gần cửa voóng thường dành cho người cao tuổi, còn phía dưới dành cho lớp trẻ. Theo chiều ngang, phía ngoài dành cho nam giới, phía trong dành cho nữ giới
Theo phong tục của người Mường khi làm cầu thang thì bậc thang nhất thiết phải là số lẻ và được dựng ở các thế đất khác nhau. Theo quan niệm của người Mường, số lẻ của bậc thang thể hiện ước nguyện quy luật vào - ra - vào thì của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình luôn được êm ấm, đoàn tụ, con cháu thành đạt. Số lượng bậc có thể là 3, 5, 7, 9… nhưng tuyệt đối không được là số chẵn.
Điều thú vị nhất trong tổng thể cách xây dựng nhà sàn của người Mường, thì đó là những kết cấu hoàn chỉnh không chỉ tạo dựng nên một ngôi nhà sàn đặc trưng từ cổ kim đến giờ vẫn nguyên vẹn. Lý thú hơn cả, là ở mỗi bộ phận cấu thành nên nhà sàn nó lại mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc gắn kết chặt chẽ với con người hàng nghìn năm không thay đổi.
Về Hòa Bình, nhiều du khách ngỡ ngàng khi ngắm những ngôi nhà sàn cổ và độc đáo. Qua bao thế hệ, người dân tộc Mường vẫn giữ nguyên nét bình dị trong kiến trúc xây cất nhà sàn cổ, nhưng chứa đựng những vẻ đẹp độc đáo.
III. Trang phục của người Mường
Bên cạnh cách dựng nhà ở, trang phục của người Mường cũng có nét độc đáo riêng biệt.Trang phục cũng như tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục của người Mường có đặc trưng riêng.

Hình ảnh: trang phục dân tộc Mường

Đàn ông thường là mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Quần của của đàn ông thường có ống rộng và dùng khăn thắt giữa bụng (còn gọi là khăn quần). Đàn ông đầu thường cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Khi nhà có lễ hay dịp Tết, đàn ông Mường thường mặc áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo chùng đen dài tới gối, cài cúc nách và sườn phải.

Trong khi đó nữ giới hằng ngày thường mặc áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, ống tay dài, áo màu nâu hoặc trắng, bên trong mặc áo yếm trắng. Đầu thường đội khăn trắng, xanh với phong cách không cầu kỳ như một số tộc người khác. Váy là loại váy kín màu đen.

Hình ảnh: Người đẹp xứ Mường huyện kỳ sơn năm 2013

Nét đặc sắc trên trang phục của người Mường chính là những mảng hoa văn nổi lên giữa trang phục và cạp váy, thắt lưng. Kỹ thuật dệt cạp váy rất khó, bao gồm nhiều khâu, thao tác phức tạp hơn dệt vải thông thường, do vậy, đòi hỏi sự khéo léo cao. Đặc biệt, tài năng của người dệt còn thể hiện ở việc bố cục, sắp xếp hoa văn trên từng bộ phận sao cho hợp lý, đẹp mắt, để các họa tiết có thể hỗ trợ, làm nổi bật lẫn nhau mà không phá vỡ bố cục chung. Tôi được biết : có gần 40 mẫu hoa văn, hình tượng được trang trí trên trang phục của đồng bào Mường, đặc biệt hình tượng con rồng được đồng bào ưa chuộng nhất: “Điều khó nhất là trước hết chúng ta phải tính toán, phải nhặt ra trước hết là chúng ta làm con rồng thì con rồng gồm bao nhiêu cái chùm để chúng ta biết có bao nhiêu sợi để tạo thành cái đầu. Ví dụ như cái râu, hoặc cái mình của nó hoặc cái đuôi uốn lượn là mình phải nhặt ra để mình làm cái co. Mỗi hoa văn lại có một cái co này để sau này để nhấc lên, rồi xuyên chỉ để nó có màu trắng, màu đen hoặc màu đỏ để nó kết hợp hoặc làm nổi bật con rồng bay”.

IV. Lễ hội văn hóa của người Mường
Ở Hòa Bình không có những lễ hội quy mô, đồ sộ có sự tham gia của đông người với những trang phục, lễ vật, đồ tế khí, cùng những quy định bài bản như các lễ hội của người kinh dưới miền xuôi, không có những hội chơi núi mùa xuân hay chợ tình lãng mạng mà tha thiết của người Mông ở vùng tây bắc…Tuy vậy, cộng đồng các dân tộc sống trên đất Hòa Bình, đặc biệt là người Mường, cũng có những lễ hội riêng mang đậm nét văn hóa. Phải chăng do mật độ cư dân của các dân tộc Mường, Dao, Thái ở đây thường tập trung thành các khi riêng, có vẻ khép kín mà có lễ hội của họ thường không có quy mô lớn, không nổi trội, vượt xa khỏi khu vực họ sống. Ngay cả người Mường cũng được chia ra thành bốn Mường chính, có những sự tự trị nhất định ở mỗi nơi, làm cho nó phần nào hơi bị khép kín.
Thường vào mùa xuân, ở các vùng Mường trong tỉnh Hòa Bình bắt đầu tổ chức lễ hội, không chỉ để vui chơi mà còn là dịp để bà con thỉnh cầu ước nguyện với trời đất, thần thánh, tổ tiên cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Qua các lễ hội người ta gửi gắm hy vọng vào một mùa bội thu, một năm mới ấm no, hạnh phúc, bình yên cho cả bản mường. 
Nét đặc trưng ở các lễ hội dân gian của người dân tộc Mường thường thể hiện sự kết nối của cộng đồng, tinh thần đoàn kết, gắn bó của một bản Mường, một vùng Mường. 
Trong lễ hội, phần lễ thường được tổ chức rất trang trọng và linh thiêng. Theo quan niệm của người Mường, họ thường thờ cúng những vị thần, thánh, có thể là thần Đất, thần Nước, tổ tiên hoặc người có công lao dựng làng, dựng mường… 
Là sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh sâu sắc, các nghi lễ thể hiện sự sống hòa mình cùng thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên của một cộng đồng Mường. Cả người Mường, Kinh, Thái, Dao, Mông ở Hòa Bình đều không có một lễ hội nào có quy mô to lớn. Song, những lễ hội của họ như lễ khuống mùa (xuống đồng), sắc bùa, chá chiêng, đu tre…không kém phần đặc sắc và bao hàm nhiều ý nghĩa nhân văn.
Lễ hội của các dân tộc ở Hòa Bình gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng dân cư tồn tại ở đây từ lâu đời. Những cộng đồng người Mường có những mối quan hệ hết sức gần gũi với người Việt và đã từng có một nền văn hóa khá phong phú mà nhiều sắc thái còn giữ được cho đến ngày nay. Nền văn hóa đó đã góp phần lớn vào nền văn hóa HB đã trở thành một hiện tượng văn hóa được thế giới công nhận. Dưới đây là một số lễ hội tiêu biểu ở Hòa Bình: 

Lễ hội xuống đồng(khuống mùa) của người Mường: đây là một lễ hội rất phổ biến của người Mường xưa, giống như lễ hội lồng tồng của người Tày- Nùng vùng Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang…mục đích của lễ hội là để cầu cho mùa màng của một năm mới thịnh vượng, may mắn. đồng thời, việc thực hành những nghi lễ cầu mùa cũng là dịp để người Mường nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và bày tỏ những ước vọng của mình về một cuộc sống tươi đẹp và yên bình. Lễ hội này thường diễn ra vào dịp đầu xuân, như vùng Mường Bi, xóm Lũy huyện Tân Lạc, vùng mường Chiềng, Mường Tôm, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn….

Hình ảnh: lễ hội xuống đồng huyện Tân Lạc

Lễ hội sắc bùa của người Mường: lễ hội này có nghĩa là xách cồng, là một hội vui có tính chất giải trí diễn ra vào dịp đầu năm mới ở những bản Mường để người ta cầu chúc nhau may mắn, mạnh khỏe. ngoài ra những dịp vui khác người ta cũng sắc bùa như đón khách quý từ xa đến, dựng nhà mới, đón dâu hoặc những dịp vui khác.

Hình ảnh: lễ hội sắc bùa của người Mường

Lễ hội cầu mùa của người Mường: Lễ hội cầu mùa tiêu biểu diễn ra ở vùng Mường Vang, Lạc Sơn, là lễ hội của mùa của 7 xã vùng Cộng Hòa tham gia. Lễ hội bắt nguồn từ việc trước đây khi thấy xuất hiện sâu bọ cắn phá mùa màng, các quan lang trong mường nhóm họp bàn việc tổ chức cúng. Có năm sâu bọ nhiều, sau khi làm lễ cúng, tự nhiên có đàn chim sà xuống cánh đồng bắt hết sâu bọ, làm cho lúa sạch sâu mà lại tốt tươi, từ đó người ta tin tưởng vào lễ hội cầu mùa cho nên hàng năm thường tổ chức lễ này.

Lễ hội đền Bờ: Đây là lễ hội có sự tham gia nhiều nhất và lớn nhất của người Kinh trên đất Hòa Bình, lễ hội là biểu tượng đoàn kết của ba dân tộc Kinh- Mường- Dao sống trên dải đất Hòa Bình. Đền Bờ hay đền thác Bờ là một di tịch lịch sử nổi tiếng, ở đây không những có đền mà còn có cả một cái chợ Bờ đã từng là tên của tỉnh lỵ. Tương truyền năm 1431- 1432, vua Lê Lợi đi dẹp giặc ở Mường lễ( Sơn La) qua đoạn thác Bờ hiểm trở đã được dân địa phương giúp đỡ rất tận tình. Trong số đó có bà Đinh Thị Vân người Mường và một bà người Dao giúp đỡ nhà vua về quân lương, thuyền bè vượt thác….khi hai bà mất, vua Lê Lợi đã truy phong công trạng của hai bà và ban chiếu cho lập đền thờ. Từ đó người dân ở đây thường mở hội hàng năm vào ngày mồng 7 tháng giêng để tưởng niệm hai bà và các vị thần. Hiện nay, di tích và lễ hội này thu hút rất đông khách thập phương từ dưới xuôi lên, lễ hội trở thành kéo dài suốt cả tháng, đến đây du khách vừa có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp vừa là nơi sinh hoạt tâm linh hấp dẫn.

Hình ảnh: dịp lễ tết ở Đền Chúa Thác Bờ

Người xưa kể lại: “Xưa kia, ở xứ Mường cổ, hình thái tổ chức xã hội đặc thù là chế độ Lang đạo, các dòng họ Lang đạo như: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng… chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu mỗi Mường có các Lang cun, dưới Lang cun có các Lang xóm hoặc Đạo xóm, cai quản một xóm. Trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường cũng có đoạn kể: Một hôm Lang Đá Cần, vị Lang đầu tiên cai quản đất Mường đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa van nài Lang đừng giết thịt, bù lại rùa mách bảo cho cách làm nhà sàn. Rùa dạy: “Bốn chân tôi là bốn cột cái/Hai mai tôi là hai mái nhà/Xương sống tôi là đòn nóc/Chặt cây lim làm cột/Lạt buộc bằng cây giang/Cỏ gianh dùng để lợp”. Câu chuyện này được coi như một điển tích về sự ra đời nhà sàn của người Mường. Nó gắn liền với những phong tục tập quán, sinh hoạt thường ngày của người dân bản. Và cho tới ngày nay, những nếp nhà sàn đó vẫn còn vẹn nguyên với người dân nơi đây. 
Hình ảnh con rùa cho đến nay không chỉ là con vật linh thiêng được người Mường tôn thờ mà còn sáng tạo ra một cách tính ngày tốt, giờ tốt gọi là phương pháp “trừ đá Rò” (Rò ở đây được hiểu là Rùa). Phương pháp này dùng để tiến hành dựng nhà hay cưới hỏi và làm những việc quan trọng khác của làng và dân bản.

V. Người Mường Vang (Hoà Bình) với cồng chiêng
Cồng chiêng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường, ngoài ra còn nhị, sáo trống, khèn lù. Đặc sắc nhất trong các loại hình này chính là những làn điệu của những bài dân ca Mường. Dân ca Mường nhiều thể loại như: Thường đang (hát mừng nhà mới), bọ mẹng (hát giao duyên), hay trường ca như Nghê Nga – Út Lót. Những lời ca trong dân ca         Mường thường có câu 6 và câu 8 xen kẽ nhau như một câu thơ lục bát của người Việt cùng những thang âm luyến láy: “Câu lạc bộ đang cố gắng tìm lại những làn điệu dân ca cổ và truyền dạy lại cho con cháu. Hát “rặm thường” và “hát đúm” được thanh niên nam nữ ngồi hát với nhau hoặc khi có đám cưới…

Mường Vang là một vùng đất, một địa danh lịch sử - văn hóa nổi tiếng của người Mường. Cái tên Mường Vang đã in đậm vào tâm thức người dân Lạc Sơn nói riêng, Hòa Bình nói chung. Mường Vang bao chứa trong nó những giá trị văn hóa dân gian hết sức phong phú, đa dạng của người Mường; rất nhiều trong số đó chưa được biết đến, hoặc chưa được giải mã. 
Một trong những hiện tượng văn hóa dân gian được biết đến từ lâu của Mường Vang, đó là cồng chiêng. Cồng chiêng của người Mường ở Mường Vang thực sự là điển hình cho tính nguyên hợp của một hiện tượng văn hóa dân gian, cần thiết phải được nhìn nhận, nghiên cứu, ứng xử một cách toàn diện hơn trong một môi trường diễn xướng đúng như nó vẫn tồn tại từ bao đời.

Hình ảnh: lễ hội cồng chiêng ở Mường Vang, Hòa Bình

Theo các cụ cao niên thì ngày xưa cồng chiêng được bày bán ở chợ như thứ hàng hóa thông thường. Người muốn mua chiêng, nếu không biết cách chọn thì phải nhờ người am hiểu chọn hộ. Trước tiên người Mường quan tâm đến âm sắc, độ vang của chiêng. Người ta xách chiêng lên, dùng nắm tay đánh vào núm chiêng. Tùy theo chiêng lớn hay nhỏ mà người chọn chiêng dùng lực cho phù hợp để xác định âm sắc và độ vang của chiếc chiêng đó. Nếu đánh mạnh, hoặc nhẹ hơn so với khả năng âm vang của chiêng thì chiêng sẽ rè hoặc không vang đúng với âm thực của nó. Nếu đánh không đúng kỹ thuật thì hiệu quả cũng sẽ sai lệch như vậy (chẳng hạn thời gian tiếp xúc vào núm chiêng của nắm tay không được quá chậm - sẽ ảnh hưởng đến độ ngân vang của chiêng). Tất nhiên, người Mường Vang khi chọn không quan tâm đến nguyên nhân tại sao tiếng chiêng lại như vậy. Họ chỉ cần xác định đúng là tiếng chiêng chứ không phải tiếng chuông hay tiếng phèng la là được, nhưng phải đảm bảo yếu tố: khoẻ, thẳng, không méo mó, không rè. Người Mường coi mỗi tiếng chiêng có hồn riêng, ngoài lý do quan niệm vạn vật hữu linh, có lẽ còn vì đặc điểm tự nhiên nên mỗi chiêng có giọng riêng nữa. 
Nếu như các tộc người ở Tây Nguyên có nhiều cách sử dụng (đánh) chiêng thì người Mường chỉ có một, đó là treo chiêng lơ lửng sao cho không một vật hay một lực nào có thể ảnh hưởng tới tiếng chiêng, và chỉ đánh chiêng khi chiêng ở tư thế như vậy. Thành chiêng bao giờ cũng có hai lỗ nhỏ để xỏ dây treo chiêng. Người sử dụng một tay xách chiêng (cầm vào dây treo chiêng), tay kia cầm dùi đánh chiêng. Nếu chiêng quá nặng, có thể treo chiêng lên xà nhà hoặc hai người khiêng bằng cách treo chiêng dưới một cái đòn (trong trường hợp vừa đi vừa đánh). Dây treo chiêng thường được bện bằng sợi gai hoặc làm bằng loại dây dai và mềm để không ảnh hưởng đến âm sắc của chiêng. Dùi chiêng làm bằng loại gỗ chắc, dẻo, không quá cứng, quá nặng và không bị mối mọt. Đầu dùi bọc vải, quanh lớp vải đó là lưới sợi gai mềm vừa để trang trí vừa bó chắc những lớp vải vào đầu dùi. Người Mường không đánh ngoài núm chiêng, không bao giờ đánh chiêng bằng gỗ cứng, cán dùi, và cũng không bịt chiêng bằng tay tạo tiếng ngắt. Tất cả những cách sử dụng như vậy là để đảm bảo cho tiếng chiêng được vang lên chuẩn xác nhất, hay nhất, vang xa nhất. Điều này cho thấy người Mường coi trọng âm sắc, độ vang của chiêng như thế nào. 
Cồng chiêng không sử dụng bừa bãi, chỉ được đem ra đánh trong những dịp quan trọng đối với đời sống tinh thần của người Mường. Do thời gian sử dụng ít mà thời tiết thì nóng ẩm, mưa nắng thất thường, nên bảo quản cồng chiêng là vấn đề người Mường Vang hết sức coi trọng. Trên thực tế, hiện còn nhiều chiếc chiêng cổ vẫn đang được sử dụng khi có dịp. Tuổi của những chiếc chiêng đó ước chừng đến vài trăm năm. Người Mường Vang để bảo quản cồng chiêng bằng cách gác chiêng lên xà nhà hoặc treo chiêng trên vách nhà. Nếu vách nhà bằng ván thì treo cồng chiêng lên những chốt gỗ hoặc đinh. Nếu vách nhà bằng tre nứa thì treo cồng chiêng lên những chạc tre hoặc gỗ cắm trên vách. 
Một quy tắc bất di bất dịch của người Mường Vang là không úp miệng chiêng vào trong hay xuống dưới. Khi nghỉ giải lao trong cuộc vui đánh chiêng, người ta ngồi xuống, không quên đặt chiêng xuống đất (hoặc sàn nhà theo qui tắc ngửa miệng chiêng. Các cụ tin rằng nếu úp miệng chiêng xuống đất thì chiêng sẽ bị mất tiếng, coi như chiêng "chết". Một điều cấm kỵ nữa là khi chiêng để dưới đất như vậy, đàn bà không được bước qua miệng chiêng. 
Chiêng càng được truyền qua nhiều đời càng quý. Cái quý ở đây không chỉ ở giá trị cổ vật mà chủ yếu là ý nghĩa của sự tiếp nối dòng đời, một tinh thần huyết thống gia đình. Tinh thần đó luôn hiện hữu bên những người đang sống thông qua hình hài của chiếc chiêng cùng với âm vang của nó. Người Mường không cúng giỗ người đã khuất theo ngày mất hàng năm như người Kinh, mà cúng giỗ theo các ngày lễ tết như Tết Nguyên đán, Tết cơm mới... Mỗi dịp như thế, họ đánh chiếc chiêng cha ông truyền lại để mời gọi tổ tiên về ăn giỗ. Người Mường cho rằng khi nghe tiếng chiêng đó thì chắc chắn ông bà, tổ tiên dù ở mường Trời hay mường Ma cũng lập tức về với con cháu. Như vậy, chiêng của người Mường còn là phương tiện "thông quan" giữa thế giới người sống với thế giới người đã khuất. Những gia đình, dòng tộc còn giữ được những chiếc chiêng truyền đời như thế đều lấy làm tự hào với cộng đồng. Chiêng quý chỉ truyền cho con trai trưởng, không có con trai trưởng mới truyền đến chú. Cồng chiêng Mường Vang mang những đặc trưng chung của cồng chiêng Mường, nhưng cũng có những nét riêng không thể lẫn với cồng chiêng của các vùng mường khác. Trong khoảng chục năm trở lại đây, sinh hoạt cồng chiêng trong cộng đồng đã có tín hiệu khôi phục, và nay vẫn được duy trì tương đối tốt. Môi trường mà trong đó sinh hoạt văn hóa cồng chiêng cổ truyền tồn tại là khá nguyên vẹn so với các vùng mường khác. Với các điều kiện gần với nguyên bản cổ truyền, cồng chiêng ,Mường Vang luôn là sự lựa chọn để đại diện cho cồng chiêng Mường nói riêng, nghệ thuật dân gian Mường nói chung trong các liên hoan nghệ thuật khu vực và toàn quốc. 
Dân tộc mường Hòa bình còn rất nhiều những bản sắc văn hóa của dân tộc từ lễ hội đến văn hóa và phong tục tập quán, nếp ăn ở. Những văn hóa trên là những văn hóa nổi bật, đặt sắc của dân tộc Mường Hòa bình nó không chỉ bó hẹp trong phạm vi mường biết, mà nó còn là nét đặc trưng riêng biệt đối với các dân tộc khác, đây cũng là nét mộc mạc và giản dị. nhưng nền văn hóa đặc sắc của người Mường cùng trường ca “Đẻ đất đẻ nước”đã được truyền lại qua bao thế hệ, để ngày nay mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền. Mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, những thế hệ đồng bào Mường cùng nhau xây dựng bản làng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần, cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc… và cùng các dân tộc anh em xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh.
 Bùi Ngọc Thanh

Share with your friends