Chợ của loài chim xứ đồng rừng (Hoàng Thị Hải) - Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất

Saturday, April 8, 2017

Chợ của loài chim xứ đồng rừng (Hoàng Thị Hải)

Một góc chợ chim Cán Cấu.

Biên phòng - Thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) không chỉ có những phiên chợ trâu, bò, hay những cuộc đua ngựa nổi tiếng, mà còn có những chợ chim rất độc đáo. Những năm gần đây, cùng với quá trình hội nhập và phát triển của ngành du lịch Lào Cai, những phiên chợ chim xứ đồng rừng này không chỉ là điểm hẹn của bà con các dân tộc sống trên non cao trong tỉnh, mà còn là điểm dừng chân thưởng ngoạn của du khách gần xa.

Thị trấn Bắc Hà một sáng sớm ngày Chủ nhật, sương mù còn bao phủ trên các đỉnh núi và những ngọn cây. Chúng tôi dậy sớm để xuống chợ vùng cao Bắc Hà. Đến nơi đã thấy một khung cảnh rực rỡ sắc màu. Phía ngoài, dưới những bãi đất khấp khểnh, lác đác những con trâu đen bóng, con ngựa lông vàng sậm đã đứng đợi khách tới xem. Đó là chợ gia súc, nơi bà con mang những con vật của mình nuôi đến bán. Bên trong chợ, những cái bếp từ các quán hàng ăn sáng đã đỏ lửa, những nồi nước dùng sôi sùng sục, thơm phức. Hít hà mùi thơm quyến rũ ấy khiến ai nấy đều cảm thấy đói cồn cào.
Chúng tôi sà vào ăn sáng ở một quán nằm sâu trong chợ, nơi có chiếc bàn gỗ cũ kỹ và mấy chiếc ghế đen xỉn. Trong khi chờ bát phở nóng hổi, chúng tôi tiếp tục câu chuyện về con chim chào mào "nữ hoàng" của các loại chim. Anh bạn đi cùng bảo, nghe nói một người chơi chim ở Lào Cai đã đánh đổi chiếc xe máy Nhật để được sở hữu con chim quý này.
Nghe chúng tôi bàn tán về chim, chị chủ quán tên Phương lập tức góp chuyện: "Các anh chị lên Bắc Hà tìm họa mi núi hay chào mào núi? Ở đây nhiều chim rừng quý lắm. Nhưng không phải phiên chợ nào cũng có đâu, may mắn lắm mới gặp". Tôi liền hỏi chị có biết chuyện người đàn ông dân tộc Mông dạo trước bắt được con chim chào mào lông trắng muốt không? Chị chủ quán xởi lởi: "Biết chứ. Từ hồi Cư Seo Tráng bắt được con chim quý, ai cũng biết mặt. Các chị muốn gặp Seo Tráng, cứ lên góc chợ chim ấy mà hỏi". Ăn vội bát phở ở chợ vùng cao, chúng tôi men theo đường đất đi đến chỗ có rất nhiều người đàn ông đang đứng, ngồi bên những chiếc lồng chim, chiếc để hở, chiếc phủ vải xanh, đỏ kín mít. Có chiếc đặt dưới đất, chiếc treo tít trên cành cây, lại có người đang cầm chiếc điện thoại mở tiếng hót của chim họa mi để "nhử" các con trong lồng khoe giọng.
Bấy lâu nay, chợ vùng cao thường gắn liền với hình ảnh những người phụ nữ xúng xính váy áo thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Nhưng đến với những phiên chợ chim ở vùng cao như Bắc Hà, người mua - bán chủ yếu là đàn ông. Giá của các loại chim cũng nhiều loại, từ vài chục nghìn đến vài chục triệu đồng, tùy vào độ thông minh và vẻ đẹp của từng con chim.
Ở nơi vùng cao quanh năm sương giăng và mây phủ này, sự chân chất của những người dân tộc vẫn khiến cho chợ chim thật sự đặc biệt. Những người đàn ông dân tộc Mông, Dao, Giáy, Phù Lá... đến chợ chim vì niềm đam mê, yêu thích. Khác hẳn với sự ồn ào của những phiên chợ thông thường, chợ chim xứ đồng rừng thường chọn một góc khá yên tĩnh, có khi ở góc một quả đồi vắng, lúp xúp cây cối. Những người đàn ông đến đây ăn nói cũng khẽ khàng hơn, nhường phần cho tiếng hót của các loài chim, đặc biệt là chim họa mi. Những bản "nhạc rừng" véo von, thánh thót của các loại chim như níu bước chân du khách.
Tôi lân la hỏi chuyện Vàng Sếnh về Cư Seo Tráng. Vàng Sếnh bảo: "Phiên này Seo Tráng không xuống chợ. Nó vào rừng mấy hôm nay để bắt chim chưa về". Nói rồi Vàng Sếnh cho biết, Cư Seo Tráng năm nay mới khoảng 28 tuổi, ở xã Na Hối, huyện Bắc Hà. Con chào mào mà Seo Tráng bắt được dạo trước lạ lắm. Lông nó trắng như tuyết, nhưng mỏ, mắt và chân chim lại có màu đỏ.
Cư Seo Tráng bắt được con chim lạ này ở gần khu vực chân núi Hoàng Liên. Sau khi phát hiện có con chim lạ, Tráng đặt bẫy theo phương pháp bẫy chim cổ truyền của người Mông ở vùng núi Tây Bắc để bắt nó, đây là con chim chào mào lông trắng trông rất lạ mắt. Khi biết tin Tráng bắt được con chim lạ ấy, nhiều người đòi mua khiến Tráng lưỡng lự. Nhưng khi thấy có người trả giá cao, sẵn sàng đổi cả chiếc xe máy để lấy con chim ấy, Tráng đã gật đầu. Vàng Sếnh nói, sau đó có người chơi chim cảnh ở Hà Nội về trả số tiền rất lớn cho người mua được chim của Seo Tráng.
Vàng Sếnh còn kể, vào cuối năm 2013, anh Giàng A Mùa, ở thôn Khe Đền (xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) cũng bắt được con chim chào mào trắng muốt. Con chim này A Mùa bắt được trong khu rừng dưới dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Chúng tôi tò mò muốn biết cuối cùng ai đã mua được con chim quý ấy, với giá bao nhiêu tiền, Vàng Sếnh cho biết: "Hồi ấy, nghe nói, một người chơi chim đã tới trả giá 95 triệu đồng, nhưng "thương vụ" đó không thành. Cuối cùng, chim lạ này về tay Bùi Đức Anh - một người mê chim cảnh ở thành phố Lào Cai".
Trong số chim bán tại chợ, họa mi vẫn được giới chơi chim coi là số một. Người chơi chim thường truyền nhau câu: "Nhất mi, nhì khuyển, tam chòe, tứ mào". Chúng tôi gặp ông Lèo Seo Lìn, người Mông đến từ bản Tả Cố Tỷ mang tới mấy con chim họa mi. Khi tôi hỏi, những con chim họa mi này ông bắt được lâu chưa? Seo Lìn không giấu giếm: "Bẫy được trong rừng hồi tháng 5 vừa rồi đấy. Nuôi mấy tháng rồi, giờ muốn bán đi lấy ít tiền cho con mua sách vở...". Nói rồi ông Seo Lìn kể: "Để bẫy được họa mi bây giờ không dễ. Chúng tôi phải đi đến những khu rừng xa như các huyện Văn Bàn, Bát Xát... Phải kỳ công lắm, có khi mất cả tuần may ra mới bẫy được...".

Người đàn ông dân tộc H'Mông mời khách mua chim.

Mấy năm nay, ở nhiều phiên chợ vùng cao hình thành một khu vực riêng để những người say mê tiếng hót của muôn loài chim đến đây trao đổi, mua bán. Mà đã là chợ thì kiểu gì cũng có đồ quý hiếm, đồ bình dân. Chợ chim xứ đồng rừng cũng vậy. Biết chúng tôi có ý kiếm một chú chim họa mi về nuôi, một người đàn ông có vẻ rất thông thạo địa bàn nhắc: "Cẩn thận kẻo mua phải chim nuôi cám nhé".
Thấy chúng tôi chưa hiểu rõ, người đàn ông tên Tùng giải thích: "Người bán chim bây giờ họ cũng ma lanh lắm. Họ quảng cáo đây là họa mi rừng mới bẫy được nhưng thực tế có khi không phải vậy đâu. Bởi không ít họa mi ở chợ này được nuôi, sinh đẻ theo hình thức công nghiệp ở bên kia biên giới, rồi một số lái chim nhập về bán kiếm lời". Nghe anh Tùng nói vậy, chúng tôi hơi giật mình nhưng cũng sớm hiểu, đó là quy luật. Nghề chơi cũng lắm công phu, với người chưa sành chơi chim, nhầm là lẽ thường, ở đâu cũng có thể gặp cảnh đó.
Rời chợ chim Bắc Hà, chúng tôi đi khoảng 10 cây số nữa thì đến chợ chim Cán Cấu. Phiên chợ này cũng toàn đàn ông tham gia. Chợ chim Cán Cấu nằm chót vót trên đồi cao, thấp thoáng cây rừng, chênh chếch khu chợ truyền thống. Chợ chim phải lánh xa tiếng ồn ào để các loài chim có thể khoe giọng, để người chơi chim ở gần hay ở xa đều có thể nghe rõ tiếng chim hót, lựa mà chọn cho kỳ được con chim quý. Phiên chợ này, ngoài những người đàn ông dân tộc Mông, Giáy... còn có nhiều người yêu chim ở các vùng đồng bằng, thành phố tìm đến. Cũng như chợ Bắc Hà, chợ Cán Cấu mỗi tuần chỉ họp một phiên duy nhất nên ai cũng muốn nán lại lâu hơn. Chợ cũng có phiên đông, phiên vắng khách; cũng có phiên đắt hàng, có phiên ế ẩm. Hết phiên, nhiều người đàn ông dân tộc lại phủ tấm vải sẫm màu xuống và xách lồng chim mang về treo bên hiên nhà.
Quá trưa, chúng tôi rời chợ chim khi có khá nhiều người lục tục ra về. Giữa non cao, trên những con đường vắt ngang đỉnh núi, dáng những người đàn ông dân tộc thiểu số lỉnh kỉnh tay xách lồng chim phủ vải xanh, đỏ như nét chấm phá sinh động giữa núi rừng. Để rồi đến những phiên chợ sau, họ lại vượt đèo, lội suối, mang những lồng chim xuống chợ...
Hoàng Thị Hải

Share with your friends