Lễ hội Mợi dân tộc Mường huyện Phù Yên
Lễ hội Mơi được tổ chức vào dịp đấu xuân, khi mọi việc đồng áng đã kết thúc (khoảng mồng 5 tết). Ý nghĩa cầu cho mọi người khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản mường no ấm, đoàn kết vượt qua khó khăn, giúp nhau xây dựng cuộc sống ngày một tốt hơn. Lễ hội Mợi là dịp để người dân được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất,
làm giàu chính đáng, nuôi dạy con cái trưởng thành và động viên nhau xây dựng bản mường ngày một tốt hơn. Các con nuôi cám ơn thầy Mợi đã chữa bệnh cứu người mang lại hạnh phúc cho mọi nhà bằng những cây thuốc nam gia truyền.Lễ hội Mợi gồm: Phần lễ và phần hội được tổ chức đan xen nhau. Phần lễ do thầy Mợi và các con hầu đảm nhiệm. Phần hội có sự hướng dẫn của thầy Mợi và sự tham gia của các con nuôi, bà con dân bản. Lễ hội Mợi diễn ra trong thời gian một ngày. Từ sáng sớm, thầy Mợi và các con hầu đã chuẩn bị các mâm lễ cúng. Vào lễ, thầy Mợi dùng lời hát đang, hát ví truyền thống của người Mường mời tổ tiên Mợi từ trên trời xuống trần gian, sau đó mời tổ tiên bên nội, tổ tiên bên ngoại, thần thổ địa, thần sông, thần núi cùng với tổ mợi về hưởng lễ, hương hoa, phù hộ cho con cháu, bản mường khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Sau khi cúng xong Tổ Mợi, các con nuôi mang các mâm lễ đến để dâng lên tạ ơn thầy Mợi, thầy Mợi tiếp tục làm lễ cầu cho các con nuôi của mình khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, ăn nên làm ra. Cúng mời tổ mợi và cầu phúc cho các con nuôi xong, thầy Mợi và các con hầu chuyển sang múa mợi. Các điệu múa được thể hiện trong lễ hội Mợi bao gồm: Múa xòe, múa khăn, múa trầu, múa kiếm, múa trồng bông dệt vải …Các điệu múa này vừa thể hiện tập quán truyền thống, vừa thể hiện các lễ nghi nông nghiệp. Các con hầu dỗ các ống tre xuống và gõ vào nhau, thổi khèn bè tạo nền nhạc rộn ràng cho các điệu múa. Vừa múa, bà Mợi vừa đi vòng quanh các con nuôi và bà con dân bản, bà dùng khăn quàng vào cổ mọi người để mời bà con dân bản vào cùng múa với thầy mợi và các con hầu. Điệu múa Mợi của người Mường vừa uyển chuyển, nhịp nhàng, vừa mạnh mẽ, say sưa. Càng về trưa thì số lượng người múa càng đông, tiếng nhạc càng rộn ràng. Sau thời gian nghỉ ăn trưa, buổi chiều các điệu múa lại được tiếp tục. Bên cạnh điệu múa là các trò chơi được diễn ra: bói hoa, ném còn, kéo co, đánh chó, đánh chuyền, đánh quay, nhảy lò cò, chơi bi, đánh quay, chơi ô ăn quan, nhảy dây, đánh yến…Các trò chơi dân gian diễn ra hào hứng, vui vẻ, thu hút được mọi lứa tuổi cùng tham dự.
Sau một ngày, lễ hội kết thúc bằng điệu múa trầu tiễn tổ tiên thầy Mợi về trời. Điệu múa phải thể hiện thật dẻo, thật khéo để mong đến ngày nay sang năm còn mời tổ mợi xuống trần gian dạy con cháu tập múa, làm nương, làm ruộng. Sau đó, thầy Mợi tổ chức một bữa cơm đoàn kết mời các con hầu, các con nuôi và bà con dân bản.
Lễ hội Mợi của dân tộc Mường tuy có qui mô nhỏ những mang tính nhân văn và cộng đồng rất lớn. Thông qua lễ hội đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh lành mạnh của nhân dân, đồng thời giúp nhân dân bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp, loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu không còn phù hợp. Sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu lễ hội Mợi của dân tộc Mường, huyện Phù Yên nhằm bảo tồn, phát huy và bổ sung vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Hoàng Thị Như Hoa