Cuộc đua cá chép là phần nhiều người mong đợi nhất trong lễ Tết Cá.
(Dân Việt) Người Tày ở xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, Hà Giang vừa tự hào đón nhận tin vui Tết Cá của dân tộc mình được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Tết Cá đã gắn bó với người Tày ở xã Mậu Duệ từ 300 – 400 năm trước, thường được tổ chức vào ngày 9.9 âm lịch hàng năm.
Độc đáo lễ mừng nhà mới của người Tày
Theo ông Nguyễn Đình Thái ở thôn Nà Sài, xã Mậu Duệ, Tết Cá bắt nguồn từ việc người Tày thường sống bên cạnh những dòng sông, suối, khai phá ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Từ đời sống sinh hoạt hằng ngày, người dân thả cá chép vào ruộng khi canh tác lúa (thường vào vụ mùa). Hằng năm, họ tổ chức ăn mừng đón vụ lúa mới và dâng lễ vật bằng cá chép nuôi tại ruộng để cảm ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho bà con một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đồng thời đó cũng là dịp để mọi người gửi niềm mong mỏi cho mùa màng năm sau tươi tốt, năng suất cao hơn, người dân ngày càng no đủ.
Trong Tết Cá, có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần chế biến, chuẩn bị các món ẩm thực từ cá chép ruộng để dâng cúng tổ tiên. Trong mâm cỗ cúng thường có từ 7 - 9 món ăn chế biến từ cá chép ruộng, nhưng quan trọng nhất và không được thiếu 3 món chính là: Cá rán, cá nướng và cá đồ măng chua.
Phần hội trong Tết Cá là cuộc thi bơi của các chú cá (hay còn gọi là Hội đua cá). Các “vận động viên” cá chép được buộc một sợi dây dù (hoặc cước) vào lưng và nối với những chiếc phao, thuyền gỗ nhỏ. Sau đó chúng được đặt vào những làn nước đã chuẩn bị sẵn và các chủ cá té nước để cho cá bơi ngược dòng. Cá nào đến đích trước sẽ dành phần thắng
San Nguyên