Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc La Hủ
Showing posts with label ₪ Dân tộc La Hủ. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc La Hủ. Show all posts

Wednesday, August 10, 2016

Tập quán săn bắt của dân tộc La Hủ ở Mường Tè (Quang Huynh)

Ngắm bắn.

Săn bắt là một hình thái kinh tế quan trọng của nhân loại cách nay khoảng 1 vạn năm. Hiện nay, một số tộc người trên thế giới vẫn duy trì duy trì hoạt động săn bắt như là một kế mưu sinh hữu hiệu nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực thực phẩm hàng ngày, trong đó có người La Hủ và các phong tục về săn bắt cho đến nay vẫn là một sắc thái văn hóa điển hình của tộc người này.

Nếu như ở hầu hết các dân tộc thiểu số khác, hoạt động săn bắt chỉ diễn ra vào dịp nông nhàn hay khi mùa màng sắp được thu hoạch thì với người La Hủ, hoạt động này diễn ra thường xuyên hơn. Các hình thức săn bắt của họ đơn giản, công cụ săn bắt thô sơ gồm có nỏ (khạ), súng kíp (chủ) và các loại cạm bẫy (va) như bẫy dúi (khẹ chô va), bẫy gấu (bô chô va), bẫy kẹp (va nhú), bẫy cần thắt (ha cà má va), bẫy sập (ka va), bẫy thắt (va nhúc), bẫy chuồng (mộ khố va), bẫy lao (gô va)… Bộ công cụ săn bắt tuy thô sơ như khá phong phú về chủng loại cho thấy vai trò của săn bắt trong đời sống người La Hủ. Có thể nói, với kỹ thuật sản xuất lạc hậu, khả năng chinh phục tự nhiên còn hạn chế; nhưng do sống ở nơi rừng còn tương đối nhiều, muông thú chưa bị cạn kiệt nên việc săn bắt của người La Hủ còn được duy trì ở mức cao và các sản phẩm thu được từ săn bắt vẫn chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu nhập của nhiều gia đình.

Săn bắt của người La Hủ là hoạt động của các cá nhân đơn lẻ. Trong ngôn ngữ La Hủ, cụm từ Gạ pố (Đuổi bắn) được dùng để chỉ hoạt động săn bắt nói chung. Người săn mang theo súng đạn, dao và chó săn (nếu có) rời nhà vào lúc 5 – 6 giờ chiều, rình săn chim, gà rừng. Những đêm không trăng, họ đi rình săn hươu, nai vào khoảng 9 – 10 giờ sáng ở những nơi hươu thường đến ăn quả rừng hoặc ở những nơi có nguồn nước mặn. Trong nhiều trường hợp, sau khi bắn con thú bị thương bỏ chạy vào rừng sâu, người săn phải lần theo vết máu có khi tới vài ngày sau mới tìm thấy xác thú đã chết do mất máu. Khi đi săn, người ta phải kiêng không nói là đi săn vì sợ “xúi quẩy”, sợ muông thú “thấy động” sẽ bỏ chạy hết. Ghi nhận từ điền dã cho thấy trong cộng đồng người La Hủ trước đây có ông Vàng Gô Chơ (mất năm 1970) ở bản Xà Hồ, xã Pa Ủ là một thợ săn giỏi, được cộng đồng thừa nhận là người bắn súng và nỏ rất tài. Mỗi khi đi săn ông đều kẹp nỏ vào nách và súng thì cầm ở tay. Khi vào rừng, ông gặp con thú nào mà phải dùng súng thì ông dùng súng, còn gặp con nào chỉ cần dùng nỏ thì ông dùng nỏ để tiết kiệm đạn và thuốc nổ.

- Săn bẫy là hình thức săn phổ biến của người La Hủ trong quá khứ. Hầu hết nam giới đều rất thành thạo trong việc làm các loại bẫy và thường xuyên đặt bẫy ở những nơi chim, thú thường hay đi qua. Đặc biệt là xung quanh bản và nương rẫy. Cách săn này có ưu điểm là không tốn nhiều thời gian, công sức mà vẫn có thể săn được chim, thú hàng ngày.

Người La Hủ ít săn vây, chỉ khi ai đó bất chợt phát hiện được một con thú lớn về gần bản thì người ta mới tổ chức vây đuổi. Đối tượng săn vây chủ yếu là các con thú lớn như gấu, lợn rừng, hươu, nai, sơn dương.v.v… Khí cụ dùng trong các cuộc săn vây là súng kíp, nỏ và chó săn. Vào cuộc săn, ngay khi phát hiện ra con mồi, người ta bố trí các tay súng thiện xạ thành vòng vây dưới sự chỉ huy của một người giàu kinh nghiệm. Số người còn lại cũng được chỉ huy bởi một người giàu kinh nghiệm khác lùa chó săn đi sâu vào rừng, theo dấu vết của con thú. Tìm được thú, người ta hò hét, hù dọa, điều khiển chó săn dồn thú về phía có vòng vây của tốp thiện xạ phục sẵn và các tay súng sẽ hạ gục con thú.

Lần theo vết thú.

Thú bắn được ở đâu sẽ chia phần ở đó. Với mỗi con mồi săn bắt được, người phát hiện thú được hưởng cái đầu và 4 cái chân, nửa bộ lòng và một đùi sau. Nếu thú bắn được là con hổ thì người phát hiện thú được thêm bộ da và bộ xương. Nếu thú bắn được là con gấu thì người phát hiện thú được thêm túi mật. Số còn lại của con thú được chia hai phần theo chiều dọc. Một phần được chia đều cho những người tham gia cuộc săn. Trong phần ấy, người ta lấy ra một miếng thịt cỡ bằng 2 ngón tay nướng chín làm phần thưởng cho người bắn được thú ăn ngay tại chỗ. Ai được ăn miếng thịt ấy đều cảm thấy rất tự hào và chuyện ấy sẽ được kể lại với các thành viên trong bản trong bữa liên hoan sau đó. Sau khi chia đều số thịt ở phần nửa cho những thành viên tham gia cuộc săn, bao gồm cả chó săn. Phần nửa số thịt còn lại của con thú sẽ được mang về bản và chia đều cho các gia đình trong bản.

Sau cuộc săn vây, cả bản diễn ra tiệc rượu liên hoan mừng bắn được thú lớn. Rượu thịt trong cuộc liên hoan do các gia đình cùng đóng góp. Trong bữa liên hoan, người ta kể cho nhau nghe về diễn biến cuộc săn, tôn vinh người đã bắn được thú.
 Quang Huynh (sưu tầm)

Bản La Hủ nơi đỉnh trời Tây Bắc (Đặng Thúy Hường)

Nằm ở miền heo hút vào bậc nhất của núi rừng Tây Bắc, đã có một thời gian dài bản Là Si (xã Thu Lũm) của đồng bào La Hủ như chìm khuất trong đói nghèo, lạc hậu và dường như bị tách biệt với bên ngoài bởi sự xa ngái. Thế mà dịp này trở lại Thu Lũm, chúng tôi đã được nhìn thấy tận mắt những mái nhà mới, những lối đi đỡ gập ghềnh và cả một tương lai sáng như đang đơm hoa, kết lộc trên mảnh đất ốc đầu. Mùa đông này hết đói rét rồi! - bà con La Hủ ai cũng hồ hởi khoe như vậy...

Sau gần 7 giờ trèo đèo, lội suối mới đặt chân đến bản Là Si của đồng bào La Hủ, bản biên giới xa bậc nhất xã Thu Lũm của huyện đặc biệt khó khăn Mường Tè (tỉnh Lai Châu) giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Gần ba chục nóc nhà hiện dần ra dưới rừng cây. Đó là những ngôi nhà đại đoàn kết đã được bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương xây dựng. Hình ảnh đầu tiên khiến chúng tôi chú ý là những đứa trẻ lấm lem, chân đất, lạ lẫm nhìn những người vừa đến. Lạnh tê cóng chân tay mà đám trẻ vẫn trần truồng như thời chiến tranh.
Người La Hủ cho đến nay, có lẽ là tộc người còn giữ nếp sống du cư, không canh tác và đồ ăn ưa thích là thịt thú rừng bẫy được. Trước đây, người La Hủ dựng lều ở giữa rừng, lợp lá chuối rừng. Chỉ độ chục ngày, săn hết dũi rừng, đào hết củ mài ở cánh rừng đó, họ lại di chuyển đến chỗ khác. Bao nhiêu chiếc lá vàng khô, mục rụm trở về với nơi nó đã sinh ra, là bấy nhiêu bàn chân du canh, du cư của người La Hủ đã bước qua. Cứ thế, ngàn đời đói nghèo nối tiếp nghèo đói, vất vả chồng chất, quanh năm chỉ quen với củ mài, củ sắn. Có lẽ thời trước, chính lối sống của một thời hồng hoang đã giữ họ mãi mãi trên những đỉnh núi sương mù. Người La Hủ ngủ rất ít. Đêm khuya, họ đưa gan bàn chân tới gần đống lửa rồi nằm co ro để ngủ, không có thói quen đắp chăn và cũng không tắm rửa. Người Hà Nhì thường bảo, người La Hủ săn được nhiều thú rừng là vì có đến sát gần con thú, nó cũng không phát hiện ra, vì người La Hủ không tắm rửa bao giờ, người họ có mùi giống như mùi thú rừng vậy...
Thiếu tá La Ngọc Dương, chính trị viên Đồn biên phòng Thu Lũm nói chuyện thời sự mà nghe như chuyện của thời nào xa lắm: “Lũ trẻ La Hủ thì phải tắm cho nó 3 ngày cũng không sạch hết bẩn. Ngày đầu tiên lên tới đây, chỉ có 3 chiếc lều gọi là nhà của người dân. Trời lạnh thế này, trẻ con toàn ở truồng, ngủ ngoài gốc cây. Người lớn ngồi nhặt từng hạt cơm trắng sót lại trong nồi để ăn, hoặc lên núi đào củ mài…”. Người La Hủ có tục, muốn cưới vợ, chàng trai phải có 36 con thú săn được mang làm lễ vật cho nhà gái. Nếu mà không đủ số này, người đàn ông La Hủ mãi mãi bị chê cười là lười biếng vụng về. Nhưng đấy chỉ còn là một tục lệ để kể cho nhau nghe mà thôi. Giờ đây trong những căn bếp trống tuênh, họ không có cả những bắp ngô cứu đói, chứ nói gì đến thịt thú rừng để dành làm đẹp cho danh giá của mình.

Bản Là Si, Vàng Mò Giá, 42 tuổi, ngồi kể lại với chúng tôi về nỗi khổ của người La Hủ: “Dân bản nghèo lắm cán bộ à! Làm không đủ ăn, bữa có củ mài, củ khoai sọ và ít măng là may mắn lắm. Trẻ con thì nheo nhóc, không được đi học, quần áo không có, tối đến chỉ biết đốt đống lửa to để nằm bên sưởi ấm...”. Mò Giá ngừng, thở dài, cầm điếu cày châm lửa ghé miệng rít một hơi rồi tâm sự tiếp: “Từng đêm, tôi cứ nằm mơ dân bản có được cái ăn, cái mặc và sống trong một ngôi nhà vững chắc, ấm cúng không sợ mưa, sợ gió nữa! Tôi cứ mơ và tin tưởng vu vơ như vậy chứ không dám chắc bao giờ mới thành hiện thực?”.
Sáng tương lai
Ngay từ những ngày đầu năm 2009, lần đầu tiên trong cuộc đời từ chốn rừng sâu, những người dân La Hủ đã có căn nhà theo đúng nghĩa đậm tình cảm đồng chí, đồng bào. Bà con La Hủ ở bản Là Si, xã Thu Lũm có khoảng 30 hộ, gần 140 nhân khẩu đều được hỗ trợ nhà mới để an cư từ mấy năm nay. Các chiến sĩ biên phòng Lai Châu khẳng định rằng, lực lượng biên phòng đã tìm ra người La Hủ, đã dựng nhà mới để mời bà con về rồi tiếp đó đã và đang bắt đầu từng bước giúp bà con trong bản thay đổi từ nếp sống lang thang sang định cư, ổn định. Quan trọng hơn, mấy năm qua, bộ đội biên phòng đã dạy bà con biết trồng lúa nước, trồng rau xanh, chăn nuôi trâu bò, giúp bà con đọc thông, nói thạo tiếng Việt...
Đi một vòng quanh bản La Si giữa cái lạnh se se của những ngày đầu đông vùng cao, lòng chúng tôi như ấm lại khi ngắm những căn nhà được dựng kiên cố, vững chắc, mái lợp tôn, khung gỗ, thưng tôn xung quanh. Chỉ sau vài năm, cuộc sống của bà con ở bản làng nơi “thâm sơn cùng cốc này” đã đổi khác hoàn toàn. Trưởng bản Vàng Mò Giá hào hứng thổ lộ: “Bà con ở đây luôn ghi nhớ công lao của chính quyền, của bộ đội biên phòng đã không quản khó khăn, ngày đêm lên đây chỉ cách khai hoang vỡ đất trồng lúa nước, đem hạt giống cho bà con trồng… Bản làng đang phấn đấu để có thể chủ động được hoàn toàn hạt gạo trắng để ăn, không phải dựa vào sự cứu trợ của Nhà nước nữa…”. Nhờ biết khai hoang ruộng, nương để trồng trọt rồi cả đầu tư chăn nuôi mà cuộc sống dần ổn định, nhờ thế trẻ em, dân bản được đi học để biết cái chữ. Hiện nay bản có một lớp xóa mù chữ, một lớp mầm non và một lớp tiểu học. Tổ công tác gồm trên một chục cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pa Ủ thường xuyên cắm bản hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác và chăn nuôi phát triển kinh tế. Y sĩ của đồn cũng được tăng cường đóng ở bản để làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Vùng đất mới bên đỉnh đèo A Ma Cổ sừng sững nay đã dần thay da đổi thịt với một hướng đi mới cho một tương lai sáng...

Chúng tôi rời Là Si phải mất tới 5 giờ dò dẫm trên con đường xuyên rừng mới ra tới quốc lộ 4D khi mặt trời đã dần khuất sau những dãy núi trùng điệp vậy mà cảm giác như con đường ngắn lại. Phía sau núi cao và mây mù ấy, cuộc sống vẫn còn rất nhiều gian khó. Nhưng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, một tương lai tốt đẹp đang đến với những đồng bào nơi mảnh đất phên dậu của Tổ quốc này.

Đặng Thúy Hường (sưu tầm)

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ (Triệu Kim Bắc)

Ngôi nhà của dân tộc La Hủ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
.
Ban thờ tổ tiên được người La Hủ gọi là Tê khừ hay Gù cu, nhưng cụm từ Tê khừ (Bát cúng) được dùng phổ biến hơn. Ban thờ tổ tiên của người La Hủ thường được đặt ở lưng chừng cây cột cái trong căn buồng ngủ của vợ chồng gia chủ.

Cùng với người Cống và người Si La, người La Hủ chịu ảnh hưởng lớn bởi những đặc trưng về kinh tế, văn hoá, xã hội của người Hà Nhì trong cùng địa vực cư trú. Bên cạnh đó, do một thời gian dài phải sống lang thang trong các cánh rừng sâu, thiếu thốn trăm bề đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của tộc người. Tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ phản ánh những đặc trưng đó trong văn hóa của người La Hủ hiện nay.
Trách nhiệm thờ cúng của con trai
Theo tập tục truyền thống, việc thờ cúng tổ tiên là nhiệm vụ của con trai và nếu gia đình có đông anh em trai thì trách nhiệm thờ cúng thuộc về người anh trai cả. Trong các dịp thờ cúng hàng năm, gia đình các em trai phải về dự lễ chứ không được lập ban thờ riêng. Chỉ khi nào anh trai chết thì ban thờ tổ tiên mới được chuyển cho người em thứ và cũng theo nguyên tắc ấy mà đến người em trai út.

Ban thờ tổ tiên được người La Hủ gọi là Tê khừ hay Gù cu, nhưng cụm từ Tê khừ (Bát cúng) được dùng phổ biến hơn. Ban thờ tổ tiên của người La Hủ thường được đặt ở lưng chừng cây cột cái trong căn buồng ngủ của vợ chồng gia chủ. Ban thờ đơn giản với một tấm nan đan bằng nan tre hoặc tấm ván gỗ có kích thước: dài 60 cm, rộng 20 – 30 cm, trên đó có 4 ống tre hoặc giỏ đan để dùng vào mỗi dịp Tết cổ truyền: 2 cái dùng để đựng cơm, 2 cái dùng để đựng nước trà mỗi khi cúng.

Ở phía trên tấm đan (hoặc ván gỗ) ấy, người ta buộc một cái giỏ đan (à da ga) hoặc một ống tre đựng một chút men rượu, một ít gừng, vài hạt muối và một đoạn chỉ đỏ. Dưới cái giỏ (hoặc ống tre) ấy là một túm lúa gồm những bông lúa được giắt lên sau mỗi mùa cơm mới.

Sự khác biệt giữa các nhóm La Hủ
Phong tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ có sự khác biệt giữa các nhóm. Ở nhóm La Hủ Trắng, ngoài việc thờ cúng tổ tiên vào Tết cổ truyền (tháng mười ÂL), Tết cúng bản (tháng ba ÂL) và Tết cơm mới còn cúng tổ tiên mỗi tháng một lần, thường chọn vào một trong những ngày Dần của tháng. Gia chủ dâng một bát cơm gói trong lá rừng lên ban thờ nhưng không được dâng rượu, thịt để cúng.

Trong tiếng La Hủ, tổ tiên được gọi là Dế mà khừ hay Ót tè. Theo quan niệm của người La Hủ, tổ tiên là bố mẹ, ông bà, cụ kỵ đã chết nhưng đồng bào chỉ thờ tổ tiên một đời, tức là bố mẹ của gia chủ và đó cũng chính là ma nhà (hà chạ).

Người La Hủ quan niệm con người khoẻ mạnh, ngũ cốc phong đăng, vật nuôi phát triển đều do ma tổ tiên phù hộ.

Các nhóm La Hủ Đen và La Hủ Vàng cúng tổ tiên bốn lần mỗi năm. Lần thứ nhất, họ cúng tổ tiên cùng với dịp cúng bản, gọi là Dệ ma khừ. Lần thứ hai, họ cúng tổ tiên trong Tết cơm mới, gọi là Ổ xơ chà. Lần cúng tổ tiên thứ ba trong năm được tổ chức trùng vào dịp Tết mùa mưa (tháng sáu ÂL) được gọi là Ổ te. Và lần cúng tổ tiên cuối cùng trong năm được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền, gọi là Khọ chà.

Lễ vật cúng tổ tiên gồm có: một con gà trống, hai bát gạo, hai chén rượu, một bát thịt và vài củ gừng. Sau khi luộc chín con gà, người ta dọn lễ vật ra một cái mâm đặt ở đầu giường ngủ của gia chủ. Ở cột ma nhà, người ta buộc vào đó một cành cây có lá còn tươi cho đầu gốc cành cây chạm đất và ngọn cành cây vươn đến chỗ giao nhau giữa cột thiêng và xà nhà. Ở ngọn cây này có buộc một sợi chỉ đỏ tượng trưng cho lá cờ.

Ở thân cành cây cắm dựa vào cây cột thiêng, người ta khắc 9 rãnh sâu vừa phải với khoảng cách đều nhau bắt đầu từ điểm cách đất khoảng một gang tay đến ngang tầm ngực người trưởng thành. Ở những rãnh đó, người ta gài ngang những cái lông cánh của con gà đã mổ hiến sinh (9 cái lông cánh gà).

Theo quan niệm dân gian, đó chính là bắc thang lông gà cho tổ tiên về hưởng lễ. Nhờ có thang này mà tổ tiên sẽ bay như chim từ điểm giao nhau giữa cột thiêng và xà nhà. Toàn bộ số lông đuôi gà và số lông cánh còn lại của con gà sẽ được buộc giắt lên cây cột thiêng.

Trong các dịp cúng tổ tiên, cả nhà thường nghỉ việc để lo nấu nướng. Chủ nhà đích thân chủ trì nghi lễ cúng.

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ cho thấy sự tương đồng khá rõ nét với tục thờ cúng tổ tiên của người Hà Nhì (nhóm Hà Nhì Cồ Chồ) ở nguyên vật liệu làm ban thờ và cách bài trí ban thờ tổ tiên. Đặc điểm đó còn phản ánh trong phân công trách nhiệm thờ cúng trong gia đình.

Nhưng đặc trưng riêng trong văn hóa La Hủ vẫn còn đậm nét trong nghi thức cúng tổ tiên của các nhóm La Hủ Đen và La Hủ Vàng với những quan niệm cổ xưa, sơ khai của loài người. Ở nhóm La Hủ Trắng, đó là tàn dư của một thời kỳ khó khăn, vật lộn mưu sinh trong những cánh rừng sâu giáp biên giới Việt - Trung thuộc các huyện Mường Tè (Lai Châu) và Mường Nhé (Điện Biên), khi mà cơm gạo đối với họ là đồ cao sang, chỉ dành để cúng tổ tiên.

Triệu Kim Bắc (sưu tầm)

Tại sao người La Hủ có trứng đỏ? (Kim Cúc)

Tượng trưng cho sự viên mãn, may mắn và sung túc, nhuộm trứng đỏ trở thành tục lệ cổ truyền của người La Hủ ở Lai Châu mỗi khi lễ tết, đặc biệt là lễ cúng bản.
Vào ngày Dần trong tháng 3 âm lịch hàng năm, người La Hủ thường tổ chức Lễ cúng bản để cầu bình an cho dân làng.

Trong ngày này, các gia đình sẽ sửa soạn đồ tế lễ gồm: cơm vàng, trứng đỏ và các lễ vật như ngô, khoai, bạc trắng, rượu… để cùng nhau cúng bến thuyền (Ca tà hứ), bến nước (Ló khọ sò hứ), Thổ địa (Thủ tý hứ) và cổng bản (Cá tu hứ). Chủ trì Lễ cúng là người coi sóc rừng thiêng của bản, Mí Cù. Lễ cúng được diễn ra 2 lần, lần thứ nhất cúng đồ sống, lần thứ 2 cúng bằng đồ chín.

Nhuộm trứng đỏ là một trong những phần việc quan trọng do người phụ nữ đảm nhiệm thường được làm trước ngày diễn ra lễ, tết. Mỗi người trong nhà sẽ được một quả trứng nhuộm đỏ (Ảnh: Internet)

Để nhuộm trứng, phụ nữ La Hủ vào rừng tìm lấy rễ cây "dè pó" – một loại cây dùng để nhuộm màu, đem về rửa sạch và nấu sôi để tạo ra loại dung dịch màu đỏ và có độ bám dính. Trứng gà sau khi luộc chín sẽ được nhuộm bằng nước rễ cây "dè pó" đã đun kỹ.


Khi nhúng vào dung dịch này trứng sau khi nhuộm sẽ có màu đỏ đậm, trở nên cứng, khó vỡ hơn

Trứng sau khi được nhuộm đỏ, sẽ đựng trong các giỏ làm bằng chỉ đan (gá u khạ sự). Với bàn tay khéo léo của người phụ nữ La Hủ, những chiếc giỏ được đan theo chiều đầu nhỏ của quả trứng quay lên trên đầu to, phần dây dài để đeo vào cổ và trứng nhuộm đỏ sẽ nằm ở giữa giỏ. Giỏ trứng thường được đan mắt cáo. Có nhiều cách để đan giỏ khác nhau, miễn sao giỏ trứng không làm tuột trứng.

Quả trứng ấy phải được đặt trong giỏ đan bằng chỉ các màu đỏ, xanh, vàng, trắng và đen, tượng trưng cho: kim, mộc, thủy, thổ, hỏa – các nguyên tố cơ bản hình thành Trái đất để mong điều may mắn luôn bền vững. Ngày nay, tục nhuộm trứng đỏ không còn phổ biến nhiều, ít thấy trong cộng đồng dân tộc La Hủ. Tuy nhiên, vào dịp lễ, tết người dân ở một số bản làng vẫn thường nhuộm trứng đỏ để làm quà tặng cầu may, chúc phúc cho con cháu trong nhà và những vị khách quý của gia đình.

 Kim Cúc (sưu tầm)

Lễ cúng bản của đồng bào La Hủ (Trang Hạ)

Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng bản.

(xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) được tổ chức nhằm mong ước bản làng bình yên, no đủ
Đồng bào La Hủ có nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng riêng, thể hiện chủ yếu qua các nghi lễ, câu hát, điệu múa… Trong số đó không thể không kể đến nghi lễ cúng bản độc đáo.

Lễ cúng bản còn gọi là Lễ Gạ Ma Te là một trong những ngày lễ truyền thống của dân tộc La Hủ, thường được diễn ra vào ngày Dần (ngày con Hổ trong tháng 3 âm lịch hàng năm). Người La Hủ quan niệm, nếu bản nào có nhiều người chết, thiên tai nhiều thì cả bản phải tập trung lại tổ chức cúng bản để đuổi tà ma xấu không đến quấy nhiễu, đời sống của người dân được ổn định, no đủ.
Đồ lễ chuẩn bị cho Lễ cúng bản gồm: lợn con, gà trống, gạo tẻ, rượu trắng, chỉ trắng, vòng bạc, lông gà, lông lợn cùng các vật dụng như mâm tre, lá chuối, ống tre…

Để thực hiện các nghi thức của Lễ cúng bản, ngay từ sáng sớm, thầy cúng đã cùng với dân bản chuẩn bị đồ lễ đi ra khu đất rộng đầu bản để làm lễ. Thầy cúng hướng dẫn mọi người sắp lễ. Ban đầu là lễ sống. Thầy cúng khấn gọi ma đến chứng kiến việc dân làng chuẩn bị làm cỗ cúng ma. “Hôm nay ngày lành tháng tốt, ma không tốt khắp bản hãy về đây, ma tốt thì đừng về, chúng ta mang gà, lợn và đầy đủ lễ vật chuẩn bị làm cỗ cho ma ăn…”
Sau đó thầy cúng bảo dân làng tập trung vào mổ lợn, giết gà, nấu chín thức ăn rồi lại cùng sắp một mâm cỗ để cúng. “Các ma xấu tập trung về đây, chúng ta đã nấu chín thức ăn rồi, chúng mày ăn xong thì biến đi, chúng mày trú ngụ ở đâu thì quay về chỗ đấy, đừng có quay lại đây quấy phá nữa…”
Sau khi mời ma ăn và đuổi ma đi, thầy cúng đổ bỏ tất cả thức ăn trên mâm cúng, số thức ăn còn lại thầy cúng bảo mọi người dọn ra cùng ăn uống vui vẻ. Mọi người tham gia phải ăn hết đồ ăn thức uống không được mang về. Bát đũa rửa sạch vì sợ ma ngửi thấy mùi thức ăn sẽ về theo. Dọn xong mọi người phải chạy thật nhanh về bản, thầy cúng đi cuối cùng để bảo vệ mọi người, phòng ngừa ma xấu đi theo.
Về bản, mọi người cùng nhau vui múa, hát mừng vì từ nay bản mình đã trở lại ổn định, không còn sợ ma xấu quấy nhiễu nữa.

Mọi người cùng nhau vui múa, hát mừng.

Theo thống kê, người La Hủ, hiện có khoảng 6.874 người chủ yếu sinh sống ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cũng như cộng đồng dân tộc anh em khác, người La Hủ có những nét văn hóa, tín ngưỡng riêng và hiện vẫn còn gìn giữ và bảo tồn cho tới ngày nay, trong đó có nghi lễ cúng bản độc đáo của dân tộc mình.

Trang Hạ (Sưu Tầm)

Phong tục cưới của người dân tộc La Hủ (Hoàng Thị Khuyên)

Phong tục cưới của người dân tộc La Hủ

Nếu có dịp lên vùng Tây Bắc, tại tỉnh Lai Châu, bạn sẽ có cơ hội tham dự lễ cưới của người La Hủ, một trong những nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc.
Lễ dạm ngõ
Phong tục cưới xin của người La Hủ mang những nét đẹp riêng. Vào tháng 11, 12 hàng năm - là dịp Tết của người La Hủ - cũng là mùa cưới của các đôi trai gái yêu nhau. Đôi trai gái La Hủ khi lớn lên sẽ được tự do yêu đương, khi đến tuổi lập gia đình việc cưới hỏi phải trải qua rất nhiều bước.
Lễ vật cưới của nhà trai đưa sang nhà gái bắt buộc phải có thịt sóc. Bên cạnh đó còn phải có hai chai rượu. Khi nhà trai qua nhà gái, nếu nhà gái thấy bằng lòng thì hai bên cùng uống rượu, nhắm thịt sóc.

Lễ hỏi
Lễ hỏi sẽ cách lễ dạm ngõ cách nhau khoảng bảy, tám ngày. Lễ ăn hỏi gồm hai chai rượu và số con sóc phải là số chẵn chứ không được số lẻ, chừng 6 đến 8 con. Số lượng sóc không được ít hơn 4 con và không được nhiều hơn 8 con.Số lượng số tùy vào nhà gái yêu cầu. Ông mối trong lễ hỏi sẽ là người tự tay làm thịt sóc, trình bày các món ăn này sao cho ngon để mời nhà gái.

Hai bên sẽ trao đổi về tiền cưới và thời gian ở rể trong khi ăn uống vui vẻ. Ngày xưa tiền cưới thường từ 70 đến 80 đồng bạc trắng. Trường hợp nhà rể nghèo, không có bạc trắng, thì anh phải ở lại làm rể ngay tối hôm đó. Thời gian ở rể bây giờ rút xuống còn từ 2 đến 4 năm, thời trước từ 8 đến 12 năm.

Lễ cưới
Trong lễ cưới đoàn đi đón dâu phải là số lẻ, trong đó có hai ông mối và chàng rể. Ông mối sẽ là người trao tiền cưới cho nhà gái. Cô dâu cũng không được ngoảnh lại nhìn ngôi nhà cô sinh ra và lớn lên cho dù có nhớ bố mẹ, vì nếu cô dâu quay lại cuộc sống vợ chồng sẽ thường xuyên cãi cọ sau này.

Mẹ chồng đã đứng đợi ở cửa, đợi rước dâu về. Mẹ chú rể sẽ lấy một nắm gạo xoa lên lưng con dâu, ngụ ý xóa hết cỏ để con dâu không mang cỏ về, trên nương sẽ không có nhiều cỏ mọc. Lại còn tục lệ: bà mẹ chồng trồng hai cây riềng ở hai bên cửa vào nhà, rồi buộc sợi chỉ trắng qua hai cây riềng. Lúc vào nhà, cô dâu và chú rể không được đi cùng một hướng mà cô dâu đi phía tay trái, chú rể đi phía tay phải, rồi chú rể dùng tay trái, cô dâu dùng tay phải cắt đứt sợi chỉ đó, bước vào nhà. Xong thủ tục này hai họ cùng nâng chén chúc những câu tốt lành và ăn uống vui vẻ.

Hoàng Thị Khuyên (sưu tầm)

Phục dựng Tết mùa mưa của dân tộc La Hủ (Hồng Hải)

Không khí hào hứng của trò chơi đẩy gậy.

 Lễ phục dựng được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Mường Tè tổ chức ngày 15/7 tại bản Phìn Khò (xã Bum Tở, huyện Mường Tè).
Tết mùa mưa là một trong những hội lớn của dân tộc La Hủ, thường được tổ chức vào tháng 6 âm lịch. Đây là dịp để bà con tiến hành các nghi lễ cúng tế mong sự bình an, may mắn, sức khỏe và mùa màng bội thu. Đồ cúng tế thường có thịt lợn, gà, nước chè, rượu, cơm.

Phục dựng Tết mùa mưa của người La Hủ, bản Phìn Khò đã tiến hành đầy đủ các nghi lễ cúng tế và tổ chức các trò chơi dân gian: Đu lăng, đu quay, bập bênh quay, cà kheo, đánh tù lu…
Phát biểu trong Lễ phục dựng, ông Đỗ Hạ Long – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Phục dựng Tết mùa mưa là một trong những giải pháp tích cực góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc La Hủ; các cấp, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương người dân cần chú trọng quan tâm, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Phụ nữ La Hủ sửa soạn trước khi tham gia Tết mùa mưa.


…chơi bập bênh quay.

…đi cà kheo.

Hồng Hải (sưu tầm)

Lễ hội cầu mùa của dân tộc La Hủ (Thái Thịnh)

 Người La Hủ bắt đầu vụ mùa từ cuối tháng 5 sang đầu tháng 6, sau khi dọn sạch nương và phơi cho cỏ chết thì bắt đầu tra hạt. Khi đến nương, người chủ gia đình sẽ chọn một địa điểm tốt và làm lý trước. Quá trình làm lý này chỉ do một mình chủ gia đình thực hiện.

Người chủ gia đình sẽ nói câu cầu với đại ý: cầu cho tra hạt, hạt nảy mầm sinh trưởng tốt. Khi chủ gia đình nói câu này thường không để cho ai nghe thấy. Điều này với người La Hủ là để câu cầu mùa ấy sẽ đến tai các vị thần mà không ai hay biết để các vị thần phù hộ và ban cho mùa màng tươi tốt. Sau khi làm lý xong, quá trình tra hạt bắt đầu.

Người La Hủ thường không chọn điểm gieo hạt đầu tiên mà họ thường làm cuốn chiếu từ xa đến gần cho đến khi xong. Số hạt giống dư thừa ở sọt nhỏ đeo bên mình sẽ được gom lại đeo về nhà gói gọn giấu vào kho thóc gia đình. Theo quan niệm của người La Hủ, khi lúa trên nương chưa nảy mầm được hai, ba lá nếu lấy hạt giống ra ăn thì giống sẽ không mọc và cây không sinh trưởng tốt. Khi việc tra hạt đã xong, bất kể là xong vào ngày nào, nhưng phải đợi đến đúng ngày con Rồng thì gia đình mới bắt đầu Lễ cúng cầu mùa.

Các vật cúng cầu mùa được bày trên cái mâm tre đan gồm: 2 bát thóc, 2 bát gạo, 2 chén men rượu do gia đình tự chế, 2 đôi đũa và 1 con lợn cái sống đặt cạnh mâm lý. Khi người chủ gia đình cúng xong lợn sẽ được mổ ngay cạnh mâm lý và lấy gan để xem số, sau đó đem đi luộc chín và lấy mỗi thứ một ít để tiếp tục cúng. Trong quá trình luộc lợn, cho 2 bát gạo làm lý vào nồi luộc để nấu thành cháo rồi múc ra 2 bát làm lý cùng mâm cúng.


Việc cúng cầu mùa diễn ra bên bếp chính của gia đình. Vì người La Hủ xem bếp là nơi gia đình chế biến thức ăn và việc vụ mùa no đủ hay không thể hiện ở gian bếp treo lương thực, thực phẩm nhiều hay ít. Làm lý ở bếp là mong thần bếp và các vị thần khác phù hộ cho gia đình luôn đầy đủ cái ăn, mùa màng tươi tốt, lương thực, thực phẩm sẽ treo đầy, gia đình luôn no đủ.

Đối với dân tộc La Hủ, việc cúng cầu mùa cầu mong cho cây sinh trưởng và phát triển tốt và cho vụ mùa bội thu là nghi thức rất quan trọng. Các vật cúng ở mâm lý chỉ có những người trong gia đình mới được ăn. Sau khi làm lý xong, mâm lý được đưa ra giữa nhà và mọi người trong gia đình quần tụ mỗi người ăn một ít để hưởng lộc. Trong ngày cúng cầu mùa, kiêng không cho người ngoài gia đình vào và không cho bất kỳ ai mượn đồ đạc. Sau khi cúng chính xong, đợi đến ngày con Ngựa, một nghi thức khác sẽ diễn ra, đó là nghi thức cúng cột chính "Khô Bô Dệ Khư Xé Te Cha".

Trước ngày cúng cột chính, người chủ gia đình sẽ lên rừng ngắm trước một cành cây hạt dẻ không bị sâu và lá còn xanh để hôm sau lên chặt về làm lý cúng cột chính. Theo quan niệm của người La Hủ, cây hạt dẻ là cây ít bị sét đánh, lại có quả ăn được và là cây sạch nên lấy cây hạt dẻ về cúng cột chính là tốt nhất. Đến ngày con Ngựa, vào lúc chập choạng tối, chủ gia đình cầm dao sắc lên rừng chặt cành dẻ mang về. Khi về đến nhà mà chưa đến lúc cúng, chủ gia đình sẽ đặt cành cây dẻ phía ngoài dựa vào phên nhà. Đến giờ cúng, chủ gia đình ra lấy cành cây hạt dẻ mang vào và buộc vào cột chính của nhà (cột gần giường ngủ của gia chủ).


Sau khi buộc cành cây hạt dẻ vào cột chính, chủ gia đình lấy các vật cúng đặt chuẩn bị đem đến trước cột chính để cúng. Lễ vật gồm: 1 bát gạo, 1 chén men rượu, 1 con gà trống đỏ (đã biết gáy), 1 đôi đũa. Lúc đầu làm lý con gà trống đỏ còn sống. Cúng lần thứ nhất xong, chủ nhà sẽ cắt tiết gà ngay trước cột chính và đem đi làm sạch lông, luộc chín, lấy mỗi thứ một ít, sau đó tiếp tục cúng lần 2. Vừa cúng chủ gia đình vừa vo tròn các vật cúng bỏ xuống cột chính cho đến khi xong lý.

Nội dung lời cúng đại ý là: cầu mong các vị thần linh, nhất là thần sét sau khi gia đình làm lễ dâng cho thần ăn, thần hãy phù hộ cho gia đình không bị sét đánh. Thần sét xuống theo cành dẻ để gia đình cho ăn, ăn xong thần sẽ theo cành dẻ lên trời, khi nào thần sét đói sẽ theo cành dẻ xuống để gia đình cho ăn mà không đánh sập nhà.

Sau phần lễ là phần hội với các môn thể thao, văn nghệ và trò chơi truyền thống của dân tộc La Hủ. Ở phần văn nghệ, đồng bào đã chế tác được nhiều loại nhạc cụ riêng của dân tộc mình như: sáo, đàn tre, đàn đơ-đờ đơ, đàn ta-tò-ta… Mỗi nhạc cụ đều có một âm điệu khác nhau, tạo nên nét trầm bổng du dương lôi cuốn lòng người. Phần thi thể thao gồm các môn: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ của người dân 14 bản trong xã tham dự, tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng. Ngoài ra, bà con sôi nổi tham gia các trò chơi dân gian: đi cà kheo, đu quay, bập bênh và ném cơm vàng...

Việc phục dựng Lễ hội cầu mùa - "Lô Khọ" được ghi lại chi tiết sẽ trở thành tài liệu tuyên truyền hữu hiệu, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền về vai trò, vị trí của văn hoá đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng dân tộc La Hủ. Qua đó, tạo sự đồng thuận của xã hội về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc đặc biệt khó khăn như dân tộc La Hú.

Thái Thịnh (sưu tầm)

Tục nhuộm trứng đỏ của người La Hủ ở Lai Châu (Nông Thị Phiếu)

Công việc này do người phụ nữ đảm nhiệm, họ sẽ làm cho mỗi người trong nhà một quả trứng nhuộm đỏ.
Trong các dịp lễ tết, đặc biệt là lễ cúng bản, người La Hủ ở Lai Châu thường nhuộm trứng thành màu đỏ sẫm làm quà tặng nhau với mục đích chúc phúc, cầu may.

Công việc này do người phụ nữ đảm nhiệm, họ sẽ làm cho mỗi người trong nhà một quả trứng nhuộm đỏ. Ảnh: Langvietonline.
Người La Hủ (còn có các tên gọi khác như Xá Lá Vàng, Cò Xung, Khù Sung, Khả Quy) sống tập trung ở các xã Pa ủ, Pa Vệ Sủ, Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nhuộm trứng đỏ (Gá u nhi) là một trong những tập tục lâu đời của đồng bào dân tộc nơi đây, mang nét đẹp độc đáo, thú vị.

Lễ cúng bản (Gạ Ma Te) là một trong những ngày lễ truyền thống, thường diễn ra vào ngày Dần trong tháng 3 âm lịch hằng năm để cầu bình an đến với dân làng. Vào ngày này, các gia đình trong bản sửa soạn đồ tế lễ gồm cơm vàng, trứng đỏ và các lễ vật như ngô, khoai, bạc trắng, rượu…  để cùng nhau cúng bến thuyền (Ca tà hứ), bến nước (Ló khọ sò hứ), Thổ địa (Thủ tý hứ) và cổng bản (Cá tu hứ). Chủ trì Lễ cúng là Mí Cù, người coi sóc rừng thiêng của bản. Lễ cúng được diễn ra 2 lần, lần thứ nhất cúng đồ sống, lần thứ 2 cúng bằng đồ chín.

Công tác chuẩn bị đồ cúng tế cho tới thi hành lễ cúng bản đều có sự tham gia của tất cả bà con dân bản, thể hiện tính cấu kết cộng đồng cao. Nhuộm trứng đỏ là một trong những phần việc quan trọng thường được làm trước ngày diễn ra lễ, tết.

Để nhuộm trứng, phụ nữ La Hủ vào rừng tìm lấy rễ cây ‘dè pó’ – một loại cây dùng để nhuộm màu, đem về rửa sạch và nấu sôi để tạo ra loại dung dịch màu đỏ và có độ bám dính. Trứng gà sau khi được luộc chín sẽ được nhuộm bằng nước rễ cây ‘dè pó’ đã đun kỹ, khi nhúng vào dung dịch này, trứng sẽ có màu đỏ sậm, trở nên cứng và khó vỡ hơn.

Trứng sau khi được nhuộm đỏ, sẽ được đựng trong các giỏ làm bằng chỉ đan (gá u khạ sự). Cách đan giỏ đựng khá đơn giản. Giỏ đan theo chiều đầu nhỏ của quả trứng quay lên trên đầu to. Với bàn tay khéo léo của phụ nữ La Hủ, khi đan xong bầu giỏ, trứng đã nhuộm đỏ sẽ nằm ở giữa giỏ. Giỏ trứng thường được đan mắt cáo. Có nhiều cách để đan giỏ khác nhau, miễn sao giỏ trứng không làm tuột trứng, sau khi đan xong thì phần dây dài để đeo vào cổ, tránh rơi vỡ.

Trong quá trình diễn ra buổi lễ bà con dân bản thường đeo quả trứng trên cổ hoặc cầm trên tay.

Trong quan niệm của người La Hủ, quả trứng đỏ tượng trưng cho sự viên mãn, may mắn và sung túc, quả trứng ấy phải được đặt trong giỏ đan bằng chỉ các màu đỏ, xanh, vàng, trắng và đen, tượng trưng cho: kim, mộc, thủy, thổ, hỏa – các nguyên tố cơ bản hình thành trái đất để mong điều may mắn ấy được bền vững.

Ngày nay, tục nhuộm trứng đỏ không còn phổ biến nhiều, ít thấy trong cộng đồng dân tộc La Hủ. Tuy nhiên, vào dịp lễ, tết người dân ở một số bản làng vẫn thường nhuộm trứng đỏ để làm quà tặng cầu may, chúc phúc cho những vị khách quý của gia đình.

Nông Thị Phiếu (sưu tầm)

Dân tộc La Hủ (Lý Thị Ninh)

Ở Việt Nam có hơn 9.600 người La Hủ (2009), thuộc 3 nhóm: La Hủ Na (đen), La Hủ Sư (vàng) và La Hủ Phung (trắng), sinh sống ở huyện Mường Tè (Lai Châu). Từ Vân Nam (Trung Quốc), tổ tiên của họ di cư tới Việt Nam khoảng 150 - 200 năm trước. Người La Hủ còn phân bố ở bắc Lào và Vân Nam (Trung Quốc). Ngôn ngữ La Hủ thuộc nhóm Tạng – Miến (ngữ hệ Hán – Tạng).

Trước kia, người La Hủ làm nương du canh, chủ yếu trồng ngô; về sau họ đã dần dần làm ruộng nước, lúa là cây lương thực chính. Hái lượm, săn bắn và bắt cá có vai trò quan trọng trong đời sống. Nghề đan lát khá phát triển, các sản phẩm như mâm, ghế mây, chiếu mây..., không chỉ dùng trong gia đình, mà còn được làm cho mục đích trao đổi, với người Thái, người Hà Nhì, để lấy vải, muối, nông cụ... Phụ nữ La Hủ mặc quần và áo. Thường ngày họ mặc áo dài, cài khuy bên nách phải, khi lễ tết hay đi chơi xa, mặc thêm chiếc áo ngắn ra ngoài. Loại áo này cài khuy đằng trước, không có ống tay, vạt trước được trang trí nhiều đồng xu bạc... 

Từ chỗ khoảng 200 chòm xóm nhỏ rải rác, mỗi xóm chỉ 3-4 gia đình, trong quá trình thực hiện "định canh định cư" đã xuất hiện nhiều bản La Hủ tương đối đông người. Xưa kia nhà của người La Hủ rất đơn sơ, thậm chí lợp lá chuối, khi lá chuối ngả vàng thì họ bỏ đi nơi khác (nên họ còn được gọi là "Xá lá vàng"). Ngày nay nhà cửa của họ khá ổn định, đa số là nhà trệt, đa dạng về cả kiểu dáng nhà và hình thức bố trí trong nhà.

Ở người La Hủ hiện nay có những họ phổ biến như: Ly, Pờ, Vàng, Phùng, Giàng… Bên cạnh những tên gọi dòng họ ảnh hưởng từ các dân tộc khác này, người La Hủ còn có các tên goi dòng họ theo ngôn ngữ của mình và hầu hết mang tên loài thú hoặc chim, như: họ Ly là La lò (hổ) hay Phạ la thó lò (sóc nâu), họ Pờ là Pò ngá lò (một loại chim), họ Vàng là Pa thô ngác lò (chim gõ kiến)… Trong thờ cúng tổ tiên, tập quán của các nhóm La Hủ không hoàn toàn giống nhau, nhưng thường họ chỉ khấn gọi bố mẹ đã quá cố. Trong xã hội phụ hệ của La Hủ, tuy con gái không được thừa kế tài sản, nhưng phụ nữ khá bình đẳng với nam giới trong đời sống gia đình và việc trai gái tự do tìm hiểu nhau trước khi cưới được tôn trọng.

Xuất phát từ tín ngưỡng về hồn, các gia đình thường tổ chức lễ gọi hồn cho người ốm, cho lợn bị bệnh hoặc chậm lớn, gọi hồn lúa, hồn ngô khi gieo trồng xong, lúc thu hoạch... Hằng năm, sau vụ trồng ngô, dân bản cùng nhau tổ chức lễ cúng thần đất, để cầu an, cầu mùa màng bội thu. Những gia đình làm nghề rèn còn có lễ cúng tổ sư, tổ chức trong tháng 10 hằng năm. Khoảng tháng 11 dương lịch, sau khi thu hoạch xong ngô và lúa, là thời gian ăn Tết của các bản La Hủ, sớm muộn khác nhau tuỳ theo từng bản. Đó là dịp họ vui chơi, ăn uống, múa, hát, con trai thổi khèn. 

Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người La Hủ: y phục nữ, trống, nỏ..., được giới thiệu trong không gian "Tạng – Miến" ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".

Lý Thị Ninh (sưu tầm)

Dân tộc La Hủ (Minh Ngọc)

Tên dân tộc: La Hủ ( Xá Lá Vàng, Cò Xung, Khù Xung, Khả Quy).
Dân số: 6.874 người (năm 1999).
Ðịa bàn cư trú: Huyện Mường Tè (Lai Châu).
Phong tục tập quán:dan toc la hu

Sống định canh định cư ở trên sườn núi. Nhà ở phần lớn là nhà trệt với vách bằng phên. Bàn thờ và bếp đặt tại nơi ngủ của chủ gia đình. Phụ nữ sinh con tại buồng ngủ. Sau 3 ngày đặt tên đứa bé, trong 3 ngày đó, nhà có khách thì người khách này được mời đặt tên cho đứa bé. Con trai thừa hưởng tài sản. Trai gái tự do hôn nhân. Sau lễ cưới, con trai phải ở nhà vợ 2-3 năm sau đó mới đón vợ về nhà mình.
Việc thờ cúng tổ tiên, thực tế người La Hủ chỉ dành cho cha mẹ đã khuất. Có lễ cúng thần đất để cầu an, cúng gọi hồn ngô, lúa khi gieo cấy xong và lúc thu hoạch, cúng tổ sư nghề rèn...
Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ thuộc nhóm Tạng.
Văn hoá:
Có nhiều điệu múa khèn. Khi hát thường dùng tiếng Hà Nhì theo nhịp điệu riêng. Kho tàng truyện cổ phong phú. Có lịch riêng theo 12 con vật (hổ, thỏ, rồng, chấy, ngựa, cừu, gà, chó, lợn, sóc, trâu).dan toc la hu
Trang phục:
Nữ mặc quần, áo dài tới cổ chân, lễ tết mặc thêm áo ngắn. Cổ áo, nẹp ngực, ống tay có thêu hoặc đáp vải các màu, đính xu bạc, xu nhôm và các bông chỉ đỏ. Nam mặc quần áo giống như các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc.
Kinh tế:
Trồng lúa nước và làm nương dẫy, đàn ông có nghề phụ săn bắn, đan lát và rèn.
Minh Ngọc (sưu tầm)

Dân Ca dân nhạc - La Hù (Đàm Minh Phượng)

Dân tộc La Hủ, còn có các tên gọi khác như Xá Lá Vàng, Cò Xung, Khù Sung, Khả Quy; trong đó La Hủ hay Ladhulsi (La Hủ tộc) hay Kawzhawd là những tên tự gọi. Tộc La Hủ sinh sống tại Trung Hoa, Việt Nam, Thái Lan, Myanma và Lào.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người La Hủ ở Việt Nam có dân số 9.651 người, cư trú tại 16 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Tuyệt đại đa số gười La Hủ cư trú tập trung tại tỉnh Lai Châu (9.600 người, chiếm 99,47% tổng số người La Hủ tại Việt Nam), ngoài ra còn có ở Thái Nguyên (20 người), các tỉnh còn lại có không nhiều hơn 10 người.

Câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ của tộc người La Hủ cho đến nay cũng chưa có câu trả lời chính xác. Theo truyền thuyết của những người dân Hà Nhì đi cùng đoàn kể lại thì tộc người La Hủ có nguồn gốc từ phía Bắc. Đây là tộc người trước đây cũng biết làm lúa nước, thêu thùa dệt vải. Rồi chiến tranh xảy ra do tranh giành lãnh thổ đất đai, người La Hủ cứ lên cao, lên cao mãi, rồi rút dần, rút dần về phía Nam. Trong số đó, có một bộ phận lưu lạc xuống vùng đất của người Đại Việt, cũng vì những năm tháng chạy loạn, phải ẩn mình trên núi cao rừng sâu, tộc người La Hủ từ tộc người biết làm lúa nước đã trở thành tộc người chỉ còn biết làm lúa nương. Cũng vì nỗi sợ mỗi khi có chiến tranh xảy ra khi tranh chấp đất đai, tộc người La Hủ đã hoàn toàn chấm dứt sinh sống ở các vùng đất thấp. Cứ thế, đời này qua đời khác, tộc người La Hủ trở thành tộc người chỉ quen với lối sống và lối canh tác du canh du cư, sống lang thang trên các triền núi cao, trong các thung lũng mà ít có quan hệ với các cộng đồng tộc người xung quanh.

Cũng còn có một câu chuyện theo dạng giả thuyết. Rằng, ngày xưa người La Hủ và người Hà Nhì có chung một nguồn gốc. Nhưng do mâu thuẫn nội bộ nên hai anh em đã tách ra thành 2 tộc người. Tuy là 2 tộc người khác nhau nhưng họ vẫn có nét chung cơ bản trong ngôn ngữ và trang phục.

Tết Mùa Mưa là một trong những hội lớn của dân tộc La Hủ, thường được tổ chức vào tháng 6 âm lịch. Đây là dịp để người La Hủ thực hành các nghi lễ cúng tế mong sự bình an, may mắn, sức khỏe và mùa màng bội thu. Đồ cúng tế thường có thịt heo, gà, trà, rượu, cơm.

Tết Nguyên Đán “Hô Chà” là tết quan trọng nhất trong năm của người La Hủ. Bên cạnh đó, người La Hủ còn có một cái Tết quan trọng khác, đó là Tết cơm mới (vào đầu tháng 10 hoặc tháng 11 âm lịch).

Trước kia, người La Hủ sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy du canh với nhịp độ luân chuyển cao và săn bắt, hái lượm với công cụ thô sơ. Gần đây, họ chuyển sang trồn lúa trên ruộng bậc thang. Người La Hủ lấy canh tác nương rẫy làm nguồn sống chính. Họ trồng lúa nước, dùng trâu làm sức kéo. Đặc biệt, đàn ông La Hủ đan ghế, mâm, chiếu, nong nia, v.v. bằng mây rất giỏi và đa số biết nghề rèn. Ngoài ra, người La Hủ còn nuôi gà, trâu… Dân tộc La Hủ hầu hết trao đổi hàng hóa với các dân tộc khác bằng các vật dụng, nông sản.

Người La Hủ không có truyền thống trồng bông. Trước đây, phụ nữ thường đem thịt thú rừng, nấm hương, thuốc phiện và các lâm thổ sản quý đổi lấy vải của các dân tộc khác hoặc đổi lấy bông để tự dệt thành vải. Nam giới La Hủ mặc quần áo giống như các dân tộc khác ở vùng Tây Bắc. Phụ nữ mặc quần, ngày thường mặc áo dài xuống tới cổ chân, hai lớp áo, áo trong tay dài, cài khuy bên nách phải, ngày lễ tết mặc thêm áo ngắn, cài khuy giữa ngực. Ở cổ áo, nẹp ngực, ống tay có thêu hoặc đáp vải các màu, có đính thêm xu bạc, xu nhôm và các bông chỉ đỏ.

Trước đây người La Hủ thường làm nhà, lều, rải rác ở ngay trên nương, trên núi cao thuộc hai xã Pa Ủ & Pa Vệ Sủ, Huyện Mường Tè (Lai Châu). Nhà lợp lá, lá vàng lại chuyển đi nơi khác nên người La Hủ mới có tên Xá lá vàng. Hiện nay, họ ở nhà trệt hoặc trình tường bằng đất hoặc ván. Bếp, nhà thờ và giường ngủ của gia đình bao giờ cũng ở chung một gian rất phổ biến.


Người La Hủ cư trú phân tán thành nhiều xóm nhỏ với thành phần dân cư thay đổi thường xuyên do lối sống du canh. Xã hội chưa có sự phân hoá giàu nghèo. Phụ nữ được tôn trọng trong gia đình song có ít vai trò xã hội. Quan hệ dòng họ lỏng lẻo, không có người đứng đầu dòng họ và không có nghi lễ cúng bái cho cả họ. Một số mang tên chim, thú nhưng nhiều họ khác không còn ai nhớ ý nghĩa.

Trai gái La Hủ được phép tự do yêu đương khi đến tuổi lập gia đình. Việc cưới hỏi được tiến hành qua nhiều bước. Trong số lễ vật nhà trai đưa sang nhà gái bắt buộc phải có thịt sóc. Sau lễ cưới, cô dâu cư trú bên chồng. Tuy nhiên, tục ở rể vẫn tồn tại với những chàng trai không sắm đủ đồ dẫn cưới, nhất là bạc trắng.

Khi nhà có người chết, người ta bắn súng để đuổi ma và báo cho họ hàng, làng xóm biết. Quan tài thường là một khúc gỗ bổ đôi, khoét rỗng cả hai nửa. Ngày giờ đi chôn được lựa chọn cẩn thận. Người La Hủ không có nghĩa địa cố định. Thời hạn để tang của con cái đối với cha mẹ là ba năm song không có các dấu hiệu đặc biệt trên trang phục hay đầu tóc.

Người La Hủ có nhiều truyện kể dân gian, đặc biệt có khiếu hài hước thể hiện qua nhiều câu chuyện cười để tự giễu bản thân. Dân tộc La Hủ có đời sống dân ca, dân vũ khá phong phú. Thanh niên thường dùng khèn và nhất là đàn môi khi tâm sự tìm hiểu bạn gái. Vì thế, người La Hủ có hàng chục điệu múa khèn. Các cô gái La Hủ thường thổi sáo để bày tỏ nổi niềm. Sáo của người la Hủ có 4 loại: Sáo 4 lỗ (Í la la), sáo 6 lỗ (Li la lồ), sáo 3 lỗ (Chsu chsu đà), sáo dọc (Tu pê).

Nghệ thuật sáo trong đời sống người La Hủ
Ở nước ta, dân tộc La Hủ có khoảng 9.651 người, tập trung chủ yếu tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (có 9.600 người, chiếm 99,47 %). Người La Hủ có những nhạc cụ riêng của dân tộc mình như: Sáo, khèn, đàn tre, đàn đơ đờ đơ, đàn ta tò ta. Những nhạc cụ này phục vụ trong dịp lễ, tết, lúc vui buồn, lên nương, vào rừng và gọi bạn tình, tìm hiểu giữa người con gái và con trai. Chơi và nghe các loại nhạc cụ như món ăn tinh thần không thể thiếu được của người La Hủ… Mỗi nhạc cụ đều có một âm điệu khác nhau, tạo nên một nét riêng trầm bổng du dương lôi cuốn lòng người, trong đó nhạc cụ sáo rất phong phú, đa dạng và vẫn còn lưu giữ, phổ biến trong đời sống hiện nay.

Sơn nữ La Hủ say sưa gọi bạn tình bằng tiếng sáo du dương.

Sáo có nhiều loại như: Sáo 4 lỗ (Í la la), sáo 6 lỗ (Li la lồ), sáo 3 lỗ (Chsu chsu đà), sáo dọc (Tu pê). Sáo 3, 4, 6 lỗ thì gọi theo lỗ trên cây sáo, còn sáo dọc thì gọi theo cách sử dụng của sáo. Mỗi loại sáo đều có một âm điệu khác nhau và không phân ra sáo nào thổi riêng và sáo nào thổi chung. Trong các loại sáo thì thích thổi riêng cũng được và thổi chung cũng được, nếu thổi chung thì tạo nên một dàn âm thanh sôi nổi.

Mọi người trong bản vẫn quây quần để thổi sáo vui vẻ.

Nguyên liệu để làm các loại sáo rất đơn giản là cây nứa, cây lau nhưng để có một cây sáo thổi hay thì phải biết lấy đúng mùa, đúng kích cỡ và gióng cây… và do tài khéo léo của người thợ làm ra nó. Nếu làm sáo bằng cây nứa (bù đô) thì phải lấy cây nứa trên rừng cao, ống to bằng ngón tay út của trẻ con. Nứa lấy làm sáo vào tháng 9 đến tháng 10, vì khi ấy mọi người mới nhàn rỗi, mùa màng thu xong, chuẩn bị đến tết, mọi người cùng nhau vào rừng lấy nứa về làm sáo để thổi. Vào rừng chọn những cây nứa gióng dài và có tuổi khoảng 3 năm; chọn lấy phần ngọn để bề dài của thân mỏng sẽ cho âm thanh trong trẻo. Chọn được gióng làm sáo rồi đặt trên gác bếp 2 – 3 ngày mới đem ra làm. Sáo nứa sử dụng và bảo quản tốt thì giữ được 3 – 4 năm. Làm sáo bằng cây lau rất khó, vì thân mềm không cứng như cây nứa, khó điều khiển được lưỡi gà của sáo. Vì vậy, phải chọn ống nhỏ như cây nứa, vào tầm tháng 9 – 10 khi bông lau nở xòe thì lấy đoạn phía dưới bông lau, đoạn này dài và mỏng. Khi lấy về thì làm luôn lúc tươi, và chỉ làm được sáo 3, 4, 6 lỗ. Sáo bông lau bảo quản tốt thì chỉ dùng được dưới 1 tháng, nó sẽ bị hỏng lưỡi gà.

Phụ nữ La Hủ tự làm cho mình một cây sáo để sử dụng là một niềm vui.

Theo như lời của bà Phản Me Ly nghệ nhân 56 tuổi, ở bản Pa Ủ (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè): Việc làm và sử dụng nhạc cụ sáo cũng có những kiêng kị. Sáo 6 lỗ kiêng không được đưa ra rừng thổi, vì âm điệu của sáo này là “ly la lồ”, mà “la” là hổ, nên thổi sáo tức là mình đang gọi con hổ đến ăn thịt người thổi sáo. Cây sáo dọc 4 lỗ thì chỉ người biết làm mới dám làm, vì người La Hủ ngày xưa quan niệm rằng nếu người nào làm mà thổi chiếc đầu tiên không kêu thì con cái sau này của người đó sẽ bị câm điếc. Nếu người không biết làm thì mượn của người biết làm để thổi. Các lứa tuổi đều dùng được các loại sáo, và nó có cùng chung một mục đích thổi lúc vui, lúc buồn, đi nương, đi rừng, tìm hiểu nhau, vui tết. Không phân biệt loại sáo nào là dành cho lứa tuổi nào, và sáo nào phải dùng vào mục đích gì.

Những người già và trung niên vẫn giữ kỹ thuật điêu luyện để làm sáo.

Nhạc cụ sáo chủ yếu là phụ nữ, con gái sử dụng. Con gái lên 10 tuổi ngày xưa đã biết thổi sáo để gọi bạn tình. Nhưng nếu thổi trong nhà thì bố và anh trai phải đi vắng, buổi ngày không thổi, vì sợ xấu hổ; nếu đi nương vắng người thì thổi được. Khi tiếng sáo của cô gái cất lên thì các cô gái khác cũng mang sáo đến để thổi cùng. Các chàng trai nghe thấy thì rủ nhau đến chơi, tìm hiểu, ai thích ai mà cảm thấy hợp nhau thì tỏ tình, hẹn hò nhau. Nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ cũng bởi tiếng sáo, họ sống thật hạnh phúc. Tiếng sáo là sự minh chứng cho tình yêu và sự thủy chung son sắt giữa người với người, nhất là sinh hoạt tình cảm trong gia đình và sự cố kết cộng đồng làng bản thêm bền chặt.

Sơn nữ La Hủ rực rỡ váy áo ngày tết.

Lễ thức thiêng ngày tết ở bản La Hủ 
Thời điểm mà đồng bào người Kinh ở miền xuôi bảo nhau: “Thế là lại sắp tết rồi!” thì giữa đại ngàn Tây Bắc hùng vĩ, người La Hủ đã đồ xôi, mổ lợn, mổ bò, mổ dê, mổ gà… để ăn tết thiêng của cộng đồng mình.

Ngày tết của đồng bào dân tộc La Hủ được tổ chức từ những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch. Bao giờ tết ở các bản cũng được khởi đầu bằng lễ cúng rừng và lễ cúng bản. Lễ cúng rừng là cúng tất cả các vị chư thần từ thần suối, thần sông, thần cỏ cây, hoa lá, chim muông đến thần đại ngàn, thần núi…

Trong quan niệm cổ sơ của người La Hủ, bất cứ ở chỗ nào cũng có thần linh trú ngụ. Người ta có thể chạm với thần rừng ngay khi rời bậu cửa nhà mình. Người La Hủ không bao giờ phá rừng bởi họ cho rằng rừng là thần bảo mệnh của cả tộc người. Trong lễ cúng rừng trước ngày tết chính, đại diện các gia đình trong bản phải mang đến phiến đá lớn, bằng phẳng trước cửa rừng một con vật bất kỳ do gia đình nuôi được trong năm để dâng lên thánh thần.

Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, vật hiến tế đã kiểm kê xong, già bản hạ lệnh cho phép giết thịt ngay tại cửa rừng. Thủ cấp con bê lớn được giữ nguyên cả lông đặt giữa phiến đá, những con vật hiến tế khác được bày xung quanh, tất cả đều hướng vào trong rừng với một thái độ nghiêm trang, kính cẩn lạ lùng. Sau thủ tục cúng vái, người ta chia ra từng bếp luộc, nấu chín rồi trải lá chuối, lá vả ra ngay bìa rừng mà ăn, mà uống rượu.

Cả bản La Hủ quây quần ăn thịt, uống rượu túy lúy đến tận lúc no say người ta mới bắt đầu nói lên những lời nguyện cầu, lời hứa giữ và bảo vệ rừng. Lời những người đàn ông rắn rỏi cất lên kèm theo những tiếng reo hò của dân bản. Họ thề rằng sẽ không phá rừng, không tiếp tay cho người xấu đốn gỗ nghiến, gỗ lim trên núi đá, không ham tiền bạc để phá hoại thiên nhiên, cướp màu xanh của rừng…

“Người La Hủ ai cũng thành tâm trong tết thề giữ rừng mỗi năm mới có một lần nên những điều bà con cầu thường linh ứng. Những lời thề nghe nguyên sơ thế nhưng kỳ thực rất có tính thời sự đấy…” – người già trong các bản đều nói như vậy. Tiếp sau lễ cúng rừng là lễ cúng bản. Bà con đã chuẩn bị dựng sẵn một chiếc cổng ở đầu bản theo hình thức cổng chào và trồng một cây bồ kết tua tủa gai nhọn ngay bên lối đi để ngăn không cho quỷ, ma xâm nhập bản.

Những tua rua xanh – đỏ, những nan phên bùa chú hình thù kỳ quái được trang trí dọc cổng để hù dọa tà ma. Lễ cúng bản ngày xưa kéo rầm rĩ, hát ầu ơ đưa đẩy suốt 9 ngày, còn bây giờ thực hiện đời sống văn hóa mới nên thu gọn lại trong 1 hoặc 2 ngày. Trong những ngày diễn ra lễ, cấm mọi người ra khỏi bản.

Sau lễ cúng bản, các gia đình sẽ được về nhà mình để làm tết tại gia với những món ăn truyền thống. Thường thì trong đêm giao thừa, tất cả các thành viên trong gia đình phải tham gia một nghi lễ đặc biệt quan trọng. Đó là lễ tưởng nhớ tổ tiên, dòng họ, đọc tên từng tổ tiên và mọi người cùng nhắc lại. Nhiều dòng họ còn nhắc tới mười mấy đời trong đêm giao thừa này. Và nhất nhất, con cháu phải nhớ ghi như tạc những lời truyền dạy mà tổ tiên để lại…

Công việc này do người phụ nữ đảm nhiệm, họ sẽ làm cho mỗi người trong nhà một quả trứng nhuộm đỏ.

Tục nhuộm trứng đỏ của người La Hủ ở Lai Châu
Trong các dịp lễ tết, đặc biệt là lễ cúng bản, người La Hủ ở Lai Châu thường nhuộm trứng thành màu đỏ sẫm làm quà tặng nhau với mục đích chúc phúc, cầu may.

Người La Hủ (còn có các tên gọi khác như Xá Lá Vàng, Cò Xung, Khù Sung, Khả Quy) sống tập trung ở các xã Pa ủ, Pa Vệ Sủ, Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Nhuộm trứng đỏ (Gá u nhi) là một trong những tập tục lâu đời của đồng bào dân tộc nơi đây, mang nét đẹp độc đáo, thú vị.

Lễ cúng bản (Gạ Ma Te) là một trong những ngày lễ truyền thống, thường diễn ra vào ngày Dần trong tháng 3 âm lịch hằng năm để cầu bình an đến với dân làng. Vào ngày này, các gia đình trong bản sửa soạn đồ tế lễ gồm cơm vàng, trứng đỏ và các lễ vật như ngô, khoai, bạc trắng, rượu… để cùng nhau cúng bến thuyền (Ca tà hứ), bến nước (Ló khọ sò hứ), Thổ địa (Thủ tý hứ) và cổng bản (Cá tu hứ). Chủ trì Lễ cúng là Mí Cù, người coi sóc rừng thiêng của bản. Lễ cúng được diễn ra 2 lần, lần thứ nhất cúng đồ sống, lần thứ 2 cúng bằng đồ chín.

Công tác chuẩn bị đồ cúng tế cho tới thi hành lễ cúng bản đều có sự tham gia của tất cả bà con dân bản, thể hiện tính cấu kết cộng đồng cao. Nhuộm trứng đỏ là một trong những phần việc quan trọng thường được làm trước ngày diễn ra lễ, tết.

Để nhuộm trứng, phụ nữ La Hủ vào rừng tìm lấy rễ cây ‘dè pó’ – một loại cây dùng để nhuộm màu, đem về rửa sạch và nấu sôi để tạo ra loại dung dịch màu đỏ và có độ bám dính. Trứng gà sau khi được luộc chín sẽ được nhuộm bằng nước rễ cây ‘dè pó’ đã đun kỹ, khi nhúng vào dung dịch này, trứng sẽ có màu đỏ sậm, trở nên cứng và khó vỡ hơn.

Trứng sau khi được nhuộm đỏ, sẽ được đựng trong các giỏ làm bằng chỉ đan (gá u khạ sự). Cách đan giỏ đựng khá đơn giản. Giỏ đan theo chiều đầu nhỏ của quả trứng quay lên trên đầu to. Với bàn tay khéo léo của phụ nữ La Hủ, khi đan xong bầu giỏ, trứng đã nhuộm đỏ sẽ nằm ở giữa giỏ. Giỏ trứng thường được đan mắt cáo. Có nhiều cách để đan giỏ khác nhau, miễn sao giỏ trứng không làm tuột trứng, sau khi đan xong thì phần dây dài để đeo vào cổ, tránh rơi vỡ.

Trong quan niệm của người La Hủ, quả trứng đỏ tượng trưng cho sự viên mãn, may mắn và sung túc, quả trứng ấy phải được đặt trong giỏ đan bằng chỉ các màu đỏ, xanh, vàng, trắng và đen, tượng trưng cho: kim, mộc, thủy, thổ, hỏa – các nguyên tố cơ bản hình thành trái đất để mong điều may mắn ấy được bền vững.

Ngày nay, tục nhuộm trứng đỏ không còn phổ biến nhiều, ít thấy trong cộng đồng dân tộc La Hủ. Tuy nhiên, vào dịp lễ, tết người dân ở một số bản làng vẫn thường nhuộm trứng đỏ để làm quà tặng cầu may, chúc phúc cho những vị khách quý của gia đình.

Trang điểm cho cô dâu trong ngày cưới.

Tục lệ cưới xin của độc đáo của người La Hủ ở Lai Châu
Lễ cưới truyền thống của đồng bào La Hủ ở Lai Châu cũng trải qua nhiều nghi thức đặc sắc nhưng lại mang đậm bản sắc riêng biệt của dân tộc.

Tháng 11, 12 hàng năm là dịp tết của người La Hủ – cũng là mùa cưới của các đôi trai gái yêu nhau. Chàng trai tìm hiểu cô gái, đã tới độ “chín muồi”, anh có thể tới nhà cô gái ngủ một vài tối. Tục lệ cho phép chàng trai, cô gái La Hủ có thể ngủ chung giường.

Cũng giống như phong tục cưới xin của các dân tộc khác. Đầu tiên trong phong tục cưới xin của người La Hủ là lễ dạm hỏi. Ông “mối” cùng bố mẹ và anh em nhà trai sang nhà gái để “có lời”. Lễ vật mang theo là rượu và một thứ “quà quý” của rừng – (“quà quý” này nhất thiết phải có thịt sóc rừng). Qua trò chuyện, nhà gái thấy bằng lòng thì hai bên cùng uống rượu, nhắm thịt sóc.

Sau lễ dạm là lễ hỏi, hai lễ này cách nhau khoảng bảy, tám ngày. Theo tục lệ, lễ hỏi gồm hai chai rượu và số con sóc phải là số chẵn chứ không được số lẻ, chừng 6 đến 8 con. Nhà trai phải “tuân theo” số lượng con sóc của nhà gái: 6 hoặc 8 con, vì theo lệ từ xưa, số sóc không được ít hơn 4 nhưng cũng không được nhiều hơn 8. Người làm mối trong lễ hỏi còn là người “đầu bếp”, tự tay làm thịt sóc, trình bày các món ăn này sao cho ngon để mời nhà gái.

Trong khi ăn uống vui vẻ hai bên trao đổi về tiền cưới và thời gian ở rể. Ngày xưa, tiền cưới khá “nặng túi”: những 70 đến 80 đồng bạc trắng. Trường hợp nhà rể nghèo, không có bạc trắng, thì anh phải ở lại làm rể ngay tối hôm đó. Thời gian ở rể bây giờ rút xuống còn từ 2 đến 4 năm, thời trước từ 8 đến 12 năm.

Nếu lễ ăn hỏi có số con sóc phải chẵn, thì lễ cưới quy định: đoàn đi đón dâu phải là số lẻ, trong đó có hai ông “mối” và chàng rể. Khi nhà trai đón dâu đi, ông “mối” trao tiền cưới cho nhà gái. Trên đường đi, dù có nhớ bố mẹ, cô dâu cũng không được ngoảnh lại nhìn ngôi nhà cô sinh ra và lớn lên, vì nếu vấp ngã, e sau này vợ chồng có chuyện cãi cọ không hay.

Rước dâu về đến nhà, bà mẹ chồng đã đứng đợi ở cửa. Bà lấy một nắm gạo xoa lên lưng con dâu, ngụ ý “xóa hết cỏ để con dâu không mang cỏ về, trên nương sẽ không có nhiều cỏ mọc”. Lại còn tục lệ: bà mẹ chồng trồng hai cây riềng ở hai bên cửa vào nhà, rồi buộc sợi chỉ trắng qua hai cây riềng. Lúc vào nhà, cô dâu đi phía tay trái, chú rể đi phía tay phải, rồi chú rể dùng tay trái, cô dâu dùng tay phải “cắt” đứt sợi chỉ đó, bước vào nhà. Xong thủ tục này hai họ cùng nâng chén chúc những câu tốt lành và ăn uống vui vẻ.

Mặc dù ngày nay những phong tục, nghi thức cưới của người La Hủ đã được cải tiến gọn nhẹ hơn để phù hợp với cuộc sống mới nhưng vẫn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa giàu tính nhân văn góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thiếu nữ La Hủ duyên dáng trong tà áo dài truyền thống.

Chiếc áo dài truyền thống của người La Hủ, Lai Châu
Chiếc áo dài truyền thống không chỉ thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ La Hủ sinh sống ở Mường Tè (Lai Châu), nó còn tôn lên vẻ đẹp cơ thể của họ.

Phụ nữ La Hủ ở Mường Tè mặc áo dài tà đen. Nét đẹp của chiếc áo dài truyền thống ngoài việc mặc ôm sát làm nổi bật lên đường cong của cơ thể, nó còn đẹp ở cách phối màu sắc, cách trang trí và kỳ công của người làm.

Thời gian để người La Hủ may một chiếc áo dài, có khi phải mất gần một tháng mới xong. Trước khi cắt may, họ tạo đường chỉ ở giữa làm gân áo và độ cân bằng sao cho cho tà áo làm thân trước và sau. May tay áo là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất, có thể tận dụng vải cũ làm lớp lót bên trong, phía ngoài được may ngược, tuỳ vào sở thích cá nhân của mỗi người mà khâu những viền vải hoa các loại.

Con gái La Hủ thường mặc loại áo cánh tay có nhiều sắc đỏ thể hiện sức sống tươi trẻ và niềm tin yêu cuộc sống. Còn phụ nữ lớn tuổi thì màu chủ đạo là viền xanh đen xen kẽ. Đường viền là dải vải nhỏ thêu tay trên nền vải màu xanh và trắng kết hợp dùng chỉ đỏ tạo nét đường diềm viền hai mép. Nhìn từ phía sau cánh tay và thân áo nối với nhau như một chiếc đai cân đối, ngang hông được ghép thêm một mảnh vải có thể may một chiếc túi nhỏ.

Người La Hủ khâu ngực áo rất cẩn thận, đây là công đoạn tách rời những đường viền xếp chồng lên nhau của các loại vải. Họ khâu chìm trước ngực hình cánh sen lệch và đường viền quanh cổ có mép dựng lên khoảng 1cm, điểm nhấn là đường viền vòng cung sau vai.

Giữ các mối cắt khép kín cho chiếc áo ôm sát lấy cơ thể là một đường kéo ngang sườn có bốn khuy cúc giúp cân đối cho thân áo. Muốn bền và chắc chắn thì ở các mối được khâu gá thêm những miếng vải nhỏ.

Trang phục thể hiện đặc trưng văn hoá của từng vùng, từng dân tộc với những nét đặc thù riêng. Các hoạ tiết, hoa văn… trên mỗi bộ trang phục nói lên sự gắn bó giữa cơ thể con người trong sự vận động của cuộc sống. Để tạo ra bộ trang phục truyền thống với bản sắc riêng của dân tộc mình, ngoài đôi bàn tay tài hoa, người La Hủ đã phối hợp giữa ý tưởng sáng tạo, nghệ thuật trang trí lên những chiếc áo.

Để làm đẹp cho thân áo họ đã cài các hoa văn làm bằng nhôm hình tròn, hình tam giác. Một chiếc áo đẹp, giá trị còn là ở cách trang trí, bài trí những đường diềm tỉ mỉ chạy dọc theo tà và thân áo nổi bật lên trên nền vải đen với ba màu chỉ: đen, đỏ, vàng. Màu đỏ thường nhiều nhất và cách khâu cũng biến hoá không có chiếc nào giống nhau hoàn toàn, mỗi chiếc là một tác phẩm, cái vốn riêng của người tạo ra nó. Họ gửi ý nguyện và tâm tình riêng của mình vào những đường may uốn lượn, đường thêu khéo léo uốn cong.

Mỗi người con gái La Hủ đến tuổi thành niên đều ý thức tự may cho mình một bộ áo dài. Chiếc áo dài không chỉ làm tôn vẻ đẹp cơ thể họ mà nó còn là nét đẹp truyền thống của dân tộc La Hủ (Lai Châu).

Ngắm bắn.

TẬP QUÁN SĂN BẮT CỦA NGƯỜI LA HỦ Ở MƯỜNG TÈ
Săn bắt là một hình thái kinh tế quan trọng của nhân loại cách nay khoảng 1 vạn năm. Hiện nay, một số tộc người trên thế giới vẫn duy trì duy trì hoạt động săn bắt như là một kế mưu sinh hữu hiệu nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực thực phẩm hàng ngày, trong đó có người La Hủ và các phong tục về săn bắt cho đến nay vẫn là một sắc thái văn hóa điển hình của tộc người này.

Nếu như ở hầu hết các dân tộc thiểu số khác, hoạt động săn bắt chỉ diễn ra vào dịp nông nhàn hay khi mùa màng sắp được thu hoạch thì với người La Hủ, hoạt động này diễn ra thường xuyên hơn. Các hình thức săn bắt của họ đơn giản, công cụ săn bắt thô sơ gồm có nỏ (khạ), súng kíp (chủ) và các loại cạm bẫy (va) như bẫy dúi (khẹ chô va), bẫy gấu (bô chô va), bẫy kẹp (va nhú), bẫy cần thắt (ha cà má va), bẫy sập (ka va), bẫy thắt (va nhúc), bẫy chuồng (mộ khố va), bẫy lao (gô va)… Bộ công cụ săn bắt tuy thô sơ như khá phong phú về chủng loại cho thấy vai trò của săn bắt trong đời sống người La Hủ. Có thể nói, với kỹ thuật sản xuất lạc hậu, khả năng chinh phục tự nhiên còn hạn chế; nhưng do sống ở nơi rừng còn tương đối nhiều, muông thú chưa bị cạn kiệt nên việc săn bắt của người La Hủ còn được duy trì ở mức cao và các sản phẩm thu được từ săn bắt vẫn chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu nhập của nhiều gia đình.

Săn bắt của người La Hủ là hoạt động của các cá nhân đơn lẻ. Trong ngôn ngữ La Hủ, cụm từ Gạ pố (Đuổi bắn) được dùng để chỉ hoạt động săn bắt nói chung. Người săn mang theo súng đạn, dao và chó săn (nếu có) rời nhà vào lúc 5 – 6 giờ chiều, rình săn chim, gà rừng. Những đêm không trăng, họ đi rình săn hươu, nai vào khoảng 9 – 10 giờ sáng ở những nơi hươu thường đến ăn quả rừng hoặc ở những nơi có nguồn nước mặn. Trong nhiều trường hợp, sau khi bắn con thú bị thương bỏ chạy vào rừng sâu, người săn phải lần theo vết máu có khi tới vài ngày sau mới tìm thấy xác thú đã chết do mất máu. Khi đi săn, người ta phải kiêng không nói là đi săn vì sợ “xúi quẩy”, sợ muông thú “thấy động” sẽ bỏ chạy hết. Ghi nhận từ điền dã cho thấy trong cộng đồng người La Hủ trước đây có ông Vàng Gô Chơ (mất năm 1970) ở bản Xà Hồ, xã Pa Ủ là một thợ săn giỏi, được cộng đồng thừa nhận là người bắn súng và nỏ rất tài. Mỗi khi đi săn ông đều kẹp nỏ vào nách và súng thì cầm ở tay. Khi vào rừng, ông gặp con thú nào mà phải dùng súng thì ông dùng súng, còn gặp con nào chỉ cần dùng nỏ thì ông dùng nỏ để tiết kiệm đạn và thuốc nổ.

Săn bẫy là hình thức săn phổ biến của người La Hủ trong quá khứ. Hầu hết nam giới đều rất thành thạo trong việc làm các loại bẫy và thường xuyên đặt bẫy ở những nơi chim, thú thường hay đi qua. Đặc biệt là xung quanh bản và nương rẫy. Cách săn này có ưu điểm là không tốn nhiều thời gian, công sức mà vẫn có thể săn được chim, thú hàng ngày.

Người La Hủ ít săn vây, chỉ khi ai đó bất chợt phát hiện được một con thú lớn về gần bản thì người ta mới tổ chức vây đuổi. Đối tượng săn vây chủ yếu là các con thú lớn như gấu, lợn rừng, hươu, nai, sơn dương.v.v… Khí cụ dùng trong các cuộc săn vây là súng kíp, nỏ và chó săn. Vào cuộc săn, ngay khi phát hiện ra con mồi, người ta bố trí các tay súng thiện xạ thành vòng vây dưới sự chỉ huy của một người giàu kinh nghiệm. Số người còn lại cũng được chỉ huy bởi một người giàu kinh nghiệm khác lùa chó săn đi sâu vào rừng, theo dấu vết của con thú. Tìm được thú, người ta hò hét, hù dọa, điều khiển chó săn dồn thú về phía có vòng vây của tốp thiện xạ phục sẵn và các tay súng sẽ hạ gục con thú.

Lần theo vết thú. Ảnh: Tiểu Phong.

Thú bắn được ở đâu sẽ chia phần ở đó. Với mỗi con mồi săn bắt được, người phát hiện thú được hưởng cái đầu và 4 cái chân, nửa bộ lòng và một đùi sau. Nếu thú bắn được là con hổ thì người phát hiện thú được thêm bộ da và bộ xương. Nếu thú bắn được là con gấu thì người phát hiện thú được thêm túi mật. Số còn lại của con thú được chia hai phần theo chiều dọc. Một phần được chia đều cho những người tham gia cuộc săn. Trong phần ấy, người ta lấy ra một miếng thịt cỡ bằng 2 ngón tay nướng chín làm phần thưởng cho người bắn được thú ăn ngay tại chỗ. Ai được ăn miếng thịt ấy đều cảm thấy rất tự hào và chuyện ấy sẽ được kể lại với các thành viên trong bản trong bữa liên hoan sau đó. Sau khi chia đều số thịt ở phần nửa cho những thành viên tham gia cuộc săn, bao gồm cả chó săn. Phần nửa số thịt còn lại của con thú sẽ được mang về bản và chia đều cho các gia đình trong bản.

Sau cuộc săn vây, cả bản diễn ra tiệc rượu liên hoan mừng bắn được thú lớn. Rượu thịt trong cuộc liên hoan do các gia đình cùng đóng góp. Trong bữa liên hoan, người ta kể cho nhau nghe về diễn biến cuộc săn, tôn vinh người đã bắn được thú.
Đàm Minh Phượng (sưu tầm)