Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Nùng
Showing posts with label ₪ Dân tộc Nùng. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Nùng. Show all posts

Monday, April 24, 2017

HÔN NHÂN TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI NÙNG PHÀN SLÌNH (Đàm Minh Phượng)

Hôn nhân là mối quan hệ xuất phát từ lợi ích của gia đình, dòng họ, sau đó mới đến hạnh phúc của đôi trai gái. Trải qua bao thế hệ, cưới xin của người Nùng Phàn Slình đã trở thành phong tục, mang bản sắc riêng với những quy định thống nhất về nghi lễ và phương thức tổ chức nhất định. Ngày cưới không chỉ quan trọng với đôi trai gái, nó còn có ý nghĩa là cha mẹ đã làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm nuôi dạy con cái trưởng thành.

Tiêu chí lựa chọn bạn đời
Tiêu chuẩn lựa chọn một người vợ lý tưởng gồm có: tính tình, khả năng lao động, sức khỏe, biết quản lý công việc trong nhà và đặc biệt là tài xe chỉ, dệt vải. Công việc chính của người phụ nữ là làm tất cả những sản phẩm của nghề dệt như quần áo, chăn (mặt phà), gối đệm... một cách khéo léo. Khi lựa chọn chàng rể, người ta thường lưu ý đến sức khỏe, khả năng lao động, cày bừa thành thạo, săn bắn giỏi, biết làm mộc, chăm chỉ làm ăn, giỏi nghề rèn và đạo đức tốt. Tóm lại, người chồng biết làm mọi việc, làm chủ gia đình sau này sẽ được mọi người coi trọng.

Trong xã hội truyền thống, độ tuổi kết hôn thường rất sớm, nữ trung bình từ 15 đến 17 tuổi, nam từ 14 đến 16 tuổi. Và, hôn nhân thường diễn ra sớm hơn do việc so lá số, dạm hỏi đã được làm từ nhiều năm trước. Họ cho rằng, con cái từ 15 tuổi trở lên đã là người lớn, các chàng trai, cô gái bắt đầu cảm nhận được tình cảm của người khác giới.

Trong quá khứ, người Nùng Phàn Slình bị chi phối bởi chế độ gia đình phụ quyền gia trưởng, việc nhân duyên hoàn toàn do cha mẹ quyết định. Do vậy, hôn nhân không hoàn toàn dựa trên sự hiểu biết và tình cảm thương yêu nhau của đôi trai gái, mà bị quy định bởi những quan hệ gia đình, xã hội. Những tính toán về kinh tế, địa vị xã hội, về số mệnh vẫn còn hiện hữu sâu sắc trong suy nghĩ của họ, chính vì thế, trong nhiều trường hợp, kết hôn là do bố mẹ kén chọn. Tiêu chuẩn chọn vợ, chọn chồng phải xứng đáng với đẳng cấp của dòng họ, địa vị của gia đình. Nhiều khi thịt, rượu, bạc trắng... là những vật để định giá người con gái khi được gả bán, vô tình họ đã trở thành vật phẩm thương mại.

Nguyên tắc hôn nhân
Quy tắc cơ bản trong hôn nhân là phải xác định được lượt lài, đúc lượt (máu mủ) với nhau hay không. Nghĩa là thành viên trong dòng tộc, tính theo huyết thống phía cha là 5 đời, tuyệt đối không được phép lấy nhau. Ai vi phạm quy tắc này sẽ bị coi là mắc tội loạn luân, bị cộng đồng lên án quyết liệt, bị trị tội và phải làm lễ tạ tội với tổ tiên, đôi khi còn bị đuổi ra khỏi nhà và đôi trai gái đó sẽ không được họ hàng công nhận là con cái trong dòng họ. Những trường hợp kết hôn cùng họ, khác chi dù không bị cấm đoán hoàn toàn, nhưng cũng không được khuyến khích.

Người Nùng Phàn Slình thường dựa vào gia phả để xác định những người có cùng họ nội không bao giờ được lấy nhau, trừ những người họ xa, khác chi. Chính vì thế, mỗi dòng họ đều có gia phả, ghi đầy đủ tên tuổi của những người con trai, thậm chí ghi cả họ của người vợ. Trai gái trước khi kết hôn phải ghi rõ họ tên, tuổi, vừa để thày cúng so tuổi xem có hợp không, đồng thời xác định rõ quan hệ huyết thống của đôi trai gái có sai phạm gì không, sau đó mới quyết định ăn hỏi. Họ cũng không cho phép con cô, con cậu được lấy nhau. Việc kết hôn giữa con dì, con già, luật tục không cấm song cũng không khuyến khích, vì vậy những trường hợp kiểu này chỉ là ngoại lệ ở các thôn bản.

Hôn nhân truyền thống thường là những người đồng tộc lấy nhau, bởi lấy người khác tộc sẽ gặp nhiều hạn chế trong quan hệ ứng xử, tâm lý, nếp sống, ngôn ngữ... Vì vậy, nam nữ thanh niên rất ngại lấy người khác tộc. Song, với sự phát triển xã hội, các cuộc hôn nhân hỗn hợp tộc người ngày càng nhiều, phổ biến ở vùng biên giới, vùng cư trú xen cài, nơi quan hệ giao tiếp diễn ra mạnh mẽ. Các cuộc hôn nhân này thường thấy ở các tộc gắn bó với nhau về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa như Tày, Dao, Kinh, Hoa...

            Các nghi lễ trong hôn nhân
Tục lệ cưới xin thường trải qua nhiều nghi lễ như: lễ dạm ngõ, lễ xin và so lá số, lễ báo lá số, ăn hỏi, lễ cưới chính thức, lễ lại mặt.

Lễ dạm ngõ là nghi thức đầu tiên trong hôn nhân, có ý nghĩa rất quan trọng vì nhà trai có thể biết ý kiến của nhà gái về việc thành hôn như thế nào. Người được chọn làm mối không phân biệt nam nữ, nhưng phải đứng tuổi, gia đình hạnh phúc, đông con, nhiều cháu, nói chuyện khéo léo, có tài ứng xử đối đáp, có uy tín, được nhiều người trong bản kính nể. Lễ dạm ngõ không có thời gian cố định, mà được thực hiện quanh năm, chỉ tránh những ngày xấu, ngày giỗ kỵ của tổ tiên ông bà... Thời gian đi, hướng đi nhiều khi tùy thuộc vào sự sắp xếp của thày cúng. Buổi lễ dạm hỏi chỉ mang tính chất thăm dò nên đồ lễ nhà trai mang sang nhà gái rất đơn giản, gồm có: trầu cau, 1 kg thịt lợn, 2 con gà, 1 chai rượu và vài gói kẹo. Nếu đồng ý, nhà gái đặt lễ lên bàn thờ, mời ông mối ở lại ăn cơm, ngồi nói chuyện. Hôm ấy nhà gái sẽ thịt 2 con gà mà nhà trai mang sang. Nếu không đồng ý, nhà gái sẽ không thịt gà đó mà thịt gà nhà mình để làm cơm thết đãi nhà trai.

Lễ xin lá số (pây pỏi mình), nhà trai chọn ngày lành tháng tốt, chuẩn bị đồ lễ sang nhà gái xin giờ, ngày, tháng, năm sinh của cô gái. Lễ vật nhà trai mang sang thường có chai rượu, con gà, 1 chiếc bánh dầy. Theo phong tục, để linh nghiệm trong việc so mệnh, cô gái tự tay viết ngày, tháng, năm sinh đưa cho nhà trai, chàng trai cũng phải tự viết ngày, tháng, năm sinh đưa cho cha mẹ mình. Sau khi có được lá số của đôi trẻ, cha mẹ của chàng trai mang hai lá số này đến nhờ thày cúng xem có hợp nhau không. Nếu hợp, nhà trai sẽ chủ động chọn ngày lành tháng tốt để sang nhà gái báo lá số đã hợp; nếu không hợp thì nhà trai phải trả lại lá số cho nhà gái và ít tiền bồi thường danh dự cho người con gái. Ở một số nơi, nhà trai không cần sang báo cho nhà gái, sau một thời gian không thấy hồi âm, nhà gái sẽ tự biết.

Sau khi xem số thấy hợp nhau, nhà trai sẽ mang lễ vật sang nhà gái để chính thức báo lá số (páo mình) của đôi trai gái đã hợp nhau. Ông mối và một người thanh niên mang theo đôi gà trống thiến, hai cân gạo nếp, một chai rượu, một bao thuốc lá, tất cả đều buộc bằng lạt nhuộm đỏ, ngụ ý thông báo cho mọi người xung quanh biết là cô gái đã có nơi có chốn. Đại diện nhà gái nhận lễ và đưa lên bàn thờ tổ tiên thắp hương, vì biết chắc chắn đôi trai gái đã hợp số và sẽ trở thành vợ chồng nên buổi lễ được tổ chức rất long trọng và vui vẻ. Tuy nhiên, buổi lễ được tổ chức lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình, sau bữa cỗ họ hàng bên nhà gái sẽ thỏa thuận thời gian để tiến hành lễ ăn hỏi.

Lễ ăn hỏi (khả cáy) thực chất là buổi thỏa thuận về đồ lễ cưới giữa nhà trai và nhà gái. Ông mối cùng một em bé trai khoảng 12 - 13 tuổi mang theo đôi gà thiến, 6 - 15 kg thịt lợn, 2 chai rượu, 10 ống gạo nếp, tiền bọc trong vải đỏ, 60 kg gạo tẻ đến nhà gái làm cơm thết đãi họ hàng nhà gái. Tất cả đều là số chẵn hay con số theo cặp đôi, tượng trưng cho lứa đôi trong hôn nhân, với ý nghĩa cầu mong cho sự vuông tròn của đôi vợ chồng trẻ. Khi nhà trai mang lễ sang, đại diện nhà gái đón nhận và dâng lên bàn thờ tổ tiên. Sau đó đại diện nhà trai giới thiệu đoàn nhà trai, tuyên bố lý do và mọi công việc từ đó trở đi nhà gái trao đổi với đại diện của nhà trai. Sau bữa cơm, đại diện hai gia đình bàn bạc, thỏa thuận đồ sính lễ và thời gian tiến hành các nghi lễ tiếp theo. Khi về, nhà gái thường lại quả bánh, gà, thịt lợn, mỗi thứ một nửa gọi là trả gánh hoàn phúc, việc thỏa thuận về lễ vật xưa kia được gọi là tục thách cưới.

Tùy từng gia đình, số lượng đồ sính lễ được thách sẽ khác nhau. Thực hiện việc thách cưới đòi hỏi sự tế nhị, khéo léo của đại diện hai bên, vừa lo tốt chuyện hôn lễ cho đôi trẻ, vừa tránh tự ái và thiệt thòi về mình. Tuy nhiên, lễ vật nhiều hay ít, một phần phụ thuộc vào khả năng đối đáp, ứng khẩu của người làm mối trong lễ hỏi, phần khác phụ thuộc vào khả năng kinh tế của gia đình nhà trai, nhưng lễ vật nhất thiết phải có thịt lợn quay, gà, rượu, 1 dây hồng (làm bằng giấy bạc, màu đỏ), trong ngày cưới sẽ được đặt lên bàn thờ tổ tiên. Ngoài ra, nhà gái cũng phải chuẩn bị thêm một dây hồng để quàng vào cổ chú rể khi vái lạy tổ tiên nhà vợ, nếu trong gia đình anh chị em nào lập gia đình trước phải để lại dây hồng cho người lập gia đình sau. Làm như vậy người lập gia đình sau sẽ được hưởng duyên, may mắn của người đi trước và dây hồng này sẽ được treo mãi trên bàn thờ, kể cả khi các con đã đi lấy chồng, lấy vợ hết.

Sau lễ ăn hỏi, coi như hai gia đình chính thức gả con cho nhau và xem nhau là thông gia, nhà trai chuẩn bị điều kiện vật chất để tổ chức lễ cưới. Nhưng từ lúc này đến lễ cưới, thời gian thường kéo dài từ một đến ba năm, thậm chí lâu hơn. Trong thời gian chờ tổ chức lễ cưới, vào các dịp tết nguyên đán, rằm tháng 7, nhà trai phải mang lễ tới nhà gái, gọi là tục sêu tết.

Lễ cưới là việc quan trọng nhất trong nghi thức kết hôn. Ngoài ý nghĩa tục lệ, nó còn hàm chứa cả ý nghĩa về mặt pháp lý. Đây là nghi lễ để cộng đồng làng bản thừa nhận chính thức việc thành vợ thành chồng của đôi trai gái. Lễ cưới thường được tổ chức từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Đây là thời gian rảnh rỗi, mùa màng đã thu hoạch xong, lương thực, thực phẩm dồi dào, thời tiết mát mẻ, phù hợp với hôn lễ. Theo quan niệm truyền thống, nếu tổ chức lễ cưới vào tháng 3, 4 âm lịch thì đôi trai gái sẽ khó thành vợ chồng. Người Nùng Phàn Slình kiêng một năm không được gả chồng cho 2 chị em, một tháng không tổ chức hai đám cưới, còn nếu tổ chức vào hai tháng này thì chỉ dành cho những cô gái đã bị nhỡ nhàng.

Lễ cưới thường diễn ra 3 ngày ở hai bên gia đình. Thông thường bên nhà gái tổ chức trước, nhà trai tổ chức sau, song cũng có nơi tổ chức cùng ngày, nếu lễ cưới rể đời (1) thì ngược lại. Theo quan niệm của người Nùng Phàn Slình, nếu hôm cưới sáng sớm có mưa phùn, buổi chiều hửng nắng thì sau này đôi trai gái sẽ làm ăn thuận buồm xuôi gió; nếu có sấm sét, việc ắt sẽ khó khăn, những điều rủi ro có thể xảy ra đối với họ.

Tại nhà trai, khoảng 8 - 9 giờ sáng, những người trong đoàn đi đón dâu ăn mặc đẹp, dẫn đầu là ông mối, tiếp đến là chàng rể, 2 phù rể, 1 ông đón, 1 bà đón, 4 thanh niên khiêng lợn quay, 1 bé trai gánh xôi, 1 bé gái gánh đôi gà thiến, 2 con gà luộc, 1 dải lụa hồng và 1 mảnh vải (khoảng 2 mét) gọi là vải tùm khớ để trả công ơn mang nặng đẻ đau cho mẹ cô dâu.

Trang phục của chú rể và phù rể như nhau, không khác gì ngày thường mà chỉ khác là họ thường mặc bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất, cắt may từ loại vải tốt, đẹp nhất mà gia đình tự dệt hoặc mua ở chợ. Áo chàm đen, kiểu cổ cứng, xẻ ngực, khuy cài bằng dây vải, thường có 4 túi, dài quá mông, quần được cắt từ vải đen nhuộm chàm, phần cạp là vải khác màu. Dây lưng làm bằng sợi vải bện hoặc sợi dù luôn buộc sẵn ở eo. Trước kia nam giới cũng thường búi tó sau gáy rồi chít khăn đen, nhưng đến nay thường mặc âu phục và cắt tóc ngắn. Trước giờ đi đón dâu, người ta thường làm lễ cúng tổ tiên, theo tục lệ từ trong nhà đi ra không ai trong đoàn đón dâu được dẫm chân vào bậc cửa chính.

Khi đoàn nhà trai đến nơi, nhà gái cử một người đại diện ra đón và một số người khác ra phụ khiêng lễ vật vào nhà. Ông thày cúng là người đầu tiên bước chân vào nhà cô dâu, tiếp đó là ông, bà mối, rồi chú rể, 2 phù rể và những người khiêng lễ vật. Tiếp theo, ông, bà mối thông báo lễ vật nhà trai mang đến và nhà gái mở ra kiểm tra. Sau đó, nhà gái lấy dải lụa hồng nhà trai mang đến buộc vào bàn thờ tổ tiên, đồng thời mang dải lụa hồng đã được chuẩn bị từ trước để thày cúng buộc vào người chú rể. Khi thày cúng châm nến lên bàn thờ để khấn, chú rể quỳ trước bàn thờ, 2 bên là 2 phù rể. Lúc này ông, bà mối rót 2 chén rượu rồi thông báo cho nhà gái biết giờ rước dâu, chú rể phải làm lễ ra mắt và lạy tạ từng người bậc trên bên họ hàng nhà gái. Làm xong, ai cũng mừng tiền cho chú rể.

Trang phục của cô dâu cũng được cắt may từ vải chàm đen, áo kiểu 5 thân cài cúc sang nách, thân áo dài quá mông, mép ống tay áo được can thêm miếng vải màu xanh khác với màu áo. Chỗ khuy cài ở vạt áo phía trước cũng được viền một băng vải màu xanh, cổ đứng, áo luôn đi kèm với thắt lưng. Quần kiểu chân què đũng rộng, ống rộng, cạp rộng, thắt bằng 1 sợi dây vải, ống quần thường dài tới mắt cá chân. Cô dâu chít khăn đen hình vuông kiểu mỏ quạ, phù dâu cũng mặc giống cô dâu.

Trong lễ cưới, tại nhà gái, các cuộc hát xướng (cò lảu) giữa các vị khách và cô dâu, chú rể diễn ra từ lúc nhà trai đến cho tới khi đón cô dâu về nhà chồng. Các điệu hát sli chỉ diễn ra khi khách khứa đã có mặt đông đủ trong đám cưới, chú rể và ông, bà mối là những người phải lĩnh các vế đối đó.

Theo tục lệ, người được mời đến dự đám cưới thường mang theo 2 loại tiền mừng: thứ nhất là tiền được ghi vào sổ, gia đình sẽ giao cho một người đứng ra ghi chép cẩn thận sau này còn phúc đáp lại; thứ hai là tiền mừng riêng cho cô dâu, chú rể khi đi mời khách ăn trầu, hút thuốc, uống rượu, không ghi vào sổ sách. Để tỏ lòng cảm ơn họ hàng nội ngoại và khách quý, khi đi mời trầu, thuốc, cô dâu chú rể cũng có quà biếu, được đặt trên khay trầu thuốc và đưa đến từng người một.

Đến giờ đón dâu, thày cúng lấy một tấm vải ra đứng trước bàn thờ tổ tiên nhà gái để xin gói khăn (vía) của cô dâu về nhà, tấm khăn đó được gấp lại và được đại diện nhà trai mang về đặt trên bàn thờ tổ tiên. Khi bước chân xuống sàn, nếu là người đầu tiên lập gia đình, cô dâu phải quàng tấm vải đỏ lên vai anh chị của mình, thì người đó mới không bị xui xẻo và sau này mới có thể lấy được vợ, được chồng.

Theo phong tục, hai phù dâu cùng cô dâu về nhà chồng. Cô dâu mang theo một hòm gỗ đựng quần áo, một bộ ấm chén, một phích nước, một chậu rửa mặt, một chậu rửa chân, một chiếc chăn, một chiếc màn, xoong, nồi và toàn bộ số lễ vật mà nhà trai đã đưa tiền cho nhà gái sắm. Ngoài ra, cô dâu còn phải mang theo một ít khăn mặt để khi về đến nhà chồng còn biếu ông nội, ông bác, ông chú chồng.

Trên đường về nhà chồng, nếu gặp đám cưới đi ngược chiều thì 2 cô dâu thường đổi khăn hoặc nón, dép cho nhau. Khi về đến nhà chồng, cô dâu phải chờ đến giờ tốt mới được bước vào nhà, sau khi thực hiện một số nghi lễ thanh sạch. Lúc này, trước cửa nhà trai đã được thày cúng đặt sẵn một chậu nước trong đó có một cành lá xanh, khi cô dâu đang chuẩn bị bước chân vào nhà, thày mo cầm cành lá phất nhẹ vài giọt nước vào chân cô dâu, ý muốn xua đi mọi điều không tốt ở người cô dâu khi bước chân vào nhà chồng. Sau khi đã được mời vào nhà, cô dâu cũng phải thực hiện các thủ tục như chàng rể đã làm ở nhà cô dâu, sau đó cô dâu cùng chú rể đi vái lạy cha mẹ, chú, bác bên nhà chồng.

Lễ cưới kết thúc khi trời đã tối muộn, đoàn khách đến dự cũng đã ra về và đoàn nhà gái là những người ra về sau cùng trong ngày, duy chỉ có 2 phù dâu ở lại ngủ với cô dâu đêm đầu tiên tại nhà chồng. Trước khi cô dâu vào buồng, thày mo sẽ làm lễ trải chiếu và từ đó trở đi không ai được phép vào buồng cô dâu nữa, khi đám cưới kết thúc, đôi trẻ đã thành vợ chồng và ông, bà mối cũng hoàn thành nhiệm vụ.

Lễ lại mặt (hòi lòi) được tiến hành sau lễ cưới 3 ngày, đôi vợ chồng trẻ phải đem đôi gà trống, 2kg thịt lợn, 3 - 4 lít rượu, xôi, chè thuốc về thăm gia đình bố mẹ vợ, chàng rể chỉ ở lại nhà vợ một ngày, sau đó đưa cô dâu quay về nhà mình, đi cảm ơn ông mai bà mối. Đôi vợ chồng mang đến nhà ông, bà mối: 1 kg thịt lợn, xôi, tiền, 1 chiếc khăn mặt và 1 đôi dép, nhận ông bà mối làm bố mẹ nuôi. Ông, bà mối làm vài mâm cơm mời họ hàng bên nhà mình đến dự.

Sau ngày này, cô dâu về sống cùng bố mẹ đẻ trong vài năm đầu và chỉ về nhà chồng vài ngày trong những dịp lễ tết, thu hoạch mùa màng. Mỗi lần như thế, chồng hoặc anh em họ hàng bên chồng đích thân sang đón cô dâu. Chỉ khi nào sắp sinh con đầu lòng (có thai khoảng 7 tháng), cô dâu mới về ở hẳn nhà chồng. Hình thức cư trú bên nhà ngoại trong thời gian đầu mới cưới là tập tục truyền thống, là nguyên tắc khá quan trọng trong hôn nhân của người Nùng Phàn Slình, thực tế là để người mẹ có thời gian dạy dỗ, chỉ bảo con gái cách thức làm vợ, chăm sóc thai nhi và nuôi dạy con cái. Mặt khác, đây cũng là thời gian chăm sóc cha mẹ, như một phần báo hiếu, trả nghĩa công sinh thành, dưỡng dục, đồng thời cha mẹ cũng có quãng thời gian chuẩn bị tâm lý xa con gái, đỡ bị hẫng hụt trong cuộc sống.

Trong trường hợp gia đình nhà gái neo đơn, thiếu nhân lực hoặc có con trai nhưng còn nhỏ thì sẽ làm lễ rể tạm (khủi sình) giống như nghi thức một đám cưới bình thường và người con rể này phải vái lạy tổ tiên, báo cho tổ tiên biết rằng từ nay gia đình có thêm thành viên mới. Bên cạnh đó, lễ cưới rể đời, nhà gái lo tất cả chi phí cho đám cưới. Sau khi cưới, chàng trai ở rể phải đổi sang họ vợ. Kể từ khi thày mo làm lễ xong thì chàng rể đã trở thành một thành viên, một người con trai trong gia đình nhà vợ. Từ đó trở đi, chàng rể đời phải có nhiệm vụ quán xuyến công việc trong gia đình nhà vợ, chăm sóc bố mẹ vợ như bố mẹ mình, phải thờ họ nhà vợ, con cái sẽ mang họ mẹ. Sau khi bố mẹ vợ qua đời, người con rể được thừa hưởng tài sản như một người con trai.

Trước đây, đa thê phổ biến trong xã hội người Nùng Phàn Slình, đó thường là những trường hợp không có con trai hay người vợ không có khả năng sinh đẻ. Nếu vì hai khả năng đó, người vợ cả phải cưới vợ lẽ cho chồng và chấp nhận cùng chung sống với người vợ lẽ. Những năm trở lại đây, các trường hợp lấy vợ lẽ để sinh con trai không được sự ủng hộ của pháp luật và cộng đồng, song nguyện vọng phải có con trai để nối dõi tông đường làm cho hiện tượng đa thê chưa hoàn toàn chấm dứt.

Từ xưa đến nay, hành vi ngoại tình bị cộng đồng thôn bản chê cười và lên án mạnh mẽ, người ngoại tình phải chịu nhiều hình phạt khắt khe. Nếu có thai thì chàng trai chưa vợ, cô gái chưa chồng phải kết hôn với nhau, người vợ ngoại tình sẽ bị cả làng chê cười và bị đuổi khỏi nhà chồng. Đa số trường hợp phải bồi thường tài sản cho nhà chồng (chi phí mà họ bỏ ra để cưới), người chồng ngoại tình thì phải nộp phạt ít nhất một con trâu và một ít tiền bồi thường danh dự cho nhà gái.

Người Nùng Phàn Slình cho phép phụ nữ tái giá và đàn ông lấy vợ kế. Trường hợp người chồng gặp rủi ro qua đời, người vợ vẫn ở lại chăm sóc bố mẹ chồng, con cái một thời gian, sau ba năm hết tang có thể đi lấy chồng khác. Nếu có con thì để lại cho bố mẹ chồng nuôi hoặc mang theo, tài sản của người chồng quá cố do anh em bên chồng quản lý, ra khỏi nhà chỉ được mang theo con và đồ đạc cá nhân. Trường hợp người đàn ông góa vợ cũng chỉ được lấy vợ kế khi đã hết tang vợ ba năm. Người vợ kế này thường là người đàn bà đã có một đời chồng, chi phí cho đám cưới không tốn kém lắm và người đến dự đám cưới thường là anh em họ hàng, thân thuộc của hai bên gia đình.

Có thể nói, hôn nhân của người Nùng Phàn Slình thể hiện rõ các đặc trưng văn hóa tộc người qua nguyên tắc hôn nhân, nghi thức cưới xin. Hiện nay, các nghi lễ và hình thức trong hôn nhân đã giảm một cách đáng kể, đặc biệt là đối với những người đang sống ở thị trấn. Tuy nhiên, đối với những cư dân ở vùng sâu, vùng xa thì quan niệm trong hôn nhân vẫn còn mang đậm chất truyền thống.
Đàm Minh Phượng


Nét đẹp lễ vào nhà mới của người Tày - Nùng (Triệu Thị Mai)

Làm xong căn nhà mới, người Tày - Nùng thường chọn ngày tốt để làm lễ vào nhà mới. Việc chọn ngày phải nhờ đến các thầy Tào hoặc Phựt, Then, Dàng… Lễ vào nhà mới thường được chuẩn bị chu đáo, gồm hai phần: Đưa bát hương tổ tiên vào nhà mới; mọi người đến chúc mừng nhà mới.

Thủ tục đưa bát hương tổ tiên vào nhà mới bao giờ cũng có một con lợn. Lợn thịt được dâng lên cả con phủ phục trước bàn thờ có cả tiết canh, lục phủ ngũ tạng, được bày thành hàng trước bàn thờ. Bánh trái mọi người đến mừng được đặt trong làn xếp hàng dọc trước bàn thờ. Người Tày - Nùng hay làm bánh dày với các màu nhuộm bằng lá cây rừng, như màu tím nhuộm bằng lá cẩm, màu vàng nhuộm bằng củ nghệ, màu xanh nhuộm bằng lá gừng, màu đen nhuộm bằng lá cây xau xau...  Các loại bánh nhuộm bằng lá cây tự nhiên này thơm, dẻo, bảo quản được tốt hơn.
Bên ngoài nhà đặt mâm cúng ngoại thần cả lễ tạp lẫn lễ chay đầy đủ lục phủ ngũ tạng như trong nhà. Nếu dỡ nhà cũ để làm lại, bát hương được chuyển ra ngoài, khi hoàn thành chỉ cần chuyển vào nhà. Trong trường hợp con cái tách hộ ra ở riêng thì lập bát hương mới đem vào nhà.
Thủ tục lập bát hương mới như sau: Gia chủ chuẩn bị hai mâm, một mâm đặt ba bát gạo và một chiếc ô hoặc nón để rước bát hương từ nhà tổ tiên sang nhà mới; mâm thứ hai đặt thủ lợn cùng bốn móng, gà, xôi, bánh trái, rượu, đèn… Đến nhà thờ tổ tiên xin chân hương, hai mâm cỗ, lễ được dâng lên các vị. Sau ba tuần rượu rót mời, thầy cúng xin các vị tổ tiên được xin chân hương về cho con cháu. Thầy báo lên tổ tiên họ, nhà…, và xưng họ tên pháp danh của thầy được gia chủ nhờ đến nhà làm lễ xin các cụ chân hương để đưa về nhà thờ cúng với nội dung nhờ tổ tiên phù hộ cho con cháu: “Lủc tầư cụng dà/Kha tầư cụng hốm” (dịch nghĩa: Con nào cũng phù hộ/Nhánh nào cũng chở che).
Cúng xong, thầy cho gia chủ rút lấy mỗi bát hương ba chân hương, chân được cắm vào bát gạo dưới mâm lễ (nếu nhà xa không đem theo bát gạo thì các chân hương được gói để riêng bằng ba loại giấy màu khác nhau (tránh nhầm lẫn giữa các bát hương). Nếu nhà đặt năm bát thì lấy năm gói. Chân hương đem về đến nhà, thầy làm phép xua tà quỷ rồi gia chủ mới đưa chân hương lên bàn thờ tổ tiên theo thứ tự xếp sẵn như bên nhà tổ tiên.

Anh em họ hàng ruột thịt đến mừng nhà mới bao giờ cũng có gạo, rượu và câu đối mừng nhà mới. Bà con láng giềng thì mừng gạo, rượu, bánh, trái, xôi gà và tiền… Người ta đưa một bó lúa nếp cùng chiếc cân làm bằng gỗ tượng trưng đặt lên trên cây thượng lương trên nhà. Lúa tượng trưng cho sự no đủ. Chiếc cân tượng trưng cho việc mua bán thuận lợi, phát đạt.

Trước đây người Nùng Khen Lài ở vùng Thái Đức (Hạ Lang) còn có tục khi thông gia đến mừng nhà mới họ đặt bánh trước cửa rồi cầm bánh lăng qua cây xà ngang trong nhà, người ngoài ném vào, người trong ném ra, mọi người đến dự nhặt bánh làm phước. Tục này thể hiện sự no đủ của căn nhà đầy hồng phúc. Mọi người ăn uống vui vẻ.

Thầy cúng ngồi trước mâm hương, tay cầm bộ gõ nhỏ đọc bài mo tẩy uế cầu sự yên lành tốt đẹp cho căn nhà. Bài mo nhà mới của người Nùng có đoạn: Hôm nay được ngày tốt/Điểm sách với người Hoa/Tra sách với người Kinh/Xem ngày với thầy già/Mười người nói hôm nay thật lành/Trăm người nói hôm nay thật tốt/Ngày thiên khai đại xá/Ngày lộc mã quí nhân/Cung trời đất mở song/Cung Ngọc Hoàng mở cửa/Ngày ngũ phúc tới nhà/ Ngày yến yêu tới đón... Hoàng Đế về trợ tôi giải uế dương gian/Trợ tôi đuổi uế ra đồi/Ma chết ra bãi/Uế đen uế đỏ uế slinh tẩy rửa/Uế cây gẫy ngọn hồn ma mới chết/Uế ma thì xuống dưới sàn/Uế đười ươi thì về núi/Uế quạ thì về cây/Tôi xin cầm hoa vào thỉnh/Cầm lấy mệnh vào trình/Trình rõ cả họ cả rõ tên/Họ vạn tên sinh chốn dương gian gia/Hoàn Văn A gia chủ/Dựng lán đã thành/Dựng nhà đã nên/Dẫn ông bà cha mẹ/Đi ruộng mang hoa/Về nhà mang uế/Mời con Sở đến sàn/Nhờ slao đón tôi đến dưới sân/Tôi chọn được ngày tốt/Tôi kén được ngày hay... ngày... tháng... năm... Hôm nay được ngày quét/Tôi chẳng to hơn Vương/Tôi chẳng lớn hơn thầy/Xin chổi cho hai cái/Xin thạ xuống hai đôi/Hộ tôi quét tôi phẩy đi/Để họ Gia, Hoàng Văn Mõ/Nhà sạch, gia trạch bình an/Ông thầy sẽ xuống ngự/Thần tiên sẽ xuống ngự/Mùng một xuống đi ngựa/Hôm rằm xuống hàng hương/Đến sớm chẳng về suông/Đến muộn chẳng về không/Đến sớm được ăn nhiều/Đến chậm được ăn lắm… Mời Nam phương sát uế/Mời Bắc phương sát uế/Mời Trung phương sát uế… Uế ngã thì về đồi/Uế chết thì về thung/ Uế ma thì xuống sàn/Uế vượn thì về núi/Uế quạ thì về cây… Ra cửa én của én/Ra cuối sàn sảy gạo… Đi chốn châu diêm âm xa lắc/Nơi Quí Châu xa vời/Ngàn năm mày chẳng nhớ/Vạn đời mày chẳng về/Phẩy uế đi khỏi mường.
Lễ vào nhà mới là một trong những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người Tày - Nùng, mang nhiều giá trị về nghệ thuật, văn hóa, lịch sử… Ngoài ra còn thể hiện sự đoàn kết của người Tày - Nùng giữa gia đình và cộng đồng.

 Triệu Thị Mai

Đặc điểm kiến trúc của dân tộc Tày - Nùng ( Lý Thị Ninh)

Vùng núi phía Bắc Việt Nam là khu vực có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Qua hàng trăm năm, cuộc sống của các dân tộc ít biến đổi, kiến trúc nhà ở của họ vẫn giữ được nét văn hóa sơ khai từ xưa đến nay.
Người Nùng thường ở nhà sàn hoặc nhà đất hoặc nhà nửa sàn nửa đất tùy theo điều kiện địa hình, trong đó nhà sàn là kiểu nhà ưa thích của họ. Nhà thường khá to, rộng, có 3 gian, vách thường bằng gỗ và lợp ngói âm dương.

Mái ngói âm dương
Nhà được chia làm hai phần bởi vách ngăn, trừ một lối đi ở gian giữa. Phần trong đặt bếp là nơi sinh hoặt chủ yếu của phụ nữ trong gia đình. Phần ngoài dành cho nam giới và đặt bàn thờ tổ tiên. Phía sau nhà có cầu thang phụ, ở đấy có máng nước dùng để tắm rửa. Phân chia này cũng đều áp dụng với khách nam và nữ.

Nhà của người Tày - Nùng có đặc trưng riêng không giống các cư dân khác trong cùng nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Bộ khung nhà Tày - Nùng cũng được hình thành trên cơ sở các kiểu Vì kèo. Có nhiều kiểu vì vèo khác nhau, nhưng chủ yếu đều bắt nguồn từ kiểu vì kèo - ba cột. Để mở rộng lòng nhà người ta thêm 1 hoặc 2 cột vào 2 bếp, vì kèo 3 cột trở thành vì kèo 5 hoặc 7 cột. Song không có vì kèo nào vượt quá con số 7.

Bộ khung nhà có 2 đặc trưng:
- Ô vì kèo, đứng trên lưng xà, kẹp giữa 2 cột có một trụ ngắn hình "quả bí"(hay quả dưa) đấu đầu vào thân kèo.

- Để liên kết các cột trong một vì kèo hay giữa các vì kèo với nhau, người ta không dùng các đoạn xà ngắn mà dùng một thanh gỗ dài xuyên qua thân các cột.

Mặt bằng sinh hoạt cảu nhà Tày - Nùng cơ bản là giống nhau , mặt sàn chia làm 2 phần: một là dành cho sinh hoạt của nữmột dành cho sinh hoạt của nam. Các phòng ngủ và nơi ngủ cảu mọi thành viên trog nhà đều giáp vách tiền và hậu.

Nói đến nhà Tày - Nùng có lẽ không nên bỏ qua một loại hình nhà khá đặc biệt đó là " nhà phòng thủ". Thường có sự kết hợp giữa nhà đất và nhà sàn ( đúng hơn là nhà tầng). Tường xây bằng gạch hoặc trình bằng đất rất dày ( 40 - 60cm)để chống đạn. Trên tường còn được đục nhiều lỗ châu mai. Có nhà còn có lô cốt chiến đấu. Loại nhà này chỉ có ở Lạng Sơn gần biên giới phía Bắc để phòng chống trộm cướp.

Nhiều đời nay, bà con dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn, sống dọc biên giới Việt-Trung, thường xây dựng nhà giữa lưng chừng núi, với những kiểu nhà mang tính chất phòng thủ. Người dân Xứ Lạng thường gọi là nhà pháo đài..

Nhà pháo đài vừa để ở, vừa có thể trở thành một lô cốt giúp nhân dân tự bảo vệ và đánh trả bọn cướp. Bởi do đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, bà con các dân tộc Tày, Nùng sống rải rác ở các vùng núi cao, đồi núi, nhiều dân cư thưa thớt. Mỗi một thôn, bản chỉ vài nóc nhà, mỗi nhà cách nhau vài cây số. Chính vì thế để tự bảo vệ mình và bảo vệ biên cương, từ bao đời nay, bà con các dân tộc đã nghĩ ra những kiểu nhà độc đáo.

Nhà pháo đài gồm một nhà chính để ở, các bộ phận khác như bếp, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm được nối liền với nhà chính bằng một hành lang khép kín toàn bộ. Ðồng bào thường làm nhà theo kiểu trình tường bằng đất hoặc xây bằng gạch mộc, nhưng phổ biến nhất là nhà trình tường. Ðể chuẩn bị làm được nhà, đồng bào phải chuẩn bị trước vài năm. Quá trình làm nhà bắt đầu từ khâu san nền nhà, xây tường bằng cách đóng khuôn với hai tấm gỗ dài hơn hai mét, chiều cao 40 cm, rộng từ 30 đến 35 cm. Khi trình thì đổ đất vào khuôn sau đó từ ba đến bốn người dùng chày gỗ nện thật chặt, rồi dùng những thanh tre vào giữa khuôn để kết nối với các khuôn khác... Nhà dạng này thường làm hai mái, mái lợp bằng ngói âm dương. Thông thường nhà pháo đài được làm thành hai tầng: tầng trên và tầng dưới, chung quanh tường nhà có lỗ châu mai. Kết cấu nhà pháo đài gồm có nhiều gian, ngăn này thông ra ngăn kia, có cửa gỗ kiên cố chia cắt từng ngăn. Nhà pháo đài thường có gác bằng gỗ ván. Nhà ở chính bao giờ cũng có hiên ở đằng trước xây thành một hành lang phòng thủ có cửa sổ và lỗ châu mai. Phía chính cửa gia chủ còn làm một giàn đá tảng rất chắc. Nếu kẻ gian vào lập tức sẽ bị giàn đá đổ ập xuống. Ngoài ra trong nhà còn có nhiều ngăn và mỗi ngăn đều có cửa riêng và có lỗ châu mai phòng khi hành lang bị chiếm, gia chủ có thể rút lui vào các phòng trong để tiếp tục chiến đấu. Ở những nhà pháo đài phòng thủ kiểu này, tường nhà thường dày 30 đến 35 cm. Ðặc điểm của những ngôi nhà này rất ấm về mùa đông và mát về mùa hè.

Lý Thị Ninh

Tập quán dựng nhà của người Nùng (Minh Thắng)

Để phù hợp với điều kiện sinh hoạt và sản xuất, người Nùng sống quây quần thành từng bản. Nhà ở của người Nùng không những là nơi tụ họp các sinh hoạt văn hóa của gia đình mà đây còn là một hình ảnh thu nhỏ của văn hoá tộc người.

Kết cấu ngôi nhà
Ngôi nhà truyền thống tiêu biểu của người Nùng là ngôi nhà sàn lợp ngói máng. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong ngôi nhà của người Nùng là nhà sàn 4 mái, ngoài 2 mái chính còn 2 mái đầu hồi bao giờ cũng thấp hơn mái chính. Kết cấu kỹ thuật ở nhà sàn 4 mái của đồng bào Nùng phức tạp hơn so với nhà sàn 2 mái ở một số địa phương khác. Điều này thể hiện rõ ở kết cấu vì chái, mái đầu hồi, các vì kèo, cột trong bộ sườn của nó (thường có kết cấu 4,6,7 hàng cột).
Ngôi nhà sàn của người Nùng cửa ra vào mở ra 2 đầu hồi. Cửa chính thường đặt cầu thang lên xuống, còn cửa phụ là nơi bếp hay ra sàn. Số lượng các bậc cầu thang bao giờ cũng chỉ có số bậc lẻ: 3,5,7,9... không làm bậc chẵn. Quan niệm cũ cho rằng, cầu thang bậc chẵn chỉ dùng ở thế giới của người chết. Câu thành ngữ “vùng dú củ pây”(lẻ ở, chẵn đi) là để diễn đạt quan niệm đó.
Chọn đất và hướng nhà (Dòm tỳ lơn)
Trong tâm thức của người Nùng, ngôi nhà dường như đã trở thành điều kiện cho sự thành bại của mỗi đời người. Chính vì thế, việc làm nhà mới đối với người Nùng đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng của cuộc sống. Người Nùng quan niệm, nơi làm nhà phải cao, thoáng, vị trí của ngôi nhà và hướng nhà không bị che khuất bởi các ngọn núi. Hướng nhà được cư dân địa phương thời kỳ này lựa chọn chủ yếu là hướng Nam. Cũng giống như một số quan niệm hiện nay, khi chọn đất và hướng nhà người Nùng có một số kiêng kỵ: Họ kiêng làm nhà trên nền giếng cũ hay ngõ cụt, những mảnh đất ở nơi gần chùa, miếu, nơi thờ cúng... ở hướng nào thì nhà của người Nùng cũng đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
Chọn vật liệu (Dòm may day)
Khác với một số tộc người khác, người Nùng không có tập tục giúp đỡ nhau hay chọn ngày đi lấy vật liệu. Thường thì gia đình tự chuẩn bị vật liệu, bao giờ đủ thì mới làm nhà. Người ta lên rừng chọn những cây tre, cây gỗ vừa ý. Cây gỗ, cây tre ấy phải thẳng, đều gióng. Có như vậy mới đảm bảo ý nghĩa khoa học, sức bền của vật liệu và mỹ quan. Dây buộc thường làm bằng tre, nứa, mây nước, vật liệu làm mái thường được đồng bào chuẩn bị khi sắp sửa làm nhà vào lúc nông nhàn.
Chọn tuổi và ngày khởi công (Dòm văn hất lơn)
Khi chuẩn bị xong nguồn nguyên vật liệu, đồng bào tiến hành chọn năm làm nhà, chọn ngày khởi công. Người chủ biện một lễ nhỏ đến nhờ thầy Tào, thầy Mo xem tuổi mình có làm được nhà vào năm đó không, khởi công giờ nào, ngày nào; dựng nhà và vào nhà mới ngày nào là đẹp nhất. Các thầy thường dựa vào tuổi của chủ nhà và ngày sấm ra đầu tiên của năm đó. Thông thường những người ngoài 40 tuổi mới được làm nhà. Khi đã xem được tuổi và các ngày quan trọng thì gia chủ chuẩn bị làm lễ “khởi móng” (người Kinh gọi là động thổ). Sau khi khấn xong, người được tuổi làm nhà sẽ cầm cuốc, cuốc 45 nhát cuốc ở bốn góc từ Đông, Nam, Tây, Bắc và ở giữa để khởi móng.
Lễ phát mộc (Dòm văn long lơn)
Đây là nghi lễ cầu xin Thổ thần và Tổ tiên, Tổ sư Lỗ Ban phù hộ cho việc làm mộc được an toàn. Do đó, lễ phát mộc được tiến hành không chỉ có chủ nhà mà còn có sự tham gia của phường thợ. Để tiến hành Lễ phát mộc chủ nhà sắp mâm cỗ mặn đặt lên bàn thờ thắp hương vái lạy tổ tiên, thợ cả thắp nén hương xin phép vị tổ sư của mình là Lỗ Ban. Sau khi hành lễ, người thợ cả dùng dao đẽo mấy nhát vào cây gỗ theo giờ đã chọn phù hợp với nhà. Chỉ sau khi người thợ cả đặt dao xuống thì công việc làm mộc mới được bắt đầu việc quan trọng nhất của ngày hôm đó là phải cắt được “Cai may to long lơn” (cây sào, thước mực).
Cách thức dựng nhà
Việc dựng nhà đối với người Nùng không mấy khó khăn vì đồng bào có tập quán giúp đỡ nhau khi làm nhà. Khi dựng nhà người Nùng chú ý nhất thời điểm đặt cột chính và đặt nóc. Những sự kiện này người Nùng phải chọn ngày dựa theo lời của thầy cúng. Đến giờ quy định, người ta lắp các vì vào nhau.
Trước khi dựng nhà họ đào sẵn những chiếc hố để dựng cột. Đến giờ đẹp họ mang hòn đá tảng bỏ vào những chiếc hố đó. Riêng cột chính chủ nhà phải ôm cột nhà đặt lên tảng đá. Đối với nhà đất cột kê, họ làm lễ in tảng trước rồi mới dựng trước khi đặt tảng, người ta thường đặt xuống đó mảnh giấy đỏ, coi như là sự yểm bùa để bảo vệ ngôi nhà khỏi tà ma. Sau khi dựng xong, người ta bắt đầu lợp nhà, lợp hai mái phụ trước rồi đến hai mái chính.
Lễ vào nhà mới (Kin liên hoan khẩu lờn mâu)
Lễ vào nhà mới là một trong những nghi thức không thể thiếu được khi làm xong ngôi nhà. Trước hết, người ta tiến hành một số công việc như là làm ống hương đặt ở các nơi thờ cúng. Ngoài ra, còn phải ấn định nơi đặt bếp nấu nướng, kiếm củi sẵn để đó. Bàn thờ được đóng mới hoặc nếu dùng bàn thờ cũ phải lau chùi sạch sẽ, kể cả các đồ thờ. Thời điểm đặt bàn thờ phải được thầy cúng xem kỹ. Đây là một hình thức tín ngưỡng truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện sinh hoạt và đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào, nó có ý nghĩa tác dụng giáo dục sâu sắc.
Những tín ngưỡng khác liên quan đến ngôi nhà
Người Nùng cho rằng, ngôi nhà có chủ thì phải có nơi thờ cúng với mục đích phù hộ sức khoẻ cho gia đình, xua đuổi tà ma, đặc biệt là canh giữ cửa không cho các hồn vía xấu vào nhà. Do đó, ngoài bàn thờ Tổ tiên và ông Táo họ còn có ống hương ở trước cửa để thờ thần canh cửa.
Trong nhà có người mất thì đồ vật cũng phải đeo tang. Nếu người chết ở ngoài đường thì không được phép đưa vào trong nhà mà phải để ngoài ngõ. Họ quan niệm rằng, khi đưa những người chết đường vào nhà gia đình sẽ gặp điều xấu, bị ma tà hãm hại.
Các gia đình trong làng xóm có người sinh thì bà con không ai đến chơi vì sợ mang vía xấu đến nhà làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính tình của đứa bé. Nếu ai không biết đến nhà có người đang ở cữ thì sẽ được chủ nhà mời chén rượu để giải đen.
Nhà ở phản ánh trình độ phát triển kinh tế xã hội của mỗi dân tộc, đồng thời phản ánh chiều hướng phát triển kinh tế của họ gắn với ứng xử với môi trường thiên nhiên, đặc biệt là phương thức sinh hoạt./.

 Minh Thắng

Nhà ở của dân tộc Nùng (Tô Tuấn)

Mỗi dân tộc đều có những ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Ngôi nhà truyền thống của người Nùng cũng có nét độc đáo riêng biệt.
Người Nùng thường ở nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất và ở một số nơi đồng bào ở nhà trình tường. Nhà sàn là kiểu nhà truyền thống. Người Nùng thường chọn vị trí dựng nhà ở sườn đồi, ở khu vực có nhiều cây cối,
vì theo kinh nghiệm của đồng bào, nơi có nhiều cây cối thường không bị sạt lở đất. Theo phong thuỷ của người Nùng, nhà ở phải hướng về hướng Nam, nơi có cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, rộng rãi và nhà không nên có cửa trông ra núi non, sông ngòi hay những bụi cây có hình thù kỳ lạ. Người Nùng cho rằng mỏm núi như hình mũi tên hướng vào nhà thì mọi người hay gặp tai nạn, còn những bụi cây có hình thù của thú dữ sẽ làm cho gia cầm chăn nuôi bị dịch bệnh, mất mát. Người Nùng sống gần gũi với thiên nhiên và thích ở nơi rộng rãi, nên nhà sàn được làm hoàn toàn bằng gỗ, tre nứa và xung quanh nhà thường có hàng rào, vườn rau.  Ông Lương Văn Thiết, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, công tác tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, cho biết: "Nhà sàn của người Nùng khá to, rộng, thường có 6-8 cột, nhà có nhiều gian thường được chia theo số lẻ có thể là 5, 7 gian  hay 9 gian, tùy theo quy mô gia đình. Nhưng số gian bao giờ cũng là số lẻ vì người Nùng cho rằng nhà có số gian lẻ là nhà cho người sống, còn số chẵn chỉ khi  xây nhà mồ cho người chết và số bậc cầu thang lên nhà sàn cũng phải là số lẻ 7-9 hay 11 bậc".

Nhà ở dân tộc Nùng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Mặt bằng sinh hoạt trong nhà sàn của người Nùng cơ bản là giống nhau, phần dưới sàn là nơi nuôi gia súc, nơi phụ nữ nhuộm vải chàm và là chỗ đàn ông mài dao, sửa nông cụ. Các gian trên tầng sàn được ngăn bằng các vách gỗ, được chia thành 2 khu rõ rệt dành cho nam và nữ. Phần ngoài dành cho nam giới, là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi ở của chủ nhà, con trai chưa vợ và cũng là nơi tiếp khách. Phần bên trong là nơi sinh hoạt của phụ nữ với gian bếp. Trong gian bếp của người Nùng bao giờ cũng có bàn thờ cúng bà Mụ. Tập quán cúng bà Mụ để cầu cho sự sinh sôi nảy nở, trẻ con trong nhà được khoẻ mạnh.

Khi nhắc đến kiến trúc nhà ở của dân tộc Nùng, còn phải kể đến kiểu nhà trình tường của đồng bào Nùng ở vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn. Nhà trình tường có hai kiểu, một kiểu nhà để sinh sống, sinh hoạt bình thường và một kiểu nhà nữa gọi là nhà“ Pháo đài”. Hai kiểu nhà này có từ lâu đời gắn với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Nùng nơi đây.Ông Hoàng Văn Páo, cán bộ văn hoá của tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Nhà trình tường được xây hoàn toàn bằng các loại vật liệu tại chỗ, bằng đất, cây cỏ, rơm rạ và lợp ngói âm dương. Nhà trình tường có tường làm bằng đất sét đất nện trộn, dùng chày vồ đập nện, tường dày từ 50-70 cm, nên ngôi nhà rất kiên cố, có khi tồn tại hàng trăm năm".

Một bản của người Nùng

Móng nhà trình tường được xếp đá khít nên chịu lực và chắc chắn. Nhà trình tường được xây từ dưới xây lên. Để làm các bức tường, đất sét được trộn nhuyễn đổ vào các khuôn gỗ, sau đó dùng chày đập cho đến khi tạo thành khối vững chắc. Làm tường trình phải có 7 lần đất đổ vào khuôn, làm hết lớp này thì làm lớp khác. Trụ nhà ở bốn góc là bốn cây gỗ to chịu lực cho cả ngôi nhà. Hệ thống xà ngang, xà dọc tạo thành khối vững chắc đỡ cho mái nhà. Nhà làm theo kiểu này có kết cấu bền vững, tiết kiệm, ấm về mùa đông và mát về mùa hè. 

Nếu nhà trình tường một tầng thuận tiện cho các sinh hoạt bình thường, thì kiểu nhà” Pháo đài” là có sự kết hợp giữa nhà đất và nhà sàn. Bởi vậy nhà “ pháo đài” thường có 2 tầng mang kiểu kiến trúc lạ, trông như những lô cốt. Trước đây đồng bào xây dựng kiểu nhà này để phòng giặc giã, chống trộm cướp. Tường nhà trình bằng đất dày (40–60 cm) còn có tác dụng để chống đạn. Trên tường còn đục nhiều lỗ châu mai. Nhà “Pháo đài” có  nhiều gian, gian này thông với gian kia. Tầng hai của nhà pháo đài là nơi thờ cúng tổ tiên , cửa chính giữa đón ánh sáng toả khắp phòng, đứng từ đây có thể quan sát toàn bộ không gian trước nhà. Phía trước những ngôi nhà pháo đài còn có hàng rào chắc chắn với giàn đá tảng rất chắc, phòng khi có giặc cướp lập tức bị giá đá đổ ập xuống.

Hàng trăm năm trôi qua, nhiều ngôi nhà trình tường của đồng bào Nùng ở các huyện vùng cao Lạng Sơn tồn tại vững chãi theo thời gian và vẫn giữ được vẻ đơn sơ, mộc mạc. Những những năm gần đây, rất nhiều khách du lịch, các nhà nhiếp ảnh đã đến tham quan chụp ảnh, ghi lại hình ảnh những nếp nhà độc đáo, một nét đẹp văn hoá cổ xưa giữa cuộc sống hiện đại.

Tô Tuấn

Nghi thức ma chay của người Nùng ở Bắc Kạn (Thụy Lân)

Cũng như các dân tộc khác , dân tộc Nùng ở Bắc Kạn cũng có những nghi lễ về việc hiếu rất riêng.
Người Nùng quan niệm khi người thân chút hơi thở cuối cùng là lúc chia tay với trần gian để về cõi âm, do vậy con cháu sẽ mời thầy cúng về để làm các thủ tục tiễn đưa linh hồn của người đã chết về nơi an nghỉ cuối cùng được suôn sẻ.

Để báo hiếu cho người đã chết con cháu phải làm đầy đủ nghi lễ không được để sót bất cứ bước nào. 
Khi nhà có người chết con cháu chưa được khóc , chỉ khi nào thầy tào đến khâm niệm con cháu mới được khóc. Con cháu phải đun nước bằng các loại lá thơm để tắm rửa thay quần áo cho người chết.
Nếu người chết là gái thì mặc 9 áo, nếu là nam thì mặc 7 áo. Người con trai trưởng lấy đồng tiền xu đặt vào lưỡi hoặc vào tay của người đã chết coi đó là tiền khi qua cầu. Sau khi hoàn tất các thủ tục thầy tào mới tiến hành khâm niệm.
Có nơi con cháu khâm niệm người quá cố bằng tấm vải trắng, nhưng cũng có nơi khâm niệm bằng vải màu vàng. Sau khi khâm niệm xong người chết sẽ được đặt ra gian giữa trong nhà, đầu quay về phía bàn thờ, màn chỉ mắc 3 góc, kiểu mắc màn này để phân biệt giữa người chết và người sống.
Cũng như dân tộc Kinh, giờ nhập quan được người Nùng rất coi trọng, vì người Nùng quan niệm giờ nhập quan không chỉ liên quan đến người chết mà còn liên quan đến cả người sống.
Vì thế người nào không may chết phải giờ xấu thì có khi vài ngày mới chọn được giờ nhập quan. Trước khi đưa xác vào quan tài thì áo quan đã được lót bằng gạo rang hoặc chè khô để hút chống mùi hôi thối.
Khi đưa xác vào áo quan thì thầy tào đọc một tờ giấy gọi là tờ “phan”, tờ giấy đó được ghi rõ thân thế của người đã chết, trước khi nắp quan tài được đóng lại tờ giấy đó được bỏ vào trong coi như biên bản bàn giao của người sống và người chết.
Nghi lễ dâng đèn hoa cho người chết được gọi là Lễ tâng khay lò, có lễ này người chết mới nhìn rõ đường về thế giới bên kia. Trước khi mặc áo tang con cháu phải cầm áo tang đến bên linh cữu của người chết để lạy.
Sau khi đã nhập quan, con cháu phải kiêng không được ngủ trên giường, không cắt tóc, không ăn thịt mỡ... trong 40 ngày đầu để tỏ lòng báo hiếu với người đã chết. Đó là trước kia , còn ngày nay hầu như những thủ tục cổ hủ này đã được xóa bỏ, tình trạng người chết để lâu ngày trong nhà hầu hết đã không còn.
Lễ dâng cơm được thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Người Nùng quan niệm sống thế nào thì chết như vậy, ngày dâng cơm cho người chết vào 2 bữa là thể hiện lòng thành kính.

Lễ cây tiền, cây bạc được mỗi người con rể làm bằng giấy xanh, đỏ, vàng, trắng cao thấp tùy tâm để bố mẹ mang về thế giới bên kia.
Khi đưa ma cây tiền, cây bạc mang theo để đốt tại mộ. Lễ qua lửa được thực hiện trước khi đưa lĩnh cữu đi đồ đạc của người chết được đốt hết hoặc hơ lửa để không còn hồn vía của người qúa cố.
Khi đưa quan tài khỏi ra cửa thầy tào làm phép để hồn không còn luẩn quẩn trong nhà quấy phá người sống. Lễ hạ huyệt được người Nùng chọn đất rất kỹ, chọn nơi đất phát và chọn giờ tốt mới hạ huyệt .
Sau khi chôn cất được 3 hôm, con cháu sẽ mời thầy tào đến nơi chôn cất để tiến hành nghi lễ mở cửa mộ để báo cho sơn thần biết và đón nhận người chết về cõi âm.
Người Nùng thường để tang bố 2 năm, tang mẹ 3 năm, trong thời gian này không đựơc tổ chức cưới hỏi, làm nhà.
Nghi lễ ma chay của người Nùng ngày nay đã tiến bộ hơn trước đây rất nhiều, tuy nhiên ở một số nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn nặng nề cần được dần dần loại bỏ.

Thụy Lân

THẦY CÚNG CỦA NGƯỜI NÙNG XÃ PHÚ TÂN, HUYỆN ĐỊNH QUÁN, TỈNH ĐỒNG NAI ( Tuyết Trinh )

(Áo cà sa - trang phục của thầy cúng người Nùng)

Đồng la - một trong nhũng đồ nghề của thầy cúng người Nùng
​Xã Phú Tân nằm về phía đông Bắc trung tâm hành chính huyện Định Quán, tổng diện tích tự nhiên khoảng 4.488,19 ha, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và làm rẫy. Dân số gồm 11.372 người trong đó có 6.058 người thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số (người Hoa chiếm đa số với 4.256 người, người Tày có 957 người, người Nùng có 484 người, ngoài ra còn có người Xtiêng, Mạ, Sán Dìu…).

Cộng đồng người Nùng ở xã Phú Tân đa số di dân từ Lạng Sơn và Cao Bằng vào đây từ những năm sau giải phóng và vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán theo truyền thống của dân tộc đặc biệt về tín ngưỡng dân gian. Người Nùng có đức tin sâu sắc vào thần linh và các lực lượng siêu nhiên. Đức tin chi phối hầu hết các hoạt động trong đời sống của người Nùng từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi. Thầy cúng đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống tinh thần của người Nùng. Chỉ có thầy cúng mới được phép làm lễ cúng đầy tháng, đám ma, cúng tổ tiên và trừ tà ma…

- Cấp bậc: Thầy cúng hay còn gọi là Thầy Tào của người Nùng có hai cấp: Trung vìn (viết theo cách đọc của người Nùng) và Trường vìn. Trung vìn được xem là cấp thấp nhất, là người phụ giúp các thầy cúng trong các buổi cúng lễ, khi cúng không được ngồi trên ghế mà chỉ được ngồi ở dưới đất. Khi bắt đầu vào Trung vìn không phải làm lễ cúng phức tạp, thầy cúng được khoác áo cà sa, và phải kiêng không gần gũi với vợ và nói chuyện với người xung quanh trong vòng 21 ngày.

Trường vìn là cấp cao nhất của thầy cúng người Nùng. Theo lời ông Hoàng Văn Ba, để được lên cấp này, người thầy cấp Trung vìn phải tìm được 3 người Thầy cúng cấp cao đồng ý dạy cho mình. Sau đó, 3 người Thầy sẽ chọn ngày tốt để tiến hành thủ tục cúng nâng cấp vào Trường vìn. Đầu tiên, họ phải chọn địa điểm thực hiện lễ cúng nâng cấp, địa điểm phải là nơi bằng phẳng, rộng rãi thích hợp nhất là đồng trống. Sau đó, họ căng lều, lập bàn thờ cúng. Mỗi người Thầy lập một bàn cúng (3 Thầy phải lập 3 bàn), trên mỗi bàn đặt một chén gạo có cắm 3 nén nhang, ấn của Thầy, tại bàn của Thầy Cả treo một bức tranh có nội dung để vào Trường vìn.

Sau khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, ba người Thầy bắt đầu lễ cúng, người làm lễ vào Trường vìn đứng thẳng, mắt nhìn vào bức tranh treo ở bàn Thầy Cả, hai tay nắm lấy hai tai. Đầu tiên ba người Thầy này mời những người Thầy của mình và các vị Thần linh về, sau đó họ bắt đầu tụng niệm, thực hiện những nghi thức cúng và nhảy xung quanh người làm lễ. Họ cứ cúng và nhảy xung quanh cho đến khi người làm lễ tự nhảy bật lên mới được. Do vậy, tùy theo khả năng của mỗi người làm lễ vào Trường vìn mà các thầy cúng phải làm lễ nhiều lần hay ít lần, có người phải cúng đến 2 hoặc 3 ngày mới được.

Sau đó các Thầy cúng hướng dẫn cho người làm lễ nằm xuống chiếu (nằm nghiêng) rồi dùng chăn đắp kín từ đầu đến chân của người làm lễ. Ba Thầy cúng tiếp tục thực hiện các nghi thức cúng của mình. Sau khi cúng xong, ba người Thầy này dắt người làm lễ về nhà của họ rồi lập bàn thờ “Thánh tướng và âm binh” cho học trò và ở lại nhà của học trò 3 ngày để truyền dạy cách thức cúng của Thầy Trường vìn. Sau 3 ngày, người học trò đưa mỗi Thầy một con gà đem về nhà của Thầy làm lễ cúng. Từ ngày này đến 4 tháng sau, mỗi người Thầy thay phiên nhau đến nhà học trò ở lại và dạy cho cách thực hiện các nghi thức cúng.

Trong 4 tháng này, người làm lễ Trường vìn không được ngủ với vợ cũng như nói chuyện với mọi người xung quanh, kể cả người trong gia đình, đi đâu cũng có người theo phụ giúp họ giao tiếp với người ngoài song rất hạn chế đi ra khỏi nhà. Nếu là người chưa lập gia đình thì phải bắt một con gà mái nhốt trong lồng đến hết 4 tháng mới thả ra tượng trưng cho việc kiêng không gần gũi với nữ sắc.

- Trang phục của Thầy cúng: Mũ đội và áo cà sa. Mũ đội được làm bằng vải, gồm 9 miếng hình trụ, một đầu nhọn, một đầu bằng ghép lại với nhau; hai miếng đầu thêu chữ Nhật, Nguyệt bằng chữ Hoa, bên dưới thêu hình con bò cạp núi và bò cạp lửa, 7 miếng bên trong thêu hình Phật Thích Ca. Khi làm lễ, Thầy cúng cột mũ lên đầu, giống như mũ của Địa tạng Bồ Tát trong Phật giáo. Áo cà sa được làm rất công phu với các mẫu hình thêu dày đặc, thường được đặt may ở Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Toàn thân áo màu tím chia thành 3 mảnh (phía trước 2 mảnh dùng dây cột áo chứ không làm khuy, sau lưng 1 mảnh và có nhiều hình thêu hơn mặt trước), trên thân được thêu nhiều hình rất công phu thể hiện các vị thần linh, ngũ hành và âm binh phò trợ cho người Thầy.

 (Nón - trang phục thầy cúng của người Nùng)

- Vật dụng của Thầy cúng: Ấn của Thầy (do người Thầy của Thầy cúng giao cho) gồm 1 ấn Trường vìn, 1 ấn tam bảo; kiếm; vòng chuỗi hạt có gắn 1 nanh heo rừng, 1 chân gà rừng hoặc chân chim công, lục lạc đồng, còi bằng tre, 4 đồng tiền xu, bao vải đựng sớ của Thầy; 1 chiếc rìu đá; 1 lệnh bài; 1 cặp xin âm dương bằng gỗ; 1 đồng la, 1 chuông đồng…

Khi Thầy cúng mất đi mà trong gia đình không có hoặc chưa có người nối nghề thì tất cả các vật dụng và trang phục của Thầy cúng đã mất sẽ được chuyển giao cho người Thầy cúng chính trong lễ đám ma. Sau này, nếu người nhà muốn xin lại bộ trang phục và vật dụng của người than mình thì phải mang lễ vật sang nhà Thầy cúng giữ các vật đó xin chuộc lại.

 (Ấn Tam bảo)

 (Ấn tường vịn)


(Chuông đồng)


(Đồng la)

 (Kiếm)

 (Lệnh và cấp xin âm dương)


(Vòng chuỗi hạt)

- Kiêng cữ của Thầy cúng: Khi bắt đầu làm Thầy cúng thì người Thầy không được giặt quần áo chung với những người trong gia đình, khi phơi quần áo cũng phải phơi sào riêng, không được chui qua sào phơi quần áo, không ăn thịt các con vật gồm bò, chó, rắn, cá chẹt, mèo, lươn… Khi đi ngoài đường phải tránh nhau thì người Thầy cúng phải chọn những chỗ cao hơn để bước qua chứ không được chọn chỗ thấp hơn vì như vậy sẽ đứng thấp hơn người khác.

Thầy cúng có vai trò khá quan trọng trong đời sống tinh thần của người Nùng bởi đây là lực lượng có thể giao tiếp với thần linh hay ma quỷ. Với đời sống tín ngưỡng dân gian phong phú, người Nùng xã Phú Tân huyện Định Quán cùng với các cộng đồng dân tộc khác đã góp phần tạo nên bức tranh sinh động, đa dạng và phong phú về văn hóa các cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn xã Phú Tân nói riêng, huyện Định Quán nói chung.

Tuyết Trinh

Người Nùng xã Bạch Đích huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang giữ gìn trang phục truyền thống (Hoàng Minh Thắng)

Từ bao đời nay, người dân tộc Nùng ở xã Bạch Đích huyện Yên Minh - tỉnh Hà Giang vẫn luôn tự làm trang phục truyền thống của mình. Trang phục của người Nùng khá đơn giản, thường làm bằng vải thô nhuộm chàm, không sặc sỡ nhiều màu sắc và ít thêu thùa trang trí như trang phục của một số dân tộc khác.

Trước đây, người Nùng ở Bạch Đích vẫn thường trồng cây bông để dệt vải, nhưng giờ đây họ thường mua những mảnh vải thô màu trắng bán sẵn ở chợ về tự nhuộm chàm để làm trang phục truyền thống của mình. Hầu hết phụ nữ người Nùng trên địa bàn xã đều tự biết làm trang phục cho mình, cho gia đình.
Nghệ nhân Lù Thị Mai cho biết: Để làm được những bộ trang phục truyền thống thì hầu hết nhà nào cũng phải có các dụng cụ như chum ngâm vải chàm, kéo, kim chỉ, máy may và được thực hiện gồm có nhiều bước như: dệt vải, nhuộm chàm, cắt may, thêu thùa... thời gian làm xong một bộ trang phục thường mất 2 đến 3 tháng. 1 bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Nùng gồm có: Khăn đội đầu, áo, thắt lưng, giầy và phải có trang sức như vòng cổ, vòng tay, hoa tai…
Hiện nay trong xu thế hội nhập, hầu như các thế hệ trẻ đều ít hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Do đó, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, cũng như trang phục truyền thống của dân tộc Nùng nói riêng và các dân tộc khác trên địa bàn xã nói chung, Hội nghệ nhân dân gian xã Bạch Đích được thành lập để tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ về phong tục tập quán, ngôn ngữ, những làn điệu dân ca, cũng như trang phục truyền thống, giúp các thế hệ trẻ được tìm hiểu, từ đó bồi đắp tình yêu, niềm tự hào dân tộc và có ý thức gìn giữ, phát huy hơn.
Trang phục là một trong những yếu tố quan trọng chứa đựng bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Vì vậy, để có thể bảo tồn và phát huy, cần phải có sự ý thức và nỗ lực của chính những người dân trong cộng đồng mỗi dân tộc, đặc biệt là việc giáo dục thế hệ con cháu biết trân trọng, gìn giữ và phát triển vốn văn hoá độc đáo của thế hệ cha ông mình để lại. Việc lưu giữ những nét văn hóa về trang phục truyền thống của dân tộc Nùng xã Bạc Đích huyện Yên Minh cũng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

 Hoàng Minh Thắng

Người Nùng U ở dãy núi Tây Côn Lĩnh tỉnh Hà Giang ( Anh Minh)

Một số hình ảnh và trang phục Nùng U:

Đồng bào Nùng U sinh sống ở phía Tây Bắc của nước ta, thuộc xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, trong quần thể dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Đồng bào nơi đây tự gọi mình là Nùng U, vì chiếc váy truyền thống của họ được buộc túm phía sau lưng thành hình đuôi con chim, rất duyên dáng.

Đồng bào Nùng U trồng hai vụ lúa trong năm và tăng gia thêm các loại ngô, đậu, lạc. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm để có thêm nguồn thức ăn cho gia đình. Cuộc sống của người dân ở đây rất vất vả và khu vực này vẫn nằm trong 62 huyện có tỷ lệ đói nghèo cao nhất Việt Nam.
Trang phục đồng bào Nùng U được may bằng vải bông tự dệt, với mầu chàm sẫm là chủ đạo, không có nhiều yếu tố trang trí cầu kỳ và nổi bật như các dân tộc khác. Riêng chiếc địu trẻ em (ăn đả) là tác phẩm được các bà mẹ đầu tư nhiều thời gian, công sức và chứa đầy tình cảm dành cho những đứa con của họ. Bởi vậy những chiếc địu này hội tụ những kỹ thuật tinh tế nhất, những hoa văn đặc sắc nhất của đồng bào Nùng U.

Theo truyền thống, đồng bào Nùng U tổ chức rất nhiều lễ hội trong năm: Tết truyền thống, lễ thanh minh, lễ cúng rừng, lễ cúng thần đá... Đặc biệt, ở đây tục cưới xin được các gia đình rất coi trọng và chuẩn bị rất sớm, từ khi con cái mới đến tuổi trưởng thành. Theo quan niệm của đồng bào, người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong gia tộc Nùng, và việc có đông con nhiều cháu cùng sống trong một nhà sẽ thể hiện sự thịnh vượng, giàu có.

Chiếc váy truyền thống của đồng bào Nùng U được buộc túm phía sau lưng thành hình đuôi con chim, rất duyên dáng.

Các cô gái Nùng U rất say mê may vá, thêu thùa.

Đồng bào đang tự “thiết kế” chiếc váy của mình bằng một chiếc giỏ đan bằng mây tre.

Màu chàm sẫm là màu chủ đạo của trang phục.

Không cầu kỳ với màu sắc trang phục, nhưng chiếc địu lại được các bà mẹ rất dụng công với những sắc màu tươi sáng, rực rỡ, dành cho đứa con yêu của mình.

Bộ trang phục đẹp đẽ được dùng trong những lễ hội của đồng bào Nùng U.
 Đồng bào tự dệt vải bông để may trang phục của mình.

Anh Minh 

Bí quyết làm thổ cẩm của người Nùng ở Lạng Sơn (Hoàng Văn Nọong)

Họa tiết thổ cẩm của người Nùng Phàn Sình. Ảnh: Hồng Vân.
Sau khi dệt những mảnh vải bằng khung cửi gỗ, người dân thu hái cây chàm về ngâm vào chum nước cả tháng cho đến khi nhàu nát, sau đó chắt lấy nước rồi trộn một ít vôi, nhân hạt đào phai giã nát và ngâm vải vào đó.

Vải diềm bâu nhuộm nước lá chàm chuyên để may trang phục truyền thống của người Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, mỗi chi, nhánh của dân tộc Nùng lại có cách trang trí, thêm bớt họa tiết riêng biệt. Không chỉ có quần áo mà cả vỏ gối, túi xách, tay nải, khăn đội đầu, khăn trải bàn... của người Nùng Cháo, Nùng Ing, Nùng Phàn Sình đều làm bằng vải chàm.
Sau khi dệt những mảnh vải bằng khung cửi gỗ có kích thước bề ngang 40 cm, người dân thu hái lấy cây chàm về ngâm vào chum nước hàng tháng trời cho đến khi lá nhàu nát. Sau đó họ mới chắt lọc lấy nước rồi trộn một ít vôi, nhân hạt đào phai giã nát và khoắng đều tạo thành thứ nước hỗn hợp màu xanh lam đậm hay còn gọi là màu chàm.

Công đoạn nhuộm chàm cũng rất cầu kỳ. Mỗi ngày phải hai lần vớt vải từ chum nước nhuộm chàm ra phơi khô rồi lại ngâm vào chum. Liên tục lặp lại công đoạn đó trong vòng một tháng mới được tấm vải chàm ưng ý. Nếu làm hỏng một trong các công đoạn này coi như tấm vải không thành, phải bỏ đi làm lại.

Việc thêu thùa với con gái người Nùng trước kia rất được coi trọng, nhìn vào từng đường kim mũi chỉ có thể biết được đâu là cô gái khéo léo, đảm đang. Khi về nhà chồng họ sẽ mang theo chăn, gối tự làm và coi đó như “của hồi môn” cho hạnh phúc lứa đôi. Tất cả họa tiết thổ cẩm đều được thêu tay trên nền vải chàm truyền thống. Đó là sự cách điệu họa tiết hình hoa lá, mặt trời...

Phụ nữ người Nùng khi thêu thường không cần dùng khung. Ảnh: Hồng Vân.

Vừa chăm chút từng đường kim mũi chỉ cho sản phẩm, bà Nông Thị Nghị ở xã Hòa Cư (Cao Lộc) vừa giải thích, nếu thêu sai một màu chỉ sẽ phải dỡ ra thêu lại rất mất công. Họa tiết thổ cẩm được phối hợp giữa nhiều màu chỉ, thêu riêng từng màu. Bà Nghị thường tranh thủ buổi trưa rảnh rỗi để thêu thùa. Nếu làm liên tục thì mất 3 ngày mới thêu xong áo gối truyền thống có 9 bông hoa.

Thông thường, phụ nữ người Nùng Phàn Sình khi thêu không mấy khi sử dụng đến khung thêu. “Người nào thêu càng đều, càng đẹp thì càng thể hiện được khả năng tư duy, bàn tay khéo léo trên nền chàm, nên từ trước đến nay tôi vẫn thêu trơn như thế này”, người đàn bà 62 tuổi cho biết.

Trên những chiếc áo chàm, phần khuy áo được làm thủ công, đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Phải tốn hơn 3 ngày mới khâu xong hàng khuy áo đều đặn, đẹp mắt. Đối với những chiếc vỏ gối dài 1,2 m và 1,8 m, tất cả họa tiết thổ cẩm được thêu trên nền vải chàm, họa tiết đối xứng.

Tấm thổ cẩm theo nhiều hoa văn hình hoa lá, mặt trời.

Hồng Vân