Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Pu Péo
Showing posts with label ₪ Dân tộc Pu Péo. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Pu Péo. Show all posts

Thursday, April 6, 2017

Khám phá lễ cúng thần rừng của người Pu Péo ở Hà Giang (Hoàng Thúy Vinh)

Rừng đối với người dân ở vùng núi cao không chỉ gắn liền với đời sống vật chất mà còn gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh của họ. Đối với người dân Pu Péo ở Sủng Tráng (Yên Minh, Hà Giang) cũng vậy, ở mỗi nơi họ sinh sống đều có một khu rừng cấm riêng được người dân đặc biệt giữ gìn và bảo vệ bởi những luật tụcvà những điều kiêng kị.
Chính vì vậy, lễ cúng thần Rừng là lẽ dĩ nhiên không thể thiếu và là một trong những tín ngưỡng truyền thống có từ lâu đời. Cùng đến với Hà Giang để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của cao nguyên đá và khám phá một trong những nét văn hóa đặc sắc và bí ẩn của người Pu Péo.

Lễ cúng thần Rừng được tổ chức vào ngày mồng 6-6 âm lịch hàng năm, là ngày được cho là sạch sẽ nhất trong năm, trời đất đều linh thiêng, tại khu rừng cấm – rừng thiêng đầu bản. Đây là một nghi lễ đã có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng người Pu Péo, được tổ chức với những nghi thức trang trọng nhất. Đây không chỉ là một nét văn hóa riêng mà còn là một tín ngưỡng dân gian, gắn liền với đời sồng triết lí đa thần của cư dân nông nghiệp như: thần suối, thần sông, thần núi, …
Lễ cúng không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn cho thấy mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Thiên nhiên, đặc biệt là rừng bảo vệ con người, cho con người sự sống và con người cũng luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ rừng, coi đó như là “cội nguồn”. Đối với người dân Pu Péo, rừng luôn tồn tại trong đời sống của họ, vì vây, ở đâu có người Pu Péo sinh sống thì rừng ở đó được bảo vệ tốt nhất, nó trở thành trách nhiệm cộng đồng của mỗi người dân, mỗi gia đình, làng bản.
Lễ cúng thần Rừng được mọi người chuẩn bị vô cùng chu đáo, mỗi gia đình sẽ phải chuận bị lễ vật của mình, đến ngày làm lễ thì mỗi nhà sẽ cử một người mang lễ vật tới bìa rừng phía sau làng để cùng làm lễ. thầy cúng là một người có uy tín, được người dân lể trọng chọn lựa. Thầy cúng sẽ thay mặt người dân úp mặt vào một thân cây lớn, quỳ lạy, mong thần rừng, thần nước che chở cho bản làng. Người Pu Péo quan niệm rằng, giữ rừng là giữ nguồn nước, cầu thần nước là cầu thần rừng. Đây là một quan niệm vữa có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn có ý nghĩa về mặt khoa học cần được giữ gìn và phát huy.


Tuy đây là một nghi lễ quan trọng nhưng lễ cúng của người Pu Péo cũng không quá cầu kì và còn mang nét đơn sơ, giản dị như chính con người nơi đây, những người con của núi rừng Tây Bắc, đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần 2m, quay mặt về phía đỉnh núi cao.
Phần cúng dâng lễ hay còn gọi là cúng sống, các lễ vật đã được chuẩn bị sẽ được dâng lên thần rừng, mời các vị thần về tham dự lễ cúng và chứng nhận lòng thành của người dân. Lễ vật chỉ đơn giản là thịt gà, lợn, trứng luộc…
Phần thứ hai là cúng chính, là đàn cúng tượng trưng cúng những ma dữ hay hại con người và những hồn ma vô chủ không có nơi cư ngụ. Sau đó thầy cúng sẽ bắt đầu bài cúng chính của buổi lễ, bài cúng này là để tưởng nhớ về công lao của các vị thần, cảm tạ và cầu mong các vị thần che chở cho người dân, bản làng.


Kết thúc phần cúng, mọi người sẽ cùng ăn uống vui vẻ, họ tổ chức các trò chơi như ném còn, đánh yến…, những chàng trai, cô gái thể hiện tình yêu của mình qua những tiếng kèn, những điệu múa uyển chuyển. Chính sự nhiệt tình và gần gũi của những người dân Pu Péo đã khiến cho nghi lễ cúng thần rừng không còn trở nên khô khan hay nghi thức, mà thu hút nhiều người dân trong vùng cũng như khách du lịch đến tham gia. Du khách vừa có cơ hội chứng kiến và khám phá một trong những nét bí ẩn của văn hóa tộc người mà còn được tham gia vào những hoạt động, những trò chơi truyền thống của các dân tộc vùng cao.
Hoàng Thúy Vinh

Tuesday, June 28, 2016

Giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Pu Péo ở Hà Giang (Huỳnh Tâm)

Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo

Hà Giang là một tỉnh vùng cao biên giới của Tổ quốc Việt Nam nơi đây có nhiều dân tộc sinh sống và trong đó có đồng bào dân tộc Pu Péo. Đây là một trong những dân tộc ở Hà Giang mang giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo. Hôm nay Chúng tôi sẽ cùng các bạn khám phá giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Pu Péo ở Hà Giang để hiểu rõ hơn về dân tộc đặc biệt này.


Người dân tộc Pu Péo ở Hà Giang

Người Pu Péo ở Hà Giang chỉ có hơn 600 người trên tổng dân số trong toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh), Yên Cường (huyện Bắc Mê). Họ sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, thủ công nghiệp, hái lượm và buôn bán nhỏ và dân tộc người Pu Péo có một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc trưng.
Giá trị văn hóa vật thể:
Người dân tộc Pu Péo sống chủ yếu ở những bồn địa giữa núi để lập thành làng và sống bằng trồng ruộng lúa nước. Các thông xóm có quy mô nhỏ, chỉ khoảng 10- 20 hộ gia đình, học cư trú phân tán và xen cư của dân tộc này khá phổ biến. Ban dầu người dân tộc Pu Péo ở nhà sàn nhưng sau bị tàn phá lên cho đến nay họ chuyển sang ở nhà đất.

Nhà của người Pu Péo

Không gian sinh hoạt của người Pu Péo rất đa dạng bởi vậy mỗi gia đình đều thiết kế không gian riêng về nhà ở, chuồng gia súc, vườn nhà. Còn về trang phục của người Pu Péo thì trước kia làm bằng vải bông tự dệt, nhuộm chàm và ngày nay hầu hết đều mặc vải công nghiệp.Trang sức của người Pu Péo chủ yếu là bằng bạc, thường được đi chung với những bộ trang phục mang những nét hoa văn đặc sắc riêng của dân tộc mình.
Giá trị văn hóa phi vật thể:
Người Pu Péo luôn tin vào sự tồn tại của ba thế giới và họ sử dụng lịch nhà Chu, mỗi giáp có 12 năm, mỗi năm chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 ngày hoặc 30 ngày, mỗi ngày có 12 giờ. Cứ 3 năm, sẽ có một năm nhuận, hoàn toàn khớp với cách tính năm, tháng và ngày của âm lịch ngày nay bởi vậy học cũng ăn tết Nguyên đán như nhiều dân tộc khác.
Đặc biệt, dù số lượng ít nhưng người Pu Péo ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian với những áng văn cổ, cao dao, tục ngữ, thành ngữ, và đặc biệt là họ vẫn lưu truyền các lễ hội, văn hóa, phong tục riêng trong đó Lễ cúng thần rừng vẫn còn được tổ chức cho đến ngày nay.

Huỳnh Tâm

Báu vật của người Pu Péo (Phạm Quang Đẩu)

Già làng cùng con cháu đến lễ trước mộ tổ tiên.

Sau Tết nguyên đán Kỷ Sửu vừa rồi, có anh nhà báo trẻ đi thực tế miền cực Bắc trở về, mang theo lời nhắn của cựu chiến binh Củng Dìu Pháng với tôi: "Nhà báo quân đội à, lên quê mình dự lễ cúng thần Rừng, mỗi năm chỉ có một lần vào dịp đầu hè thôi".

Sau Tết nguyên đán Kỷ Sửu vừa rồi, có anh nhà báo trẻ đi thực tế miền cực Bắc trở về, mang theo lời nhắn của cựu chiến binh Củng Dìu Pháng với tôi: "Nhà báo quân đội à, lên quê mình dự lễ cúng thần Rừng, mỗi năm chỉ có một lần vào dịp đầu hè thôi". Ngày trước, đi công tác Hà Giang tôi đã gặp thiếu tá Củng Dìu Pháng (dân tộc Pu Péo), Huyện đội phó Huyện đội Mèo Vạc, ông bảo, dân tộc mình ít người lắm, nhưng rừng Củng Chá còn thì dân tộc mình còn. Trên bản đồ dễ nhận ra cao nguyên đá Đồng Văn vẫn được gọi là mái nhà của Tổ quốc, còn "thủ đô" của người Pu Péo, lần tìm mãi tôi mới thấy được cái chấm bé tí tẹo bên rìa cao nguyên, ngay sát đường biên, bên kia là Vân Nam, Trung Quốc.
Chiếc xe khách xuất phát từ Hà Nội, qua hơn nửa ngày, bắt đầu trèo lên cao nguyên Đồng Văn - cái "nóc nhà" lợp toàn  bằng thứ vật liệu đá xám, khô khốc, bụi bặm. Bao năm trở lại, cảnh quan vẫn như dạo nào. Đất trời mênh mang. Cư dân thưa thớt. Gió vẫn quất ràn rạt không ngừng nghỉ vào các vách núi trơ trụi, thảng gặp hai bên đường cây bụi  lúp xúp cùng những vạt nương của người Mông (trước vẫn gọi là người Mèo) trỉa ngô trên hốc đá tai mèo. Đây là một trong những tỉnh có điều kiện địa lý, khí hậu khắc nghiệt và dân bản địa nghèo vào hàng nhất nhì cả nước. Xe qua khu vực Cổng Trời, trèo theo đường vòng cung, nhìn xuống thung lũng gặp lại khu dinh thự bề thế bằng đá trắng toát của Vương Chí Sình, giờ đã trở thành một điểm thăm quan du lịch.
Qua một ngày cật, nghỉ lại thị trấn Phó Bảng. Đêm, nghe được tiếng nai tác từ nước láng giềng vọng sang. Sáng, mở mắt mới thấy xung quanh khác hẳn: đá xám được thay  bằng mầu xanh mát mắt của rừng. Thêm nửa giờ nữa, hai bên con đường trải nhựa phẳng phiu là rừng ngút tầm mắt, nhiều tầng tán, tịnh không thấy dấu vết của sự chặt phá, linh cảm mách bảo tôi, sắp đến Phố Là rồi.
Nhỏ bé nhưng đầy bản sắc
Ông Củng Dìu Pháng ra tận đường cái đón và dẫn tôi theo con đường mòn, vượt qua những vạt nương, ruộng bậc thang về bản Củng Chá quê ông. Tại bản đã có một vị khách đến trước tôi: anh cán bộ bảo tồn, bảo tàng của Sở Văn hoá thông tin tỉnh. Anh nói với tôi, đây là lần thứ hai được dự lễ cúng thần Rừng và anh đang có ý định sưu tầm, viết một cuốn sách về phong tục tập quán của người Pu Péo. Xã Phố Là có bốn bản, Củng Chá là lớn nhất với vài chục ngôi nhà vách đất, mái lợp ngói ống rêu phong nằm ở chân một ngọn đồi thấp, phía trước là khu rừng tươi tốt mà tôi đã thấy từ ngoài đường cái. Câu đầu ông Pháng khoe với tôi là, đợt điều tra dân số gần đây nhất, tổng số dân Pu Péo đã là 905 rồi. Thật mừng cho dân tộc của ông, đang sắp vượt qua ngưỡng "cực thiểu số"! Nhưng trong khoảng hơn mười năm vừa qua, số dân riêng ở xã này tăng chưa đến 100 thì chưa phải đã ở mức tăng bình thường. Tôi đem điều "thắc mắc" như vậy hỏi anh cán bộ sở văn hóa. Anh liền chỉ một thiếu nữ còn rất trẻ đang địu con đứng xem hành lễ gần đấy, bảo là năm ngoái đến đây anh được biết cô vừa 16 tuổi, "lấy chồng từ thuở mười lăm". Khi cô trở dạ, gia đình đưa ra rừng để đẻ, suýt mất cả mẹ lẫn con vì là ca "ngôi thai ngược". Người Pu Péo còn giữ tập tục đẻ con so ngoài rừng. Tuy Phố Là không phải là xã trọng điểm đói kém của huyện Đồng Văn, hàng năm tỉnh còn phải cứu đói cho một số hộ và số trẻ suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao. Hiện ở đây đang được cán bộ y tế tỉnh quan tâm vận động bà con ăn ở theo nếp sống mới. Việc tôn thờ, sống hòa hợp với thiên nhiên thông qua lễ cúng thần Rừng hàng năm là một tập tục tốt, cần giữ, song cũng còn những hủ tục ảnh hưởng đến sự phát triển của nòi giống thì cần được sớm loại bỏ, như tục tảo hôn, đẻ ngoài rừng không có chăm sóc y tế...
Chúng tôi ra phía cửa rừng. Trên một bãi rộng, có đông trai, gái đang tất bật sửa soạn bàn thờ, cỗ cúng cho buổi lễ cúng thần Rừng sẽ bắt đầu vào đầu giờ chiều. Trước khi làm lễ, mọi người đều ra thắp hương khu mộ tổ đặt ở bìa rừng. Mộ tổ của người Pu Péo Phố Là được xây cất vuông vức bằng đá trắng, phía đầu mộ khắc hoa văn khá đẹp. Ông Pháng thành kính để lên thành mộ ít đồ cúng hoa quả, rồi thắp bó nhang, chẳng mấy chốc hương khói bay nghi ngút. Tôi chợt thấy, phía trước còn đặt sẵn đôi trống đồng để nằm trên cỏ, mặt trống hướng về nhau. Sở dĩ tôi nhận ra ngay là trống đồng vì nó cũng có dáng hao hao giống trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn - niềm tự hào của người Việt cổ vẫn trưng bày trong các bảo tàng ở Hà Nội. Ông Pháng bảo, bảo vật của dân tộc ông có đôi, đực và cái, cứ mỗi lần đánh trống là âm thanh của trời phát ra, sẽ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên. Nói rồi, ông cầm dùi trống dài như cái chày giã gạo, hai đầu đều bọc vải, thúc qua thúc lại, liên tiếp phát ra tiếng "bục, bục" trầm đục. Anh cán bộ Sở Văn hoá vui vẻ đóng vai trò người hướng dẫn cho tôi. Hoá ra, từ lâu anh đã có tìm hiểu sâu về trống đồng rồi. Anh bảo, đây là nhạc cụ gõ độc đáo của riêng vùng Đông nam Á và còn là biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo của mỗi dân tộc sở hữu nó. Các dân tộc Mường, Khơ Mú, Pu Péo ở nước ta từ thời xa xưa đã chế được trống đồng. Hậu Hán thư, quyển 14 còn ghi rõ: "Dân Giao Chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận". Hà Giang thuộc bộ Tân Hưng, trong số 15 bộ thuộc nước Văn Lang, đôi trống này có thể tuổi hàng nghìn năm đã được thư tịch kể trên của Trung Quốc mô tả, từng chứng kiến  bao sự thăng trầm lịch sử của riêng dân tộc Pu Péo và của cả đất nước ta thuở ban đầu. Rõ ràng, với sự hiện diện của đôi trống cổ thế này, đã minh chứng hùng hồn cho nền văn hoá lâu đời của cộng đồng Pu Péo, tuy còn nhỏ bé song đã đầy bản sắc riêng.
Coi rừng thiêng còn hơn cả trời
Buổi chiều. Bàn thờ thần Rừng đã được sửa soạn hoàn chỉnh, đặt chính giữa con đường mòn vào rừng Củng Chá, nhìn xéo về chóp đỉnh Đồng Văn. Dưới chân bàn buộc mấy con gà trống to cùng một con dê tơ. Loạt tầu lá chuối xanh mướt được các thanh niên trải trên bàn, mỗi tầu đặt một miếng trứng gà bên cạnh cái bánh chưng gói bằng nếp cẩm màu đen nhánh (tiếng Pu Péo gọi là mí uột lăng). Ông Pháng bảo, mí uột lăng còn được làm vào đêm 29 tết, ngụ ý trút bỏ vận đen của năm trước. Sáng mùng 1 thì mở mí uột lìn, tức bánh chưng trắng để đón vận may năm mới. Giờ đến lễ trọng vào hè, cũng không thể thiếu hai món cơm thiêng ấy. Mỗi vuông lá chuối đặt lễ cúng tiến một vị thần, lần lượt là: thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Nước, thần Gió, thần Mây... Người Pu Péo trọng cái thật trước mắt, nên coi rừng còn cao hơn cả trời. Quan niệm đó là độc đáo và thiên về duy vật cổ sơ.
Cụ chủ lễ Củng Díu Lèng dáng nhỏ thó, mặc áo dài màu chàm xẻ một bên nách, đầu cuốn khăn xanh hình chữ "nhân". Rượu đổ tràn các bát đặt trên bàn thờ. Mới chỉ bầy ra những món bằng ngũ cốc, chưa có món mặn và con dê tơ như hiểu sắp tới giờ phải hiến sinh, bỗng cất mấy tiếng be be thống thiết. Cụ chủ lễ cúi đầu khấn bằng tiếng Pu Péo (ông Pháng đứng bên dịch lại cho tôi không sót lời nào): "Mời chư thần về uống rượu ngô men lá, ăn bánh nếp, trứng gà. Đều là sản vật rừng cả. Rồi sẽ ăn thịt gà, thịt dê, chúng cũng được rừng nuôi lớn. Tôi già cả nhất bản Củng Chá, xin thay mặt con cháu dâng lên ngài lễ vật để ngài phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, sấm sét, mưa gió không làm chết người, mất gia súc. Hôm nay cả bản họp tại đây thề với thần, giữ rừng nguyên vẹn, ai chặt cây, săn thú sẽ bị trừng phạt không tha...” Lễ cúng kéo dài khoảng nửa giờ, cuối buổi cụ chủ lễ cầm một cành trúc vẩy đi vẩy lại xung quanh; tiếp đến gà, dê được mang cắt tiết, xả thịt làm các món. Mặt trời dần lặn vào cao nguyên đá phía xa. Sau khi cúng đồ mặn một lần nữa, cả bản quây quần quanh bãi cỏ ăn uống, chúc tụng. Ông Pháng còn giải thích cho tôi thêm một điều. Cuộc đời người Pu Péo gắn chặt với rừng, ở nhà chỉ cúng từ ông tổ đời thứ năm trở lại, các vị trên nữa thì đã ra rừng, thường trú ngụ dưới gốc đa to. Bởi thế chặt cây, giết thú là phạm vào cả tằng tổ cùng con cháu mình.
Buổi lễ vãn. Tôi nhìn lên khu rừng xanh thẫm đang dần chìm vào sương, đây mới đúng nghĩa rừng "nguyên sinh", bao đời nay không hề có dấu rìu phạm vào. Kỷ cương được giữ vững gần như tuyệt đối, bởi một lời thề còn cao hơn bất cứ hương ước, hay định chế hành chính nào. Hà Giang có được bao nhiêu khu rừng như Củng Chá nhỉ? Tôi chợt hỏi nhỏ anh cán bộ Sở Văn hoá đứng bên, anh ngẫm ngợi rồi lắc đầu, ngụ ý bảo: không nhiều đâu! Lòng tôi bỗng chạnh buồn. Trên đất nước ta, đã có bao nhiêu chương trình, dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng không được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Trọng đại như Dự án trồng 5 triệu hec-ta rừng, đạt độ che phủ cả nước 47% do Quốc hội khoá trước thông qua đã không thành công như mong muốn và không biết đến bao giờ đất trống đồi trọc mới thôi bị bào mòn, sụt lở, trong khi nhiều khu rừng tự nhiên bị lén lút tàn phá, môi trường sống tiếp tục bị hủy hoại.
Dường như thần Rừng đã nổi giận. Thiên tai mỗi năm lại ập đến, có xu hướng khốc liệt hơn. Trồng mới và bảo vệ rừng ở Việt Nam đã trở nên cấp thiết  hơn bao giờ hết, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng vong quốc gia. Vậy thì trước hết hãy lên Phố Là mà học cách dân tộc nhỏ bé này hành xử nhất quán, trân trọng với thiên nhiên. Anh cán bộ Sở Văn hoá còn khẳng định với tôi: Củng Chá thực sự là một điểm sáng trong bảo vệ rừng và phát  huy truyền thống văn hóa, một điểm sáng được thắp lên từ thuở ban sơ, đã được một cộng đồng bản địa chung sức chung lòng gìn giữ, phát huy cho tới tận hôm nay và cả mai sau!
Phạm Quang Đẩu

Đón giọng gà của dân tộc Pu Péo (Huỳnh Tâm)

Dân tộc Pu Péo ở Hà Giang chỉ có 628 người trên tổng dân số trong toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là, huyện Đồng Văn; xã Sủng Tráng và Phú Lũng, huyện Yên Minh, một số ít sinh sống tại xã Yên Cường, huyện Bắc Mê.
Người dân tộc Pu Péo luôn quan niệm, trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ai đón giọng gà hay cướp được giọng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, thành đạt, hạnh phúc. Chính vì vậy, đêm 30 Tết khi giao thừa đến, những chàng trai dân tộc Pu Péo phải canh chừng mấy chú gà trống.
Khi thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là các chàng trai này phải đốt ngay một quả pháo ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy, ngay lập tức tất cả những người trong gia đình và hàng xóm xung quanh cùng nhau múa hát vang trời để át tiếng gà gáy.
Không chỉ duy trì phong tục đón giọng gà mà dân tộc Pu Péo còn có một phong tục đón Tết cổ truyền rất độc đáo. Trong những ngày Tết, người Pu Péo cũng có tục gói bánh chưng nhưng lại gói hai loại bánh: bánh chưng đen (mí uột lặng) ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ và bánh chưng trắng (mí uột lìn) cúng vào tối 30 Tết để mừng năm mới. Sáng mùng một Tết, nam nữ dân tộc Pu Péo cùng nhau đi gánh "nước bạc, nước vàng" để cầu may. Trong 3 ngày Tết, dân tộc Pu Péo không rửa bát đũa sau mỗi lần ăn mà chỉ dùng giấy lau sạch. Họ tin rằng, nếu ngày Tết mà bát đũa sạch sẽ thì cả năm sẽ đói ăn.
Nét độc đáo trong ngày Tết của các dân tộc thiểu số nơi cực Bắc địa đầu của Tổ quốc từ bao đời nay vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa. Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách giúp bà con dân tộc thiểu số được làm chủ cuộc sống của mình, đời sống của bà con từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm dần qua từng năm. Bà con các dân tộc nơi đây đã phát huy vốn văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn và tình cảm sâu sắc của các thành viên trong gia đình; tích cực tiếp thu khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi, học hỏi các dân tộc anh em... xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no hạnh phúc.

Huỳnh Tâm

Lễ ra đồng (pặt oong) của dân tộc Pu Péo (Nguyễn Thị Lượng)

“Lễ ra đồng” của người Pu Péo có từ xa xưa nó gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Pu Péo. Nhưng hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự biến thiên của lịch sử, quá trình di cư, chiến tranh, hay do đời sống kinh tế không ổn định nên “Lễ ra đồng” cũng như một số lễ hội khác của dân tộc Pu Péo đang có nguy cơ mai một. Bởi vậy, việc tổ chức các hoạt động nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất cần được quân tâm và chú trọng. Một trong những nét văn hóa tiêu biểu cần được phục dựng và phát huy đó chính là Lễ ra đồng của người dân tộc Pu Péo.

Lễ ra đồng, tiếng địa phương là “pặt oong” Pặt tiếng Pu Péo là làm sạch, còn oong là nước, pặt oong có nghĩa là làm sạch nước, là phát nước, phát lửa ra đồng đuổi những tà ma, điều xấu, những điều không may mắn, xui xẻo ra khỏi nhà, khỏi làng, ra khỏi vùng lãnh thổ của người Pu Péo. Theo các cụ cao niên người Pu Péo kể lại, xưa kia năm nào cũng vậy cứ đến tháng Giêng (từ ngày mùng 5 đến ngày 12 tết), tất cả người dân trong bản lại có mặt đông đủ để tham gia Lễ ra đồng (pặt oong) với mong muốn cầu chúc một năm mới thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ ra đồng đã có từ lâu đời, trải qua thăng trầm của lịch sử đã có phần mai một và quy mô tổ chức cũng khác nhau nhưng vẫn mang đậm nét bản sắc dân tộc Pu Péo. Trình tự Lễ ra đồng cũng hết sức quan trọng, trước hết là người dân trong bản góp 02 con gà (1 trống, 1 mái), 2 kg gạo nếp làm bánh để làm lễ cúng chung, dâng lên thần rừng, thần núi, thần nước, sông suối sau một năm làm ăn. Đồng thời cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người dân trong bản trong năm tới. Bên cạnh đó, các gia đình còn phải chuẩn bị mâm cúng lễ tổ tiên trong nhà. Lễ ra đồng được bắt đầu ở nhà thầy cúng (chủ lễ), tại bàn thờ tổ tiên nhà mình thầy cúng chuẩn bị một con gà trống luộc chín, bánh làm từ bột nếp, rượu, 03 phươn cơm - thịt để làm lễ vật dâng cúng. Sau khi làm lễ cúng tổ tiên, thầy cúng làm một bó đuốc bằng rơm bện chặt, một đầu châm lửa còn đầu kia dùng dây buộc chặt lại; Hai tay thầy cúng cầm một con gà trống, một con gà mái mang vào cúng trước bàn thờ tổ tiên khoảng 05 phút, sau đó mang đến tất cả các gia đình trong bản để cúng.
Khi vào mỗi nhà, thầy cúng đến đứng trước bàn thờ tổ tiên thắp hương để xin phép làm lễ xua đuổi tà ma. Xin xong, thầy cúng cầm bó đuốc đến các góc nhà, giường ngủ, bếp...để đuổi ma làm hại, vừa hua bó đuốc thầy vừa khấn với hàm ý làm sạch nước, làm sạch lửa, xua hết bệnh tật cho gia chủ khỏe mạnh, gia súc đầy đàn. Nghi lễ cúng trong các gia đình trong bản xong, thầy cúng chuyển sang cúng thần rừng tại địa điểm chung của bản. Đồ lễ cúng thần rừng dịp này đơn giản hơn lễ cúng thần rừng vào ngày mùng 6 tháng 6 hàng năm, chỉ có 02 con gà, cơm và thịt lợn.
Sau khi cúng thần rừng, thần ruộng, thầy cúng cho lập đàn để tiếp tục cúng ma trên trời, ma trên mặt đất và ma lang thang, đồ lễ dâng cúng cũng như cúng thần rừng. Lễ cúng dù lớn hay nhỏ đều diễn ra theo nguyên tắc bất di bất dịch đó là cúng dâng lễ vật (cúng sống) hai lần rồi mới cúng chín thì mới kết thúc. Sau đó tất cả mọi người trong bản sẽ cùng với cộng đồng các dân tộc khác sống trong vùng hòa vào những điệu nhảy múa, các làn điệu dân ca hát đối, hát giao duyên, cùng chơi các trò chơi như: Đánh đáo, đánh yến, chơi cù,... cuộc vui được kéo dài đến hết ngày hôm đó. Người Pu Péo cho rằng cuộc vui càng được kéo dài thì năm ấy sẽ có nhiều niềm vui, may mắn và ấm no, hạnh phúc đến với mọi người. Có thể nói rằng, ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, làng bản yên bình “Lễ ra đồng” còn là sợi dây liên kết tinh thần cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản và là dịp để bà con trong bản gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế. Sau Lễ ra đồng người dân trong bản sẽ bước vào một mùa gieo hạt mới với niềm tin, hy vọng cây trồng sẽ tươi tốt, mùa màng bội thu đời sống của bà con trong bản ngày một phát triển hơn.
Trong chương trình nghiên cứu, sưu tầm Di sản văn hóa Phi vật thể, vừa qua “Lễ ra đồng” đã được Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với UBND huyện Đồng Văn tổ chức phục dựng tại thôn Chúng Chải, xã Phố Là. Nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa tiêu biểu của dân tộc nói chung, dân tộc Pu Péo nói riêng được bảo tồn, phát huy và trao truyền cho các thế hệ mai sau thêm trân trọng và tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, thông qua chương trình đã góp phần quảng bá, giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với Công Viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có cơ hội tìm hiểu, khám phá về một lễ hội giàu bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người dân tộc Pu Péo nơi địa đầu Tổ quốc.
Nguyễn Thị Lượng

Trang phục dân tộc Pu Péo (Huỳnh Tâm)

Không mầu mè như một số dân tộc khác, trang phục dân tộc của người Pu Pép rất đơn giản và bình dị, mầu sắc trang phục gắn liền với thiên nhiên cây cỏ.
Đàn ông Pu Péo ăn thường mặc bộ quần áo nhuộm màu chàm, trong khi đó, phụ nữ lại mặc hai áo, áo ngoài chẻ ngực không có khuy để cài (tiếng địa phương gọi là bok cả) được khâu bằng những miếng vải màu (xanh, đỏ, trắng…). Chúng được cắt nhỏ, xếp thành hình tam giác, hình vuông hoặc hình quả trám… Trong khi đó, cổ tay viền thêm những khoanh nhỏ vài màu. Chiếc áo trong cài khuy bên nách phải (bok tắm), trông giống áo của người phụ nữ Giấy và phụ nữ người Cờ Lao. Trước đây, phụ nữ Pu Péo thường mặc bok tắm ở trong, bok cả ở ngoài, ngày nay, đồng bào chỉ thường mặc một loại áo ngắn.

Trang phục nữ dân tộc Pu Péo không có những hoạt tiết hoa văn cầu kỳ như dân tộc Lô Lô hay mang màu sắc sặc sỡ như dân tộc Mông, Dao... Trang phục của họ chủ yếu là gam màu trầm, các họa tiết được đáp vào vải nhuộm chàm. Tuy nhiên, bộ trang phục truyền thống vẫn thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay và sự tinh tế của dân tộc Pu Péo sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Phụ nữ Pu Péo thường mặc áo dài đen, bên ngoài có yếm, trang trí trên y phục chủ yếu bằng cách ghép các miếng vải màu lại với nhau, tóc vấn trước được gài bằng chiếc lược gỗ bên ngoài phủ tấm khăn vuông, có trang trí hoa văn nhiều sắc màu sặc sỡ.


Ngoài ra, phụ nữ Pu Péo mặc váy dài hình ống màu đen có gấu xòe rộng (nhưng không  xếp nếp) và thường được trang trí bằng các miếng vải nhiều màu sắc cắt hoa văn hình học (hình tam giác, hình quả trám, hình vuông). Đó là những hình cơ bản được chắp ghép tỉ mỉ, khéo léo, tạo nên các họa tiết hình mào gà, hình mặt trời, thể hiện những ý niệm chung về tín ngưỡng sùng bái.
Người Pu Péo quan niệm hình mặt trời và những quan niệm âm dương tương hợp là nguồn gốc của sự tăng trưởng, phồn vinh của con người và vạn vật trong vũ trụ. Phụ nữ Pu Péo rất tinh tế trong việc tạo những bố cục cân đối trên y phục, đặc biệt họ thường sử dụng hạt cườm các mầu, mặt mài bằng kim loại để làm chất liệu trang trí và gây ấn tượng mạnh.
Các thiếu nữ Pu Péo thường vấn tóc quanh đầu, bên ngoài quấn một vành khăn (thường là màu tím sẫm). Thiếu phụ thì búi tóc trước trán, có giắt một chiếc lược gỗ bên trên, sống lược gọt cong hình hai chiếc sừng; ngoài ra họ còn đội khăn trong những dịp lễ tết hay tiếp khách, chiếc khăn này cũng mang những hoa văn hình học nhiều màu sắc xếp liền nhau. Có thể nói, cách vấn tóc thành búi ở trán và cài bằng chiếc lược gỗ là một trong những đặc trưng văn hóa riêng biệt của người Pu Péo.

Đồ trang sức của phụ nữ Pu Péo gồm có nhiều loại vòng tay, vòng cổ, dây chuyền, nhẫn. Bình thường nam giới không mang trang sức, nhưng trong những ngày cưới họ đeo vòng tay hoặc vòng cổ.
Hiện nay, do nhu cầu cuộc sống phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, việc may mặc trang phục của đồng bào Pu Péo đã dần ít đi. Tuy nhiên, những bộ trang phục truyền thống vẫn được cộng đồng người Pu Péo quý trọng và chỉ sử dụng vào những dịp lễ tết, đám cưới, đám ma. 

Huỳnh Tâm

Văn hóa Dân tộc Pu Péo (Thùy Văn)

Quan niệm dựng nhà của người Pu Péo, Hà Giang
Người Pu Péo quan niệm, điền trạch có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại trong cuộc sống của mỗi gia đình và mỗi cá nhân trong gia đình ấy. Chính vì thế, có rất nhiều tín ngưỡng xung quanh ngôi nhà của họ, từ việc chọn đất đến quá trình chọn cây, cột và xây cất, nghi thức vào nhà mới… 


Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo ở Hà Giang

Lễ cúng rừng của người Pu Péo (Hà Giang) được tổ chức với mục đích cầu sự an lạc cho vạn vật, sự an lành cho con người, súc vật và cỏ cây

Trang phục dân tộc Pu Péo

(TQ-DTV)- Không mầu mè như một số dân tộc khác, trang phục dân tộc của người Pu Pép rất đơn giản và bình dị, mầu sắc trang phục gắn liền với thiên nhiên cây cỏ. 
Thùy Văn (sưu tầm)

Hà Giang: Lễ cúng thần Rừng và phong tục giữ rừng của dân tộc Pu Péo (Huy Sơn)

Hàng năm, đồng bào Pu Péo đều tổ chức Lễ cúng Thần rừng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi, được mùa…
Đối với đồng bào dân tộc Pu Péo, rừng không chỉ gắn liền với đời sống vật chất mà còn gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh. Chính vì vậy hàng năm, đồng bào Pu Péo đều tổ chức Lễ cúng Thần rừng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi, được mùa…

Lễ cúng thần Rừng của đồng bào dân tộc Pu Péo là lễ hội có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với nhiều thế hệ người Pu Péo. Lễ hội cũng là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, gắn với đời sống của đồng bào. Theo quan niệm từ xã xưa, thế giới tâm linh của đồng bào Pu Péo có các vị thần như: Thần suối, thần sông, thần núi, thần rừng... bởi vậy, đồng bào Pu Péo tổ chức các lễ cũng, lễ hội để cảm tạ các vị thần đã che chở cho họ trong cuộc sống.
Ở nơi có đồng bào Pu Péo sinh sống, rừng thường được bảo vệ rất tốt bởi với đồng bào việc bảo vệ rừng sẽ có nước làm ruộng, có gỗ làm nhà: “Dân tộc Pu Péo không xây dựng đình, chùa, miếu như người Kinh hay các dân tộc khác nên họ quan niệm các vị Thần sẽ cứu giúp họ trong ốm đau, bệnh tật, chiến tranh. Tục thờ Thần rừng để phù hộ dân làng khỏe mạnh, làm ăn tốt, phát đạt, mùa màng tươi tốt, thú dữ không vào quấy rối và đặc biệt là giữ rừng. Đặc biệt ở thôn có đồng bào Pu Péo sinh sống, rừng luôn được giữ gìn, không bao giờ chặt cây và giữ được những khu rừng nguyên sinh”.
Lễ hội cúng Thần rừng được tổ chức vào ngày 6/6 âm lịch vì đồng bào cho rằng đó là ngày sạch nhất trong năm, trời đất đều linh thiêng. Lễ cúng được mọi người chuẩn bị chu đáo và mỗi gia đình sẽ đều có lễ vật của mình. 
Đến ngày làm lễ, mỗi nhà sẽ cử một người mang lễ vật tới nơi làm lễ cúng. Thầy cúng là một người có uy tín, được người dân nể trọng. Trước khi tiến hành nghi thức, đồ lễ được bày biện trên lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần hai mét, quay mặt về phía đỉnh núi cao.
Lễ cúng được tiến hành qua 4 bước. Các lễ vật dâng lên thần Rừng gồm một con dê và hai con gà, 20 miếng cơm nếp được cắt thành miếng nhỏ bày ở hai nơi. Một phần được bày trên bàn cúng, một phần đặt dưới. Tiếp đó, đồng bào sẽ mang thịt các con vật cúng lần hai và bước thứ ba là nấu chín để tiếp tục dâng lên thần rừng.
Những lời cầu khấn trong suốt lễ cúng Thần rừng đều thể hiện sự thành kính của đồng bào với thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Nước và mời họ về chứng kiến lễ cúng và phù hộ cho con người khoẻ mạnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi; cầu cho rừng ngày một xanh tốt để chở che con người. Bà con trong thôn xin thề trước thần Rừng, sẽ giữ gìn rừng thật tốt, ai săn bắn, chặt cây trong rừng thì sẽ bị thần Rừng trừng phạt.
Cúng xong, già làng và dân bản tới chỗ cây cổ thụ cao và to nhất khu rừng để thắp hương và báo cáo với Thần rừng là buổi lễ đã hoàn tất. Sau đó thầy cúng xin thần rừng một ít cây non để bà con dân tộc Pu Péo trồng vào những khoảng đồi còn trống. Sau phần lễ buổi sáng, thì đến phần hội với những trò chơi dân gian, điều này cho thế hệ trẻ học được nhưng di sản văn hóa mà ông cha để lại”.
Lễ cũng thường diễn ra trong một ngày, với không khí vui tươi, đoàn kết của các dân tộc trong xã. Ngoài ra, còn có chương trình múa hát các làn điệu dân ca, hát đối đáp, giao duyên được các nghệ nhân dân gian của xã trình bày, thể hiện được cuộc sống hằng ngày của bà con dân tộc Pu Péo. 

Huy Sơn (sưu tầm)

Văn hóa phi vật thể của người Pu Péo ở Hà Giang (Triệu Thị Lượng)

 Mỗi dân tộc ở Hà Giang đều có những đặc điểm văn hóa dân gian riêng biệt, độc đáo mang đậm nét văn hóa vùng Đông Bắc. Với một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và quý báu, đặc biệt là được thể hiện qua các loại vật liệu, dụng cụ, nhà ở, trang phục, trang sức, âm nhạc, hát, múa, trò chơi, trò diễn, lễ hội dân gian...

Người Pu Péo ở Hà Giang chỉ có khoảng 600 người trên tổng dân số trong toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh), Yên Cường (huyện Bắc Mê).
Cho dù với số dân không đông, nhưng người Pu Péo lại sinh sống phân tán trên dải đất Việt – Trung. Đó chính là miền đất được mệnh danh “Cao nguyên đá” bởi địa hình nhiều đá gốc chưa phong hóa, còn để lại những “thạch thụ” làm hạn chế rất nhiều đối với việc canh tác. Người Pu Péo không ở trên núi cao như người H’mông mà thường chọn những bồn dựa giữa núi để lập làng. Làng bản của người Pu Péo đều thuộc vùng núi giữa, mang đậm tính chất của khí hậu nhiệt đới. Với một điều kiện tự nhiên như vậy, người Pu Péo có thể làm ruộng nước và vừa vận dụng được những thế mạnh của rừng trong canh tác.
Trong kinh tế người Pu Péo lấy nông nghiệp trồng trọt làm cơ sở chủ đạo, bên cạnh đó còn có sự bổ trợ của chăn nuôi, thủ công nghiệp gia đình, hái lượm và buôn bán nhỏ.

Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo

Cũng như các dân tộc khác, người Pu Péo ở Hà Giang có một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ chưa được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đề cập trong các công trình nghiên cứu và sưu tầm. Chính vì vậy, tại bài viết này tôi xin đưa ra một số giải pháp cần được bảo tồn và phát huy những giá trị phi vật thể của người Pu Péo ở Hà Giang.
Người Pu Péo tin vào sự tồn tại của ba thế giới. Ngoài thế giới thực, còn có sự tồn tại của một thế giới khác ở trên trời, mà con người không kiểm soát được - thế giới của các thần linh. Trong thế giới đó, ngoài các vị thần còn có những người trời, có đặc điểm là mặt đỏ và thường đeo dao gỗ ở cổ. Thế giới thứ ba ở dưới mặt đất với những con người chỉ bé bằng ngón tay và thường đeo dao ở khoeo chân. Thời gian của thế giới thực và hai thế giới kia luôn ngược nhau, trước kia ba thế giới được thông qua bằng chiếc thang. Truyền thuyết của người Pu Péo kể lại rằng quả bầu chính là vật đã cứu sống tổ tiền của dân tộc này chính vì vậy: con cháu dân tộc này khi cúng tổ tiên bao giờ cũng bày thức ăn lên nong chứ không bày lên mâm; và khi hành lễ, bao giờ thầy cúng cũng phải cầm một quả bầu. Người Pu Péo sử dụng lịch Nhà Chu, mỗi giáp có 12 năm, mỗi năm chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 ngày hoặc 30 ngày, mỗi ngày có 12 giờ. Cứ 3 năm, sẽ có một năm nhuận, hoàn toàn khớp với cách tính năm, tháng và ngày của Âm lịch ngày nay. Vì vậy, họ cũng ăn Tết Nguyên đán như nhiều dân tộc khác.
Người Pu Péo ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ trong ký ức cộng đồng một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú. Những bài cúng của họ thực chất là những áng cổ văn, kể về nguồn gốc loài người, về nạn đại hồng thuỷ và lịch sử du canh, du cư của họ từ đời này sang đời khác. Trong đám cưới, trai gái thường hát đối đáp mà nội dung của các bài hát thường nói nhiều về tình yêu lứa đôi và biểu thị khát vọng hạnh phúc. Ngoài ra, họ còn có nhiều thành ngữ, tục ngữ, được sử dụng khá nhuần nhuyễn trong giao tiếp hàng ngày. Đó là một lối truyền đạt các tri thức bản địa hữu hiệu, một biện pháp giáo dục cộng đồng hiệu quả. Đáng tiếc cho đến nay việc nghiên cứu giá trị văn học dân gian của người Pu Péo chưa thực sự được chú ý. 
Photo
Do vậy,  phong tục tập quán, lễ hội, dân ca, cưới xin theo phong tục riêng của người Pu Péo... đặc biệt là lễ cúng thần rừng (là lễ cúng cầu Thần Rừng, thần Đá, Thần Suối phù hộ sự bình yên cho người Pu Péo có cuộc sống ấm no, hạnh phúc) đang ngày dần bị mai một cần được khôi phục, bảo tồn và phát huy.

 Triệu Thị Lượng (sưu tầm)

Hoa văn của người Pu Péo (Lệ Quyên)

Hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm của người Pu Peo

Người Pu Péo không thêu trên trang phục các dải hoa văn chắp ghép bằng vải mầu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, nổi lên rực rỡ viền quanh 2 tà áo, trên tấm choàng hình quả trám phủ trước váy, quanh gấu váy và trên khăn đội đầu các hình tam giác, quả trám, hình chữ nhật là những hình cơ bản được chắp ghép tỉ mỉ, khéo léo tạo nên các họa tiết hình mào gà, mặt trời thể hiện những ý niệm chung về tín ngưỡng sùng bái. Mặt trời và những quan niệm Âm-Dương tương hợp nguồn gốc tăng trưởng, phồn vinh của con người và vạn vật trong vũ trụ.

Chủ đề tập trung, hình thức đơn giản, gây được một ấn tượng mạnh mẽ về mối tương quan, sự chuyển động của sắc mầu để tượng trưng cho sự biến chuyển của thiên nhiên, biểu trưng cho sự biến ảo kỳ diệu của vũ trụ, vạn vật là những điều khó khăn trong sự hạn chế của nghệ thuật trang trí, song người Pu Péo đã thực hiện được trên trang trí y phục của người mình với một mỹ cảm đặc sắc độc đáo. Những quy tắc bố cục cân đối cứng nhắc đã bị phá vỡ, nhường chỗ cho một phong cách phóng khoáng, linh hoạt. Hạt cườm các mầu, mặt mài bằng kim loại là các chất liệu trang trí có giá trị gợi cảm, gây ấn tượng trong đồ án trang trí.
Trong mấy mươi năm gần đây, phụ nữ các dân tộc nói chung, phụ nữ Pu Péo nói riêng có xu hướng sử dụng những mảnh vải mầu in hoa công nghiệp hiện đại để cắt, ghép hình trang trí kỷ hà trên trang phục. Dường như trong tâm thức người ta muốn đưa sự tươi mát, đường nét mềm mại uyển chuyển của tự nhiên mà họ tìm thấy sẵn trên các mẫu hình in hoa công nghiệp hiện đại, bổ sung cho trang trí cổ truyền. Song cách làm đó đã phá vỡ tính thuần nhất của nghệ thuật trang trí, gây ấn tượng có tính chất biểu trưng và đó là những dấu hỏi đặt ra cho các thế hệ cháu con về sự kế thừa và phát huy vốn trang trí truyền thống của Ông Bà trao lại, nó báo hiệu cho sự thay đổi nhiều mặt trong trang trí y phục dân tộc trong tương lai.

Lệ Quyên (sưu tầm)

Gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc Pu Péo (Mai Thị Hằng)

Các nghệ nhân người Pu Péo

Không có chữ viết riêng nên việc bảo lưu và gìn giữ các giá trị văn hóa của người Pu Péo chỉ thông qua hình thức truyền miệng, phụ thuộc vào trí nhớ của con người. Đây chính là nguyên nhân khiến các giá trị văn hóa độc đáo của người dân tộc Pu Péo bị pha trộn và quên lãng. 

"Vốn" văn hóa độc đáo
Kết quả thống kê dân số năm 2009 cho thấy, dân tộc Pu Péo có gần 700 người. Người Pu Péo không sống trên núi cao mà sống phân tán ở những vùng núi thấp mang đậm tính chất của khí hậu á nhiệt đới như: Phố Là (huyện Đồng Văn), Yên Cường (huyện Bắc Mê), Sủng Tráng, Phú Lũng (huyện Yên Minh) thuộc tỉnh Hà Giang.
Mặc dù số dân còn rất ít, nhưng người Pu Péo ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, nổi bật là kiến trúc nhà ở truyền thống. Nhà của họ là nhà trình tường hai mái, không có chái, không có cửa sổ và chỉ trổ một cửa ra vào. Mái nhà được lợp bằng cỏ tranh, hoặc lợp bằng ngói âm dương. Nhà tựa lưng vào rừng và nhìn ra ruộng, có khuôn viên riêng.
Cũng như các dân tộc khác, trang phục của người Pu Péo được phân loại theo giới tính và tình trạng hôn nhân. Áo, váy của phụ nữ Pu Péo khá độc đáo với kỹ thuật đắp vải màu. Áo thường có 2 lớp, lớp áo ngoài xẻ ngực, không khuy cài, xung quanh gấu và nẹp áo được trang trí bằng những miếng vải khác màu xếp thành hình tam giác, hình vuông hay hình quả trám, lớp áo trong, cài khuy bên nách phải cũng được trang trí bằng vải màu như áo ngoài. Tục cưới xin của người Pu Péo khá "cầu kỳ", khi đón dâu, phù dâu phải cõng cô dâu ra khỏi cổng để theo đoàn nhà trai về. Sau khi cúng tổ tiên, thức ăn để trên nong, cả nhà cùng dâu rể phải ăn bốc.

Theo truyền thuyết của người Pu Péo, quả bầu chính là vật đã cứu sống tổ tiên của dân tộc này nên khi hành lễ, bao giờ thầy cúng cũng phải cầm một quả bầu trên tay. Đặc biệt, tin vào ảnh hưởng của bà mụ nên khi sinh nở, sản phụ người Pu Péo đẻ trong căn buồng riêng của mình; nhau thai chôn trong ống tre đặt dưới gầm giường hoặc bọc vào chiếu cũ để lên cành cây trên rừng. Đứa trẻ sinh ra được đặt tên sau 5 ngày và tên này đến năm 13 tuổi sẽ được thay thế bằng tên đặt theo tiếng Quan Hỏa. Trong thời gian chưa đặt tên cho con, ông bố chỉ được quanh quẩn trong nhà, ra khỏi nhà phải đội nón...
Mỗi khi trong gia đình có người thân qua đời, người Pu Péo đặt nghiêng hũ thờ trên bàn thờ để "thông báo" cho tổ tiên biết. Gia đình có người chết không được nấu ở bếp chính mà kê đá làm bếp ở gian giữa nhà. Sau khi thầy cúng làm lễ, lúc đưa tang, người ta treo bó lá trước cửa ngăn ma vào nhà. Thời điểm khi khiêng quan tài ra khỏi cửa, bắt buộc phải đốt lửa ngoài sân rồi rắc tro để sáng hôm sau quan sát vết chân trên lớp tro rắc trước cửa nhà xem người thân có tái sinh hay không.
Người Pu Péo tin vào sự tồn tại của ba thế giới. Ngoài thế giới thực, còn có sự tồn tại của một thế giới khác ở trên trời, người sống ở đó mặt đỏ và thường đeo dao gỗ ở cổ. Thế giới thứ ba ở dưới mặt đất với những con người chỉ bé bằng ngón tay và thường đeo dao ở khoeo chân.
"Điểm nhấn" làm nên sự đa dạng trong văn hóa của người Pu Péo chính là những bài cúng được cất lên tại lễ cưới hỏi, mừng năm mới, tang ma. Lời lẽ trong bài cúng thực chất là những áng cổ văn, kể về nguồn gốc loài người, về nạn đại hồng thủy và lịch sử du cư của người Pu Péo từ đời này sang đời khác.
Nguy cơ mai một
Do cư trú ở vùng đất có nhiều dân tộc cùng sinh sống, chịu tác động mạnh mẽ và liên tục từ văn hóa các dân tộc khác sống lân cận, khiến dân tộc Pu Péo đứng trước nguy cơ mai một bản sắc văn hóa. Trong khi đó, sự tiếp nối sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Pu Péo gặp phải nhiều "vấn đề" khi số lượng nghệ nhân, thầy cúng, những người am hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc ít dần và nhiều người trong số đó ít có khả năng truyền dạy.
Trước thực trạng này, ngành văn hóa tỉnh Hà Giang đã triển khai rất nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng của dân tộc Pu Péo như: Đẩy mạnh xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa để huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia phục dựng lại các lễ hội truyền thống (lễ cúng thần rừng, lễ mừng năm mới, các làn điệu múa hát…); tổ chức cho các nhà nghiên cứu đi điền dã để nghiên cứu sâu những giá trị văn hóa đó (ghi chép, quay phim, chụp ảnh), giúp những di sản này tồn tại và sống trong cộng đồng.

Mai Thị Hằng (sưu tầm)

Vài nét về dân tộc Pu Péo (Mai Thị Hằng)

Dân tộc Pu Péo phân bố ở nam Trung Quốc và bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, người Pu Péo, tự gọi là Ka Bẻo, có mặt ở Đồng Văn (Hà Giang) từ thế kỷ 18. Năm 2009 họ chỉ có gần 700người - một trong 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người. Là một trong 4 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Kađai (ngữ hệ Thái - Kađai), nhưng họ nói giỏi tiếng Hmông (thuộc ngữ hệ Hmông - Dao) và tiếng Quan Hỏa (ngữ hệ Hán - Tạng).

Người Pu Péo trồng ngô, đậu trên nương, dùng cày cày đất, canh tác theo kiểu xen canh, gối vụ. Một số nơi họ làm ruộng bậc thang (cấy lúa) và làm vườn (trồng cây ăn quả). Trâu, bò được sử dụng làm sức kéo. Trong bữa ăn, bột ngô và canh là 2 món ăn chính của các gia đình.
Váy, áo của phụ nữ Pu Péo đặc sắc ở kỹ thuật đáp và ghép vải màu trang trí, xếp thành các hình tam giác, hình vuông, hình quả trám. Phụ nữ vấn tóc quanh đầu, dùng chiếc lược gỗ gài lại rồi trùm khăn vuông lên trên.
Người Pu Péo thờ cúng tổ tiên 3 đời, mỗi đời được tượng trưng bằng một hũ sành đặt trên bàn thờ. Vào dịp Tết Nguyên đán, các gia đình làm bánh chưng đen cúng tất niên, hôm sau họ làm bánh chưng trắng mừng năm mới. Từ mồng 3 đến 13 tháng Giêng âm lịch, các bản tổ chức lễ Patọng mở đầu mùa sản xuất. Người Pu Péo còn có tục hát đối đáp trong đám cưới và đánh trống đồng trong tang lễ.

 Mai Thị Hằng (sưu tầm)

Những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Pu Péo ở Hà Giang (Vi Đức Hồi)

Người Pu Péo ở Hà Giang chỉ có hơn 600 người trên tổng dân số trong toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh), Yên Cường (huyện Bắc Mê).

Hà Giang là một tỉnh vùng cao biên giới của Tổ quốc Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với tổng diện tích tự nhiên là 7.914,8892km2; Tổng dân số ở Hà Giang trên 730.000 người với 23 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Trong đó dân tộc Mông chiếm 31%, dân tộc Tày trên 27%, dân tộc Dao 15%, dân tộc Kinh 11% còn lại là các dân tộc khác. Có những dân tộc ít người chỉ Hà Giang mới có hoặc có nhiều hơn các tỉnh khác như Pà Thẻn, Lô Lô, La Chí, Pu Péo, Bố Y, Phù Lá...
Nhân dân các dân tộc Hà Giang có truyền thống yêu nước, đoàn kết tương thân, tương ái, có ý thức tự lực tự cường, giúp nhau vươn lên xoá đói giảm nghèo xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu đẹp văn minh.
Mỗi dân tộc ở Hà Giang đều có một nền Văn hoá dân gian riêng biệt, độc đáo mang đậm nét văn hoá vùng Đông Bắc. Với một kho tàng Văn hoá Vật thể và phi vật thể phong phú và quý báu, đặc biệt là được thể hiện qua các loại vật liệu, dụng cụ, nhà ở, trang phục, trang sức, âm nhạc, hát, múa, trò chơi, trò diễn, lễ hội dân gian...
Người Pu Péo ở Hà Giang chỉ có hơn 600 người trên tổng dân số trong toàn tỉnh, sinh sống chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh), Yên Cường (huyện Bắc Mê).
Trong kinh tế người Pu Péo lấy nông nghiệp trồng trọt làm cơ sở chủ đạo, bên cạnh đó còn có sự bổ trợ của chăn nuôi, thủ công nghiệp gia đình và hái lượm và buôn bán nhỏ.
Cũng như các dân tộc khác người Pu Péo ở Hà Giang có một kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú và đa dạng.
* Văn hoá vật thể:
Cho dù với số dân không đông, nhưng người Pu Péo lại sinh sống phân tán trên dải đất Việt - Trung. Người Pu Péo không ở trên núi cao như người Hmông mà thường chọn những bồn địa giữa núi để lập làng. Làng bản của người Pu Péo đều thuộc vùng núi giữa, mang đậm tích chất của khí hậu á nhiệt đới. Với một điều kiện tự nhiên như vậy người Pu Péo có thể làm ruộng nước và vừa vận dụng được những thế mạnh của rừng trong canh tác.
Các thôn xóm của họ thường có quy mô nhỏ, chỉ 10 - 12 hộ gia đình; cá biệt có những gia đình Pu Péo ở một mình, ghép với bản của người Hmông. Nhìn chung, do số dân ít, lại cư trú phân tán, hiện tượng xen cư của dân tộc này diễn ra khá phổ biến, theo kiểu một hoặc hai xóm Pu Péo ghép vào các bản của người Tày hoặc người Hmông. Các sắc thái văn hoá Pu Péo vẫn được giữ cho đến nay, kể cả trong văn hoá vật chất cũng như tinh thần và nhất là trong ý thức tự giác tộc người.
Theo hồi ức của những người già, trước kia, người Pu Péo ở nhà sàn nhưng do rừng bị tàn phá nhiều nên việc tìm kiếm nguyên vật liệu trở nên khó khăn; vì vậy, họ đã phải chuyển sang ở nhà đất.
Người Pu Péo ở kiểu dạng nhà làm theo kiểu của người Hoa đó là nhà trình tường, hai mái, không có chái và số gian không cố định, phổ biến hơn là ba gian. Các ngôi nhà đều được xây to, bề thế, nhưng chỉ được trổ một cửa ra vào không có cửa sổ. Trước đây người Pu Péo thường làm theo kiến trúc hai tầng giống người Hoa, mái nhà chủ yếu được lợp bằng cỏ tranh; Hiện nay được lợp bằng ngói máng (ngói âm dương) hoặc ngói Tây. Ngày nay các ngôi nhà làm theo kiểu người Việt chỉ có một tầng kiểu kiến trúc vẫn tương đối chuyên biệt. Nhà của Pu Péo thường được dựng ở chân đồi, tựa lưng vào rừng và nhìn ra ruộng. Hướng Nam và Đông Nam được xem là tốt nhất.
Không gian sinh hoạt của người Pu Péo rất đa dạng. Mỗi gia đình thường có khuân viên riêng, trong đó có các kiến trúc như: Nhà ở, chuồng gia súc và vườn nhà. Về nhà mới là lễ thức quan trọng nhất trong hệ thống tín ngưỡng liên quan đến ngôi nhà của người Pu Péo. Mọi nghi thức cúng tế nhà mới phải hoàn tất vào lúc gần sáng, đến khi trời sáng họ hàng, làng xóm sẽ sang mừng tân gia, chúc phúc cho gia chủ.
Trang phục của người Pu Péo trước kia được may bằng vải bông tự dệt và nhuộm chàm; ngày nay hầu hết đều mặc vải công nghiệp. Cho đến nay, trang phục của họ vẫn chủ yếu được phân loại theo giới tinh và tình trạng hôn nhân ( đối với phụ nữ), không  phân biệt theo vị thế xã hội hay nghề nghiệp. Hiện nay những người lớn tuổi chỉ mặc quần áo đen như nam giới như các dân tộc khác ở trong vùng. Tuy nhiên, các đặc trưng văn hoá của dân tộc Pu Péo cơ bản vẫn được bảo lưu ở trang phục nữ. Trang sức của người Pu Péo chủ yếu là bằng bạc, thường được đi chung với những bộ trang phục mang những nét hoa văn đặc sắc riêng của dân tộc mình.
Trống đồng xưa kia được người Pu Péo sử dụng trong các hoạt động văn hoá như: Lễ hội, tang ma, cưới xin... Ngày nay người ta chỉ còn dùng nó trong các đám ma khô. Trống đồng của Pu Péo có 2 loại (trống đực và trống cái), Trống đồng còn là nhạc nền cho những điệu dân ca, dân vũ.
*Văn hoá phi vật thể:
Người Pu Péo tin vào sự tồn tại của ba thế giới. Ngoài thế giới thực, còn có sự tồn tại của một thế giới khác ở trên trời, mà con người không kiểm soát được - thế giới của các thần linh. Trong thế giới đó, ngoài các vị thần còn có những người trời, có đặc điểm là mặt đỏ và thường đeo dao gỗ ở cổ. Thế giới thứ ba ở dưới mặt đất với những con người chỉ bé bằng ngón tay và thường đeo dao ở khoeo chân. Thời gian của thế giới thực và hai thế giới kia luôn ngược nhau, trước kia ba thế giới được thông qua bằng chiếc thang. Truyền thuyết của người Pu Péo kể lại rằng quả bầu chính là vật đã cứu sống tổ tiền của dân tộc này. chính vì vậy: Con cháu dân tộc này khi cúng tổ tiên bao giờ cũng bày thức ăn lên nong chứ không bày lên mâm; và khi hành lễ, bao giờ thầy cúng cũng phải cầm một quả bầu. Người Pu Péo sử dụng lịch nhà Chu, mỗi giáp có 12 năm, mỗi năm chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 ngày hoặc 30 ngày, mỗi ngày có 12 giờ. Cứ 3 năm, sẽ có một năm nhuận, hoàn toàn khớp với cách tính năm, tháng và ngày của âm lịch ngày nay. Vì vậy họ cũng ăn tết Nguyên đán như nhiều dân tộc khác.
Mặc dù có số dân không đông, nhưng người Pu Péo ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ trong ký ức cộng đồng một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú. Những bài cúng của họ thực chất là những áng cổ văn, kể về nguồn gốc loài người, về nạn đại hồng thuỷ và lịch sử du cư của họ từ đời này sang đời khác. Trong đám cưới, trai gái thường hát đối đáp mà nội dung của các bài hát thường nói nhiều về tình yêu lứa đôi và biểu thị khát vọng hạnh phúc. Ngoài ra, họ còn có nhiều thành ngữ, tục ngữ, được sử dụng khá nhuần nhuyễn trong giao tiếp hàng ngày. Đó là một lối truyền đạt các tri thức bản địa hữu hiệu, một biện pháp giáo dục cộng đồng hiệu quả. Người Pu Péo có những phong tục tập quán, lễ hội, dân ca, cưới xin theo phong tục riêng... đặc biệt là Lễ cúng thần rừng (Lễ cúng thần rừng Là lễ cúng cầu Thần Rừng, Thần Đá, Thần Suối bảo vệ ruộng nương và phù hộ sự bình yên cho người Pu Péo có cuộc sống ấm no, hạnh phúc).
Xuất phát từ những phong tục tập quán, văn hoá truyền thống của dân tộc thiểu số là một nét đẹp trong đời sống văn hoá của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Chính những nét văn hoá truyền thống ấy đã thôi thúc mỗi con người Việt Nam chúng ta tìm về cội nguồn một cách tận tâm, tận ý. Mỗi dòng họ, mỗi tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đều có một nét văn hoá độc đáo riêng. Đưa các giá trị văn hoá vào phục vụ du lịch là hình thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo đối với bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Vi Đức Hồi

Lễ cúng thần Rừng của dân tộc Pu Péo (Hoàng Hải)

Lễ cúng thần rừng

Người Pu Péo là tộc người chỉ sinh sống ở tỉnh Hà Giang và tập trung nhất ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Tuy dân số không đông nhưng người Pu Péo có bản sắc dân tộc đa dạng và bảo lưu được nhiều truyền thống tốt đẹp. Trong năm, ngoài tết đầu năm mới, thì Lễ cúng rừng là quan trọng nhất đối với người Pu Péo.

Đây là lễ hội có từ lâu đời, tồn tại và phát triển cùng với nhiều thế hệ người Pu Péo; là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, gắn với đời sống triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp như: Thần suối, thần sông, thần núi, thần rừng, thần cây...đã tạo ra sắc thái văn hóa riêng trong đời sống cộng đồng. Lễ hội không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên.
Hòa đồng cùng thiên nhiên, tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, coi rừng là bạn, gắn bó với rừng, bảo vệ rừng đã trở thành ý thức chung của cộng đồng người Pu Péo, được thể hiện ở từng gia đình, làng bản. Vì thế, khu vực nào có người Pu Péo sinh sống, rừng thường được bảo vệ rất tốt, nhất là khu rừng thiêng: việc bảo vệ rừng để có nước làm ruộng và có gỗ làm nhà luôn được truyền tụng từ đời này sang đời khác.
Lễ cúng thần Rừng được tổ chức vào ngày 6-6 âm lịch hằng năm, với những nghi thức trang trọng nhất. 
Buổi lễ diễn ra ở rừng cấm - rừng thiêng đầu bản, ông thầy cúng kính cẩn thay mặt bà con úp mặt vào một thân cây lớn, quỳ lạy bốn phương trời tám phương đất hai hồi, mỗi hồi ba lần để mong thần Rừng, thần Nước che chở cho bản làng.
Người Pu Péo luôn hiểu rằng, giữ rừng là giữ nguồn nước, cầu thần Nước là cầu thần Rừng cho nên, ngày Tết, trai gái ở bản Pu Péo mới nô nức kéo nhau ra suối gánh “nước vàng nước bạc” về nhà cầu may.
Đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần hai mét, quay mặt về phía đỉnh núi cao. Những vuông cơm tẻ giã nhuyễn, nặn thành bánh, xắt khúc được bày biện cẩn thận trong những cái nong tròn. Nhiều miếng cơm được xếp thành hàng thành lối trên lá chuối tươi, (mỗi nắm cơm tượng trưng cho một vị thần, người Pu Péo theo tín ngưỡng đa thần: thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Suối, thần Gió…) Trên mỗi nắm cơm là một mẩu trứng gà luộc (quả trứng luộc, bóc vỏ, sau đó xắt ra). Dưới chân bàn thờ làm bằng trúc tươi, lót lá chuối tươi xanh có buộc hai con gà vẫn còn sống nguyên, mỗi con gà buộc dây, dây cắm vào một cái cọc. Xung quanh là bình rượu và những cái chén. Cách bàn thờ một chút, là một cái cọc khác, có buộc một con dê cái vẫn sống, lông màu đen. 
Lễ cúng kéo dài vài tiếng đồng hồ, thầy cúng cầm một cành trúc tươi, còn nguyên cả lá, khua đi khua lại suốt thời gian hành lễ, có lúc tay lại cầm một quả bầu khô. Bài cúng thể hiện sự thành kính của con người xướng lên trước thần Rừng, thần Trời, thần Đất, thần Nước, mời họ về chứng kiến lễ cúng, hưởng thịt gà, thịt dê và phù hộ cho con người khoẻ mạnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Cầu cho rừng ngày một xanh tốt chở che con người. Bà con trong thôn xin thề trước thần Rừng, sẽ giữ gìn rừng thật tốt, ai săn bắn, chặt cây trong rừng thì sẽ bị thần Rừng trừng phạt. Rừng tốt tươi, trời đất giao hoà, bảo hộ cho cuộc sống của bà con Củng Chá. Mưa không gây lũ, nắng không gây hạn, bão gió sấm sét không đánh chết người

Hoàng Hải (suu tầm)

Dân tộc Pu Péo (Hoàng Thị Khuyên)

Phong tục tập quán:
Ở nhà trệt, sống tập trung thành từng nhóm nhỏ bên cạnh người Hoa, Mông. Mỗi dòng họ có tên đệm riêng. Con cái lấy họ cha, người cha là chủ nhà. Người Pu Péo coi trọng thờ cúng tổ tiên. Trên bàn thờ thường đặt những hũ sành nhỏ, mỗi hũ tượng trưng cho một đời.

Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ thuộc nhóm Kadai.
Văn hoá:
Dân tộc Pu Péo là một trong số ít dân tộc còn sử dụng trống đồng, trống "đực" và "cái" được ghép với nhau thành cặp. Có các ngày lễ: lễ cưới hỏi, ma chay, cầu an, Tết Nguyên Đán, tết mùng 5 tháng 5...
Trang phục:
Nữ dùng khăn, váy, áo, tạp dề, sử dụng kỹ thuật can đáp vải khác màu để có hoa văn sặc sỡ. Nam mặc như các dân tộc khác quanh vùng.
Kinh tế:
Làm nương, ruộng nương, trồng ngô, lúa, lúa mạch, đậu. Sử dụng cày bừa trâu bò làm sức kéo. Bữa ăn hàng ngày là bột ngô đồ chín.

Hoàng Thị Khuyên (sưu tầm)

Dân tộc Pu Péo: Bảo tồn trang phục để lưu giữ nét văn hóa truyền thống (Hoàng Văn Báo)

Đồng bào dân tộc Pu Péo sinh sống trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang vẫn gìn giữ được nhiều phong tục tập quán mang bản sắc của dân tộc mình. Trong đó độc đáo nhất là bộ trang phục truyền thống. 

Nghe nội dung bài viết tại đây: 
So với một số dân tộc khác ở khu vực miền núi phía Bắc, trang phục dân tộc của người Pu Péo khá đơn giản nhưng không kém phần độc đáo và cầu kỳ. Đàn ông Pu Péo thường mặc bộ quần áo nhuộm màu chàm, trong khi đó, phụ nữ lại mặc hai áo, áo ngoài chẻ ngực không có khuy. Chiếc áo trong cài khuy bên nách phải. Người Pu Péo không thêu trên trang phục mà trang trí các các dải hoa văn ghép bằng vải mầu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng. Nổi bật nhất là trang trí viền quanh hai tà áo, ống tay áo, trên tấm choàng hình quả trám phủ trước váy, quanh gấu váy và trên khăn đội đầu. Các hình tam giác, quả trám, hình chữ nhật là những hình cơ bản được chắp ghép tỉ mỉ, khéo léo tạo nên các họa tiết hình mào gà, mặt trời thể hiện những ý niệm chung về tín ngưỡng của dân tộc mình. Bà Tráng Thị Mai, người dân tộc Pu Péo, cho biết: "Trang phục của dân tộc Pu Péo nhìn đơn giản những làm rất cầu kỳ. Khó nhất là làm riềm váy. Cái váy và yếm thì đơn giản hơn. Bộ trang phục của đàn ông trước đây mặc áo dài, bằng lụa nhưng bay giờ thì mặc theo các dân tộc khác là quần đen, áo tà pủ. Đầu quấn khăn. Màu sắc chủ yếu là màu đen, đính vào hoa văn màu đỏ xanh, tím vàng".

Phụ nữ Pu Péo thường mặc áo dài đen, bên ngoài có yếm, trang trí trên y phục chủ yếu là các miếng vải màu ghép lại với nhau. Phụ nữ Pu Péo vấn tóc và được gài bằng chiếc lược gỗ bên ngoài quấn khăn vuông kẻ ô hoặc trang trí hoa văn. Ngoài ra, phụ nữ Pu Péo mặc váy dài hình ống màu đen có gấu xòe rộng, được trang trí bằng các miếng vải nhiều màu sắc cắt hình tam giác, hình quả trám, hình vuông được chắp ghép tỉ mỉ. Bà Củng Thị Xuân, xóm Phố mới, Thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cho biết: "Bộ trang phục phổ biến của người Pu Péo thường có hai cái váy, một cái áo, hai cái yếm xanh, lược chải đầu và hai cái khăn vuông. Ngoài váy, trang phục phụ nữ Pu Péo còn có hai cái yếm, một cái yếm đỏ, một yếm xanh ở phía trước. Váy thì màu đen, riềm váy thì khâu bằng những miếng vải nhỏ. Một số hoa văn nhỏ thì người Pu péo có thể thêu, khâu vào chứ ko dệt như các dân tộc khác".


Màu chủ đạo của trang phục và hoa văn của đồng bào Pu Péo là màu đỏ, xanh. Theo quan niệm của đồng bào, màu đỏ tượng trưng cho đàn ông, tượng trưng cho sự tôn trọng của người phụ nữ Pu Péo dành cho người trụ cột trong gia đình. Mỗi khi may trang phục, màu đỏ luôn được ưu tiên khâu trước, trong khi màu xanh tượng trưng cho người phụ nữ trong gia đình. Những những họa tiết trang trí trên trang phục thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay và sự tinh tế của những người phụ nữ Pu Péo. Chị Lục Thị Huệ, xóm Phố mới, Thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: "Khó nhất là khi may của người Pu Péo đó là khâu phần riềm váy và hoa văn ở cánh tay vì là phần riềm váy rất cầu kỳ bởi hoàn toàn do tay mình tự khâu và tự thêu lên. Những họa tiết rất nhỏ nên khó may và mất rất nhiều thời gian".

Những năm gần đây, phụ nữ Pu Péo còn sử dụng những mảnh vải mầu in hoa công nghiệp hiện đại để cắt, ghép hình trang trí trên trang phục. Những màu sắc đó không chỉ tăng thêm nét tinh tế, đặc sắc trong các họa tiết trang trí và còn giúp trang phục của đồng bào Pu Péo.

Hiện nay, những người lớn tuổi của dân tộc Pu Péo thường mặc quần áo đen như nam giới như các dân tộc khác ở trong vùng. Tuy nhiên, các đặc trưng văn hoá của dân tộc Pu Péo cơ bản vẫn được lưu giữ ở trang phục nữ. Trang sức của người Pu Péo chủ yếu là bằng bạc, thường được đi chung với những bộ trang phục mang những nét hoa văn đặc sắc riêng của dân tộc mình. Phụ nữ Pu Péo thường sử dụng hạt cườm các mầu, mặt mài bằng kim loại cùng đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ, dây chuyền, nhẫn bằng bạc. Các thiếu nữ Pu Péo thường vấn tóc quanh đầu, bên ngoài quấn một vành khăn màu tím. Thiếu phụ thì búi tóc trước trán, có giắt một chiếc lược gỗ bên trên. Cách vấn tóc thành búi ở trán và cài bằng chiếc lược gỗ là một trong những đặc trưng văn hóa của người Pu Péo.

Hoàng Văn Báo (sưu tầm)