Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Sán Dìu
Showing posts with label ₪ Dân tộc Sán Dìu. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Sán Dìu. Show all posts

Thursday, April 6, 2017

Ngày hội văn hóa các dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên (Hoàng Minh Thắng)

Ngay từ sáng sớm, trên những con đường dẫn về sân tổ chức sự kiện xã Nam Hòa huyện Đồng Hỷ, chúng tôi chứng kiến dòng người tấp nập cùng đông đảo các nghệ nhân dân tộc Sán Dìu từ các huyện, thành, thị trong tỉnh Thái Nguyên xúng xính với những chiếc váy đặc trưng của dân tộc mình háo hức rảo bước đến với ngày hội.

Ngày hội văn hóa các dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên lần thứ Nhất năm 2016 thu hút sự tham gia của 9 đội văn nghệ, thể thao đến từ 6 đơn vị: Thành phố Thái Nguyên, T.P Sông Công; Thị xã Phổ Yên và các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, cùng đông đảo người dân các dân tộc trong tỉnh. Chương trình còn có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn nghệ thuật tỉnh cùng các nghệ nhân cao niên, thanh niên đại diện cho các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đoàn nghệ nhân thị xã Phổ Yên gồm có 25 nghệ nhân tham gia các phần thi chính trong ngày hội gồm: Thi hát Soọng Cô, thi Văn hóa ẩm thực dân tộc Sán Dìu, thi kéo co, đi cà khoeo. . Đến với ngày hội, ban tổ chức cùng đông đảo người dân được đắm mình trong không khí rộn ràng, náo nhiệt với những hoạt động văn hóa đặc sắc, thưởng thức ẩm thực độc đáo như: cà gém, nem chua, xôi đen, bánh do, bánh lẳng, bánh nếp và rượu thuốc... hay đắm mình trong những làn điệu hát Sọng cô của dân tộc Sán Dìu.


Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên lần thứ nhất năm 2016 tỉnh là sân chơi bổ ích, có ý nghĩa giáo dục để tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa, góp phần tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa phong phú, độc đáo của dân tộc Sán Dìu. Và đây cũng là cơ hội để các dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh có cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của dân tộc.


Kết thúc Ngày hội, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất toàn đoàn cho Đội xã Linh Sơn huyện Đồng Hỷ; giải Nhì toàn đoàn cho T.X Phổ Yên và xã Nam Hòa huyện Đồng Hỷ; giải Ba toàn đoàn cho xã Hóa Thượng huyện Đồng Hỷ, xã Bàn Đạt huyện Phú Bình; giải Khuyến khích toàn đoàn cho T.P Thái Nguyên, xã Sơn Cẩm huyện Phú Lương, xã Tân Lợi huyện (Đồng Hỷ và đoàn T.P Sông Công.
Ngoài ra Ban Tổ chức cũng trao các giải Nhất, Nhì, Ba và khuyến khích cho các đội dự thi ở các phần thi: hát Soọng Cô, Văn hóa ẩm thực dân tộc, kéo co, cà khoe.
Hiện nay, Thái Nguyên là tỉnh có đông người Sán Dìu nhất cả nước (chiếm 29,59%), đứng thứ 4 trong các dân tộc trong tỉnh, phân bố ở các vùng bán sơn địa, tập trung đông nhất là ở các huyện: Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Lương, Phú Bình. Người Sán Dìu có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú, đa dạng, trong đó Soọng Cô là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Sán Dìu. Tại ngày hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Quyết định Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với loại hình hát Soọng Cô của người Sán Dìu và nghi lễ Hét Khoăn của người Nùng.

 Hoàng Minh Thắng

Monday, August 15, 2016

Hát đám cưới của dân tộc Sán Dìu (Bá Đạt)

Ông đại diện nhà gái lễ gia tiên rồi mời rượu hai họ.

Mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung thường có lễ thức hát trong đám cưới khác nhau. Những lối hát xưa nay đã mai một. Từ sau khi có nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ V (khoá 8), việc khôi phục lối hát truyền thống lại được chú trọng và phát triển hơn, hình thành nhiều câu lạc bộ hát dân ca các dân tộc, như: Sán Dìu, Sán Chí, Tày, Nùng, Cao Lan v.v trong đó hát dân ca dân tộc Sán Dìu là thể loại hát độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc, được phục hồi ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Nhân mùa cưới đang đến, xin giới thiệu lối hát đám cưới của người dân tộc Sán Dìu nơi đây tại làng Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn.

Hát trong đám cưới là nét văn hoá đặc trưng, cổ truyền của dân tộc Sán Dìu từ bao đời, được lưu truyền cho đến nay. Thể loại hát giữa hai họ từ buổi chiều trước ngày cưới chính thức, khi nhà trai mang lễ vật sang nhà gái (hai họ hát tại nhà gái). Nghi thức hát có 4 phần: hát chào đón, hát khai hoa tửu, hát cung kính cùng hát chúc và đố chuyện nghi lễ.

Đoàn nhà trai mang lễ đến nhà gái.

Hát chào đón, đó là lúc họ nhà trai mang lễ vật đến nhà gái, hai họ gặp nhau, chào đón bằng lối hát ngoài cửa của nhà gái.

Hai họ hát đối trước cửa nhà gái.
Họ nhà gái cất lên: (trích)
Pha lán tạnh chấy ít théo khổng
Khống lống bọi sọng ít sông hống
Dịu dón kim mạn sênh ca chíu
Sênh ca chíu lạy ngỏi lán hống.
Họ nhà trai đáp lời:
Hống vún lói chép cao san cạy
Hách vún lói chép ốc dém thói
Dịu don kim mạn sênh ca chíu
Leng con sút chép tam lóng thói.
Dịch nghĩa của bài hát:
Lễ nghi họ gái bày trước cửa
Thiếp hồng nghênh tiếp giưã đường môn
Hôm nay ngày đẹp thành hôn lễ
Chào đón qua viên họ trai sang.
Sao sáng đến gặp mây tương ngộ
Một lòng một dạ đến kết duyên
Hôm nay ngày đẹp thành hôn lễ
Lễ vật dẫn sang kính gia tiên.
Tiếp theo là các bài hát khai hoa tửu được thể hiện tiếp: (trích)
Láp sọng nhóng món cay báo sác
Hông sui dóng dịu dẹp sang sống
Dịu dón kim mạn sếnh cô hô chú công.
Dịch nghĩa trong bài hát:
Đã có bạn trai thương yêu mến
 ông tơ bà nguyệt se lứa đôi
 ngày lành tháng tốt dâng hôn lễ
hạnh phúc tràn đầy một niềm vui.
Phần hát khai hoa tửu, nhiều bài hát còn dài mang ý nghĩa đáp đền công lao cha mẹ nuôi dạy con thành người. Nay về làm dâu đều yêu thương thành kính cha mẹ tổ tiên hai bên như nhau…Hết phần hát khai hoa tửu lại tiếp đến phần hát cung kính cùng hát chúc: (trích)
Hoi híu leo/ Tam váng tạnh chấy lép váng thói
Na cọi mói nhín lói cón chíu
Na cọi tạm lóng ben sút lói.
Dịch nghĩa trong bài hát:
Quan viên hai họ cùng dâng lên
Dâng chén rượu đào kính gia tiên
Hai nhà thông gia thành hôn lễ
Hạnh phúc đôi trẻ mãi vững bền…
Lời hát dâng rượu kính gia tiên và chúc cho đôi trẻ thành hôn của hai họ mang ý nghĩ cung kính và sâu sắc nghĩa tình thông gia…Và còn biết bao câu hát khác mang giá trị nhân văn và nghĩa tình vợ chồng: Rể tài, dâu thảo luôn hạnh phúc/ Ra hoa kết trái truyền tương lai…Nhưng phần cuối của lối hát trong đám cưới mới hấp dẫn và được đối đáp thông minh, đó là đố chuyện lễ nghi.

Một ông trong dòng họ với bà của cô dâu ngồi giữa giường đem khay nước có hoa văn đẹp trong đó đựng chai rượu được để trong rọ đan bằng tre và hai quả trứng do họ nhà trai mang sang rồi nói đố chuyện, với các câu hỏi đố (xin trích, dịch là):
Hôm nay ngày đại lễ thành hôn, xin mời các quan viên hai họ cùng ngồi gần bên chum rượu đào cho vui và xin hỏi quan viên hai họ biết chữ hay biết chuyện. Biết chữ thì đố chữ, biết chuyện thì đố chuyện? Không hiểu, không biết thì mong cùng trợ giúp? Xin hỏi quan viên họ nhà trai, trên đường dẫn lễ đi có thuận không. Có tâm đến không? Dù giải được hay không giải được cũng xin mời cùng nâng lên chúc nhau ba chén.
Trưởng đoàn họ nhà trai đáp lại rằng: Kính thưa các cụ, kính thưa hội hôn. Họ nhà trai tôi, trường học qua ít, chữ nghĩa không nhiều, chuyện không am hiểu, mong các cụ miễn thứ cho. Đúng ngày lành, tháng tốt nên họ nhà trai chúng tôi, có tâm, có dạ, đi đường đều thuận cả...
Đố chuyện lễ nghi, cứ thế chính là cớ gặp nhau giữa hai họ để câu chuyện thêm rôm rả. Cho hai họ xích lại gần nhau. Kết của hồi đố chuyện lại là chén rượu. nhưng lần này là rượu được pha hai quả trứng cho vào bát để trên ban thờ kính gia tiên từ lúc trước khi đố, bây giờ đem xuống rót mời hai họ thưởng thức, chúc cho đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc.
Hát trong đám cưới như vậy là một phong tục đẹp, mang bản sắc văn hoá dân tộc rất cần được phát huy, phát triển. Mong rằng, các dân tộc trên đất Việt thân yêu cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy hơn nữa; đồng thời, những gì ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục cần giảm dần và loại bỏ, kể cả việc lạm dụng phương tiện tăng âm, loa đài ầm ĩ, đinh tai nhức óc, làm náo loạn xóm phố, như tra tấn người đến dự đám cưới./.
 Bá Đạt (sưu tầm)

Độc đáo trang phục dân tộc Sán Dìu vùng Tây Bắc (Nông Gia Khảm)

Trang phục Sán Dìu của nam và nữ đều do đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Sán Dìu làm ra. Người phụ nữ Sán Dìu luôn mặc hai áo đi theo cặp, áo trong màu sáng (gọi là yếm), áo ngoài màu đen có 3 vạt, cổ áo hình chữ V, được nẹp bằng vải trắng, trên cổ áo có gắn hai chiếc cúc bằng bạc tạo âm thanh vui nhộn khi mặc bộ trang phục.

Rìa cổ áo được viền một dải nhỏ vải khác màu. Váy có hai mảnh được khâu chéo, nhiều nếp gấp, rộng, xoè ra như cánh hoa, phần cạp váy được khâu xếp lại, có hai dây để buộc cho vừa một vòng bụng. Thêm nét duyên dáng cho người phụ nữ Sán Dìu, bộ trang phục còn có chiếc dải váy được dệt bằng chỉ nhiều màu, dây xà tích, vòng cổ, vòng tay bằng bạc.
Bộ trang phục của người Sán Dìu không thể không nói tới hai chiếc khăn thắt ở eo lưng và xà cạp. Thắt lưng có 4 màu: Xanh, đỏ, tím, hồng, mỗi cái dài 1,2 m đến 1,5 m, rộng 20 cm đến 30 cm, được làm bằng vải mỏng, hai đầu làm tua rủ. Người phụ nữ Sán Dìu thường vấn tóc, quấn khăn theo hình mỏ quạ. Đặc biệt, trong trang phục người phụ nữ Sán Dìu còn có thêm chiếc túi đựng trầu khâu theo hình múi bưởi với tua dua được dệt bằng chỉ đỏ, thường buộc quanh thắt lưng để đựng các têm trầu, đi đôi với túi đựng trầu là con dao cau được chạm trổ cầu kỳ thường được chị em dùng như một thứ trang sức để trưng diện.
Trang phục của đàn ông Sán Dìu lại đơn giản, mộc mạc hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ. Áo có màu chàm, được may theo kiểu bà ba, có hai túi rộng, quần dài, cạp chun, ống quần rất rộng để thuận lợi cho việc leo núi, đồi. Trong những ngày lễ tết, đám cưới, hát giao duyên người Sán Dìu xúng xính trong những bộ trang phục mới hơn ngày thường. Điều đáng chú ý là bộ trang phục của người Sán Dìu do chính đôi bàn tay người phụ nữ Sán Dìu nhuộm màu cho vải để có những màu sắc ưng ý.Đối với bộ trang phục phụ nữ người Sán Dìu, công đoạn nhuộm chàm mất khá nhiều thời gian, trồng cây chàm nhuộm vải cũng vất vả, cầu kỳ. Người phụ nữ Sán Dìu đến nơi ở mới không quên mang theo hạt chàm giống. Chàm được trồng vào tháng 2 và thu hoạch vào tháng 7, chàm cắt về, rửa sạch cắt thành từng khúc ngâm vào vại, qua một đêm thứ nước đó được hoà với nước tro bếp và một bát nước vôi (theo kinh nghiệm phải có tro bếp và vôi mới giữ được màu), sau đó khuấy đều, để lắng 30 phút, lấy thứ nước lắng phía bên dưới có màu vàng đem phơi khô. Đến đây, người phụ nữ Sán Dìu lại lên rừng tìm đủ 4 loại cây: Cây chỉ thiên, cây lau sau, cây dáp thanh, vỏ cây núc nác mang về ngâm cùng cốt cây chàm đã khô. Theo người Sán Dìu, cây chàm phải được ngâm cùng bốn loại cây này thì vải mới lên được màu sẫm. Sau một tuần thì bắt đầu thả vải vào ngâm. Đây là công đoạn thứ 2, vải nhuộm một lần có màu xanh lợt, dễ phai, nhuộm nhiều lần rồi mang phơi nắng, sắc xanh nhạt sẽ thẫm lại thành sắc chàm sẫm như màu của núi rừng. Vải đem nhuộm phải là vải tấm, dày, sợi chỉ bắt màu.
Đối với trang phục của nam giới người Sán Dìu thì công việc nhuộm vải không mất nhiều thời gian. Người phụ nữ Sán Dìu bung củ nâu, khi nước có màu đỏ đồng thì đưa vải vào ngâm. Vải cũng được ngâm thành nhiều lần rồi phơi nắng. Khi vải đã có màu chàm thì đem giặt sạch với nước giếng rồi phơi lại một lần nữa. Người Sán Dìu thường để mặt phải củatấm vải hướng về phía mặt trời để vải bắt màu. Như vậy là hoàn thành việc nhuộm chàm cho bộ trang phục. Đôi bàn tay người phụ nữ Sán Dìu xanh màu chàm là dấu ấn của những lần nhuộm chàm. Người phụ nữ Sán Dìu khi đã làm mẹ có nghĩa vụ dạy bảo con gái trồng chàm và nhuộm vải chàm. Người Sán Dìu đánh giá tài năng, đức hạnh của người phụ nữ thông qua khả năng nhuộm chàm. Trang phục của người Sán Dìu được hình thành theo tháng ngày nhọc nhằn của người phụ nữ. Đó là một tác phẩm nghệ thuật người Sán Dìu làm ra với sự cần cù, khéo léo góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hoá các dân tộc./.
Nông Gia Khảm (sưu tầm)

Độc đáo di sản của người Sán Dìu (Hoàng Thị Thắng)

Làm bánh dày, bánh boong rằm tháng 7

Là một dân tộc thiểu số, chịu nhiều tác động, song không ít di sản văn hóa đặc trưng vẫn được cộng đồng người Sán Dìu gìn giữ.
Phong tục lạ

Anh Lê Duy Mạnh, thành viên Ban chủ nhiệm đề tài điều tra, nghiên cứu về phong phục tập quán của các dân tộc thiểu số ở thị xã Chí Linh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiết lộ: “Bắc An có đông người Sán Dìu cư trú nhất, trong đó tập trung tại Chín Thượng và Chín Hạ. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, song lớp người cao tuổi trong cộng đồng người Sán Dìu vẫn bảo lưu nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc".

Diện mạo Bắc An đã đổi thay nhưng dấu ấn của một xã miền núi vẫn hiện rõ qua những con đường đất đỏ chạy dài hun hút. Ngôi nhà cấp 4 mà chúng tôi đến nằm trên một bạt đồi khá rộng. Chủ nhà là bà Lưu Thị Chinh, ngoài 70 tuổi, một phụ nữ Sán Dìu nắm giữ nhiều vốn di sản truyền thống của ông cha.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những phong tục độc đáo được người Sán Dìu duy trì cho đến nay. Trong việc tang, có thầy cúng làm lễ để chuộc tội cho người mất. Khi đưa ma, con cái người chết phải thực hiện nghi lễ tiễn đưa. Còn con dâu phải gánh lương thực và cầm bó đuốc cháy soi đường cho bố mẹ. Ngày trước, người Sán Dìu chỉ thực hiện lễ cúng 100 ngày và lễ sang áo. Ngày nay, tiếp thu văn hóa người Kinh, mỗi năm họ đều tổ chức lễ giỗ.

Trong việc cưới, người Sán Dìu phải có bà mối. Khi đôi trai
“Nếu không khẩn trương nghiên cứu và đề ra các biện pháp bảo tồn, phục dựng, truyền thụ thì khi lớp người cao tuổi ở Sán Dìu mất, nhiều di sản sẽ mất theo”.

gái đã ưng nhau, bà mối được nhà trai nhờ đến nhà gái hát lấy lá số mang về. Sau đó, nhà trai sắm lễ cau trầu, hoa quả để bà mối chính thức đến nhà gái đánh tiếng. Khi nhà gái ưng thì bà mối lại đến lần thứ ba để xem nhà gái thách cưới. Ngày trước, nhà gái sẽ thách cưới vài chục cân thịt, vài chục lít rượu cùng quần áo cô dâu, hoa tai vàng, vài chục triệu đồng tiền mặt. Ngày nay, thách cưới đã bớt nặng nề. Ngoài các mâm lễ hoa quả, bánh kẹo như của người Kinh, nhà gái thường thách tiền mặt, trên dưới 10 triệu đồng. Bà Lưu Thị Chinh cho biết: “Mặc dù thủ tục đã đơn giản song lễ cưới của người Sán Dìu vẫn có những đặc trưng riêng. Trong đám cưới sẽ có phần hát đối giữa nam và nữ. Đặc biệt trên mâm cỗ cưới của người Sán Dìu nhất thiết phải có món khâu nhục. Đây là món ăn làm từ thịt lợn ba chỉ để cả miếng lớn ướp gia vị, mật ong hấp cách thủy".

Một nét văn hóa khá đặc trưng nữa của người Sán Dìu là làm các loại bánh vào các dịp lễ, Tết. Đồng bào quan niệm, trong năm có 5 dịp lễ, Tết lớn là Thanh minh, ngày 5-5 âm lịch, 14-7 âm lịch, ngày đông chí và Tết Nguyên đán. Trong những dịp này, ngoài làm cỗ, người Sán Dìu còn làm các loại bánh boong, bánh nghé, bánh lá mít, bánh tét... "Mỗi loại bánh chỉ làm vào từng dịp. Chẳng hạn, bánh tét chỉ làm dịp Tết Nguyên đán. Ở đây gia đình nào cũng trồng vài khóm chít để lấy lá gói bánh dịp cuối năm", bà Chinh nói.

Bánh lá mít được làm phổ biến nhất trong các dịp lễ, Tết. Cách làm loại bánh này cũng khá đặc biệt. Gạo nếp đem giã thành bột, nhào dẻo, đỗ xanh ngâm nước, đồ chín, đánh nhuyễn rồi xào với thịt, hành, gia vị làm nhân. Khi làm bánh, nặn bột thành hình chiếc chén, bỏ nhân vào, vít kín miệng rồi đem luộc. Khi chín bánh được gắp ra chiếc lá mít, có hình giống chiếc mào gà.

Tri thức dân gian phong phú
Người Sán Dìu còn bảo lưu nhiều tri thức dân gian độc đáo, nổi bật là kiến thức y học. Những thầy lang người Sán Dìu đang lưu giữ rất nhiều sách y học, bài thuốc dân gian quý từ các loại cỏ cây chữa các bệnh hiểm nghèo như gan, xương, khớp... Những người cao tuổi ở đây đều biết sử dụng các loại dược liệu tự nhiên để chữa các bệnh đơn giản. Bà Phạm Thị Xuân, chị chồng của bà Chinh cho biết: “Tôi thường bị chứng đau nhức gối. Mỗi lần bị đau tôi lại tự đốt ngải chữa cho mình”. Cách đốt ngải chữa bệnh khá phổ biến trong cộng đồng người Sán Dìu. Người đốt ngải dùng que hương cháy châm vào lá ngải đã phơi khô rồi thổi hơi nóng hoặc đưa nhúm lá ngải lại vùng bị đau để chữa bệnh.

Người cao tuổi Sán Dìu đang lưu giữ một lượng lớn các bài hát dân ca. Rất nhiều bài hát dân ca vẫn đang được sử dụng trong cuộc sống thường nhật và các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại địa phương. "Hát dân ca đã trở thành sinh hoạt thường nhật của chúng tôi. Mọi việc chúng tôi đều có thể vận thành các bài hát dân ca”, bà Chinh cho biết thêm.

Khi đi làm nương, đám cưới, đám ma, mừng nhà mới, hội làng, năm mới, ru con, ru cháu... người Sán Dìu đều có thể nảy các bài hát. Các bài dân ca của người Sán Dìu có vần điệu theo thể thất ngôn tứ tuyệt hoặc lục bát. Bà Chinh và bà Xuân hát cho chúng tôi nghe một bài mừng năm mới bằng tiếng dân tộc, sau đó dịch ra tiếng Kinh. Tiếng hát nhẹ nhàng, trầm lắng, như lời tâm tình, thủ thỉ: “Hát lên bài ca mừng năm mới/Xuân về xuân tới nở như hoa/Xuân về mưa xuân thật ẩm mát/Hoa màu tươi tốt ngập đồng ta”.

Theo thống kê, người Sán Dìu có trên 20 bài về năm mới. Ngày xưa, dịp Tết trai gái tổ chức hát đối ngoài đường. Giờ đây, mọi người thường tập trung hát ở sân đình. Tuy nhiên, hát dân ca bằng tiếng dân tộc chỉ còn ở lớp người ngoài 70 tuổi. Thế hệ trẻ nghe thì vẫn hiểu nhưng người hát được rất hiếm.

Anh Lê Duy Mạnh cho biết: Nhằm nghiên cứu, đánh giá tiến tới lựa chọn những di sản văn hóa độc đáo để bảo tồn, năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai đề tài điều tra, khảo sát, kiểm kê, sưu tầm giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Chí Linh. Đề tài dự kiến kết thúc năm 2015. Qua điều tra ban đầu, phong tục tập quán của người Sán Dìu ở xã Bắc An khá phong phú. Trong đó nổi bật là tri thức y học đang được các thầy lang người Sán Dìu lưu giữ; các bài hát dân ca, hát ru và những phong tục độc đáo trong việc ma chay, cưới xin của đồng bào nơi đây...

Mặc dù người Sán Dìu có vốn di sản quý, song hầu như chỉ còn được lưu giữ trong lớp người cao tuổi. Những thế hệ sau hiểu rất ít về phong tục tập quán cha ông. Nếu không khẩn trương nghiên cứu và đề ra các biện pháp bảo tồn, phục dựng, truyền thụ thì khi lớp người cao tuổi ở Sán Dìu mất, nhiều di sản sẽ mất theo.

Hoàng Thị Thắng (sưu tầm)

Lễ cấp sắc của dân tộc Sán Dìu ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (Hoàng Thị Vinh)

Bắc Giang là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Sán Dìu là dân tộc có dân số khá đông trong nhóm dân tộc thiểu số (khoảng 24.000 người), thì huyện Lục Ngạn chiếm số lượng đông nhất, lên tới gần 20.000 người.

Người Sán Dìu có những quan niệm và nhận thức rất nguyên sơ về thế giới và vũ trụ, họ cho rằng con người đang sống đều phải chịu sự chi phối của các mối quan hệ trong cộng đồng và chịu sự chi phối của thế giới thần linh. Khi sống ở trần gian, những ai có được sự cấp sắc để làm thày cúng mới có thể bảo vệ được bản thân, gia đình và trị bệnh cứu người. Người được cấp sắc khi chết không sợ bị mất tên tuổi mà được thờ cúng từ đời này qua đời khác. Vì vậy, nhiều người đàn ông Sán Dìu mặc dù tốn kém cũng cố gắng học hành để được cấp sắc làm thày.


Tiến hành lễ cấp sắc, người được cấp sắc phải theo thày học chữ Hán và học cúng từ nhiều năm trước đó. Đồng thời, với việc học là việc chuẩn bị tiền bạc để có thể tổ chức lễ cấp sắc. Cấp sắc của người Sán Dìu có 3 bậc, bậc thứ 3 là cao nhất. Nếu người đã có vợ thứ hai thì không được cấp sắc bậc thứ 3. Nếu đã thành thày cấp 3 thì không được sát sinh (nếu muốn đuổi gà thì tay cầm sào xua nhưng miệng vẫn phải gọi gà). Người được cấp tới bậc này khi chết về âm phủ được xếp vào hàng tiên gia và được hưởng mọi sung sướng ở cõi âm.

Để tổ chức một lễ cấp sắc phải có 8 ông thày bảo hộ và giúp đỡ, mỗi ông thày có một nhiệm vụ riêng:
Thày 1(còn được gọi là ông thày chính): Có nhiệm vụ dạy dỗ trò suốt đời, và trò phải có nghĩa vụ cúng thày suốt đời.
Thày 2: là thày cấp phép.
Thày 3: là thày chứng nhận người được cấp sắc đã thành thày.
Thày 4: là thày bảo hành (trò có gì sai trái thì được thày bảo lãnh cho).
Thày 5: là thày dẫn đi lấy nước Hà Bá.
Thày 6: là thày truyền phép.
Thày 7 và thày 8: là thày kết quy (có nhiệm vụ định và dọn chỗ cho trò ngồi).

Ngoài ra còn có một người thứ 9, người này không phải là thày nhưng có nhiệm vụ thắp hương trong suốt quá trình làm lễ cấp sắc.
Để tỏ lòng thành kính với các thày, trò phải có nghĩa vụ cúng cả 8 thày giúp đỡ và cả vợ chồng người thắp hương suốt đời.
Thông thường một lễ cấp sắc bao gồm 10 bước chính:
Bước thứ nhất là thỉnh thánh.
Bước thứ hai là phát giấy thông hành đi mời thánh

Bước thứ ba là tế.
Bước thứ tư là khao quân.
Bước thứ năm là dâng sớ báo cáo tổ tiên.
Bước thứ sáu là trình sớ để được cấp ấn và cấp sắc.
Bước thứ bảy là cúng bát tiên.


Bước thứ tám là đi lấy nước Hà Bá về đun nước pha trà kính thánh (trước khi đi lấy nước thì anh em, con cháu mỗi người mừng 2m vải đỏ quàng vào người được cấp sắc, rồi đệ tử và sư phụ hát đối đáp với nhau, đệ tử xin sư phụ cấp cho lương thực và binh lính để bảo vệ đệ tử đi lấy nước hà bá).

Bước thứ chín là cấp phép.
Bước thứ mười là làm lễ khao quân.

Tiến trình của mỗi bước được diễn ra từ khoảng 1 đến 2 tiếng. Nội dung của các bước chủ yếu là hát, nhảy, đọc sớ...Nhạc cụ dùng để nhảy và hát là linh dao cùng tù và.

Trong tất cả các bước thì đặc sắc nhất là bước cấp phép để trở thành thày. Để cấp sắc thì thày và trò phải cầm tay nhau, thày hỏi và trò trả lời:
Thày: Hôm nay anh cầm tay tôi làm gì? học phép hay đối phép?
Trò: Con học phép.
Thày: Anh có biết trên là gì? dưới là gi?
Trò: Trên là trời, dưới là đất.
Thày: Hôm nay anh biết trên trời, dưới đất thì nhất trí truyền phép cho anh. Thế trời là gì? đất là gì?

Trò: Trời là cha, đất là mẹ.
Thày: Anh hôm nay biết trên trời, dưới đất, biết đến cha, đến mẹ thì nhất trí truyền phép cho anh.
Và thày cấp cho trò các vật dụng: Bát hương, dấu ấn, sắc lệnh cùng các vật dụng khác: tù và, linh dao, nón, lương thực...

Kể từ đây trò đã trở thành thày cúng và đã có thể bảo vệ được bản thân, gia đình và đi trị bệnh cứu người. Kể từ khi trở thành thày thì sẽ phải kiêng suốt đời các thứ: Không ăn thịt chó, thịt rắn, ba ba. Không được uống rượu ở các bàn vong.

Có thể nói lễ cấp sắc của người Sán Dìu là một loại hình sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng vừa là công việc của riêng của gia đình, vừa là sinh hoạt mang tính cộng đồng của dòng họ, xóm làng. Thông qua tục cấp sắc cũng thể hiện được tính cộng đồng sâu sắc, thể hiện tình làng, nghĩa xóm, và cái quan trọng nhất là hướng con người đến cái thiện: Kính trọng thầy giáo, biết ơn cha mẹ, tôn trọng bạn bè... Chính những điều đó đã tạo nên nét riêng biệt và đặc sắc của văn hóa truyền thống người Sán Dìu.
 Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)

Trang nhã váy áo phụ nữ Sán Dìu (Đàm Kim Phượng)

Nhìn tổng thể, bộ áo váy phụ nữ Sán Dìu được làm với gam màu chàm chủ đạo gồm khăn đội đầu, áo yếm, áo dài xẻ tà hai bên, váy dài qua đầu gối, thắt lưng và bắp chân cuốn xà cạp trắng. Đơn giản và không thêu thùa sặc sỡ nhưng trang phục của phụ nữ Sán Dìu trông khá bắt mắt.

Áo yếm của người phụ nữ Sán Dìu là một mảnh vải hình thoi, gồm có bốn cạnh, trên đầu mỗi cạnh là một dây dài dùng để buộc lên cổ khi mặc, hai dây ngang eo buộc sau lưng. Áo yếm tạo cho người mặc gọn gàng hơn. Cổ áo được trang trí bằng việc đính hai chiếc khuy áo bằng bạc, với tua rua xanh đỏ ở đuôi khuy đẹp mắt. Hai bên mép áo và ống tay được tinh tế bằng nẹp màu trắng, trông khá đơn giản nhưng trang nhã, tạo điểm nhấn ở tay áo cho người mặc bộ trang phục.

Những chiếc khăn đội đầu được người phụ nữ Sán Dìu dùng để làm đẹp nhưng cũng để mái tóc của mình gọn gàng hơn trong lúc lao động.

Vòng trang sức là đồ vật không thể thiếu trong trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Dìu.

Người phụ nữ Sán Dìu hay mặc áo yếm bên trong và áo dài được xẻ tà hai bên ở ngoài áo yếm. Cổ áo được trang trí bằng việc đính hai chiếc khuy áo bằng bạc, với tua rua xanh đỏ ở đuôi khuy đẹp mắt.

Việc may những nẹp trắng ở ống tay áo và mép áo tạo sự nổi bật cho gam màu chàm chủ đạo trong trang phục của phụ nữ Sán Dìu.

Phụ nữ Sán Dìu dùng những dây vải màu sắc xanh, đỏ, tím để làm thắt lưng.

Người phụ nữ Sán Dìu thường cuốn xà cạp màu trắng để bảo vệ đôi chân như tránh bị gai cào vào chân hay tránh bị côn trùng đốt trong lúc lao động. 

Vào những dịp lễ hội, những cô gái dân tộc Sán Dìu vẫn thường mặc trang phục truyền thống để cùng những chàng trai thể hiện những làn điệu hát truyền thống của dân tộc mình.

Không sặc sỡ và lấy màu gam màu chàm là gam màu chủ đạo, trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Dìu vẫn thể hiện sự độc đáo mang nét bản sắc riêng.

Đặc biệt, để làm nổi bật bộ trang phục, phụ nữ Sán Dìu dùng những dây vải màu sắc xanh, đỏ, tím để làm thắt lưng buộc ngang lưng và tạo độ xòe cho áo, váy.

Vào dịp lễ hội truyền thống của dân tộc, phụ nữ Sán Dìu vẫn thường mặc những bộ trang phục truyền thống để làm những nghi lễ về tâm linh.

Váy được người phụ nữ Sán Dìu may 2 miếng vải phía trước và phía sau lồng vào nhau ở 2 bên, rồi dùng dây vải có màu xanh đỏ có độ dài khoảng 1m để thắt ngang lưng, tạo độ xòe cho váy ở bên dưới, đồng thời cũng để người mặc cảm thấy thoải mái khi lao động hoặc đi chơi. Phụ nữ Sán Dìu thường mang thêm xà cạp màu trắng để bảo vệ đôi chân như tránh bị gai cào vào chân hay tránh bị côn trùng đốt trong lúc lao động.

Đặc biệt, khi mặc trang phục truyền thống, người phụ nữ Sán Dìu thường đeo thêm vòng cổ được làm bằng bạc được uốn cong thành hình tròn, vòng luôn có chu vi rộng hơn vòng cổ bình thường.

Có thể nói, trang phục ngày thường của người phụ nữ Sán Dìu là bộ trang phục khá đơn giản nhưng vẫn thể hiện sự độc đáo mang nét bản sắc riêng về lối sống và văn hóa của dân tộc người.

Đàm Kim Phượng (sưu tầm)

Tết Thanh Minh của đồng bào dân tộc Sán Dìu (Hải Yến)

Tháng ba, tiết trời dịu nhẹ pha cái rét hanh hao như muốn nhắc trời còn xuân. Tháng ba cũng là tháng diễn ra nhiều ngày lễ truyền thống của người Việt: Tiệc mùng Ba tháng Ba thơm mùi bánh trôi “bảy nổi, ba chìm”, rồi ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba gợi nhắc con cháu nhớ về quê cha, đất Tổ và không thể quên ngày Tết Thanh minh mà đại thi hào Nguyễn Du đã viết:

"Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh"
Ngày Tết Thanh minh người Việt thường đi tạ mộ (tảo mộ) để tưởng niệm hương hồn người đã khuất và sửa sang phần mộ vốn được coi là “nhà cửa” của tổ tiên và người thân. Việc chăm sóc, cúng bái nơi phần mộ thể hiện nét văn hóa tâm linh, phong tục tập quán của từng dân tộc. Nếu người Kinh ở một số nơi thường đi tảo mộ vào dịp cuối tháng Chạp với ý nghĩa mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu thì người Sán Dìu lại đi tảo mộ vào đúng dịp thanh minh ghi trong lịch âm để mong tổ tiên phù hộ cho con cháu sáng tỏ thông minh như ý nghĩa của hai từ “Thanh minh”. Tùy vào từng năm, ngày Tết Thanh minh sẽ xê dịch khác nhau, nhưng thường rơi vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch. Đồng bào Sán Dìu rất coi trọng ngày Tết Thanh minh và tổ chức khá linh đình với nghi lễ mang bản sắc rất riêng.
Chúng tôi tìm về miền Cửu Yên, xã Hợp Châu (Tam Đảo) - nơi đa số là người dân tộc Sán Dìu sinh sống để tìm hiểu bản sắc riêng ấy trong ngày Tết Thanh minh. Người Sán Dìu Hợp Châu nói riêng và huyện Tam Đảo nói chung có phong tục “nhất táng thiên thu” người chết chỉ chôn một lần, không cải táng như phong tục của người Kinh, do vậy, việc chăm sóc “nhà cửa” của tổ tiên, ông bà, cha mẹ hàng năm rất được coi trọng. Tại khu nghĩa địa của hai thôn Cửu Yên 1 và Cửu Yên 2 rất nhiều gia đình đang sắm lễ tảo mộ tại các mộ phần của tổ tiên mình với lòng thành kính. Ông Tạ Văn Liên – Thôn Cửu Yên, xã Hợp Châu cho biết: “Người Sán Dìu chúng tôi rất coi trọng tết Thanh minh. Hàng năm, sẽ có một ngày chính nó cách 106 ngày sau ngày tết Đông chí. Năm 2016 này là ngày 4/4 dương lịch, trước hoặc sau 3 ngày (lấy ngày chính hội làm mốc), người Sán Dìu sẽ tụ họp con cháu trọng họ đi tảo mộ để cầu mong tổ tiên phù hộ. Trước đây, trước ngày đi tảo mộ, người phụ nữ Sán Dìu thường đi đi kiếm lá lau xau trên rừng, chém nhỏ mang ngâm lấy nước, bỏ bã, lấy một con dao cùn nung đỏ rồi nhúng vào nước ngâm lá lau xau, vo gạo nếp, để khô rồi ngâm gạo vào nước lá lau xau đã đun sôi, sau đó lấy gạo đó mang đồ xôi, xôi sẽ có màu đen, gọi là xôi đen. Nhưng ngày nay, lá lau xau rất khó kiếm nên người Sán Dìu đã thay bằng xôi đỗ, xôi trắng để cúng tổ tiên với ngụ ý là mong muốn được con đàn cháu đống.
Đến mỗi ngôi mộ, người Sán Dìu sẽ dọn sạch cỏ dại, đắp lại đất cho gọn gàng hoặc quét lại vôi cho mới. Sau đó, treo 5 cán cờ nhỏ có dán giấy hình nhân với màu sắc rực rỡ ở 4 góc mộ và chính giữa mộ. Mộ nào có nhiều cờ hình nhân treo lên 5 cán thì chứng tỏ người đó có đông con, đông cháu. Mâm cơm cúng của người Sán Dìu ở mộ gồm có 5 nắm xôi, 5 con cá trôi trắng nướng, 5 chén rượu. Người già nhất trong gia đình sẽ đọc bài cúng thể hiện sự thành kính và cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu có cuộc sống khỏe mạnh, đủ đầy. Khi hương tàn, tất cả mọi người ngả mâm quây quần cùng ăn ngay tại mộ, chuyện trò vui vẻ như muốn tri ân cùng người quá cố.
Ông Lâm Văn Chân – Thôn Cửu Yên 1, xã Hợp Châu chia sẻ: “Sau khi cả dòng họ cùng tảo mộ của những mộ phần của ông bà tổ tiên cách đó khoảng 2 hôm thì đến ngày chính tết Thanh minh con cháu từng gia đình lại có lễ vật riêng để đi ra tảo mộ để thể hiện sự thành kính và cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình nhà mình”. Ngày tảo mộ thì có thể trước, sau 3 ngày nhưng đến ngày chính thanh minh thì mỗi gia đình lại tập trung con cháu làm cơm cúng tại nhà. Mâm cơm ở nhà cũng đơn giản không cầu kỳ tùy thuộc gia cảnh của từng gia đình nhưng thường có gà, có bánh con, bánh trôi… Sau khi cúng tổ tiên xong thì con cháu anh em trong nhà cùng nhau ăn uống sum vầy, đầm ấm.
Tết Thanh minh tuy là tết nhỏ, nhưng nó mang ý nghĩa lớn là sự báo hiếu đối với những người đã khuất trong dòng họ, là dịp để các thành viên trong gia đình thể hiện lòng biết ơn và ôn lại truyền thống tốt đẹp của họ tộc, cũng là dịp để cao niên trong họ truyền lại cho con cháu đời sau ghi nhớ đến phần mộ của ông bà, tổ tiên. Đây cũng là nét đẹp mang bản sắc của người Sán Dìu cần được gìn giữ và lưu truyền cho muôn đời sau./.
                                                                                                                      Hải Yến (sưu tầm)