Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Những dân tộc Tây-Đông Bắc
Showing posts with label ₪ Những dân tộc Tây-Đông Bắc. Show all posts
Showing posts with label ₪ Những dân tộc Tây-Đông Bắc. Show all posts

Saturday, April 15, 2017

Lễ Hội thanh minh ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Hữu Hạnh)

Đặc sản xôi lá sâu sâu tại Lễ hội

Hằng năm, cứ đến tiết Thanh minh, bà con dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên và các nhân dân trong vùng lại nô nức tổ chức hội Thanh Minh. Đến nay, lễ hội vẫn lưu giữ được nét sinh hoạt văn hóa độc đáo mà không nơi nào có được nhằm để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.

Nam nay, Hội Thanh minh được tổ chức vào ngày 4/4 (tức ngày 08/03 âm lịch). Lễ hội là điểm hẹn của đông đảo bà con trong vùng. Trẩy hội Thanh minh có các hoạt động vui chơi văn hóa mang đậm nét truyền thống như: Thi rèn dao, văn nghệ và các trò chơi dân gian,… nhiều người tìm đến đây để giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương và cùng trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi được mọi người đưa ra để cùng học hỏi để phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thêm tình đoàn kết.
Hội Thanh minh đã trở thành nét đẹp tâm linh không chỉ của riêng người Nùng An ở xã Phúc Sen mà còn là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Bằng, đang được gìn giữ và phát huy bảo tồn trong cộng đồng.

Hữu Hạnh

Monday, April 10, 2017

Đến lễ hội đình Lục Nà, Bình Liêu, Quảng Ninh xem phụ nữ đánh quay ( Hoàng Thị Lân)

Môn đánh quay nữ trong lễ hội đình Lục Nà thu hút rất đông người đến xem và cổ vũ

- Mùa xuân, ai đó đến với huyện Bình Liêu hãy ghé thăm lễ hội đình Lục Nà ở xã Lục Hồn, một lễ hội mang nhiều nét riêng của người dân vùng cao. Đình Lục Nà là nơi thờ dũng sĩ người dân tộc Tày tên là Hoàng Cần, đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương. Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh và lễ hội đình được phục dựng lại từ năm 2006. Năm 2011, từ nguồn ngân sách của tỉnh, công trình đình Lục Nà đã được đầu tư 8,5 tỷ đồng xây dựng trên diện tích 10.187m2. Từ đó đến nay, nơi đây hàng năm vào mùa xuân đều diễn ra lễ hội đình, cũng là lễ hội lớn nhất của huyện Bình Liêu.
Đến lễ hội đình Lục Nà vào mùa xuân năm nay, ngoài những trò chơi quen thuộc như đẩy gậy, tung còn, kéo co…, người ta thấy có môn đánh quay của phụ nữ, trò chơi lần đầu tiên xuất hiện trong lễ hội. Môn đánh quay (người đồng bằng gọi là đánh gụ) từng một thời là môn chơi độc quyền của giới mày râu. Gụ của trẻ em đồng bằng chỉ nhỏ bằng quả ổi, con quay của bà con dân tộc thiểu số chơi ở lễ hội đình Lục Nà là cả thân cây gỗ nhỏ đường kính khoảng 20cm. Gỗ đẽo quay phải là gỗ cứng, thường là gỗ dẻ, nếu tìm được gỗ gụ thì càng tốt. Con quay được cắt ngang thân cây gỗ, rồi sau đó, người đẽo phải có bàn tay khéo léo để đẽo con quay của mình tròn đều, giúp cho quay xoay tròn được lâu, thậm chí kéo dài đến chục phút.
Luật chơi quay cũng tương tự như luật chơi gụ của trẻ em đồng bằng. Người đánh quay phải dùng lực toàn thân để đánh quay xuống đất, người cùng chơi đánh tiếp theo phải tìm cách chọi trúng vào con quay của đối thủ để khiến nó ngừng quay. Nếu đánh trượt thì phải xét xem con quay của người nào xoay tròn lâu hơn thì người đó sẽ thắng. Trò chơi quay rất phổ biến trong cộng đồng người dân tộc thiểu số các huyện miền Đông của tỉnh ta, nhưng thường là đàn ông chơi. Người chơi quay giỏi thường là người đẽo quay giỏi, họ rất được chị em trong thôn mến mộ vì được coi là người đàn ông khéo léo. Con quay xoay tròn người ta ví như sự xoay vần của cuộc sống và đất trời, nên người đàn ông giữ được con quay quay lâu chứng tỏ là người biết xoay theo thời thế, đảm bảo cuộc sống trong gia đình.
Mấy năm gần đây, môn chơi này lại được nhiều chị em phụ nữ tham gia. Con quay dành cho phái nữ nhỏ hơn của nam, nhưng đội chơi nữ 4 người, đông hơn đội nam 2 người. Hiện nay ở huyện Bình Liêu có 3 đội đánh quay nữ, 1 đội ở thôn Ngàn Vàng Trên (xã Đồng Tâm) và 2 đội ở các thôn Ngàn Pạt và thôn Nậm Tút (xã Lục Hồn). Đây đều là các thôn khó khăn và cách xa trung tâm xã. Chị Trần Thị Hà, thôn Ngàn Pạt cho hay: “Không chỉ riêng ngày lễ hội mà cả ngày thường phụ nữ trong thôn cũng đánh quay. Buổi chiều, khi gặt hái xong, người dân trong thôn hay tụ tập ra bãi đất rộng để đánh quay…”. Chị Trần Thị Làu, thôn Nặm Tút, là người đánh quay trong lễ hội đình Lục Nà cho biết: “Hầu hết phụ nữ trong thôn chúng tôi đều biết chơi. Chị em chúng tôi cũng muốn thể hiện là người khéo léo, không thua kém gì đàn ông trong việc xoay vần để lo cho cuộc sống gia đình”.
Về Bình Liêu, đến lễ hội đình Lục Nà xem phụ nữ đánh quay mới biết, phụ nữ người dân tộc thiểu số hiện nay đã có tư duy tiến bộ hơn nhiều. Họ biết vươn lên để chứng tỏ mình không thua kém đàn ông, trong đó kể cả chuyện vui chơi là đánh quay.

 Hoàng Thị Lân

Sunday, April 9, 2017

Lễ hội Cầu mùa của các dân tộc (Đàm Văn Bình)

Đặc điểm chung Lễ hội cầu mùa ở Lào Cai, đều cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, lúa đầy bồ gà lợn đầy chuồng… Nhưng ở mỗi dân tộc khác nhau trong tỉnh cách thức tổ chức lễ hội rất khác nhau.
Lễ hội Cầu mùa của người Dao Tuyển
Như thông lệ vào ngày tý tháng giêng hằng năm, người dân tộc Dao tuyển thôn Làng My, xã Xuân quang, huyện Bảo Thắng, lại rộn rã tổ chức lễ cầu mùa, cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, lúa đầy bồ gà lợn đầy chuồng…

Lễ hội Cầu mùa là một lễ hội của người Dao Tuyển. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao Tuyển, không cầu kỳ nhưng mang nhiều yếu tố tâm linh sâu sắc của cả cộng đồng.

Trước khi mở hội người già trong bản, phân công là những người có uy tín, người cao tuổi làm bàn thờ cho ngày lễ. Cột bàn thờ được làm bằng bốn cây gỗ, xung quanh đan bằng nan nứa, phía bên trong đặt ba ống bầu to dùng làm bát hương. Ba bát hương đó thể hiện có trời có đất có con người, trong có đặt một ít tiền vàng mã. Dưới gầm bàn thờ là một bó ngọn mía như muốn cho mọi điều ngon ngọt.


Khi vào lễ, bốn người trẻ tuổi ăn mặc chỉnh tề đội lễ từ bốn hướng đi về nơi được chọn làm lễ. Trên mâm lễ là gà luộc, bánh chưng, bánh mật, tiền vàng mã. Trong các mâm lễ người ta quan niệm phải có nam có nữ vì thế nhất thiết là các con gà trên mâm lễ có cả gà trống, gà mái. Thầy mo đọc bài cầu khấn trời đất cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, con cháu học hành thành đạt, nhà nhà no đủ. Cầu mong mọi sự bình yên, giảm đói nghèo.

Tất cả mọi người cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, ném còn. Trong trò chơi ném còn người Dao quan niệm rằng nếu ai ném quả còn qua vòng đầu tiên trong lễ hội là người đó gặp nhiều may mắn trong năm.

Lễ hội Cầu mùa của người Hà Nhì
Đây là lễ hội lớn của bà con dân tộc Hà Nhì Đen ở vùng cao biên giới thuộc huyện Bát Xát thể hiện nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.

Người  Hà Nhì mở hội "Khu rừng già" hay còn gọi là Tết tháng Sáu vào cuối hè khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh lá, cầu mong một vụ mùa bội thu. Bằng các nghi lễ truyền thống người Hà Nhì thể hiện sự tôn kính đối với thần rừng, núi, trời và thần đất.
Chuẩn bị vào hội, ngoài các khoản đóng góp cho việc tổ chức cúng tế, mỗi gia đình cử một người lên núi cắt năm bó cỏ gianh đem về lợp lại mái lán tế thần “Á gơ lạ só”. Trâu tế thần là con vật không thể thiếu, đó là một con đực to, màu đen tuyền, không có bất cứ đốm trắng nào trên mình.

Vào ngày Tỵ, người dân Hà Nhì tổ chức mổ trâu dâng cúng các vị thần. Trâu cúng được dắt ra và buộc vào cột đu “A quý”. Khi thầy cúng làm xong nghi lễ tế thần, các thanh niên khỏe mạnh lấy dây da buộc chặt bốn chân của trâu, giật nó ngã vật ra. Thầy cúng sẽ lấy một nắm cỏ gianh xoa và buộc vào mõm con vật này khỏi kêu. Người Hà Nhì quan niệm, nếu trâu mà kêu thì năm ấy sẽ mất mùa. Người được chọn chôn cột đu “A quý” sẽ là người có nhiệm vụ chọc tiết trâu tế thần. Thanh niên trong làng tiến hành mổ trâu lấy thịt chia đều cho các gia đình mang về làm mâm cúng tổ tiên.

Sang ngày Ngọ, đồng bào bắt đầu tổ chức cúng lễ và mở hội vui chơi vào chập choạng tối. Người Hà Nhì cho rằng, làm như thế thì các thần gió, đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh. Từ sáng sớm, tiếng chày giã bánh dầy của những người phụ nữ Hà Nhì đã rộn rã khắp làng bản.

Gạo làm bánh thường là gạo nếp thơm do chính gia đình tự trồng cấy được trong năm. Sau khi ngâm nước khoảng hai, ba giờ. Gạo được cho vào chõ đồ chín và mang vào cối giã của thôn. Khi xôi nếp được giã nhuyễn, những người phụ nữ Hà Nhì sẽ cùng nặn bánh dầy theo các dạng mỏng, tròn rồi lấy lá chuối ốp vào hai mặt cho mịn đều.

Mâm cúng của các gia đình Hà Nhì thường là một bát ruợu nếp, thịt trâu, chè gừng và  một cặp bánh dầy… Những gia đình mang mâm ra cúng tại lán tế thần “Á gơ lạ só” đều là những gia đình không gặp điều rủi ro trong năm.

Phần lễ do hai thầy cúng chính và phụ đảm nhận trước các mâm cơm “hà chì” truyền thống và thường cúng trước chân cột đu “A quý”. Người Hà Nhì không đọc bài cúng như một số dân tộc khác mà thể hiện bằng các động tác quỳ gối biểu hiện sự gửi gắm ước mơ của họ. Sau khi các thầy làm lễ cầu xin các thần phù hộ cho dân làng, lần lượt các gia đình quỳ lạy ba lần trước bàn thờ sau đó mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại lán tế thần.

Đến phần hội, thầy cúng chính là người khai mạc. Sau khi thầy đu ba vòng ở đu dây và bập bênh sau đó các thành viên khác mới được chơi. Khi những người khác tham gia vào trò chơi bập bênh, thầy cúng cầm các hạt cơm và đậu tương tung vào nơi mọi người đang vui chơi với mong muốn cầu chúc cho mùa màng tươi tốt bội thu.

Trong phần hội không thể thiếu được các điệu múa truyền thống của người Hà Nhì. Múa gọi lúa “A đù lu chế’ là điệu múa cầu mùa nhằm mong hồn mẹ lúa về với bản làng để mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nương. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi dân gian như đu dây, bập bênh, hát giao duyên, múa sư tử, thổi khèn lá, thể hiện những nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.
Lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Tày được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm, tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.

Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi lễ dâng cúng của các thôn bản trong xã cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, người dân được ấm no hạnh phúc.

Phần hội được tổ chức độc đáo với màn đại dậm thuông của hàng trăm nghệ nhân và diễn viên quần chúng thực hiện. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian truyền thống như ném pao, ném còn, đá cầu... thu hút được đông đảo du khách và người dân tham dự.

Tuy đây là lễ hội cầu mùa của dân tộc Tày nhưng điều đặc biệt là trong phần lễ có cung kèn của dân tộc Dao và phần hội có nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc khác trong vùng, thể hiện sự đoàn kết giữ các dân tộc.
Đàm Văn Bình

Friday, April 7, 2017

Nét văn hóa giàu bản sắc về trưởng họ của các dân tộc tại Cao Bằng (Hứa Ban Mai)

Bàn thờ gia đình ông Lý Văn Nguyên, xóm Gảm Tẹn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình) là trưởng họ Lý người Dao Tiền tại đây có chiếc trống con và thờ tranh ma khác với gia đình không phải trưởng họ.

Trong những chuyến đi công tác đến các các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được tiếp xúc với cộng đồng người dân tộc: Tày, Nùng, Dao Tiền, Sán Chỉ... vốn có nền văn hóa độc đáo, đa dạng qua các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, lễ cấp sắc, hát dân ca, trang phục truyền thống... Trong đó, trưởng họ và vai trò trưởng họ của các dân tộc là một nét văn hóa giàu bản sắc mang đặc trưng riêng độc đáo của mỗi dân tộc.

Theo quan niệm chung của người Việt Nam dòng tộc là cộng đồng những người có chung một ông tổ, cùng mang một họ về phía người cha. Đứng đầu một dòng họ có trưởng họ tức là người con trai thứ nhất của chi thứ nhất hay còn gọi là chi trưởng, ngành trưởng. Người làm trưởng họ phải có phẩm chất, có tư cách đạo đức, được mọi người trong dòng họ tin tưởng, tín nhiệm. Nếu người đó hội đủ các yếu tố: Tâm (hiếu lễ, hòa kính, trách nhiệm…), tài (khả năng tài chính đủ ăn, đủ chi), trí (hiểu biết về xã hội, lệ tục, có trình độ, có vị thế trong xã hội, biết sắp xếp công việc), thể (có sức khỏe, xốc vác, minh mẫn) thì xứng đáng là ngọn cờ tập hợp toàn gia. Kéo theo đó, vai trò của dâu trưởng lại càng quan trọng ở tính nhẫn, hiếu, lễ. Nếu hội đủ hay đáp ứng phần nào những phẩm chất trên mà thực sự có tâm thì có vai trò, ảnh hưởng trong dòng họ và khi đó thì gia đình đó hay chi, phái đó hoặc toàn gia tộc sẽ vững vàng đi vào hưng thịnh. Cùng chung tiến trình lịch sử phát triển nên cộng đồng các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ... tại Cao Bằng cũng quan niệm dòng họ là một điều thiêng liêng, trong đó, vai trò của trưởng họ rất quan trọng. Tuy nhiên, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau nên trong cách quy định, nghi thức, vai trò của người trưởng họ của mỗi dân tộc lại có những nét đặc trưng riêng.
Trưởng họ của cộng đồng người dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh có nhiều nét tương đồng với người dân tộc Kinh mang tính chất cha truyền con nối. Trường hợp trưởng họ không có con trai thì truyền lại trong nội bộ chi trưởng, không truyền lại cho các chi dưới. Họ lớn có trưởng họ lớn, các chi có trưởng chi. Tức là người con trai thứ nhất của chi thứ nhất hay còn gọi là chi trưởng, ngành trưởng. Trưởng họ có quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng, có trách nhiệm trông nom bàn thờ họ, tổ chức các kì cúng lễ, chủ trì các nghi lễ trong dòng họ. Ngày trước, họ nào cũng có ruộng hương hoả và tự điền thêm cho người trưởng họ. Những dịp tế lễ, tết... trưởng họ dù còn trẻ tuổi vẫn là chủ tế, nếu còn nhỏ quá thì một trưởng lão trong họ có thể đứng bên cạnh nhắc nhở, hướng dẫn.
Với người dân tộc Nùng nói chung và tại xã Phúc Sen (Quảng Uyên) nói riêng, trong dòng họ lại không trưởng họ cụ thể trong một gia đình thuộc chi trưởng như người dân tộc Tày. Lý giải về vấn đề này, ông Sạch Văn Vấn, dân tộc Nùng, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) cho biết: Truyền thống bao đời nay của người dân tộc Nùng tại đây ai thấy “mặt trời” trước sẽ được gọi là anh/chị không phân biệt con anh hay con em. Như trong gia đình tôi, tôi là anh nhưng con trai/gái của em trai tôi được sinh ra trước con tôi thì con của em tôi lại được con tôi gọi là anh/chị. Nên trải qua các thế hệ việc xác định rõ ngôi thứ trong họ không như người dân tộc Kinh, Tày và các dân tộc khác nên trong họ người Nùng tại đây không có một trưởng họ cụ thể. Nhưng khi trong họ có việc hiếu, hỷ, cúng lễ thì người có phẩm chất tốt, gia đình hòa thuận, được cả họ tín nhiệm sẽ đảm nhận mọi việc như một trưởng họ. Mọi quyết định được bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc trưởng lão.

Nếu trưởng họ của các dân tộc: Kinh, Tày, Dao Tiền kể trên có tính chất cha truyền con nối qua các thế hệ thì với người dân tộc Sán Chỉ tại xã Thượng Hà (Bảo Lạc) lại có nét riêng biệt. Trưởng họ của người dân tộc Sán Chỉ được các gia đình trong dòng họ hằng năm xem xét và bầu lên căn cứ vào uy tín trong cộng đồng, biết cúng lễ, thông thạo phong tục, gia đình mẫu mực. Hằng năm, thường vào dịp Tết Nguyên đán khi các gia đình tập trung đến nhà trưởng họ năm đó thì cũng là lúc bàn bạc, thống nhất bầu người sẽ làm trưởng họ cho năm kế tiếp. Truyền thống lâu đời này đã được lưu giữ qua các thế hệ cho đến nay.

Điểm qua một số dân tộc trên địa bàn tỉnh với nét văn hóa mang tính đặc trưng riêng của từng dân tộc về trưởng họ và vai trò của trưởng họ để thấy rằng việc họ thời nào cũng quan trọng, nó bao gồm nhiều phần việc khác nhau mà quan trọng là: Giỗ tổ; soạn, ghi chép gia phả, chắp nối họ mạc… là việc làm tự nguyện, công tâm hướng về cội nguồn và là trách nhiệm chung. Mọi quyết định cần bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc trưởng lão, cần có những quy ước mới về cúng giỗ cho thích hợp. Khi đó, người trưởng họ chỉ cần giữ vai trò cố vấn và quyết định những vấn đề thuộc về việc họ còn mọi việc khác tôn trọng tự do của các thành viên.
Dòng họ nào mạnh hay yếu, thành đạt hay suy vi, tình cảm họ hàng gắn bó hay không, tác động tốt xấu tới phong trào chung, còn tuỳ thuộc vào nhiệt tình, khả năng tổ chức lãnh đạo của một số cá nhân, trong đó, trưởng họ đóng vai trò chủ chốt. Trưởng họ nào biết tận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn họ, biết khơi dậy những thế mạnh chắc mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ. Do đó, việc giữ gìn và phát huy truyền thống gia tộc, trong đó, vai trò trưởng họ của mỗi dân tộc là giữ lấy cho con cháu đời sau một mảng văn hóa độc đáo gắn liền với đạo hiếu.
Hứa Ban Mai

Thursday, April 6, 2017

LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC NÙNG KHU VỰC HUỴÊN QUẢNG UYÊN, CAO BẰNG (Nông Gia Cát)

Thiếu nữ Nùng trong sắc áo chàm truyền thống.

Người Nùng còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu cho vùng nông thôn thuần túy...
Nhân dân các dân tộc thiểu số Cao Bằng có 8 dân tộc chủ yếu, mỗi một dân tộc đều có nhiều giá trị văn hóa nghề truyền thống riêng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày tại địa phương. Người Tày có nghề dệt thổ cẩm, người Dao có nghề làm giấy dó, chạm bạc; người Mông có nghề dệt Lanh...
Nói đến khu vực làng nghề truyền thống của Người Nùng là nhắc đến nghề làm ngói máng, nghề đan lát, nghề làm hương, giấy bản, nhuộm vải chàm, rèn nông cụ...

Du khách tham quan làng rèn Pác Rằng

Khu vực tập trung đại diện cho vùng làng nghề chủ yếu tại các xã Phúc Sen, Tự Do, Đoài Côn, Quốc Dân...của huyện Quảng Uyên. Các làng nghề này được chia theo từng cụm làng, phân chia theo từng loại sản phẩm để sản xuất phục vụ dân sinh như: Nghề làm ngói máng tại xã Tự Do, nghề đan lát xã Đoàn Côn; nghề làm hương tại xã Quốc Dân.  Điển hình nhất là các xóm của xã Phúc Sen dường như có lệ làng,  họ quy ước với nhau mỗi khu vực làng đều phân chia thành cụm sản xuất nông cụ như làng rèn dao quoắm, dao thái, dao chặt; làng sản xuất búa, làng rèn liềm...

Trải nghiệm nghề rèn cùng người dân địa phương.


Sản phẩm Hương và Ngói máng đất của người Nùng

Giá trị văn hóa truyền thống của người Nùng tại khu vực nêu trên không chỉ có nghề truyền thống, hiện nay người Nùng còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu cho vùng nông thôn thuần túy nông nghiệp, thể hiện ở chỗ chọn họ biết chọn những khu vực sinh sống có phong cảnh yên bình, quần tụ thành tập thể, tuyên truyền, vận động cùng nhau giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống lâu đời hoặc hỗ trợ nhau xây dựng lại những ngôi nhà sàn mang dáng dấp truyền thống của người xưa. Nếu có dịp đến với khu vực sinh sống của người Nùng, du khách sẽ có dịp ngắm nhìn những cô gái dân tộc Nùng trong trang phục dân tộc truyền thống mà tự tay họ nhuộm, tham gia trải nghiệm cùng với bà con dân tộc sản xuất dụng cụ nông nghiệp, lao động nông nghiệp... để rồi đêm đến cùng sinh hoạt văn hóa ẩm thực với những món ăn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của vùng quê; cùng thưởng thức và hòa mình vào các làn điệu dân ca, dân vũ của người Nùng An nơi đây.

          Để đến được với vùng đất truyền thống văn hóa làng nghề mang đậm giá trị truyền thống nhân văn của vùng quê đặc trưng cho dân tộc thiểu số Nùng An, huyện Quảng Uyên. Du khách có thể bắt taxi, đi xe buýt hoặc đi xe máy trải nghiệm theo quốc lộ 3 khoảng 30km về hướng Đông. Các xã có làng nghề truyền thống nằm trên trục đường đến tham quan khu du lịch sinh thái Thác Bản Giốc, Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng và gần khu du lịch sinh thái Hồ Thăng Hen. Cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người thân thiện kết hợp với vốn văn hóa truyền thống tiêu biểu còn được lưu giữ khá nhiều chắc chắn sẽ đem lại cho du khách những cảm giác mới lạ, phù hợp với khách du lịch đi Phượt, dã ngoại, khám phá...
 Nông Gia Cát

Về Trùng Khánh tham dự lễ hội truyền thống Co Sầu, Cao Bằng (Xuân Thái)


Ngày 15/2, tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng đã diễn ra hội truyền thống dân gian Co Sầu (tên thường gọi của Trùng Khánh xưa) thu hút đông đảo nhân dân.
Hát Then tại hội dân gian truyền thống Co Sầu.

Hội Co Sầu là một trong những hội mang nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào các dân tộc tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Lễ hội phố Co Sầu có lịch sử từ xa xưa, thường được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm. Là nơi hội tụ văn hóa tâm linh cùng những giá trị lịch sử, góp phần tạo nên giá trị đặc sắc riêng về văn hóa của huyện Trùng Khánh.
Tương truyền rằng Co Sầu xưa (Trùng Khánh nay) là một vùng đất tập trung đông người, nền kinh tế phát triển “Co Sầu Thượng Lang, đa hào phong phú”, văn hóa đa dạng. Đây cũng là nơi hội tụ các vùng miền qua lại trao đổi hàng hóa, hơi hẹn hò của tình yêu lứa đôi.
Do chợ phiên thường họp 5 ngày một lần nên nhiều người ở xa phải đi chợ để buôn bán, hẹn hò từ chiều hôm trước. Từ đó, nhiều người rủ nhau góp tiền mua thực phẩm để “hắt co kin sầu” (nghĩa là góp cỗ ăn cơm chiều).
Đêm trước chợ phiên, để cho việc mua bán được đắt hàng, thuận lợi, mọi người cùng nhau ngồi lại để hát sli, hát lượn, đối đáp và dần dần tạo thành thói quen tiền lệ khi đến chợ. Sau này, dần dần phố xá phát triển, nơi đây đã trở thành khu phố Co Sầu, nằm giữa Trung tâm huyện Trùng Khánh sầm uất.


Hội Co Sầu diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, đề cao tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ sáng 14/2 (âm lịch), các gia đình tại Thị trấn Trùng Khánh và vùng lân cận đã nô nức chuẩn bị sắm sửa đồ, lễ vật để cúng dân và đón tiếp khách thập phương về dự lễ, hội. Mỗi gia đình đều đặt trước cửa nhà một chiếc ghế đẩu vuông và mâm lễ gồm gà thiến, rượu, một ống đựng thóc, ngô để thắp hương.
Trong ngày chính thức diễn ra lễ hội, các cụ ông, cụ bà và đông đảo nhân dân đã tập trung lại, xếp hàng đi theo đoàn kiệu rước một cách trang nghiêm, cung kính.
Lễ rước được bà con chuẩn bị bao gồm một con lợn quay, mâm xôi, mâm hoa quả, mâm bánh khảo. Kèm theo đó là tiếng nhạc, trống của các thầy tào, tiếc sắc sô của bà bụt. Chủ nhang thắp hương đến lễ tại đền thờ Thần Nông, đền Đức Thánh Trần và đền Quan Thánh.


Nam thanh nữ tú tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng tham gia lễ hội dân gian độc đáo.
Người được chọn làm chủ tế là người cao tuổi, có uy tín trong vùng. Đặc biệt, để được chọn làm chủ lễ, phải có gia đình hòa thuận, con cháu hiếu thảo, làm ăn giỏi giang...
Chủ lễ sẽ cầu mong cho phố chợ bình yên, cầu mong cho mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, già mạnh khỏe, trẻ dẻo dai, của đồng làm ra của nhà làm nên.
Ngoài ra, đi cùng đoàn còn có đội múa lân, múa rồng diễu hành qua khu phố. Khi đoàn đi qua đều được các gia đình đón chào nồng nhiệt và trao cho bao lì xì đỏ để thể hiện sự may mắn, bình an cả năm.

Ảnh: Page Phong cảnh và con người Cao Bằng

Hội Co Sầu còn là dịp để du khách giao lưu văn hóa, ẩm thực của vùng đất biên cương, nơi có ngọn thác Bản Giốc hùng vĩ.
Trong khuôn khổ hội Co Sầu, còn diễn ra các hoạt động đặc sắc như múa rồng và tranh đầu pháo, biểu diễn võ thuật dân tộc ở sân ao Phia Phủ, hát giao duyên, hát dân ca tày nùng như lượn, hát then, tung còn…


Phố "Co Sầu" ở Trung tâm Thị trấn Trùng Khánh, nằm dưới chân ngọn núi Phia Phủ (núi võ), tại đây có rất nhiều hang động, tương truyền là nơi luyện võ của thanh niên, trai tráng huyện Trùng Khánh.
Giặc "Cờ Vàng" do Ngô Côn, Hoàng Sùng Anh, Diệp Tài cầm đầu bất ngờ nổi lên cướp phá ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang... Năm 1868, Ngô Côn cho quân đánh chiếm thành Cao Bằng, trong đó có khu vực Trùng Khánh.


Lễ rước độc đáo tại hội truyền thống Co Sầu.
Các võ sĩ Phia Phủ anh dũng chống lại giặc cướp "cờ vàng" trả lại thanh bình cho phố chợ và vùng thượng lang. Để ca ngợi công lao của các anh hùng hảo hán một thời, nhân dân đã lập nên miếu thờ thần núi Phia Phủ có tên gọi Miếu Phú Sơn. Trên thành miếu có khắc chữ: "Quan sơn vệ dân" ca ngợi các anh hùng hảo hán ngày xưa.
Vào một đêm nọ, có một quả cầu lửa to bay qua phố "Co Sầu", rơi xuống trước cửa miếu Phú Sơn đúng vào dịp các võ sĩ đi dẹp giặc cướp chiến thắng trở về, dân chúng cho rằng miếu linh thiêng nên mọi người góp công, góp của và nâng cấp miếu Phú Sơn thành đền Phú Sơn. Sau đó, đưa quan Vân Trường, Bách Linh, Phật bà Quan Âm vào thờ từ đó. Nhân dân Thị trấn một số vẫn gọi là đền Phú Sơn, một số gọi là Đền Quan Thánh cho đến ngày nay.
Xuân Thái

Hội xuân chặt mía cầu may (Nông Minh Hằng)


Xuân đến trên khắp các bản làng dân tộc vùng cao tỉnh Hà Giang thì cũng là lúc các lễ hội văn hóa được đồng loạt diễn ra, trong số đó có một trò chơi vừa độc đáo lạ lẫm nhưng cũng vừa gần gũi không kém, thu hút đến hàng trăm người thử sức chính là trò chặt mía.
Trò chặt mía luôn thu hút được người chơi mỗi dịp xuân về trên khắp mảnh đất Hà Giang

Những cây mía được người tham gia dùng dao cắt làm hai phần, phải cắt làm sao cho hai phần bằng nhau là thắng.
Trò chơi có luật lệ rất đơn giản. Người chủ trì cuộc chơi sẽ dựng cây mía cao lên tầm 4m, còn công việc của người chơi chỉ cần … ngắm và cắt cho chuẩn.
Tưởng là dễ mà cũng không hẳn, ấy là khi có những người cầm dao rồi ngắm đến 10 phút vẫn phải lắc đầu bỏ cuộc vì không dám chắc vào suy đoán của bản thân mình.


Những cây mía cao lêu khêu khẳng khiu, đốt không đều và còn cả lá ngọn là những thách thức không hề nhỏ cho người chơi.
Những người chơi tự tin sau khi ngắm kỹ sẽ dùng dao chém đứt đôi cây mía. Còn những người chủ trì cuộc thi ngay trong lúc cây mía còn nằm ngang sẽ nhanh tay dấu ngọn để người chặt không có thời gian ước lượng độ dài nữa. Khó khăn ở đây chính là các phần của cây mía phải gần bằng nhau nhất, chênh lệch ít nhất chỉ được khoảng ngang 2 ngón tay (tức 3cm)
Rất nhiều người tập chung đến xem, tham gia vào cuộc chơi.


Xếp dưới nhứng viên đá nhỏ là tiền độ mía, có khi lên đến vài trăm ngàn.
Từ những trò chơi như vậy mà mỗi mùa xuân đến là hàng trăm cây mía được bán đi. Trong tín ngưỡng, người H’mông còn cho rằng người cắt mía thắng sẽ luôn được may mắn trong cả một năm đó.

 Nông Minh Hằng

Cao Bằng: Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên ( Hoàng Hải)

Màn tranh đầu pháo. Nguồn: baocaobang

Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội truyền thống độc đáo với màn tranh pháo hoa đầu xuân của các xã tại thị trấn Quảng Uyên, Cao Bằng để cầu mong cho một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc. Hàng năm, cứ vào ngày 2/2 âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về Quảng Uyên trảy hội.

Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân huyện Quảng Uyên, gắn với các yếu tố về lịch sử, tâm linh của miếu Bách Linh. Miếu được xây từ thời Lý dưới chân núi Cốc Bó, đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại hoàn toàn theo kiến trúc thời Nguyễn. Trước cổng có tam quan, sân tiền đường, hậu đường và hậu cung, hoành phi, câu đối. Trên cổng khắc 3 chữ “Bách Linh miếu”, có đắp nổi con rồng uốn khúc, xây bằng gạch vồ (gạch thời Mạc), có bức trạm rồng ngậm ngọc, bên cạnh có chim phượng cùng long ly tụ hội.
Phần đặc sắc nhất trong phần lễ là màn “khai quan” cho rồng mở mắt. Rồng được khai quan từ một mỏ nước (người dân địa phương gọi là bó Cốc Chủ - mỏ nước ở dưới gốc cây cổ thụ). Lễ do một cụ cao tuổi, có uy tín làm chủ lễ và một đội rồng gồm 15 người (3 người đánh trống, một người cầm quả cầu và 11 người múa rồng) làm lễ tại mỏ nước. Khi ra mỏ nước, rồng không được múa, không được đánh trống mà được bịt mắt bằng giấy bản, đến mỏ nước, rồng nằm phục ở đó. Người chủ lễ thắp hương vái thiên địa, cầu xin thần linh phù hộ cho người dân địa phương một năm làm ăn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc và xin được mở mắt cho rồng. Cúng xong, chủ lễ cắt tiết con gà trống, lấy máu xoa vào hai mắt rồng rồi bỏ giấy ở mắt rồng ra, lúc này rồng đã được mở mắt, sau ba hồi trống nổi lên để đánh thức, rồng bắt đầu cử động từ đầu đến thân rồi đuôi. Sau đó, người ta đánh trống thúc giục và rồng từ từ bay lên, rồng bay quanh mỏ nước ba lần rồi đi vào miếu Bách Linh; trong miếu đã được đặt lễ và thắp hương, rồng vào miếu vái ba lần, sau đó đi trong miếu một vòng rồi ra ngoài.
Lễ vật dâng lên tế lễ gồm 2 con lợn quay, 1 mâm xôi, 1 mâm trứng nhuộm phẩm đỏ, 1 mâm hoa quả. Phần lễ diễn ra long trọng với 4 đoàn rước kiệu, mỗi kiệu có 4 người khiêng, mặc lễ phục. Đầu tiên là kiệu rước ảnh Bác Hồ, thứ hai là kiệu rước thần, thứ ba là kiệu pháo hoa, cuối cùng là kiệu rước một con lợn quay, là phần thưởng cho đội thắng cuộc trong trò chơi cướp đầu pháo. Theo sau đoàn rước kiệu là đoàn rước rồng, sau khi làm thủ tục thắp hương tại miếu, đoàn rước rồng xuất phát đến Đền thờ Nùng Trí Cao, Đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó đi khắp phố tới từng nhà. Đi tới đâu rồng cũng được người dân tiếp đón rất nồng nhiệt, trang trọng.
Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian và biểu diễn văn nghệ, như: múa rồng, múa lân, tung còn, hát lượn, tranh đầu pháo... Trò chơi tiêu biểu của lễ hội là trò cướp đầu pháo, đầu pháo làm từ chiếc vòng sắt trang điểm tua ngũ sắc sặc sỡ, pháo được đặt trên một đài cao, sau khi đốt pháo, chờ cho đầu pháo rơi xuống, các đội bắt đầu tranh cướp, đội nào cầm được đầu pháo mang đến cho Ban Tổ chức là đội thắng cuộc. Gần đây, khi có lệnh cấm đốt pháo, Ban Tổ chức đã tiến hành trò chơi bằng cách đứng trên đài cao rồi tung vòng sắt (đầu pháo) ra cho các đội tranh cướp như thường lệ. Theo quan niệm của người dân địa phương thì ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc và đem lại vinh dự lớn cho xã mình. Xã nào thắng cuộc sẽ được phần thưởng là một con lợn quay trên kiệu trong lễ rước thần, cỗ kiệu cũng được để lại cho xã đó hương khói cầu lộc một năm đến lễ hội pháo hoa năm sau, địa phương này lại chuẩn bị một con lợn quay để lên kiệu, đoàn rước rồng sẽ đến lấy làm lễ rước thần, đồng thời làm phần thưởng cho đội thắng cuộc thi năm đó.
Theo thời gian, lễ hội pháo hoa Quảng Uyên đã tồn tại trong tâm thức nhiều thế hệ người dân Quảng Uyên và trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu mỗi dịp xuân về.
Hoàng Hải

Văn hóa lễ hội của Cao Bằng (Đàm Minh Phượng)

Lễ hội Nàng Hai tại xã Tiên Thành (Phục Hòa.)

Lễ hội của Cao Bằng chủ yếu là lễ hội truyền thống được diễn ra ở hai dân tộc Tày và Nùng, đây là một hoạt động đầy tính nhân văn của văn hóa dân gian.
Thời gian tổ chức các lễ hội tập trung vào tháng 1 đến tháng 4 hằng năm. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về cùng với niềm hân hoan đón chào năm mới, bà con các dân tộc lại tưng bừng náo nức trong không khí lễ hội mùa xuân.

Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương mà lễ hội có quy mô khác nhau. Lễ hội có tới nghìn người, vài nghìn người trở lên đến tham dự, trong đó, có cả khách thập phương trong nước và nước ngoài, như: Lễ hội Kỳ Sầm, Đà Quận, Sùng Phúc, lễ hội Lồng Tổng Bản Khau xã Việt Chu (Hạ Lang), lễ hội Pháo Hoa, Thanh Minh ở Quảng Uyên. Lễ hội đã tạo nên tính cộng đồng, sự kết cấu cộng đồng cao. Mọi người đến lễ hội dù ở vị trí nào trong xã hội đều có chung mục đích, bình đẳng với nhau, cùng tham gia và thưởng ngoạn lễ hội, tạo nên sự hòa đồng đoàn kết trong giao lưu văn hóa giữa người với người, người với tự nhiên. Lễ hội còn là nơi gặp gỡ, hội tụ quảng giao của các vùng, miền, quốc gia với nhau. Đó là nhu cầu tinh thần của con người không thể thiếu mà người ta gửi gắm vào lễ hội, vì thế dòng người đến lễ hội ngày càng đông.
Cao Bằng có nhiều lễ hội, đa dạng, phong phú, nổi bật nhất các hình thức lễ hội: Lễ hội đền, chùa; Lễ hội Pháo hoa; Lễ hội Lồng Tồng; Lễ hội Nàng Hai và lễ hội Thanh Minh. Trong đó, lễ hội đền, chùa tập trung nhiều nhất ở huyện Hòa An, với các lễ hội: Đền Vua Lê ở xã Hoàng Tung, được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch; Lễ hội Đền Đống Lân ở xã Hưng Đạo tổ chức ngày 7 tháng Giêng âm lịch; Lễ hội đền Kỳ Sầm ở xã Vĩnh Quang bắt đầu từ đêm mùng 9 và ngày 10 tháng Giêng âm lịch; Lễ hội chùa Đà Quận (chùa Viên Minh) thuộc xã Hưng Đạo diễn ra ngày 8 tháng Giêng âm lịch; Lễ hội chùa Sùng Phúc thuộc xã Thanh Nhật (Hạ Lang), được tổ chức từ đêm 14, ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội Pháo Hoa (Tranh đầu pháo) còn gọi là lễ hội Linh Đền tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch, tại thị trấn huyện Quảng Uyên. Các lễ hội Lồng Tồng diễn ra chủ yếu ở các huyện: Thạch An, Hạ Lang từ mùng 2 Tết đến cuối tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lễ hội Nàng Hai (Nàng Trăng, Nguyệt Nga, Hằng Nga) ở Tiên Thành (Phục Hòa) và xã Kim Đồng (Thạch An), kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch mới kết thúc. Lễ hội Thanh Minh của người Nùng An ở Phúc Sen, Quốc Dân (Quảng Uyên), tổ chức vào tiết thanh minh hằng năm. Như vậy, trong vòng 4 tháng mùa xuân, hàng loạt các lễ hội liên tiếp diễn ra trên một số địa bàn các huyện của tỉnh.
Nhìn chung, các lễ hội đều thể hiện được hai phần khá rõ nét trong cấu trúc của nó. Phần “Lễ” gồm các nghi thức cúng bái, tế lễ, dâng hương, đó cũng chính là nội dung chủ yếu của lễ hội và là hạt nhân, cốt lõi của nghi thức lễ. Các lễ hội của Cao Bằng có thể phân chia theo các dạng chủ đề như sau:
Lễ hội đền, chùa, khắc ghi công lao các nhân vật có công với quê hương, đất nước, những người sáng lập, tu bổ, củng cố đền, chùa, lịch sử từng giai đoạn của đền, chùa. Điều đó được thể hiện khác nhau, mang đặc trưng riêng của từng đền, chùa. Khi nói về khu chùa Viên Minh (Đà Quận), phần lễ luôn nói tới sự khai sinh hình thành và công đức người đứng ra quyên góp làm chuông, điều này đã được ghi nhận bằng bia văn chữ Hán khắc trên chuông đồng: “Giúp chúa nhà Mạc/Có ông họ Lê/Vàng đồng cúng tiến/Công đức vô lường... ”. Trong khu chùa còn có nơi thờ tự nói lên công lao của vị Phò mã Đô úy Dương Tự Minh thời nhà Lý, Người có công lớn trong việc giữ gìn biên cương của Tổ quốc, là người con dân tộc Tày thông minh, trung nghĩa, hiếu lễ vẹn tròn, được nhân dân kính trọng. Đặc biệt, phần lễ của Đền Kỳ Sầm được thể hiện sâu sắc hơn cả trong các lễ hội. Đêm mùng 9 rạng ngày 10 tháng Giêng là phần nghi thức lễ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân làm lễ dâng hương, tế lễ với nội dung viết thành văn, nói lên thân thế, sự nghiệp, công đức, tài năng của vị dũng tướng thao lược Nùng Trí Cao trong sự nghiệp bảo vệ biên cương, củng cố núi sông, bờ cõi. Trong khi đó phần nội dung hương khói lễ nghi tại chùa Sùng Phúc lại nêu lên xuất xứ hình thành chùa từ thời nhà Mạc thế kỷ XVII, ca ngợi công đức bà tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ đã tu tại chùa 6 năm sau khi nhà Mạc tan rã và lấy hiệu là Diệu Huyền giảng kinh phật, tu nhân tích đức, nhân dân rất mến mộ, nên chùa còn có tên là Huyền Du (tên ghép của Nguyễn Thị Duệ). Tóm lại, phần lễ các đền, chùa khác nhau cũng đều có nội dung riêng, nhưng đều đi đến sự thành tâm chung là: cầu mong các vị tiên liệt, thần linh phù hộ độ trì cho Quốc thái, dân an, con cháu có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ăn nên, làm ra.
Lễ hội Lồng Tồng và Nàng Hai là lễ hội truyền thống nông nghiệp của nền văn minh lúa nước. Nội dung của hai lễ hội này trong nghi lễ đều nói lên sự cầu thị, xin thần nông, trời đất, Hằng Nga ban cho mưa thuận gió hòa, giống tốt, trừ diệt được sâu bọ, mùa màng bội thu, lúa trĩu bông, ngô to bắp, đỗ mẩy hạt, nhà nhà no ấm, yên vui.
Lễ hội mừng công, là lễ hội Pháo Hoa, nội dung của nghi lễ: Mừng các vị Vua, quan, tướng lĩnh đánh thắng quân xâm lược hoặc ăn mừng trước những sự kiện trọng đại của đất nước.
Lễ hội Thanh Minh là lễ hội mang tính chất giáo lý với hàm ý giáo dục con người sống có tình, nghĩa. Nội dung lễ nghi bày tỏ sự thương tiếc, quý trọng những người đã khuất. Đồng thời, lên án hành vi xấu xa, độc ác trong xã hội.
Phần thứ hai cấu thành lễ hội là phần “Hội”. Ở Cao Bằng, phần hội được tổ chức sôi nổi, phong phú các loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống và hiện đại. Bên cạnh các hoạt động văn hóa truyền thống: hát Sli, lượn giao duyên, tung còn, đánh đu, múa rồng, múa kỳ lân, đấu cờ, diễu võ, đẩy gậy, kéo co. Hiện còn được bổ sung các môn thể thao hiện đại như: chơi cầu lông, bóng bàn, bóng đá, các hoạt động văn nghệ biểu diễn nghệ thuật, ca nhạc, thi sắc đẹp.
Lễ hội truyền thống đã đóng góp những bông hoa rực rỡ, tô thắm thêm vườn xuân sắc hương của văn hóa dân gian Cao Bằng. Thông qua nội dung, hình thức hoạt động, lễ hội đã trở thành môi trường ưu việt giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc về lịch sử văn hóa, về lòng yêu nước, thương nòi, đạo lý làm người, biết ơn các bậc tiền bối, từ đó mà có hành động tự giác, đúng đắn cho mỗi người, nhất là thế hệ trẻ. Trở về cội nguồn là nhu cầu vĩnh hằng của con người, đó là cội nguồn tự nhiên, biết nâng niu quý trọng tự nhiên, nguồn gốc cộng đồng, gốc gác văn hóa, thể hiện rõ giá trị văn hóa cũng như tinh thần nhân văn trong lễ hội. Đến với lễ hội Cao Bằng ai cũng thấy rõ điều đó, vì thế dư âm của lễ hội luôn theo về từng du khách, còn đậm đà mãi với thời gian, ước hẹn ngày trở lại.
 Đàm Minh Phượng

Độc đáo làng "đá” ở Cao Bằng (Triệu Thúy Nga)

“Làng đá” Khuổi Kỵ

Làng Khuổi Kỵ nằm giữa hai địa điểm du lịch Thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Từ lâu, Khuổi Kỵ đã nổi tiếng với cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá độc đáo vùng biên giới.
Chiêm ngưỡng “làng đá”

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giờ đây trong tâm thức người Tày ở Cao Bằng “thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm của họ. Thế nhưng, những ngôi nhà sàn một thời mang dáng dấp của nhà Mạc đã ít nhiều chìm vào lãng quên.
Cụ Nông Văn Tâm (70 tuổi) ở làng Khuổi Kỵ cho hay: “Ngược thời gian vào những năm 1594-1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị chỉ dành riêng cho những bậc quyền quý. 

Ngôi nhà đẹp nhất làng Khuổi Kỵ được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên

Hiện Khuổi Kỵ có 14 căn nhà sàn bằng đá và để bảo tồn, phục dựng lại nó các cơ quan chức năng Cao Bằng phải tiêu tốn ngót ba năm trời xếp đá. Mãi đến năm 2010 “làng đá” này được hoàn thành với những nét kiến trúc độc đáo. 
Tùy thuộc vào căn nhà sàn lớn hay nhỏ (thường là 3 gian - 2 chái và 1 gian - 2 chái), thì chuyện dựng nhà sàn gỗ của người Tày cũng cần ít nhất quãng thời gian 5 năm với hàng chục khối gỗ lớn, lạt, số lượng cột, kèo…” 

Cây cầu bắc qua suối trước “làng đá” được xây dựng khang trang, đẹp đẽ

Tuy nhiên, khi dựng nhà sàn đá lại chú trọng hơn đến khâu lựa chọn đá và sắp xếp chúng. Chẳng hạn, để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng, có khi gần một năm. 
Khi xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, người thợ sẽ tính đến chuyện đặt dầm gỗ, sau đó xếp những tấm ván hoặc tre để làm sàn, đồng thời chia cách tầng 1 và tầng 2. Những viên đá được chọn để dựng nhà gần như có kích thước tương đồng và chúng sẽ được gắn kết với nhau bằng hỗn hợp vôi trộn cát.
Một điều nữa có thể nhận thấy sự khác biệt của làng Khuổi Kỵ so với những nơi khác giữa các huyện miền núi là các hàng rào, đường đi lại hoàn toàn được làm bằng đá núi. 

Độc đáo tục thờ “thần đá” 
Trong tâm niệm của người dân nơi đây, đá được coi như một vị thần tượng trưng cho sự lâu bền, vững chắc có thể phục vụ cho các mục đích lâu dài trong đời sống sinh hoạt nên đã lập đền để thờ thần đá.
Bên chén rượu ngô đượm vị vùng cao, một ông cụ, dáng vẻ phong sương đã ngoài tuổi bát tuần tên Nông Văn Khang, người dân tộc Tày ở xã Đàm Thủy cho chúng tôi hay: “Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nhiệt của thiên nhiên. Chẳng thế mà trong luật tục của của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá, thần rừng. 

Đường đi quanh làng cũng được người dân dùng đá để làm hàng rào hai bên

Còn nhớ tộc người Lô Lô sinh sống ở huyện Bảo Lạc, năm nào cũng vậy, cứ độ vào tiết trời thanh minh tháng Ba là cư dân cả bản dù có bận việc đến đâu cũng sẽ tạm gác lại để cùng họp nhau tại nơi thờ cũng thần đá được quy ước trong bản để làm lễ “mể-lồ-phỉ” (hiểu nôm na là lễ cúng thần đá)... 
... Hằng mong truyền đạt, cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản làng của mình trong những ngày mùa màng sắp tới. Hay suy nghĩ sâu hơn nữa thì, tập tục tế thần đá này còn thể hiện ý thức trách nhiệm của cả một cộng đồng trước mẹ thiên nhiên”. 

Thay vì trồng cây gai hay chặt cây về dựng hàng rào như các nơi khác, người dân nơi đây đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức rào đá một cách chắc chắn

Theo lời những người dân nơi đây, họ luôn coi đá như một phần trong cuộc sống. Bởi thế nên có những bức tường đá đã phủ hoen màu thời gian vẫn vững chắc tồn tại, mà không ai dám phá cả. Thậm chí bất cứ ai khi đi ngang qua những bức tường đá, chứng kiến chúng chẳng may bị hư hỏng là bà con lại tự động nhặt đá lắp lại. 

Xung quanh những hàng rào bằng đá, làng Khuổi Kỵ đã lập đền để thờ thần đá

Giữa không gian bao la, những ngôi nhà sàn đá vững chãi vươn cao như một lũy thép kiên cố. Mặc cho thời gian trôi qua, suốt hàng trăm năm nhưng những ngôi nhà sàn đá này vẫn bền bỉ, kiên định, bao bọc, chở che những cư dân hiền lành, chất phác vùng biên viễn. 
Hay nói như ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa huyện Trùng Khánh: "Đa số những người con của quê hương Đàm Thủy là dân tộc Tày, cho nên ngôi nhà cũng mang đậm bản sắc văn hóa của họ. Người Tày có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá”.
Triệu Thúy Nga

Tháng 4 đến với Chợ tình Khâu Vai Hà Giang (Minh Thắng)

Lễ hội Chợ tình Khâu Vai (Hà Giang)

“Chợ tình Khâu Vai” sẽ được tổ chức từ ngày 21 - 23/4 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Chợ tình Khâu Vai”.
Hoạt động Chợ tình Khâu Vai được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, tái hiện những bản sắc văn hóa của đồng bào nơi công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần xây dựng và phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa, mang đậm tính nhân văn cao đẹp truyền thống của đồng bào.

Lễ hội cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng của các dân tộc vùng cao nhằm tạo điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Lễ khai mạc Lễ hội Chợ tình Khâu Vai 2017 được tổ chức vào 20h ngày 21/4 tại Mê cung đá xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2, VTC1 và trên kênh HGTV của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Hà Giang.
Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội thi chim Họa Mi hót; Lễ dâng hương tại Miếu Ông, Miếu Bà; Giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống; Trò chơi dân gian như gánh nước bằng ống tre, leo cột, tung còn giao duyên, bịt mắt, ném Pao, đánh yến…; Trưng bày gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và những nét đặc trưng văn hóa địa phương; Các hoạt động cho du khách trải nghiệm, tham quan.
Chợ tình Khâu Vai được họp duy nhất một lần trong năm, là ngày hội dành cho những đôi trai gái dân tộc đến tìm hiểu và gặp gỡ nhau.
Hiện nay, lễ hội chợ tình ở Hà Giang này đang trở thành một sản phẩm du lịch thu hút đông du khách trong nước và nước ngoài bởi tính độc đáo và bản sắc văn hóa truyền thống được lưu giữ.
Chợ tình Khâu Vai (hay Khau Vai - theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là đèo gai) còn được gọi là chợ Phong Lưu, có từ gần 100 năm nay.
Chợ nằm ở xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, Việt Nam và chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch.
Lúc đầu chợ gần như không có người bán, người mua hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp chợ.
Vì đây là địa điểm để người ta tìm đến nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình.
Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời

Minh Thắng

ĐIỂM NHẤN HÀ GIANG (Đàm Thị Lượng)

Biểu diễn khèn Mông tại Lễ hội Gầu Tào truyền thống

Người Mông di cư đến Hà Giang (Việt Nam) chia thành nhiều đợt khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Người Mông có nhiều nhóm: Mông hoa, Mông xanh, Mông trắng, Mông đen, ở Hà Giang chủ yếu có hai nhóm chính: Mông trắng sinh sống nhiều ở 4 huyện vùng cao nguyên đá: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ và nhóm Mông hoa sinh sống chủ yếu ở 2 huyện phía Tây: Hoàng Su Phì, Xín Mần. Người Mông thường sinh sống trên các sườn núi có độ cao trung bình từ 1.000 - 1.500m so với mực nước biển.

Do địa hình cư trú trên các sườn núi cao nên người Mông có tâm hồn phóng khoáng, cởi mở, có lòng hào hiệp, chân thành và có tấm lòng vị tha. Người Mông sinh sống chan hòa, đoàn kết với các dân tộc xung quanh như: Dao, Lô Lô, Hoa, Tày, Nùng... Đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Mông rất phong phú, họ có cả một kho tàng truyện cổ tích kể về sự tích người Mông, sự tích cây ngô, sự tích quả bí... Có hàng trăm bài hát dân ca ca ngợi về lao động sản xuất, về tình yêu quê hương đất nước, về tình yêu đôi lứa...và đặc biệt người Mông có một nhạc cụ rất quan trọng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày cũng như trong các dịp lễ tết, ngày hội hay trong đám cưới, đám ma của dân tộc đó là Khèn Mông.

Khèn: tiếng Mông gọi là Krềnh. Khèn được gắn với một sự tích buồn kể về những đứa con ngoan, hiếu thảo của người Mông. Truyện kể rằng: Ngày xưa trong một gia đình người Mông có sáu anh em trai vừa ngoan hiền, vừa chăm chỉ và rất hiếu thảo. Hàng ngày sáu anh em lên rừng hái củi, săn bắt chim thú rừng về chăm sóc cha mẹ già. Một hôm người mẹ bị lâm bệnh nặng, không qua khỏi và mất. Người cha cùng sáu anh em trai thương mẹ, buồn khóc nhớ mẹ đến không muốn ăn và không ngủ. Người cha già yếu khóc thương vợ đến kiệt sức và mất. Mất mẹ nay lại thêm nỗi đau mất cha sáu anh em càng buồn hơn và họ khóc ngày khóc đêm không thiết tha gì đến ăn uống, rồi dần dần sáu anh em cũng kiệt sức và mất. Để tưởng nhớ sáu anh em hiền lành, hiếu thảo người Mông đã sáng tạo, làm nên sáu ống khèn chung trong một cây khèn và khi tiếng khèn cất lên vừa hoành tráng, vừa bi ai. Ban đầu người Mông chỉ dùng khèn thổi trong đám ma để tưởng nhớ sáu anh em xưa. Dần dần thời gian trôi đi, đồng thời hòa chung với quá trình phát triển hội nhập của các dân tộc, đặc biệt tiếng khèn Mông da diết đã lôi cuốn người nghe và động viên người Mông mạnh dạn đưa cây khèn ra thổi trong các dịp lễ tết, đám cưới, hội hè...Tiếng khèn ngày càng được chau chuốt, chỉn chu hơn với những âm điệu quyến rũ, nồng nàn và sâu lắng. Ban đầu cây khèn chỉ đơn thuần dùng để thổi, về sau người Mông với bản tính vô tư, trong sáng yêu đời họ đã sáng tạo thêm những điệu múa phối hợp cùng với tiếng khèn. Càng múa tiếng khèn càng hay, các điệu múa và tiếng khèn ngày càng hòa quyện vào nhau không thể tách rời. Người Mông quan niệm: Là con gái Mông phải biết may vá, dệt vải và thêu thùa. Là con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Vì vậy con trai Mông ngay từ nhỏ đã được người cha dạy cho cách thổi khèn và múa khèn. Nhưng tiếng khèn có hay, múa có đẹp không chỉ nhờ vào năng khiếu của người con trai Mông mà còn cần đến sức khỏe cùng sự dẻo dai tập luyện chăm chỉ mỗi ngày của người đàn ông.

Ngoài thổi khèn nhiều thanh niên Mông còn biết chế tác khèn. Song không phải ai cũng có năng khiếu chế tác và không phải cây khèn nào làm ra cũng thổi hay được. Để tìm nguyên liệu chế tác và làm được một cây khèn ưng ý: vừa tròn, vừa dẻo dai, các chàng trai Mông phải đi vào rừng sâu, đi từ ba đến năm ngày, những chàng trai cẩn thận có khi đi cả tháng mới tìm được cây trúc và gỗ thông hoặc gỗ pơ mu núi đá như ý. Cây trúc để làm khèn không được già quá cũng không được non quá, trúc mang về được phơi sương rồi phơi ra nắng, nếu trời không nắng thì phơi trên gác bếp, phần đai quấn quanh ống trúc được làm bằng dây gai. Trúc, dây gai và thân gỗ để làm khèn hong ít nhất từ hai đến ba tháng để ăn khói. Khi đem trúc ra để làm, họ phải lau bằng nước quả chanh hoặc nước cơm mẻ để trả lại mầu vàng óng tự nhiên của thân trúc. Sau đó mang dây gai đi ngâm vào nước cho dẻo mềm, dai không khác gì da thuộc và dễ thắt nút. Gỗ được sấy khô cho tiệt hết tinh dầu và nhựa rồi được hơ qua hơ lại trên lửa. Khi đem nguyên liệu ra làm khèn: gỗ vừa bóng, vừa khỏe, màu vàng ngà, màu của dây gai đen nâu nổi bật trên nền trúc vàng óng...

Khèn Mông có hai loại: Loại khèn có âm thanh bổng là khèn ngắn, khèn có âm thanh cao là khèn dài. Thân khèn được khoét thành 6 lỗ để đút 6 ống trúc nhỏ có đường kính khoảng 3cm, sáu ống trúc tượng trưng cho sáu anh em tụ họp được xếp song song, khéo léo trên thân khèn. Loại khèn dài: hàng ống thứ nhất dài 100cm, hàng ống thứ hai dài trên 90 cm, hàng ống thứ ba dài khoảng trên 80 cm; Loại khèn ngắn: hàng ống thứ nhất dài trên 70cm, hàng ống thứ hai dài trên 60cm, hàng ống thứ ba dài trên 50cm. Đầu ống thổi khèn có lưỡi gà làm bằng kim loại. Lưỡi gà được chế tác bằng đồng dát mỏng. Để làm được chiếc lưỡi gà ưng ý phải qua nhiều công đoạn và kỳ công trong chế tác. Thông thường, người Mông hay chọn những đồng xu, hay vỏ đạn (bằng đồng) để làm lưỡi gà. Họ lựa chọn những hòn đá ráp mịn để mài lưỡi gà cho đến khi phát ra âm thanh chuẩn mới thôi. Lưỡi gà đầu gắn hạt sáp lớn thì âm thanh trầm, gắn hạt sáp nhỏ thì âm thanh bổng... Cây khèn là nhạc cụ độc đáo, có thể thổi hơi ra và có thể hít hơi vào. Khèn vừa dùng để thổi, vừa là đạo cụ để múa. Cấu tạo khèn rất phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy của người con trai Mông. Khèn cùng một lúc phát ra đa âm khi trầm khi bổng, tiết tấu theo nhịp 2/4 thích hợp với các điệu múa khèn sôi động. Động tác múa khèn của các chàng trai Mông rất phong phú với những bước nhún nhảy, quay đưa chân, bước lượn, bước trườn hoặc lộn vòng trên đất… Khèn không chỉ riêng có các chàng trai Mông thổi và múa mà các chàng trai còn múa cùng với các thiếu nữ Mông. Múa đôi trai gái thường đá gót chân vào nhau, lướt đều và quay đổi chỗ cho nhau. Ngày nay, cùng với sự phát triển và hội nhập giữa các nền văn hóa, các loại hình nhạc cụ dân tộc khèn Mông không chỉ đơn thuần đóng vai trò là nhạc cụ riêng của người Mông mà đã và đang trở thành nhạc cụ yêu tích chung của các dân tộc. Khèn Mông ngày nay không chỉ sử dụng trong đám ma, đám cưới, lễ hội mà khèn Mông còn được các chàng trai Mông khoác bên mình khi xuống chợ. Sau bữa rượu thắng cố và mèn mén bên bạn hiền, tiếng khèn điệu múa của các chàng trai Mông lại được cất lên như tiếng "chim kêu, vượn hót", như suối reo, gió ngàn. Thổi và múa khèn không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người đàn ông Mông mà qua đó còn thể hiện sức sống mạnh mẽ, sự can trường, dũng cảm bám trụ trên vùng cao nguyên đá khốc liệt đầy sương gió của núi rừng.

Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của dân tộc Mông. Những năm qua khèn Mông được các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm. Phối hợp với UBND huyện Đồng Văn ngành Văn hóa đã triển khai Lễ hội  khèn Mông trên địa bàn huyện được hai lần, năm 2015 sẽ tổ chức Lễ hội tại trung tâm tỉnh. Nhiều đề tài, đề án bảo tồn nghề chế tác khèn Mông tại các xã thuộc huyện Đồng Văn được thực hiện. Đồng thời múa khèn Mông đã được đưa đi tham gia các kỳ liên hoan của Trung ương cũng như khu vực, tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu với các tỉnh, các vùng miền. Để bảo tồn và phát huy khèn Mông hơn nữa cần quan tâm chú trọng đến đời sống vật chất của các nghệ nhân biểu diễn và làm nghề chế tác khèn. Từng bước đưa khèn Mông trở thành một sản phẩm du lịch được ưa chuộng, giúp người Mông xóa đói giảm nghèo, đưa "miền núi tiến kịp miền xuôi" và thực hiện tốt một trong tám điều Bác Hồ căn dặn tỉnh Hà Giang “Trước hết tất cả các dân tộc dù to hay nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”. Thực hiện tốt lời Bác dạy, tin tưởng tuyệt đối vào con đường lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, các dân tộc trên mảnh đất biên cương nhất định sẽ xây dựng quê hương Hà giang ngày càng giàu mạnh, xứng đáng là “phên dậu” bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đàm Thị Lượng

33 địa điểm đáng đến ở Hà Giang (Hoàng Thị Khuyên)

Nhắc đến Hà Giang mùa này, chắc hẳn nhiều bạn trẻ sẽ nghĩ ngay đến những cánh đồng hoa tam giác mạch bát ngát xinh đẹp. Nhưng Hà Giang đâu chỉ có thế!
Đối với những phượt thủ chuyên nghiệp ưa mạo hiểm và thích khám phá thì Hà Giang còn có đến một “danh bạ” 33 địa điểm check in siêu thú vị và đẹp bất ngờ mà không phải ai cũng biết.
Để các bạn tiện theo dõi, chúng tôi đã chia 33 địa điểm check in thành:

I. Dốc, đèo
II. Hang, động
III. Cửa khẩu
IV. Suối, thác, hồ
V. Chùa, di tích lịch sử
VI. Các địa điểm check in khác
Hãy xem bạn đã đến và check in được bao nhiêu trong số 33 địa điểm quen thuộc của dân phượt chuyên nghiệp khi đến Hà Giang dưới đây nhé!
I. Dốc, đèo
Cung đường đến với Hà Giang nổi tiếng với những con đèo dài, đẹp và cũng cực kỳ "khó nhằn". Còn gì thích hơn khi được trải nghiệm cảm giác tai ù ù, tóc gáy dựng đứng lên vì sợ và phê mỗi khi đổ đèo phải không các phượt thủ?

Con Dốc Bắc Sum ngoằn nghèo, uốn lượn là niềm đam mê của không biết bao nhiêu phượt thủ..

1. Dốc Bắc Sum
Bạn sẽ gặp Dốc Bắc Sum khi đi từ xã Minh Tân (Vị Xuyên) lên xã Quyết Tiến (Quản Bạ). Con dốc này được các phượt thủ chuyên nghiệp ví như "Đèo Pha Đin" của Hà Giang vì độ ngoằn nghèo tựa mình rắn của nó. Điểm đặc biệt hơn nữa là, từ Dốc Bắc Sum nhìn xuống, bạn sẽ thấy một con đường nhỏ uốn lượn, lúc thì ngập trong mây, lúc thì rực rỡ trong nắng cực kỳ đẹp và thơ mộng.

2. Con đường Hạnh phúc
Để đến Cao nguyên Đá Đồng Văn, bạn phải đi qua Con đường Hạnh Phúc. Con đường có cái tên ngọt ngào như vậy là có lý do riêng của nó. Đây là con đường được mở cho ô tô, xe máy và các phương tiện giao thông đi lại qua các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc nhằm xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân ở các vùng núi xa xôi này.

Ngoài câu chuyện lịch sử của mình, con đường Hạnh Phúc còn là một con đường đẹp, được các bạn trẻ rất yêu thích và thường dừng lại check in mỗi khi có dịp đi qua.

Con đường Hạnh Phúc nhìn từ trên cao...

3. Đèo Mã Pí Lèng (Mã Pì Lèng)
Được mệnh danh là "Vua của các con đèo ở Việt Nam", đèo Mã Pì Lèng có chiều dài lên đến 20km, nằm ở độ cao 1200m so với mực nước biển và là 1 trong những cung đường hiểm trở nhất, được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong vòng 11 tháng.

Con đèo Mã Pì Lèng huyền thoại của Hà Giang...

II. Hang, động
Là vùng đất địa đầu của Tổ Quốc, với hầu hết diện tích là những vách núi đá cheo leo nên Hà Giang có rất nhiều hang động đẹp. Trong đó, có 7 hang động nổi tiếng nhất thường được các bạn phượt thủ tìm đến và check in:
4. Động Lùng Khúy
Động Lùng Khúy có địa điểm tại huyện Đồng Văn, nằm cách trung tâm huyện Quản Bạ khoảng 10km. Đây được mệnh danh là hang động đẹp nhất tại Hà Giang, với chiều dài khoảng 300, bên trong có rất nhiều nhũ đá lộng lẫy, đẹp mắt. Sẽ thật tiếc nếu bạn đã từng đến Hà Giang mà không được vào thăm hang động tuyệt đẹp này.

Những phiến nhũ thạch trong động Lùng Khúy...


5. Hang Nà Luồng
Hang Nà Luồng là hang động rộng và sâu nhất tại Hà Giang, với chiều rộng lên đến hàng ngàn mét vuông. Bên trong động cũng có rất nhiều nhũ đá tạo thành hình các con vật như cá, lợn rừng, trâu rừng.

Từ khi mới được phát hiện, hang Nà Luồng đã được rất nhiều bạn trẻ tìm đến, check in và quảng bá, khiến hang động này trở thành một địa điểm rất thu hút khách du lịch của tỉnh Hà Giang.
6. Động Én
Để vào được Động Én, nơi trú ngụ của hàng ngàn chú chim én nhỏ, bạn phải vượt qua nhiều quãng đường rậm rạp, hiểm trở. Nhưng hãy kiên trì nhé, vì phần thưởng mà bạn nhận được sẽ là những trải nghiệm vô cùng quý giá, những tấm ảnh "so deep" và đẹp đến mức huyền ảo đấy!
7. Hang Phương Thiện
Gọi là Hang Phương Thiện nhưng nơi đây là một quần thể hang động, bao gồm hang Dơi, hang Lăng Cô, hang Phương Thiện. Không giống như các hang động ở trên, hang Phương Thiện mang đến cho bạn cảm giác nhẹ nhàng, với dòng suối nhỏ uốn lượn bên trong và không khí tươi mát, trong lành.

8. Hang Tùng Bá
Có thể nói Hang Tùng Bá là hang động thơ mộng và trữ tình nhất trong các hang động tại Hà Giang. Có chiều dài khoảng 890 m, bên trong hang Tùng Bá có hai mạch nước ngầm chảy tạo thành 2 con suối uốn lượn trước cửa hang, tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình vô cùng đẹp mắt.

Hang Tùng Bá cũng là một địa điểm check in vô cùng đẹp và ảo diệu, được rất nhiều phượt thủ chuyên nghiệp tìm đến đấy!

9. Hang Nặm Pạu
Hang Nặm Pạu là một hang động khá "kín đáo", nằm ẩn mình dưới khu rừng già nguyên sinh của xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Nhìn từ ngoài vào, cửa hang chỉ rộng khoảng 10m2, nhưng khi đã vào bên trong, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ lung linh, huyền ảo của các khối nhũ thạch bên trong hang.

Hang Nặm Pạu còn được các bạn phượt thủ chuyên nghiệp ví như "Động Phong Nha của Hà Giang" cơ đấy các bạn ạ!

10. Hang Bách Sơn
Hang Bách Sơn nằm ở độ cao trên 200 m so với mực nước lòng hồ thủy điện Tuyên Quang (thôn Bách Sơn, xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang).

Hang Bách Sơn được bao quanh bởi rừng nghiến nguyên sinh, những dây leo rậm rạp, chằng chịt, khiến ai nhìn thấy nó đều như được đánh thức bản năng khám phá trong bản thân.

Cửa hang chỉ cao 20m, nhưng bên trong lại rộng và sâu đến hàng ngàn mét, với vô số hũ đã có nhiều hình khối kì lạ, cùng các dòng thạch chảy lách rách ngày đêm, tạo nên vẻ đẹp quyến rũ và hoang sơ cho hang động này.

III. Cửa khẩu
11. Cửa khẩu Bạch Đích
Nếu yêu thích những phiên chợ vùng cao, bạn có thể đến thăm Cửa khẩu Bạch Đích, huyện Yên Minh, Hà Giang và tham gia vào phiên chợ vô cùng tấp nập, đông vui ở đây.

Tuy nhiên, chợ  cửa khẩu Bạch Đích chỉ họp vào ngày Thân và ngày Dần trong tháng nên nếu bạn muốn check in và tham gia phiên chợ này thì phải chọn thời điểm xuất phát thật chính xác nhé!

Chợ cửa khẩu Bạch Đích rất tấp nập khi đến phiên, là nơi buôn bán rất nhiều mặt hàng, từ nông sản, phân bón, hạt giống đến quần áo và đồ điện tử...

12. Cửa khẩu Săm Pun
Không có chợ tình, cũng chẳng có nhiều cảnh sắc đẹp nhưng cửa khẩu Săm Pun ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang vẫn là nơi được các bạn trẻ và nhiều phượt thủ tìm đến để check in tại cột mốc 450 và trải nghiệm cảm giác "bước thêm 1 bước là sang đến nước bạn Trung Quốc".

Thật thú vị phải không nào!

Cột mốc 450 tại cửa khẩu Săm Pun

13. Cửa khẩu Thanh Thủy
Cửa khẩu Thanh Thủy là nơi buôn bán, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cửa khẩu này giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Cửa khẩu Thanh Thủy là cửa khẩu lớn nhất ở Hà Giang với nhiều hoạt động thương mại vô cùng tấp nập. Nếu có điều kiện, bạn hãy đến và check in tại đây nhé!

Cửa khẩu Thanh Thủy 

IV. Suối, thác, hồ
14. Hồ Noong
Hồ Noong là một hồ nước tự nhiên, với làn nước trong xanh, mát lành, điểm tô thêm rừng cây nổi trên mặt nước. Vào mùa thu và mùa đông, hồ ngập trong cảnh sương mù và mây bồng bềnh, tạo nên một cảnh tượng hết sức nên thơ. Vào mùa hè, nước hồ xanh ngắt, trong veo, là địa điểm du lịch, trải nghiệm, check in lý thú của nhiều bạn trẻ trên khắp cả nước.

Hồ Noong với vẻ đẹp như ở chốn bồng lai, tiên cảnh

15. Thác Thí
Thác Thí với vẻ đẹp mong manh, uyển chuyển, được ví như một dải lụa trắng vắt hờ hững bên những cảnh rừng nguyên sinh Nà Chì của huyện Xín Mần, Hà Giang.

Đến khám phá Thác Thí, bạn không chỉ được chơi đùa dưới làn nước trong veo, mát lạnh, khám phá khu rừng nguyên sinh đầy điều thú vị và bí ẩn mà còn tậu về cho mình được những tấm ảnh check in vô cùng đẹp và long lanh nữa đấy!

Thác Thí được ví như dải lụa màu trắng vắt hờ hững bên cánh rừng nguyên sinh xanh ngắt một màu

16. Thác Táng Tinh
Thác Táng Tinh không chỉ là một địa danh du lịch, một thắng cảnh đẹp ở xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, Hà Giang mà ẩn sâu trong nó là một câu chuyện thần thoại được người dân lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Câu chuyện kể về một cô gái xinh đẹp của làng và chuyện tình với chàng trai con Thần Núi. Nàng vì phát hiện được một bí mật của Thần Nước nên phải chấp nhận làm vợ của con trai Thần Núi mới có thể hóa giải được tội của minh, nếu không Thần Nước sẽ cho dâng nước cuốn trôi tất cả buôn làng.

Đáng thương thay, nàng là người, còn con trai Thần Núi lại chỉ là một con rắn, mà người thì không thể yêu rắn, nên nàng chọn cách trầm mình xuống hồ để chịu tội với thần linh. Thác Táng Tinh có tên gọi như vậy từ đó, và cho đến giờ, người ta vẫn tương truyền rằng hai dòng chảy của ngọn thác chính là biểu tượng của cô gái và chàng trai con của Thần Núi trong câu chuyện truyền thuyết.

Thác Táng Tinh ẩn chứa trong mình cả một câu chuyện truyền thuyết đầy bi thương

V. Chùa, di tích lịch sử
17. Chùa Sùng Khánh
Chùa Sùng Khánh là một ngôi chùa nhỏ, với diện tích chỉ 26m2. Chùa thuộc Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, có vị thế khá đẹp với lưng tựa núi, phía trước là con suối Thích Bích chảy qua, phía bên trái là ngọn núi có thế Rồng chầu, bên phải là ngọn núi theo thế Hổ phục, xa xa phía trước là dòng sông Lô uốn lượn, tạo nên nét phong thủy và cảnh sắc hữu tình, thơ mộng cho ngôi chùa Sùng Khánh.

Chùa Sùng Khánh có diện tích khá nhỏ, nhưng lại nằm trên một địa thế vô cùng đẹp, sơn thủy hữu tình

18. Dinh thự họ Vương (Dinh thự Vua Mèo)
Dinh thự Vua Mèo là một trong những điểm du lịch rất nổi tiếng ở Hà Giang. Dinh thự này có tuổi đời gần 100 năm (xây năm 1919, hoàn thiện năm 1928), mất 9 năm để xây dựng và tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng.

Cho đến nay, Dinh thự Vua Mèo gần như vẫn còn nguyên vẹn, với tổng diện tích lên đến 3000m2. Nếu bạn muốn tìm hiểu các câu chuyện liên quan đến ngôi dinh thự đồ sộ này và chủ nhân của nó - ông Hoàng Đức Chính - thì hãy đến và nghe chính những người dân sống ở đây kể cho bạn nghe nhé!

Sự hoành tráng, xa hoa và tráng lệ của Dinh thự Vua Mèo

19. Di tích lịch sử Căng Bắc Mê
Căng Bắc Mê là một di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp thuộc địa bàn thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Nơi đây từng là căn cứ đóng quân và quan sát của thực dân Pháp, sau đó được cải tạo và trở thành nơi giam giữ các đồng chí cộng sản, trong đó có đồng chí Xuân Thủy, Nguyên Hồng, Đặng Việt Châu...
Căng Bắc Mê giờ không còn nguyên vẹn, nhưng nơi đây vẫn thường được các bạn trẻ tìm đến để tìm hiểu về lịch sử cũng như ôn lại, cảm nhận những giá trị tốt đẹp mà di tích lịch sử này đang gìn giữ.

Di tích lịch sử Căng Bắc Mê với nhiều câu chuyện hào hùng của dân tộc là nơi rất đáng để bạn ghé qua khi có cơ hội đến với Hà Giang

VI. Các địa điểm check in khác
20. Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn là địa danh không còn xa lạ chút nào đối với tất cả người dân Việt Nam. Nếu bạn đã đến Hà Giang mà không đến thăm công viên địa chất nổi tiếng trên toàn Thế Giới này thì quả là một điều quá phí hoài.

Ngoài chứa đựng trong mình những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của Trái Đất, cao nguyên đá Đồng Văn còn là nơi có cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo và lưu dấu nền văn hóa hết sức độc đáo của các dân tộc H'Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao.

Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là nơi có nhiều di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, núi Đôi Quản Bạ v.v.

Cao nguyên đá Đồng Văn...

21. Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú cũng là một địa danh quá đỗi nổi tiếng của Hà Giang. Cột cờ nằm trên đỉnh Lũng Cú, với độ cao khoảng 1470m so với mực nước biển, là điểm cực Bắc của Việt Nam.

Để đến được Lũng Cú, các phượt thủ phải trải qua những cung đường hiểm trở, những đoạn đèo cao chót vót, ngoằn nghoèo và cả những chông gai nếu muốn chạm tay vào nó. Có lẽ đây cũng là lý do khiến Cột cờ Lũng Cú trở thành điểm đến mà bất cứ bạn trẻ nào cũng ao ước.
  
Cột cờ Lũng Cú nằm chót vót trên đỉnh Lũng Cú và là điểm cực Bắc của Tổ Quốc

22. Phố Cổ Đồng Văn
Gọi là phố Cổ, vì con phố này có tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Nó được xây dựng từ đầu thế kỉ 20, với chỉ vỏn vẹn 40 ngôi nhà cổ nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề là đá bao quanh.

Phố Cổ Đồng Văn nổi tiếng với ngôi chợ được xây dựng hoàn toàn bằng đá, kiến trúc nhà độc đáo của người Hoa và vẻ đẹp hoài cổ của nó.
Còn đối với các bạn trẻ, đây thực sự là một điểm check in, sống ảo quá lý tưởng phải không nào!

Phố Cổ Đồng Văn với tuổi đời hàng trăm năm...

..với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ rất đáng để bạn đến khám phá

23. Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm chính là bối cảnh trong phim "Chuyện của Pao" nổi tiếng. Nơi đây còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc Mông, với những ngôi nhà bằng đá truyền thống, phương thức canh tác cổ truyền và thái độ tiếp đón nồng hậu của những người dân mộc mạc, hiền lành nơi đây.

24. Hoàng Su Phì
Hoàng Su Phì, địa danh nổi tiếng với những ruộng lúa bậc thang chín vàng bát ngát thơ mộng chắc hẳn là một địa điểm mà bất cứ ai khi đặt chân đến Hà Giang cũng muốn ghé qua và chụp lấy một vài tấm ảnh check in mang về.
Thế nhưng, ngoài cảnh sắc thiên nhiên trời phú, Hoàng Su Phì còn có rất nhiều điểm độc đáo đang chờ bạn đến khám phá như lễ hội Khu cù tê của dân tộc La Chí; Cấp sắc, Nhảy lửa, Cầu mùa của dân tộc Dao đỏ; Lồng Tồng của dân tộc Tày, Cúng rừng của dân tộc Nùng..

25. Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám
Đến với Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám, bạn sẽ được tận tay trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của những người dân nơi đây. 

Ngoài ra, bạn còn được tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc qua những tấm vải thổ cẩm. Mỗi họa tiết, hoa văn hay màu sắc trên thổ cẩm đều có ý nghĩa và bản sắc riêng của nó. Nếu muốn biết, hãy đến tận nơi tìm hiểu và trải nghiệm các bạn nhé!

Đến thăm làng dệt thổ cẩm Lùng Tám để tận tay trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây

26. Vườn hoa tam giác mạch ở xã Thải Phìn Tủng
Nhắc đến Hà Giang, không thể không nói tới hoa tam giác mạch. Thế nhưng, không phải ai cũng biết, xã Tải Phìn Thủng mới là nơi có nhiều vườn hoa tam giác mạch đẹp nhất tại Hà Giang.


27. Cột mốc 428
Cột mốc 428, điểm đánh dấu cực Bắc của Việt nam, thế nhưng lại không có nhiều người biết và đặt chân được đến địa điểm này.

Muốn check in được ở cột mốc 428, bạn phải nhờ các anh dân phòng chỉ đường mới tới được nhé, vì con đường lên đây khá hiểm trở và khó tìm.

28. Cổng trời Quản Bạ
Cổng trời Quản Bạ, nơi giao lưu giữa đất trời, nơi mà nhìn từ dưới đất, bạn sẽ có cảm giác qua được chiếc "cổng" đó là mình có thể lên đến tận mây xanh.

Muốn lên cổng trời phải vượt qua những cung đường đèo khúc khuỷu vắt ngang những ngọn núi đá tai mèo cao vút, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, càng lên cao sương mù càng dày đặc. Qua những khúc cua tay áo, những đoạn dốc cheo leo đầy nguy hiểm lên đến đỉnh đèo, trước mắt du khách hiện ra là cổng trời Quản Bạ ngập chìm trong biển mây mù và sương núi.

Cổng trời Quản Bạ nằm trên đỉnh núi Quản Bạ, nơi mà bạn sẽ phải vượt qua nhiều đoạn đường cheo leo, hiểm trở mới có thể đặt chân tới được

29. Rừng thông Yên Minh
Rừng thông Yên Minh nằm ngay trên con đường Hạnh Phúc, với rừng thông bạt ngàn, xanh mướt, là nơi nghỉ ngơi, dừng chân, cắm trại lý tưởng dành cho các phượt thủ mỗi khi đặt chân đến Hà Giang.

Rừng thông Yên Minh xanh mướt sẽ là bối cảnh tuyệt vời cho những bức ảnh check in của bạn đấy!

30. Bãi đá cổ Nấm Dẩn
Bãi đá cổ Nấm Dẩn là nơi "ẩn náu" của những viên đá cổ có niên đại hàng ngàn năm. Trên các phiến đá là dấu tích của người Việt Cổ, bao gồm những hình vẽ đơn giản như hình học như tròn, chữ nhật, ô vuông, hình bàn chân người, đường thẳng song song hay những hình người với tư thế giơ 2 tay dạng hai chân như đang làm việc, chiến đấu.

Những phiến đá tưởng như vô tri vô giác nhưng lại ẩn chứa trên mình dấu tích lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc

31. Thị trấn Phó Bảng
Phó Bảng là một thị trấn nhỏ thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Không giống như thị trấn Đồng Văn tấp nập, trù phú, Phó Bảng nằm trên cao hơn nhiều, vì thế mà thị trấn này cũng có rất ít người sinh sống, và thường được các bạn phượt thủ gọi bằng cái tên "Thị trấn ngủ quên".

Lang thang dọc thị trấn Phó Bảng, bạn sẽ có cảm giác như mình đang lạc vào một nơi đã có từ xa xưa lắm, vắng lặng, hun hút và yên ắng đến lạ lùng. Cũng chính vì thứ cảm giác lạ đó mà nhiều bạn trẻ đã tìm đến thị trấn nhỏ xa xôi trên vùng cực Bắc của Tổ Quốc này để khám phá và du ngoạn.

Thị trấn Phó Bảng...

.với vẻ hoài cổ, tĩnh mịch và yên ắng đến lạ thường

32. Thung lũng Sủng Là

Thung lũng Sủng Là được bao quanh bởi những con đèo xinh đẹp. Từ trên cao nhìn xuống, bạn sẽ thấy Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà  vững chãi với mái đã phai màu thời gian.

Thung lũng Sủng Là từ trên cao nhìn xuống trông giống như một bức tranh thủy mặc, với rừng núi bao quanh, ôm trọn lấy những thôn làng trù phú và những thửa ruộng màu mỡ, xinh đẹp
 
Nếu chưa có cơ hội để đi và khám phá tất cả 33 địa điểm check in ở Hà Giang tuyệt đẹp phía trên, bạn cũng nên lựa chọn cho mình một tour du lịch Hà Giang giá rẻ để trải nghiệm dần từng địa điểm ấy nhé!
 Hoàng Thị Khuyên