Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Những dân tộc Tây-Đông Bắc
Showing posts with label ₪ Những dân tộc Tây-Đông Bắc. Show all posts
Showing posts with label ₪ Những dân tộc Tây-Đông Bắc. Show all posts

Saturday, April 15, 2017

Lễ Hội thanh minh ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Hữu Hạnh)

Đặc sản xôi lá sâu sâu tại Lễ hội

Hằng năm, cứ đến tiết Thanh minh, bà con dân tộc Nùng An, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên và các nhân dân trong vùng lại nô nức tổ chức hội Thanh Minh. Đến nay, lễ hội vẫn lưu giữ được nét sinh hoạt văn hóa độc đáo mà không nơi nào có được nhằm để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.

Nam nay, Hội Thanh minh được tổ chức vào ngày 4/4 (tức ngày 08/03 âm lịch). Lễ hội là điểm hẹn của đông đảo bà con trong vùng. Trẩy hội Thanh minh có các hoạt động vui chơi văn hóa mang đậm nét truyền thống như: Thi rèn dao, văn nghệ và các trò chơi dân gian,… nhiều người tìm đến đây để giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương và cùng trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi được mọi người đưa ra để cùng học hỏi để phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thêm tình đoàn kết.
Hội Thanh minh đã trở thành nét đẹp tâm linh không chỉ của riêng người Nùng An ở xã Phúc Sen mà còn là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Bằng, đang được gìn giữ và phát huy bảo tồn trong cộng đồng.

Hữu Hạnh

Monday, April 10, 2017

Đến lễ hội đình Lục Nà, Bình Liêu, Quảng Ninh xem phụ nữ đánh quay ( Hoàng Thị Lân)

Môn đánh quay nữ trong lễ hội đình Lục Nà thu hút rất đông người đến xem và cổ vũ

- Mùa xuân, ai đó đến với huyện Bình Liêu hãy ghé thăm lễ hội đình Lục Nà ở xã Lục Hồn, một lễ hội mang nhiều nét riêng của người dân vùng cao. Đình Lục Nà là nơi thờ dũng sĩ người dân tộc Tày tên là Hoàng Cần, đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương. Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh và lễ hội đình được phục dựng lại từ năm 2006. Năm 2011, từ nguồn ngân sách của tỉnh, công trình đình Lục Nà đã được đầu tư 8,5 tỷ đồng xây dựng trên diện tích 10.187m2. Từ đó đến nay, nơi đây hàng năm vào mùa xuân đều diễn ra lễ hội đình, cũng là lễ hội lớn nhất của huyện Bình Liêu.
Đến lễ hội đình Lục Nà vào mùa xuân năm nay, ngoài những trò chơi quen thuộc như đẩy gậy, tung còn, kéo co…, người ta thấy có môn đánh quay của phụ nữ, trò chơi lần đầu tiên xuất hiện trong lễ hội. Môn đánh quay (người đồng bằng gọi là đánh gụ) từng một thời là môn chơi độc quyền của giới mày râu. Gụ của trẻ em đồng bằng chỉ nhỏ bằng quả ổi, con quay của bà con dân tộc thiểu số chơi ở lễ hội đình Lục Nà là cả thân cây gỗ nhỏ đường kính khoảng 20cm. Gỗ đẽo quay phải là gỗ cứng, thường là gỗ dẻ, nếu tìm được gỗ gụ thì càng tốt. Con quay được cắt ngang thân cây gỗ, rồi sau đó, người đẽo phải có bàn tay khéo léo để đẽo con quay của mình tròn đều, giúp cho quay xoay tròn được lâu, thậm chí kéo dài đến chục phút.
Luật chơi quay cũng tương tự như luật chơi gụ của trẻ em đồng bằng. Người đánh quay phải dùng lực toàn thân để đánh quay xuống đất, người cùng chơi đánh tiếp theo phải tìm cách chọi trúng vào con quay của đối thủ để khiến nó ngừng quay. Nếu đánh trượt thì phải xét xem con quay của người nào xoay tròn lâu hơn thì người đó sẽ thắng. Trò chơi quay rất phổ biến trong cộng đồng người dân tộc thiểu số các huyện miền Đông của tỉnh ta, nhưng thường là đàn ông chơi. Người chơi quay giỏi thường là người đẽo quay giỏi, họ rất được chị em trong thôn mến mộ vì được coi là người đàn ông khéo léo. Con quay xoay tròn người ta ví như sự xoay vần của cuộc sống và đất trời, nên người đàn ông giữ được con quay quay lâu chứng tỏ là người biết xoay theo thời thế, đảm bảo cuộc sống trong gia đình.
Mấy năm gần đây, môn chơi này lại được nhiều chị em phụ nữ tham gia. Con quay dành cho phái nữ nhỏ hơn của nam, nhưng đội chơi nữ 4 người, đông hơn đội nam 2 người. Hiện nay ở huyện Bình Liêu có 3 đội đánh quay nữ, 1 đội ở thôn Ngàn Vàng Trên (xã Đồng Tâm) và 2 đội ở các thôn Ngàn Pạt và thôn Nậm Tút (xã Lục Hồn). Đây đều là các thôn khó khăn và cách xa trung tâm xã. Chị Trần Thị Hà, thôn Ngàn Pạt cho hay: “Không chỉ riêng ngày lễ hội mà cả ngày thường phụ nữ trong thôn cũng đánh quay. Buổi chiều, khi gặt hái xong, người dân trong thôn hay tụ tập ra bãi đất rộng để đánh quay…”. Chị Trần Thị Làu, thôn Nặm Tút, là người đánh quay trong lễ hội đình Lục Nà cho biết: “Hầu hết phụ nữ trong thôn chúng tôi đều biết chơi. Chị em chúng tôi cũng muốn thể hiện là người khéo léo, không thua kém gì đàn ông trong việc xoay vần để lo cho cuộc sống gia đình”.
Về Bình Liêu, đến lễ hội đình Lục Nà xem phụ nữ đánh quay mới biết, phụ nữ người dân tộc thiểu số hiện nay đã có tư duy tiến bộ hơn nhiều. Họ biết vươn lên để chứng tỏ mình không thua kém đàn ông, trong đó kể cả chuyện vui chơi là đánh quay.

 Hoàng Thị Lân

Sunday, April 9, 2017

Lễ hội Cầu mùa của các dân tộc (Đàm Văn Bình)

Đặc điểm chung Lễ hội cầu mùa ở Lào Cai, đều cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, lúa đầy bồ gà lợn đầy chuồng… Nhưng ở mỗi dân tộc khác nhau trong tỉnh cách thức tổ chức lễ hội rất khác nhau.
Lễ hội Cầu mùa của người Dao Tuyển
Như thông lệ vào ngày tý tháng giêng hằng năm, người dân tộc Dao tuyển thôn Làng My, xã Xuân quang, huyện Bảo Thắng, lại rộn rã tổ chức lễ cầu mùa, cầu cho người yên vật thịnh, mùa màng tốt tươi, lúa đầy bồ gà lợn đầy chuồng…

Lễ hội Cầu mùa là một lễ hội của người Dao Tuyển. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao Tuyển, không cầu kỳ nhưng mang nhiều yếu tố tâm linh sâu sắc của cả cộng đồng.

Trước khi mở hội người già trong bản, phân công là những người có uy tín, người cao tuổi làm bàn thờ cho ngày lễ. Cột bàn thờ được làm bằng bốn cây gỗ, xung quanh đan bằng nan nứa, phía bên trong đặt ba ống bầu to dùng làm bát hương. Ba bát hương đó thể hiện có trời có đất có con người, trong có đặt một ít tiền vàng mã. Dưới gầm bàn thờ là một bó ngọn mía như muốn cho mọi điều ngon ngọt.


Khi vào lễ, bốn người trẻ tuổi ăn mặc chỉnh tề đội lễ từ bốn hướng đi về nơi được chọn làm lễ. Trên mâm lễ là gà luộc, bánh chưng, bánh mật, tiền vàng mã. Trong các mâm lễ người ta quan niệm phải có nam có nữ vì thế nhất thiết là các con gà trên mâm lễ có cả gà trống, gà mái. Thầy mo đọc bài cầu khấn trời đất cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, con cháu học hành thành đạt, nhà nhà no đủ. Cầu mong mọi sự bình yên, giảm đói nghèo.

Tất cả mọi người cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, ném còn. Trong trò chơi ném còn người Dao quan niệm rằng nếu ai ném quả còn qua vòng đầu tiên trong lễ hội là người đó gặp nhiều may mắn trong năm.

Lễ hội Cầu mùa của người Hà Nhì
Đây là lễ hội lớn của bà con dân tộc Hà Nhì Đen ở vùng cao biên giới thuộc huyện Bát Xát thể hiện nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.

Người  Hà Nhì mở hội "Khu rừng già" hay còn gọi là Tết tháng Sáu vào cuối hè khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh lá, cầu mong một vụ mùa bội thu. Bằng các nghi lễ truyền thống người Hà Nhì thể hiện sự tôn kính đối với thần rừng, núi, trời và thần đất.
Chuẩn bị vào hội, ngoài các khoản đóng góp cho việc tổ chức cúng tế, mỗi gia đình cử một người lên núi cắt năm bó cỏ gianh đem về lợp lại mái lán tế thần “Á gơ lạ só”. Trâu tế thần là con vật không thể thiếu, đó là một con đực to, màu đen tuyền, không có bất cứ đốm trắng nào trên mình.

Vào ngày Tỵ, người dân Hà Nhì tổ chức mổ trâu dâng cúng các vị thần. Trâu cúng được dắt ra và buộc vào cột đu “A quý”. Khi thầy cúng làm xong nghi lễ tế thần, các thanh niên khỏe mạnh lấy dây da buộc chặt bốn chân của trâu, giật nó ngã vật ra. Thầy cúng sẽ lấy một nắm cỏ gianh xoa và buộc vào mõm con vật này khỏi kêu. Người Hà Nhì quan niệm, nếu trâu mà kêu thì năm ấy sẽ mất mùa. Người được chọn chôn cột đu “A quý” sẽ là người có nhiệm vụ chọc tiết trâu tế thần. Thanh niên trong làng tiến hành mổ trâu lấy thịt chia đều cho các gia đình mang về làm mâm cúng tổ tiên.

Sang ngày Ngọ, đồng bào bắt đầu tổ chức cúng lễ và mở hội vui chơi vào chập choạng tối. Người Hà Nhì cho rằng, làm như thế thì các thần gió, đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh. Từ sáng sớm, tiếng chày giã bánh dầy của những người phụ nữ Hà Nhì đã rộn rã khắp làng bản.

Gạo làm bánh thường là gạo nếp thơm do chính gia đình tự trồng cấy được trong năm. Sau khi ngâm nước khoảng hai, ba giờ. Gạo được cho vào chõ đồ chín và mang vào cối giã của thôn. Khi xôi nếp được giã nhuyễn, những người phụ nữ Hà Nhì sẽ cùng nặn bánh dầy theo các dạng mỏng, tròn rồi lấy lá chuối ốp vào hai mặt cho mịn đều.

Mâm cúng của các gia đình Hà Nhì thường là một bát ruợu nếp, thịt trâu, chè gừng và  một cặp bánh dầy… Những gia đình mang mâm ra cúng tại lán tế thần “Á gơ lạ só” đều là những gia đình không gặp điều rủi ro trong năm.

Phần lễ do hai thầy cúng chính và phụ đảm nhận trước các mâm cơm “hà chì” truyền thống và thường cúng trước chân cột đu “A quý”. Người Hà Nhì không đọc bài cúng như một số dân tộc khác mà thể hiện bằng các động tác quỳ gối biểu hiện sự gửi gắm ước mơ của họ. Sau khi các thầy làm lễ cầu xin các thần phù hộ cho dân làng, lần lượt các gia đình quỳ lạy ba lần trước bàn thờ sau đó mâm cúng được hạ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại lán tế thần.

Đến phần hội, thầy cúng chính là người khai mạc. Sau khi thầy đu ba vòng ở đu dây và bập bênh sau đó các thành viên khác mới được chơi. Khi những người khác tham gia vào trò chơi bập bênh, thầy cúng cầm các hạt cơm và đậu tương tung vào nơi mọi người đang vui chơi với mong muốn cầu chúc cho mùa màng tươi tốt bội thu.

Trong phần hội không thể thiếu được các điệu múa truyền thống của người Hà Nhì. Múa gọi lúa “A đù lu chế’ là điệu múa cầu mùa nhằm mong hồn mẹ lúa về với bản làng để mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nương. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi dân gian như đu dây, bập bênh, hát giao duyên, múa sư tử, thổi khèn lá, thể hiện những nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.
Lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Tày được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm, tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.

Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi lễ dâng cúng của các thôn bản trong xã cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, người dân được ấm no hạnh phúc.

Phần hội được tổ chức độc đáo với màn đại dậm thuông của hàng trăm nghệ nhân và diễn viên quần chúng thực hiện. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian truyền thống như ném pao, ném còn, đá cầu... thu hút được đông đảo du khách và người dân tham dự.

Tuy đây là lễ hội cầu mùa của dân tộc Tày nhưng điều đặc biệt là trong phần lễ có cung kèn của dân tộc Dao và phần hội có nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc khác trong vùng, thể hiện sự đoàn kết giữ các dân tộc.
Đàm Văn Bình

Friday, April 7, 2017

Nét văn hóa giàu bản sắc về trưởng họ của các dân tộc tại Cao Bằng (Hứa Ban Mai)

Bàn thờ gia đình ông Lý Văn Nguyên, xóm Gảm Tẹn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình) là trưởng họ Lý người Dao Tiền tại đây có chiếc trống con và thờ tranh ma khác với gia đình không phải trưởng họ.

Trong những chuyến đi công tác đến các các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được tiếp xúc với cộng đồng người dân tộc: Tày, Nùng, Dao Tiền, Sán Chỉ... vốn có nền văn hóa độc đáo, đa dạng qua các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, lễ cấp sắc, hát dân ca, trang phục truyền thống... Trong đó, trưởng họ và vai trò trưởng họ của các dân tộc là một nét văn hóa giàu bản sắc mang đặc trưng riêng độc đáo của mỗi dân tộc.

Theo quan niệm chung của người Việt Nam dòng tộc là cộng đồng những người có chung một ông tổ, cùng mang một họ về phía người cha. Đứng đầu một dòng họ có trưởng họ tức là người con trai thứ nhất của chi thứ nhất hay còn gọi là chi trưởng, ngành trưởng. Người làm trưởng họ phải có phẩm chất, có tư cách đạo đức, được mọi người trong dòng họ tin tưởng, tín nhiệm. Nếu người đó hội đủ các yếu tố: Tâm (hiếu lễ, hòa kính, trách nhiệm…), tài (khả năng tài chính đủ ăn, đủ chi), trí (hiểu biết về xã hội, lệ tục, có trình độ, có vị thế trong xã hội, biết sắp xếp công việc), thể (có sức khỏe, xốc vác, minh mẫn) thì xứng đáng là ngọn cờ tập hợp toàn gia. Kéo theo đó, vai trò của dâu trưởng lại càng quan trọng ở tính nhẫn, hiếu, lễ. Nếu hội đủ hay đáp ứng phần nào những phẩm chất trên mà thực sự có tâm thì có vai trò, ảnh hưởng trong dòng họ và khi đó thì gia đình đó hay chi, phái đó hoặc toàn gia tộc sẽ vững vàng đi vào hưng thịnh. Cùng chung tiến trình lịch sử phát triển nên cộng đồng các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ... tại Cao Bằng cũng quan niệm dòng họ là một điều thiêng liêng, trong đó, vai trò của trưởng họ rất quan trọng. Tuy nhiên, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau nên trong cách quy định, nghi thức, vai trò của người trưởng họ của mỗi dân tộc lại có những nét đặc trưng riêng.
Trưởng họ của cộng đồng người dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh có nhiều nét tương đồng với người dân tộc Kinh mang tính chất cha truyền con nối. Trường hợp trưởng họ không có con trai thì truyền lại trong nội bộ chi trưởng, không truyền lại cho các chi dưới. Họ lớn có trưởng họ lớn, các chi có trưởng chi. Tức là người con trai thứ nhất của chi thứ nhất hay còn gọi là chi trưởng, ngành trưởng. Trưởng họ có quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng, có trách nhiệm trông nom bàn thờ họ, tổ chức các kì cúng lễ, chủ trì các nghi lễ trong dòng họ. Ngày trước, họ nào cũng có ruộng hương hoả và tự điền thêm cho người trưởng họ. Những dịp tế lễ, tết... trưởng họ dù còn trẻ tuổi vẫn là chủ tế, nếu còn nhỏ quá thì một trưởng lão trong họ có thể đứng bên cạnh nhắc nhở, hướng dẫn.
Với người dân tộc Nùng nói chung và tại xã Phúc Sen (Quảng Uyên) nói riêng, trong dòng họ lại không trưởng họ cụ thể trong một gia đình thuộc chi trưởng như người dân tộc Tày. Lý giải về vấn đề này, ông Sạch Văn Vấn, dân tộc Nùng, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) cho biết: Truyền thống bao đời nay của người dân tộc Nùng tại đây ai thấy “mặt trời” trước sẽ được gọi là anh/chị không phân biệt con anh hay con em. Như trong gia đình tôi, tôi là anh nhưng con trai/gái của em trai tôi được sinh ra trước con tôi thì con của em tôi lại được con tôi gọi là anh/chị. Nên trải qua các thế hệ việc xác định rõ ngôi thứ trong họ không như người dân tộc Kinh, Tày và các dân tộc khác nên trong họ người Nùng tại đây không có một trưởng họ cụ thể. Nhưng khi trong họ có việc hiếu, hỷ, cúng lễ thì người có phẩm chất tốt, gia đình hòa thuận, được cả họ tín nhiệm sẽ đảm nhận mọi việc như một trưởng họ. Mọi quyết định được bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc trưởng lão.

Nếu trưởng họ của các dân tộc: Kinh, Tày, Dao Tiền kể trên có tính chất cha truyền con nối qua các thế hệ thì với người dân tộc Sán Chỉ tại xã Thượng Hà (Bảo Lạc) lại có nét riêng biệt. Trưởng họ của người dân tộc Sán Chỉ được các gia đình trong dòng họ hằng năm xem xét và bầu lên căn cứ vào uy tín trong cộng đồng, biết cúng lễ, thông thạo phong tục, gia đình mẫu mực. Hằng năm, thường vào dịp Tết Nguyên đán khi các gia đình tập trung đến nhà trưởng họ năm đó thì cũng là lúc bàn bạc, thống nhất bầu người sẽ làm trưởng họ cho năm kế tiếp. Truyền thống lâu đời này đã được lưu giữ qua các thế hệ cho đến nay.

Điểm qua một số dân tộc trên địa bàn tỉnh với nét văn hóa mang tính đặc trưng riêng của từng dân tộc về trưởng họ và vai trò của trưởng họ để thấy rằng việc họ thời nào cũng quan trọng, nó bao gồm nhiều phần việc khác nhau mà quan trọng là: Giỗ tổ; soạn, ghi chép gia phả, chắp nối họ mạc… là việc làm tự nguyện, công tâm hướng về cội nguồn và là trách nhiệm chung. Mọi quyết định cần bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc trưởng lão, cần có những quy ước mới về cúng giỗ cho thích hợp. Khi đó, người trưởng họ chỉ cần giữ vai trò cố vấn và quyết định những vấn đề thuộc về việc họ còn mọi việc khác tôn trọng tự do của các thành viên.
Dòng họ nào mạnh hay yếu, thành đạt hay suy vi, tình cảm họ hàng gắn bó hay không, tác động tốt xấu tới phong trào chung, còn tuỳ thuộc vào nhiệt tình, khả năng tổ chức lãnh đạo của một số cá nhân, trong đó, trưởng họ đóng vai trò chủ chốt. Trưởng họ nào biết tận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn họ, biết khơi dậy những thế mạnh chắc mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ. Do đó, việc giữ gìn và phát huy truyền thống gia tộc, trong đó, vai trò trưởng họ của mỗi dân tộc là giữ lấy cho con cháu đời sau một mảng văn hóa độc đáo gắn liền với đạo hiếu.
Hứa Ban Mai

Thursday, April 6, 2017

LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC NÙNG KHU VỰC HUỴÊN QUẢNG UYÊN, CAO BẰNG (Nông Gia Cát)

Thiếu nữ Nùng trong sắc áo chàm truyền thống.

Người Nùng còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu cho vùng nông thôn thuần túy...
Nhân dân các dân tộc thiểu số Cao Bằng có 8 dân tộc chủ yếu, mỗi một dân tộc đều có nhiều giá trị văn hóa nghề truyền thống riêng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày tại địa phương. Người Tày có nghề dệt thổ cẩm, người Dao có nghề làm giấy dó, chạm bạc; người Mông có nghề dệt Lanh...
Nói đến khu vực làng nghề truyền thống của Người Nùng là nhắc đến nghề làm ngói máng, nghề đan lát, nghề làm hương, giấy bản, nhuộm vải chàm, rèn nông cụ...

Du khách tham quan làng rèn Pác Rằng

Khu vực tập trung đại diện cho vùng làng nghề chủ yếu tại các xã Phúc Sen, Tự Do, Đoài Côn, Quốc Dân...của huyện Quảng Uyên. Các làng nghề này được chia theo từng cụm làng, phân chia theo từng loại sản phẩm để sản xuất phục vụ dân sinh như: Nghề làm ngói máng tại xã Tự Do, nghề đan lát xã Đoàn Côn; nghề làm hương tại xã Quốc Dân.  Điển hình nhất là các xóm của xã Phúc Sen dường như có lệ làng,  họ quy ước với nhau mỗi khu vực làng đều phân chia thành cụm sản xuất nông cụ như làng rèn dao quoắm, dao thái, dao chặt; làng sản xuất búa, làng rèn liềm...

Trải nghiệm nghề rèn cùng người dân địa phương.


Sản phẩm Hương và Ngói máng đất của người Nùng

Giá trị văn hóa truyền thống của người Nùng tại khu vực nêu trên không chỉ có nghề truyền thống, hiện nay người Nùng còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu cho vùng nông thôn thuần túy nông nghiệp, thể hiện ở chỗ chọn họ biết chọn những khu vực sinh sống có phong cảnh yên bình, quần tụ thành tập thể, tuyên truyền, vận động cùng nhau giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống lâu đời hoặc hỗ trợ nhau xây dựng lại những ngôi nhà sàn mang dáng dấp truyền thống của người xưa. Nếu có dịp đến với khu vực sinh sống của người Nùng, du khách sẽ có dịp ngắm nhìn những cô gái dân tộc Nùng trong trang phục dân tộc truyền thống mà tự tay họ nhuộm, tham gia trải nghiệm cùng với bà con dân tộc sản xuất dụng cụ nông nghiệp, lao động nông nghiệp... để rồi đêm đến cùng sinh hoạt văn hóa ẩm thực với những món ăn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của vùng quê; cùng thưởng thức và hòa mình vào các làn điệu dân ca, dân vũ của người Nùng An nơi đây.

          Để đến được với vùng đất truyền thống văn hóa làng nghề mang đậm giá trị truyền thống nhân văn của vùng quê đặc trưng cho dân tộc thiểu số Nùng An, huyện Quảng Uyên. Du khách có thể bắt taxi, đi xe buýt hoặc đi xe máy trải nghiệm theo quốc lộ 3 khoảng 30km về hướng Đông. Các xã có làng nghề truyền thống nằm trên trục đường đến tham quan khu du lịch sinh thái Thác Bản Giốc, Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng và gần khu du lịch sinh thái Hồ Thăng Hen. Cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người thân thiện kết hợp với vốn văn hóa truyền thống tiêu biểu còn được lưu giữ khá nhiều chắc chắn sẽ đem lại cho du khách những cảm giác mới lạ, phù hợp với khách du lịch đi Phượt, dã ngoại, khám phá...
 Nông Gia Cát

Về Trùng Khánh tham dự lễ hội truyền thống Co Sầu, Cao Bằng (Xuân Thái)


Ngày 15/2, tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng đã diễn ra hội truyền thống dân gian Co Sầu (tên thường gọi của Trùng Khánh xưa) thu hút đông đảo nhân dân.
Hát Then tại hội dân gian truyền thống Co Sầu.

Hội Co Sầu là một trong những hội mang nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào các dân tộc tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Lễ hội phố Co Sầu có lịch sử từ xa xưa, thường được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm. Là nơi hội tụ văn hóa tâm linh cùng những giá trị lịch sử, góp phần tạo nên giá trị đặc sắc riêng về văn hóa của huyện Trùng Khánh.
Tương truyền rằng Co Sầu xưa (Trùng Khánh nay) là một vùng đất tập trung đông người, nền kinh tế phát triển “Co Sầu Thượng Lang, đa hào phong phú”, văn hóa đa dạng. Đây cũng là nơi hội tụ các vùng miền qua lại trao đổi hàng hóa, hơi hẹn hò của tình yêu lứa đôi.
Do chợ phiên thường họp 5 ngày một lần nên nhiều người ở xa phải đi chợ để buôn bán, hẹn hò từ chiều hôm trước. Từ đó, nhiều người rủ nhau góp tiền mua thực phẩm để “hắt co kin sầu” (nghĩa là góp cỗ ăn cơm chiều).
Đêm trước chợ phiên, để cho việc mua bán được đắt hàng, thuận lợi, mọi người cùng nhau ngồi lại để hát sli, hát lượn, đối đáp và dần dần tạo thành thói quen tiền lệ khi đến chợ. Sau này, dần dần phố xá phát triển, nơi đây đã trở thành khu phố Co Sầu, nằm giữa Trung tâm huyện Trùng Khánh sầm uất.


Hội Co Sầu diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, đề cao tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ sáng 14/2 (âm lịch), các gia đình tại Thị trấn Trùng Khánh và vùng lân cận đã nô nức chuẩn bị sắm sửa đồ, lễ vật để cúng dân và đón tiếp khách thập phương về dự lễ, hội. Mỗi gia đình đều đặt trước cửa nhà một chiếc ghế đẩu vuông và mâm lễ gồm gà thiến, rượu, một ống đựng thóc, ngô để thắp hương.
Trong ngày chính thức diễn ra lễ hội, các cụ ông, cụ bà và đông đảo nhân dân đã tập trung lại, xếp hàng đi theo đoàn kiệu rước một cách trang nghiêm, cung kính.
Lễ rước được bà con chuẩn bị bao gồm một con lợn quay, mâm xôi, mâm hoa quả, mâm bánh khảo. Kèm theo đó là tiếng nhạc, trống của các thầy tào, tiếc sắc sô của bà bụt. Chủ nhang thắp hương đến lễ tại đền thờ Thần Nông, đền Đức Thánh Trần và đền Quan Thánh.


Nam thanh nữ tú tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng tham gia lễ hội dân gian độc đáo.
Người được chọn làm chủ tế là người cao tuổi, có uy tín trong vùng. Đặc biệt, để được chọn làm chủ lễ, phải có gia đình hòa thuận, con cháu hiếu thảo, làm ăn giỏi giang...
Chủ lễ sẽ cầu mong cho phố chợ bình yên, cầu mong cho mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, già mạnh khỏe, trẻ dẻo dai, của đồng làm ra của nhà làm nên.
Ngoài ra, đi cùng đoàn còn có đội múa lân, múa rồng diễu hành qua khu phố. Khi đoàn đi qua đều được các gia đình đón chào nồng nhiệt và trao cho bao lì xì đỏ để thể hiện sự may mắn, bình an cả năm.

Ảnh: Page Phong cảnh và con người Cao Bằng

Hội Co Sầu còn là dịp để du khách giao lưu văn hóa, ẩm thực của vùng đất biên cương, nơi có ngọn thác Bản Giốc hùng vĩ.
Trong khuôn khổ hội Co Sầu, còn diễn ra các hoạt động đặc sắc như múa rồng và tranh đầu pháo, biểu diễn võ thuật dân tộc ở sân ao Phia Phủ, hát giao duyên, hát dân ca tày nùng như lượn, hát then, tung còn…


Phố "Co Sầu" ở Trung tâm Thị trấn Trùng Khánh, nằm dưới chân ngọn núi Phia Phủ (núi võ), tại đây có rất nhiều hang động, tương truyền là nơi luyện võ của thanh niên, trai tráng huyện Trùng Khánh.
Giặc "Cờ Vàng" do Ngô Côn, Hoàng Sùng Anh, Diệp Tài cầm đầu bất ngờ nổi lên cướp phá ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang... Năm 1868, Ngô Côn cho quân đánh chiếm thành Cao Bằng, trong đó có khu vực Trùng Khánh.


Lễ rước độc đáo tại hội truyền thống Co Sầu.
Các võ sĩ Phia Phủ anh dũng chống lại giặc cướp "cờ vàng" trả lại thanh bình cho phố chợ và vùng thượng lang. Để ca ngợi công lao của các anh hùng hảo hán một thời, nhân dân đã lập nên miếu thờ thần núi Phia Phủ có tên gọi Miếu Phú Sơn. Trên thành miếu có khắc chữ: "Quan sơn vệ dân" ca ngợi các anh hùng hảo hán ngày xưa.
Vào một đêm nọ, có một quả cầu lửa to bay qua phố "Co Sầu", rơi xuống trước cửa miếu Phú Sơn đúng vào dịp các võ sĩ đi dẹp giặc cướp chiến thắng trở về, dân chúng cho rằng miếu linh thiêng nên mọi người góp công, góp của và nâng cấp miếu Phú Sơn thành đền Phú Sơn. Sau đó, đưa quan Vân Trường, Bách Linh, Phật bà Quan Âm vào thờ từ đó. Nhân dân Thị trấn một số vẫn gọi là đền Phú Sơn, một số gọi là Đền Quan Thánh cho đến ngày nay.
Xuân Thái

Hội xuân chặt mía cầu may (Nông Minh Hằng)


Xuân đến trên khắp các bản làng dân tộc vùng cao tỉnh Hà Giang thì cũng là lúc các lễ hội văn hóa được đồng loạt diễn ra, trong số đó có một trò chơi vừa độc đáo lạ lẫm nhưng cũng vừa gần gũi không kém, thu hút đến hàng trăm người thử sức chính là trò chặt mía.
Trò chặt mía luôn thu hút được người chơi mỗi dịp xuân về trên khắp mảnh đất Hà Giang

Những cây mía được người tham gia dùng dao cắt làm hai phần, phải cắt làm sao cho hai phần bằng nhau là thắng.
Trò chơi có luật lệ rất đơn giản. Người chủ trì cuộc chơi sẽ dựng cây mía cao lên tầm 4m, còn công việc của người chơi chỉ cần … ngắm và cắt cho chuẩn.
Tưởng là dễ mà cũng không hẳn, ấy là khi có những người cầm dao rồi ngắm đến 10 phút vẫn phải lắc đầu bỏ cuộc vì không dám chắc vào suy đoán của bản thân mình.


Những cây mía cao lêu khêu khẳng khiu, đốt không đều và còn cả lá ngọn là những thách thức không hề nhỏ cho người chơi.
Những người chơi tự tin sau khi ngắm kỹ sẽ dùng dao chém đứt đôi cây mía. Còn những người chủ trì cuộc thi ngay trong lúc cây mía còn nằm ngang sẽ nhanh tay dấu ngọn để người chặt không có thời gian ước lượng độ dài nữa. Khó khăn ở đây chính là các phần của cây mía phải gần bằng nhau nhất, chênh lệch ít nhất chỉ được khoảng ngang 2 ngón tay (tức 3cm)
Rất nhiều người tập chung đến xem, tham gia vào cuộc chơi.


Xếp dưới nhứng viên đá nhỏ là tiền độ mía, có khi lên đến vài trăm ngàn.
Từ những trò chơi như vậy mà mỗi mùa xuân đến là hàng trăm cây mía được bán đi. Trong tín ngưỡng, người H’mông còn cho rằng người cắt mía thắng sẽ luôn được may mắn trong cả một năm đó.

 Nông Minh Hằng