Thầy cúng và đoàn trai gái đi ra bến nước chuẩn bị làm lễ cúng
Từ xa xưa, người dân tộc Ê Đê đã coi trọng nguồn nước. Nước được coi là tài sản, là nguồn sống duy nhất của cộng đồng. Theo phong tục của người Ê Đê, trước đây muốn lập một buôn làng mới, chủ buôn (người phụ nữ đại diện cho quyền lực mẫu hệ của cộng đồng) cùng những anh hoặc em trai của mình (gọi là dăm dei), làm lễ xin tổ tiên ông bà và các vị thần linh của núi rừng để tìm bến nước mới. Người tìm ra bến nước được mọi người trong cộng đồng gọi là chủ bến nước (pô pin êa). Chủ bến nước còn là chủ đất, rừng, chủ buôn.
Hằng năm sau mùa rẫy, chủ bến nước tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn các vị thần linh, tạ ơn thần nước (yang êa) đã giúp dân làng có nguồn nước sạch và dồi dào để dân làng có cuộc sống ấm no. Đồng thời cũng cầu mong các vị thần linh giúp buôn làng mùa rẫy mới nguồn nước vô tận, mùa màng phát đạt.
Lễ cúng của người Ê Đê có thầy cúng và chủ lễ, chủ lễ thường là chủ bến nước hoặc dăm dei. Thầy cúng (trong tiếng Ê Đê gọi là pô riu yang) có vai trò quan trọng: đọc lời cầu khấn, xắp xếp lễ vật hiến thần, dẫn đầu đoàn người đến nơi cần cúng, hướng dẫn mọi người trong gia đình mẫu hệ làm đúng các nghi thức tổ chức lễ cúng. Thầy cúng là người thuộc các bài cúng giàng và nói hộ những nguyện vọng của chủ nhà với thần linh. Trong lễ cúng bến nước, thầy cúng có bộ trang phục nghi lễ riêng, thường mặc chiếc áo dài hoa đỏ, quấn khố mầu đen và chít khăn màu đỏ.
Lễ cúng bến nước của người dân tộc Ê Đê được thực hiện theo các trình tự. Ngày thứ nhất, một nhóm sửa lại đường lên xuống bến nước, cầu tắm giặt, vệ sinh bến nước, thay lại máng nước mới. Ngày thứ hai: Sáng sớm chủ bến nước sai con cháu làm ba con heo (một con cúng tổ tiên ông bà, một con cúng thần bến nước, một con cúng sức khỏe cho chủ bến nước); đồng thời buộc bảy ché rượu tại gian nhà gar (gian khách của nhà dài) để làm lễ cúng các vị thần linh. Sau đó mọi người mang lễ vật gồm một đầu heo, hai chân giò heo, một đuôi heo, ba bát thịt heo băm nhỏ, một bầu rượu có pha tiết heo; dàn chiêng đánh bài “gọi yàng”, mời thần linh, ông bà về dự lễ cúng bến nước. Đoàn người đi ra bến nước để làm lễ cúng gồm thầy cúng, chủ bến nước, hai người cầm khiên, đao, ba người mang lễ vật. Đến bến nước thầy cúng đặt lễ cúng ở nơi bằng phẳng gần bến nước. Sau đó thầy cúng đặt lời khấn thần linh. Khấn xong thầy cúng cầm bình rượu có pha tiết heo đổ vào các máng nước đang chảy, coi mỗi máng nước là một vị thần giữ nước. Sau đó thầy cúng lại cúng các bến nước, cúng máng nước tại các khu vực: Nơi lấy nước sinh hoạt của buôn làng, nơi tắm của phụ nữ, nơi tắm của nam giới, rồi cúng tiếp gốc cây đa, cổng bến nước, gửi gắm vào thần cây để gìn giữ nguồn nước sạch, giữ khu rừng già xanh tốt mãi mãi để nguồn nước buôn làng không bao giờ ngừng chảy. Sau khi cúng xong tại bến nước, đoàn người sẽ trở về nhà chủ bến nước làm lễ cúng thần đất. Cúng xong, mọi người lên nhà dài làm lễ cúng sức khỏe cho chủ bến nước, mọi người trong buôn. Kết thúc lễ cúng mọi người sẽ cùng ăn uống, hát dân ca, thổi nhạc cụ truyền thống… cho đến khuya mới chịu ra về.
Sau khi nghi thức cúng, chàng trai và cô gái dân tộc sẽ cùng tham gia lễ hội té nước và tắm nhằm cầu mong điều tốt lành
Lễ cúng bến nước ngoài ý nghĩa tâm linh còn có ý nghĩa giáo dục mọi người trong buôn có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước.
Lễ cúng và các nét văn hóa dân tộc người Ê Đê đã được tái hiện bởi học sinh, sinh viên trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Đác Lắc và các nghệ nhân thành phố Buôn Ma Thuột tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Nhật Quang (sưu tầm)