Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Lào
Showing posts with label ₪ Dân tộc Lào. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Lào. Show all posts

Thursday, September 1, 2016

Thạt Luổng – Ngôi tháp tâm linh của dân tộc Lào (Thúy Đội)

Thạt Luổng là tên một ngôi tháp lớn của nước Lan Xạng([1]). Thạt Luổng tiếng Lào có nghĩa là tháp lớn, được xây dựng trong một thời kì lịch sử đáng ghi nhớ của đất nước Lan Xạng, thời kì của Xệt Tha Thi Lạt.

Xệt Tha Thi Lạt là vị vua trẻ tuổi tài ba. Tổ tiên của Nhà vua theo truyền thuyết là Pha Ngừm đã lập nên quốc gia Lan Xạng. Con cháu Pha Ngừm nối tiếp nhau trị vì đất nước này. Cha của Xệt Tha là hậu duệ đời thứ tám của Pha Ngừm, được thừa kế ngôi vua bên vợ là vua nước Lan Na([2]). Sau này, ngôi vua hai nước([3]) được truyền lại cho Xệt Tha Thi Lạt.

Việc cáng đáng một lúc hai ngôi vua đã gây nhiều khó khăn cho nhà vua trẻ. Do những tranh chấp về quyền lực mà một số người trong phe Cựu hoàng đã kết thân với Miến Điện để mượn tay nước này tôn phò nữ hoàng Chi Ra Pa Pha - dì ruột của vua Xệt Tha Thi Lạt - lên ngôi. Cũng từ đó, quân Miến Điện không ngừng tấn công xâm phạm lãnh thổ Lan Na và Lan Xạng. Quốc vương Xệt Tha Thi Lạt đã lãnh đạo nhân dân chiến đấu kiên cường và đánh bại âm mưu chinh phục của quân Miến.

Năm 1563, sau khi giành được một loạt chiến thắng quân sự, tranh thủ những điều kiện hòa bình và không khí phấn khởi trong nhân dân, vua Xệt Tha Thi Lạt đã tiến hành công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với việc dời đô từ Luang Phabang về Viêng Chăn, một loạt công trình kiến trúc lớn và đẹp nhất đã được xây dựng, trong đó có Thạt Luổng.

Thạt Luổng được xây dựng năm 1566, trên một ngôi chùa cũ cách Viêng Chăn chừng hai cây số. Đây là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào với diện tích đáy là 90 x 90m, cao 45m. Khối trung tâm có đế là một đài sen hình vuông với những cánh vàng nở tung ra bốn phía. Trên đài sen là một bệ cao, cũng xây theo hình vuông và cấu trúc theo dạng tầng lớp, lớp dưới là những nấc vuông, càng lên cao càng nhỏ lại rồi phình ra thành một gờ nổi lớn làm thành giá tựa cho khối hình quả bầu thon thả phía trên. Miệng quả bầu đỡ một tháp nhỏ, có đỉnh nhọn vút lên nền trời xanh thẳm. Toàn bộ khối trung tâm nhuộm một màu vàng rực rỡ. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia khối này được lợp bằng vàng lá.

Khối đinh được dựng trên một nền cao to, có bốn mặt cong như hình bản cầu, bề mặt trơn láng, phủ một màu trắng xóa. Bao quanh khối cong đó là 30 ngọn thạt nhỏ màu vàng có hình dáng tương tự như khối đỉnh bên trên. Những thạt nhỏ này được đặt trên một bệ hình chóp cụt màu trắng, bốn thạt ở bốn góc cao hơn so với thạt bên cạnh. Trên mặt các thạt nhỏ có ghi những câu Balamật (paramita)([4]) bằng tiếng Thăm Pali.

Xung quanh các thạt nhỏ là hồi lang vuông, có lan can cao ở phía ngoài. Trên dãy lan can có 228 hình lá nhọn, giữa mỗi lá có một khám nhỏ, trong đặt một tượng Phật đứng. Mỗi mặt lan can có trổ một ô cửa hình cánh cung, trên vòm có trang trí hình tháp nhọn. Ở bốn góc của lan can cũng có 4 tháp nhọn và cao.

Hồi lang tiếp theo cũng được trang trí tương tự, nhưng trên bốn trục chính còn có bốn ngôi đền với dãy tam cấp được trang trí hình thủy quái Macara và rắn Naga.

Toàn bộ ngôi tháp được ngăn cách với không gian xung quanh bằng một dãy hồi lang vuông lớn như cái sân, có tường cao bao bọc và có bốn cổng. Những tường hồi lang của Thạt Luổng đều được tô màu xám. Thạt Luổng là mô hình tháp Phật giáo có nguồn gốc ở Ấn Độ, là hình ảnh tượng trưng cho núi vũ trụ Meru, mà đỉnh trung tâm chính là đỉnh thần sơn Meru([5]). Các tháp nhỏ bao quanh là các vòng núi, những bậc tam cấp có hình thủy quái là đại dương. Đây cũng là hình ảnh của cõi niết bàn mà các nhà sư của Phật giáo tiểu thừa mường tượng ra khi thiền định. Phật giáo tiểu thừa quan niệm rằng niết bàn là nơi giải thoát con người khỏi ba loại khổ gắn liền với ba giới là: dục giới, sắc giới và vô sắc giới, nhằm đạt đến trạng thái vô tướng (anamitta) và siêu thế giới. Ba vòng hồi lang của Thạt Luổng là hình ảnh của tam giới và khối trung tâm chính là siêu thế giới.

Cấu trúc mô hình của Thạt Luổng kết hợp với tỉ lệ phân bố hài hòa giữa những đường nét và màu sắc tạo cho ngôi tháp này có một sắc thái kiến trúc riêng của Lào khá đặc biệt ở vùng Đông Nam Á. Hình dáng cao vút như mũi tên của đỉnh Thạt Luổng không làm cho nó tách rời mà lại hòa nhập vào khối trung tâm như một thể hoàn chỉnh, mặc dù nó gợi cho người xem phảng phất hình bóng của các tháp Thái Lan thời Ayuthai ở các thế kỉ XV - XVIII. Khối thân hình bán cầu của tháp thạt trông có vẻ quy mô, bề thế giống như tháp Sanchi của Ấn Độ, nhưng cái khối lớn lao ấy lại được bao bọc bởi ánh hào quang của một vòng tháp vàng rực rỡ, làm cho nó giống như cái nhụy nổi của một đóa hoa thần tiên kì lạ. Cuối cùng là chân tháp với những vòng hồi lang liên tiếp và các tháp nhỏ xung quanh nhác trông như hình kim tự tháp nhiều bậc thường thấy ở các tháp Miến Điện, nhưng các hồi lang của Thạt Luổng có vẻ rộng rãi, phóng khoáng hơn. Tất cả các hình thể ấy càng trở nên sinh động hơn, ấn tượng hơn bởi các sắc màu phủ lên chúng: màu vàng chói chang như nắng, hừng hực như lửa của vòng thạt nhỏ bao quanh, màu trắng xóa như tuyết của khối bệ bên dưới và màu xám thâm trầm, uy nghiêm của các nền tường hồi lang, đã làm cho Thạt Luổng thật uy nghi, gợi cảm và thanh nhã.

Thạt Luổng được đánh giá như một công trình văn hóa mang tính tôn giáo sâu sắc, biểu tượng cho trí tuệ và óc sáng tạo của nhân dân Lào. Hàng năm, cứ vào tuần trăng tròn của tháng mười một dương lịch, hội Thạt Luổng được tổ chức và kéo dài suốt ba đêm với những nghi lễ long trọng: mở đầu là Lễ tắm Phật, Lễ dâng cơm, Lễ cầu phúc, giảng kinh… cuối cùng là Lễ rước nến. Trai gái, già trẻ thắp nến dâng hoa quanh Thạt, họ cầu xin Phật Trời ban cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong tâm linh của mỗi người dần Lào lúc nào cũng sáng bừng lên ngọn lửa vàng cuồng nhiệt dân lào vẫn nhớ đến hình ảnh đẹp đẽ của Xệt Tha Thi Lạt -  người anh hùng đã mở ra những ý tưởng để Thạt Luổng trở thành hiện thân của dân tộc Lào.

Thúy Đội (sưu tầm)

Nà Luông - bản dân tộc Lào xinh đẹp ở Lai Châu (Thảo Ngân)

Cách trung tâm khoảng 7 km về phía Đông, bạn có thể dễ dàng tìm thấy bản Nà Luông xinh đẹp nằm bên trái với dòng sông Nậm Mu yên ả uốn quanh.


Từ quốc lộ đi vào, nhìn sang bên phải, du khách sẽ thấy bản Nà Luông yên bình giữa mây trời sông nước hùng vĩ

Sống chủ yếu bằng cánh đồng lúa bát ngát, dòng sông Nậm Mu và nghề dệt, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn rất khó khăn

Qua cầu là đã đến địa phận bản Nà Luông, bản dân tộc Lào duy nhất với những đặc trưng văn hoá không hề bị pha tạp ở việt Nam

Một buổi chiều cuối tuần ở nhà văn hoá bản. Hàng tuần cán bộ bản đều tổ chức các cuộc họp thế này để trưng cầu dân ý và tìm cách cải thiện cuộc sống của người dân

Con sông Nậm Mu - 1 trong những nguồn sống của người dân, Nậm Mu đã góp phần giúp cuộc sống của bản Nà Luông được như ngày hôm nay

Người dân nơi đây tích trữ khá nhiều củi để đun nấu và để sưởi ấm trong mùa đông, vì mùa đông tại đây khá lạnh


Hầu hết các nhà đều được thiết kế để tích trữ cũi cho mùa đông tiếp theo


Cách bản Nà Luông koảng 3km, có 1 lò gạch. Đây có lẽ là nơi "công nghệ" nhất xunh quanh bản. Lò gạch cũng là 1 trong những nơi giúp người dân có thêm thu nhập những ngày chuyển giao mùa vụ

Bài và ảnh : Thảo Ngân

Lễ hội cầu mưa của dân tộc Lào (Hoàng Như Hiển)

"Lễ hội "cầu mưa của bản Na Sang, xã Núa Ngam huyện Điện Biên.
Dân tộc Lào sống dọc các con suối lớn, đời sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất lúa ruộng và chăn nuôi, nên khô hanh, hạn hán là một trong những nỗi lo của họ về mùa màng thất bại, ảnh hưởng đời sống cả cộng đồng. Tiết tháng ba vùng Tây Bắc khắc nghiệt. Đó là những tháng cao điểm của mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, khô hanh kéo dài. Nước từ các con suối, hồ chứa cạn dưới mức bình thường. Thời điểm này lại có gió phơn (gió Lào) mang hơi nóng như rang phả vào mặt, làm táp lá lúa và làm tăng quá trình bốc hơi nước từ các hồ ao, nơi dự trữ nguồn nước tưới. Đây chính là lúc dân tộc Lào tổ chức lễ hội cầu mưa.

Từ sáng sớm, chiêng trống nhà trưởng bản (chủ hộ giữ hồn áo người đầu tiên dựng bản, dựng mường gọi là Chảu sửa) thúc liên hồi, thay cho lời mời gọi. Tối trước những phụ nữ trong bản (nhân lực chính đi thăm đồng, thăm nguồn nước) đã bàn với trưởng bản chuyện tổ chức lễ hội cầu mưa nên vùng dậy sửa soạn trang phục tham gia cùng cộng đồng “Gọi cái nước của trời làm mát lòng đất mẹ, nuôi cây lúa thêm bông”. Phụ nữ dân tộc Lào tóc cuốn cao trên đỉnh đầu giống “Tằng cẩu” của phụ nữ Thái nên khá cầu kỳ, tốn nhiều thời gian. Theo phong tục, mọi người tham gia lễ hội phải nhịn đói, trèo đèo lội suối tìm đến dầu nguồn nước nơi tổ chức lễ hội cầu mưa, cầu thần linh che chở, ban phát mưa thuận, gió hòa, mùa vụ tốt tươi. Dọc đường đi, nhóm phụ nữ xin ăn từ những chủ hộ làm ăn phát đạt năm trước, giáo dục con cháu theo truyền thống dân tộc, có uy tín trong cộng đồng để lấy phúc. Họ tự ngầm hiểu, đó chính là truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ lộc trời cho bà con dân bản.
Mỗi gia đình trong bản có 1 - 2 người tham dự lễ hội cầu mưa (trừ trưởng bản còn tất cả là phụ nữ). Nhóm người mang theo lồng gà (đan bằng mây tre) được buộc vào một đòn tre do 2 người khỏe mạnh nhất nhóm khiêng. Đến trước cửa những gia đình làm ăn may mắn năm trước, họ dừng lại, chỉnh đốn trang phục và lên tiếng gọi chủ hộ. Khi chủ hộ mang xôi (khẩu ón), bánh chưng (khẩu tổm) xuống cầu thang, người đại diện nhận và cúi chào theo phong tục (tay chắp trước ngực) cám ơn. Chủ hộ đã chuẩn bị sẵn chậu nước lấy từ đầu nguồn té vào đám người đi lễ hội, nước bắn càng cao, người đi hội ướt càng nhiều theo quan niệm dân tộc Lào là càng may mắn, lễ hội càng hiệu nghiệm. Xin ăn qua 3 - 5 nhà, nhóm người đi đến đầu nguồn nước, nơi những tảng đá to như con lợn, con trâu vào mùa mưa chìm sâu trong nước thì nay cạn trơ tận đáy được chọn là nơi tổ chức lễ hội. Mọi người quây quần trên những tảng đá to ăn sáng, những thanh nữ (con gái chưa lấy chồng, độ tuổi trăng tròn) được chọn làm người té nước. Nước từ đầu nguồn té càng cao, phụ nữ tham gia lễ hội ướt càng nhiều năm đó thời tiết diễn biến càng thuận: Mưa làm tan những cơn khát của đất, cây lúa đang thì con gái được mưa ví như “Phát cờ mà lên”.
Sau lễ hội cầu mưa, phụ nữ tắm mát, nô đùa trong nguồn nước và trở về nhà mong cho sấm truyền, cơn mưa rơi xuống. Đêm đó, già trẻ gái trai cả bản tụ hội đốt lửa, múa lăm vông, mừng lễ hội cầu mưa tổ chức linh nghiệm. Điện Biên có một số bản dân tộc Lào thuộc xã Núa Ngam, Pa Thơm (huyện Điện Biên), Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội cầu mưa dân tộc Lào, nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phát huy giá trị.
 Hoàng Như Hiển (sưu tầm)

Đặc sản xôi nếp của dân tộc Lào (Lý Hải Ninh)

                                                                   
                                                                             Xoi nep lao


Du lịch Lào luôn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị từ chính nét văn hóa mộc mạc, giản dị của người dân nơi đây. Tiêu biểu như việc thưởng thức hương vị của món xôi nếp Lào, đặc sản thôn quê bình dị.

Hiện tại nhân dân Lào vẫn giữ nét sinh hoạt từ ngàn xưa, họ sinh sống ở các ngôi nhà sàn được cất từ các loại gỗ quý, sàn lát gỗ hay phên nứa rừng. Xôi là món ăn truyền thống của người dân nơi đây, thế nên trong mỗi nhà đều có vài cái chõ đựng xôi, đan bằng tre hoặc trúc.

xoi nep lao

Là đất nước mộ đạo, nên việc dâng hương cúng quải cho chùa đã từng lâu ăn sâu vào nếp nghĩ nếp sống của người dân nước này. Khi tiếng chuông chùa vang lên cũng là lúc các gia đình trong bản mang chõ xôi dâng lên các vị sư sãi, sau đó mới đến lượt họ ăn. Thế nên khách du lịch Lào lần đầu đến có vẻ bỡ ngỡ, nhưng lâu dần sẽ quen và cảm thấy thân thuộc.

Cách chế biến xôi Lào theo kiểu truyền thống thường đựng trong ống nứa, cho nước suối vào và nướng nguyên cái ống trên bếp than hồng. Khi cây nứa vừa cháy xém, cũng là lúc xôi cạn nước. Người ta sẽ gọt lớp vỏ nứa bên ngoài ra, chỉ để lại phần vỏ lụa ôm khít cục xôi nếp tròn trịa, dài dài, thơm thơm mùi lá rừng, để người ăn tự bốc lấy.

xoi nep lao

Ngày nay, người Lào nấu xôi trong nồi, sau đó đồ xôi vào chõ, rồi dọn lên mâm. Thức ăn chung với xôi nếp ở Lào thường là gà nướng hay cá suối kho lạt với riềng. Riêng phần rau xanh, đọt bầu, đọt bí – là hai thứ bà con các bộ tộc Lào hay trồng – để nguyên cọng dài 20-30 cm, luộc sơ.

xoi nep lao

Mộc mạc và chân thành là những khách du lịch Lào có thể cảm nhận khi khám phá vùng đất này, nhất là khi về các vùng thôn quê, hòa mình vào cuộc sống chân chất của người dân. Bạn sẽ khó tìm thấy ở các điểm du lịch nổi tiếng sự bình yên và thư thái trong tâm hồn như ở đâu tại các vùng quê nghèo trên đất Lào.

Lý Hải Ninh (sưu tầm)

Xên Mường của dân tộc Lào ở Sơn La (Hoàng Thị Lân)

Nét xuân ở huyện biên giới Sốp Cộp đặc sắc nhất là lễ hội. Xên mường của dân tộc Lào ở bản Mường Và, xã Mường Và, Lễ hội được tổ chức với ý nghĩa cầu mong sức khỏe cho mọi người, mùa màng bội thu, bản làng no ấm.
Xên mường được tổ chức hàng năm với quy mô cúng bản (xên bản), đến năm thứ 3 thì có quy mô lớn hơn gọi là cúng mường (xên mường). 

Thời gian tổ chức Lễ hội cũng theo vòng 3 năm. Năm thứ nhất: 1 ngày, 1 đêm; năm thứ hai: 2 ngày, 2 đêm; năm thứ ba: 3 ngày, 3 đêm. Không gian lễ hội gồm hai phần: Tại nhà ông Chẩu sửa (người chủ trì lễ hội được truyền theo dòng họ) và khu rừng thiêng (Lộng căm) của bản. Thời gian tổ chức Lễ hội cũng có tục cấm bản: Từ 18h tối ngày mổ trâu tế lễ: không đi làm ruộng, nương, không hát hò…người vào bản không được gây tiếng động mạnh (như xe máy, ô tô …). Để có vật phẩm, cả bản góp tiền, gạo, rượu … để làm lễ. Việc tổ chức lễ cúng được bắt đầu tại nhà ông Chẩu sửa, cả bản dắt 1 con trâu, dâng chiếc áo - “linh vật” của Lễ hội (chiếc áo được cho là hồn cốt của Khăm Long, người đầu tiên đến khai phá bản Mường Và), và các đồ cúng tế khác đi đến Lộng căm (khu rừng thiêng), tại đây đã dựng sẵn một nhà sàn nhỏ để hàng năm bản cúng tế.

Trong phần lễ có tục người đóng giả hổ để đâm trâu trước khi tiến hành mổ trâu và làm các thủ tục cúng tế... Sau phần lễ sẽ đến phần hội (tổ chức vào ngày kiêng cuối cùng). Mọi người sẽ tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, ném còn, đánh cù, tó má lẹ… Có tục ném hạt thóc, hạt bông và nhảy múa, đánh trống, chiêng vào buổi sáng. Ngày này, nếu ai muốn thay tên sẽ phải làm các thủ tục và cúng hồn cho Chẩu sửa, người cúng sẽ mang chai rượu lên trình bày tên bố, mẹ đã đặt cho nhưng do hay ốm đau, làm ăn khó khăn... xin được đổi tên mới.

Không chỉ cần cù lao động, từ bao đời nay, các dân tộc ở huyện Sốp Cộp nói chung, dân tộc Lào ở xã Mường Và nói riêng luôn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

 Hoàng Thị Lân (sưu tầm)

Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Lào - Điện Biên (Triệu Thị Bắc)

Từ xưa, thổ cẩm vẫn là niềm tự hào của người phụ nữ dân tộc Lào, tỉnh Điện Biên. Tại bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, nghề dệt thổ cẩm được lưu truyền và phát triển, đã trở thành cơ sở để hình thành một hợp tác xã có vai trò gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, cũng như quảng bá văn hóa dân tộc.

        Không biết các gia đình người dân tộc Lào đã đến sinh sống, định cư tại bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên từ bao giờ. Với bản tính thân thiện họ sống rất hòa thuận với các dân tộc anh em. Văn hóa dân tộc Lào cũng vì vậy mà được giao thoa và không ngừng tiếp biến, tuy nhiên bản sắc là cái họ không thể để mất đi. Bản sắc ấy đang được lưu giữ trong những phong tục tập quán lâu đời, trong nếp ăn, cách ở, trong trang phục dân tộc và trong cả nghề truyền thống đang được lưu truyền. Nghề dệt thổ cẩm đã theo bước chân du cư của các tộc Lào đi khắp nơi. Thổ cẩm của người dân tộc Lào được dệt từ sợi bông. Qua bàn tay cần cù, khéo léo của người phụ nữ loại sợi tự nhiên này như được biến hóa, trở thành những tấm vải nhiều màu với những hoa văn hết sức đặc trưng. Các hoa văn hình chữ vạn, hình voi, hình rắn hay hình chùa tháp trên trang phục thổ cẩm, khiến người ta nhận ra ngay người dân tộc Lào dù họ ở đâu.
          Trong suốt nhiều năm nghề dệt thổ cẩm ở Na Sang II đã được truyền giữ bởi tình yêu, bởi niềm tự hào của những phụ nữ dân tộc Lào. Mặc dù vậy, nghề thủ công này vẫn không hề phát triển, thổ cẩm Lào chưa có mặt trên thị trường, vì sản phẩm thủ công làm ra chưa được coi là một loại hàng hóa thực sự. Cũng vì thế mà Na Sang II chưa thể trở thành làng nghề trong khi hầu hết phụ nữ trong làng đều biết nghề dệt vải.  
        Phát hiện thấy tiềm năng của một làng nghề với sảm phẩm thủ công truyền thống đặc trưng, năm 2004 tổ chức JICA của Nhật Bản đã nghiên cứu và xây dựng dự án hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Na Sang II. Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Na Sang II ra đời từ đây. Đến nay HTX đã tập hợp được trên 30 thành viên. Tình yêu, niềm tự hào đối với nghề dệt thổ cẩm và sự gắn bó của những thành viên HTX, đã trở thành yếu tố quan trọng giúp cho sự khởi đầu tốt đẹp. 

 Triệu Thị Bắc (sưu tầm)   

Đặc sắc Tết cổ truyền Bunpimay của nhân dân các dân tộc Lào (Hứa Ban Mai)

Lễ chúc phúc của các nhà sư.

Bunpimay năm nay được tổ chức trong không khí phấn khởi khi Lào vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ X của Đảng NDCM Lào và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII, Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố.

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, ngày 13/4, người dân các dân tộc Lào trên khắp cả nước bắt đầu tưng bừng đón Tết cổ truyền Bunpimay 2016 (tức năm 2559 Phật lịch).
Khác với mọi năm, thay vì chỉ diễn ra trong ba ngày, năm nay Tết Lào diễn ra trong bốn ngày (13-16/4) vì là năm nhuận. Theo cách tính của Phật lịch, cứ 5 năm lại có một năm nhuận, đó mà lý do mà Tết Lào năm nay dài 4 ngày.
Theo truyền thống và nghi thức cổ truyền của dân tộc Lào, ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, nhân dân các dân tộc Lào không phân biệt là ở thành phố hay nông thôn đều đổ về các chùa và mang theo những bình, cháp đựng nước thơm để làm lễ tắm mát cho các tượng phật.
Hòa thượng Khamsuc Aliyah, Trụ trì chùa Inpeng, một trong những ngôi chùa lớn tại thủ đô Vientiane, cho biết nghi thức này có từ cổ xưa với mong muốn sẽ mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật và thanh khiết hóa cuộc sống của con người.
Nước dùng để tắm Phật phải là nước sạch, thơm và được chuẩn bị rất kỹ, trong đó có bồ kết nướng, hoặc dầu thơm và thả những cánh hoa Dooc Khoun vàng óng, đặc biệt trong nước tắm phật phải có màu vàng của nghệ.
Một trong những nghi thức không thể thiếu trong ngày đầu của Tết Bunpimay đó là nghi lễ rước nàng Sangkhane, còn được gọi là Nàng Xuân, đây cũng là hoạt động thu hút sự quan tâm của người dân Lào cũng như du khách thập phương.
Linh vật mà nàng Sangkhane cưỡi năm nay là con ngựa. Nàng Sangkhane ngồi giữa, sáu cô gái ngồi dọc hai bên. Nàng Xuân được lựa chọn rất khắt khe và dựa trên các tiêu chí như phải là người đẹp, có đạo đức, có trình độ học vấn,..
Theo sau xe chở Nàng Xuân là đoàn rước rất hoành tráng với tiếng trống, nhạc và điệu múa hòa cùng sắc màu của những trang phục truyền thống đại diện cho 49 dân tộc của Lào.
Ngày Tết của Lào không thể thiếu hai loài hoa đó là Champa và hoa Dooc Khun (hoa đại và hoa muồng vàng). Hoa Champa được kết vòng đeo cổ hoặc cài trên tóc các cô gái, trong khi hoa Dooc Khun được treo khắp nơi, thậm trí trên cửa kính các phương tiện giao thông để mong gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Sau khi kết thúc phần lễ, hội té nước chính thức được bắt đầu. Khắp các đường phố, từ trẻ em đến người lớn tạo thành từng nhóm để cùng nhau té nước người qua đường. Trước khi té nước, người Lào thường dành cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp.
Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới thanh bạch và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều thì người đó được nhiều hạnh phúc và may mắn.

Hứa Ban Mai (sưu tầm)