Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Lô Lô
Showing posts with label ₪ Dân tộc Lô Lô. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Lô Lô. Show all posts

Friday, April 7, 2017

Nét Văn Hóa Trang Phục Của Người Lô Lô Đen - Cao Bằng (Hoàng Vinh)

Người Lô Lô chủ yếu sinh sống ở miền Bắc nước ta

Trang phục thường ngày cũng nói lên nét văn hóa của vùng miền đó. Cũng như nhiều dân tộc khác, dân tộc Lô Lô có trang phục riêng, mang những nét độc đáo của văn hóa dân tộc. Người phụ nữ họ mặc những chiếc váy độc đáo và thú vị.
Nguồn sống chủ yếu của người Lô Lô là trồng ngô hoặc lúa nương. Người Lô Lô có nhiều dòng họ. Người trong dòng họ thường cộng cư với nhau thành một làng. Có hai nhóm: Lô Lô hoa hay Di trắng (bình dân) và Lô Lô đen hay Di đen (quý tộc).

Văn hóa dân gian Lô Lô đa dạng, đặc sắc thể hiện qua các điệu nhảy múa, hát ca, truyện cổ... Cách bố trí hoa văn trên khăn áo, váy, quần có nét riêng biệt rất sặc sỡ. Lịch của người Lô Lô chia một năm thành 11 tháng, mỗi tháng tương ứng với tên một con vật.

Kẹo hồ lô ngọt

Người Lô Lô có trống đồng, được bảo quản bằng cách chôn xuống đất và chỉ khi nào sử dụng mới đào lên. Tộc trưởng của mỗi họ là người được giữ trống. Trống chỉ được dùng trong các đám tang hoặc đánh để giữ nhịp cho các điệu nhảy múa. Họ là một trong số ít các dân tộc ở Việt Nam hiện nay còn sử dụng trống đồng trong sinh hoạt. Trống đồng là một nhạc cụ truyền thống của người Lô Lô gắn liền với huyền thoại về nạn hồng thuỷ. Theo huyền thoại thì ngày xưa có nạn lụt lớn, nước dâng cao đến tận trời. Có hai chị em nhờ trời cứu để chị vào trống đồng to, em vào trống đồng nhỏ. Hai chị em thoát chết nhờ trống nổi lên mặt nước. Hết lụt họ ở trên núi, sống với nhau thành vợ, thành chồng. Họ là thuỷ tổ của loài người tái sinh.

Quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở có lẽ còn được bảo tồn rõ ràng với lối hoà tấu hai trống đực và cái cùng một lúc. Trống treo trên giá đặt ở phía chân người chết; mặt của hai trống quay lại với nhau. Người đánh trống đứng ở giữa, cầm dùi đánh bằng hai đầu, cứ một đầu dùi đánh một trống. Chỉ những người đàn ông chưa vợ hoặc có vợ không ở trong thời kỳ thai nghén mới được đánh trống.
Trống đồng không những là một tài sản quý, một nhạc cụ độc đáo mà còn là một khí cụ mang tính chất tôn giáo. Có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên.
Nhiều người Di ở Tây Bắc Vân Nam còn giữ một hình thức phức tạp của chế độ nô lệ. Người Di trắng và một vài nhóm tộc khác còn bị giữ làm nô lệ. Những nô lệ "đẳng cấp cao" thì được phép canh tác trên ruộng đất của họ, lại có nô lệ của mình và dần dần có thể "mua" tự do cho mình.

Người Lô Lô có nhiều nét văn hóa đặc sắc

Theo nghiên cứu của các nhà dân tộc học Việt Nam ở thế kỷ XX: Dân tộc Lô Lô thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến cùng các dân tộc Hà Nhì, Phù lá, Cống, La Hủ, Si La. Một số ý kiến cho rằng dân tộc Lô Lô được chia thành 3 nhóm: Nhóm Lô Lô đen, Lô Lô hoa và Lô Lô trắng. Tuy nhiên phần lớn ý kiến lại chủ yếu chia thành hai nhóm: Lô Lô đen và Lô Lô hoa, một trong những dân tộc thiểu số lâu đời của Việt Nam.
Dân tộc Lô Lô hoa có khoảng trên 2 nghìn người chủ yếu sống tỉnh Hà Giang. Còn người Lô Lô đen có khoảng gần 4 nghìn người chủ yếu sống ở 2 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng). Sự phân chia này chủ yếu dựa vào đường nét và màu sắc của bộ trang phục của từng nhóm. Nhưng, dù có được chia thành mấy nhóm thì các nhà nghiên cứu vẫn đánh giá dân tộc Lô Lô luôn có ý thức, tự tôn dân tộc, tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết cao, thể hiện rõ nét trong việc gìn giữ trang phục của dân tộc mình.
Trang phục của người Lô Lô đen có màu đen làm chủ đạo. Đối với người phụ nữ, họ mặc áo ngắn, màu đen chàm để hở bụng, xe ngực, hai ống tay hẹp nối từ bả vai xuống cổ tay bằng những khoanh vải màu xanh, đỏ, tím, vàng (thường là chín vòng màu khác nhau). Hai vạt áo trước được trang trí bởi một diềm vải hoa đỏ, khuy áo bằng vải, cài bằng cúc đồng có hình tròn; phía sau lưng được chắp những miếng vải màu hình tam giác tạo thành các ô vuông với những hoa văn răng cưa kiểu bông lúa, hình sóng nước, mạng nhện; gấu áo được trang trí bằng diềm hoa đỏ rộng khoảng 1 cm và đường vải màu xanh rộng khoảng 0,5 cm chạy từ hai vạt cổ áo xuống đến gấu áo... Phụ nữ Lô Lô đen mặc quần ống rộng, phía ngoài quần được choàng một tấm vải từ phía sau ra đằng trước mặt và cuộn chặt trước bụng, tấm vải này có tác dụng cuốn chặt cạp quần, tạo cho dáng của người phụ nữ đẹp hơn.

Người Lô Lô đen mặc trang phục với màu đen chủ đạo

Đầu được đội khăn cuốn rất cầu kỳ, gồm có ba lớp khăn, hai lớp bên trong màu trắng, lớp bên ngoài màu đen, khi đi làm hoặc đi chợ, họ đội loại nón lá được đan rất đẹp mắt, nón được đan bằng tre, chóp hơi khum, phía mặt trong nón được trang trí bằng chiếc cánh của con cánh cam, quai nón được buộc bằng hai sợi dây được se từ chỉ hoặc len nhiều màu. Dây đeo thắt lưng được trang trí khá cầu kỳ, đằng trước bao gồm nhiều đồng xu và chìa khoá làm bằng nhôm. Đằng sau có treo 1 túi trầu được bọc bằng tấm vải nhỏ màu xanh.

Trang phục của nam giới dân tộc Lô Lô đen gần giống với trang phục của các dân tộc Tày, Nùng. Nam giới Lô Lô đen mặc áo thân dài đến trên đầu gối, xẻ tà hai bên, cài cúc bên nách phải, thường chít khăn trên đầu, dắt mối khăn phía sau gáy, trên khăn không trang trí, mặc quần chân què, cạp lá toạ; đeo thêm 1 vòng tay bằng bạc. Tất cả trang phục là do bàn tay khéo léo của người phụ nữ cắt, khâu. Riêng chiếc áo của phụ nữ, đó là một nghệ thuật tạo hình. Áo ngắn hở bụng nhưng lại bó gọn đôi “bồng đào”, dù có lao động nặng hay nhẹ, áo vẫn bó gọn thân hình thon thả đẹp như thân lưng những con ong rừng. Ngày nay, phần bụng hở được mặc thêm một áo lót mỏng màu trắng hồng hoặc xanh da trời bằng vải phin.

Văn hóa người Lô Lô là một phần trong bản sắc văn hóa Việt Nam

Đồ trang sức của người Lô Lô đen được làm bằng bạc, nó không chỉ mang yếu tố thẩm mỹ, tâm linh mà còn là thứ hồi môn cho con gái khi đi lấy chồng. Người Lô Lô quan niệm, khi đeo đồ trang sức bằng bạc có thể trừ được tà ma, giữ vía cho con người và phòng được gió độc. Trong bộ trang phục của người phụ nữ Lô Lô đen không thể thiếu được chiếc vòng cổ, đây là thứ trang sức đắt tiền bởi số lượng bạc để tạo ra chiếc vòng bạc là khá lớn. Ngay từ khi còn nhỏ, người phụ nữ Lô Lô đã được sâu tai, những chiếc hoa tai cũng được làm bằng bạc hình tròn, hình bông hoa..., hoa tai làm tôn thêm vẻ đẹp khuôn mặt của người phụ nữ được duyên dáng hơn. Nhẫn đeo tay được các cô gái Lô Lô ưa dùng nhất, tuỳ theo mỗi người có thể đeo nhiều hay ít, đeo ngón nào cũng được.
Những chi tiết, phụ kiện nhỏ trên bộ trang phục của người Lô Lô đều thể hiện tính thẩm mỹ, sự tinh tế và quan niệm riêng về cái đẹp của họ. Điều đó cũng cho thấy giá trị phi vật thể và đời sống tinh thần phong phú của cộng đồng dân tộc Lô Lô đen tại Cao Bằng.
Hoàng Vinh

Friday, August 5, 2016

Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam (Lý Thị Ninh)

1. Tục ăn trộm lấy may của người Lô Lô
Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam - 1
Dân tộc Lô Lô là một trong những dân tộc ít người tại Việt Nam, họ sinh sống và định cư ở cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Vào mỗi dịp tết đến xuân về, người Lô Lô lại có phong tục đón tết độc đáo là “ăn trộm để cầu may”.

Tập tục lâu đời này có tên gọi “khù mi” (nghĩa là"ăn cắp chơi, ăn cắp lấy may"). Người dân tộc Lô Lô quan niệm rằng vào thời khắc bước sang năm mới, nếu mang được về nhà chút gì thì cả gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Chính vì vậy, tối 30 Tết hằng năm, họ thường cầu may bằng cách... lấy trộm đồ. Tuy nhiên, người Lô Lô không lấy những vật có giá trị hay số lượng nhiều mà thường trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Điều thú vị nhất là khi đi lấy trộm, họ không rủ nhau mà đi lặng lẽ để chủ nhà không bắt được. Nếu lấy chưa đủ 12 thứ mà bị phát hiện thì phải bỏ chạy và năm sau, tháng ứng với những con số đó phải kiêng không được làm những công việc lớn để tránh rủi ro.

2. Đón giọng gà - dân tộc Pu Péo
Theo quan niệm của người dân tộc Pu Péo ở Hà Giang thì tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy, nên ai đón giọng gà hay cướp được giọng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều điều may mắn, thành công và hạnh phúc.
Phong tục thú vị đó diễn ra vào đúng giao thừa. Các chàng trai dân tộc Pu Péo sẽ phải canh chừng những chú gà trống, lúc chúng vừa vỗ cánh thì họ phải đốt ngay một quả pháo rồi ném vào chuồng gà. Lũ gà khi đó sẽ bị giật mình, nhảy lên và thi nhau gáy. Ngay lập tức tất cả các hộ gia đình xung quanh sẽ cùng nhau múa hát để át đi tiếng gà gáy.

3. Tục vỗ mông của người Mông
Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam - 2
Khi xuân về trên khắp bản làng, các đôi trai gái người Mông lại cùng hòa mình vào tiếng sáo, điệu khèn của đêm hội xuân tình và thực hiện nghi thức “vỗ mông” có từ bao đời nay.
Buổi sáng ngày Tết, trai gái Mông thường kéo nhau đến các bãi đất trống hay khoảng sân rộng... để vui chơi. Khi phải lòng nhau, người con gái sẽ nhẹ nhàng, kín đáo tách khỏi đám đông, chàng trai hiểu ý sẽ dùng tay vỗ vào mông của người con gái đó, nếu cô gái ưng cái bụng cũng sẽ đáp trả bằng cách vỗ nhẹ vào mông chàng trai. Cứ như vậy, đôi trai gái sẽ vừa đi, vừa vỗ qua lại, đủ “chín cặp” nghĩa là cả hai đã chấp thuận nhau, chỉ chờ người làm mai để nên duyên vợ chồng.

4. Tục gọi hồn vào dịp Tết của người Thái
Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam - 3
Người Thái có tục gọi hồn vào ngày Tết.
Phong tục độc đáo của người Thái trong ngày Tết là tục gọi hồn. Khi nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, người Thái bắt đầu gói bánh chưng giống người Kinh nhưng là loại bánh có màu đen. Sau đó, họ sẽ thịt 2 con gà, một con cúng tổ tiên, một con gọi hồn những người đã khuất trong nhà mình.
Để thực hiện nghi lễ, người cúng hoặc thầy cúng sẽ phải lấy áo của từng thành viên trong nhà, bó chặt một đầu lại với nhau và vắt lên vai. Trên tay thầy cúng cầm một cây củi đang cháy sáng rực rồi mang ra đầu làng gọi hồn 2-3 lần rồi về chân cầu thang của gia đình gọi thêm một lần nữa. Kết thúc nghi lễ, thầy sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên để trừ tà ma.

5. Hát sắc bùa trong ngày tết của dân tộc Mường
Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam - 4
Tục hát sắc bùa của người Mường.
Hát sắc bùa là một trong những phong tục không thể thiếu của người Mường vào dịp Tết. Việc diễn sắc bùa cồng chiêng trong dịp đầu năm vừa mang đến không khí vui tươi, nhộn nhịp, lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho tiếng sấm xua đuổi ma quỷ, cầu an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và gắn kết cộng đồng.
Sắc bùa thường do những người biết đánh cồng tự thành lập thành một phường bùa. Một phường gồm 12 người tượng trưng với bộ cồng chiêng 12 chiếc là 12 tháng trong năm. Trang phục cho những người sắc bùa không cần cầu kỳ nhưng phải đẹp. Nữ mặc váy áo Mường, tay đeo vòng, kiềng, xích bạc, nam mặc áo dài chít khăn đầu rìu. Phường bùa đi đến đâu, không khí rộn rã đến đó. Những nhà biết phường bùa đang tới sẽ chuẩn bị đón tiếp. Họ vừa đi vừa hát những bài hát có lời chúc tụng. Hát xong, gia chủ sẽ mời phường bùa vào nhà và cùng chúc nhau chén rượu năm mới, nhâm nhi các món ăn cổ truyền. Trước khi ra về, chủ nhà sẽ mang những thứ quà ngon để tặng thay lời cảm ơn đối với phường bùa. Và cứ thế, phường bùa đi khắp các nhà, mang lại không khí tươi vui đầm ấm, đón chào một mùa xuân rực rỡ.

6. Lễ bắt chồng ở Tây Nguyên
Những phong tục đón Tết có 1-0-2 ở Việt Nam - 5
Tết đến cũng chính là lúc các đồng bào Tây Nguyên đón mùa lễ hội “bắt chồng”. Lễ kéo dài từ mùng 1 Tết âm lịch đến hết tháng ba và chỉ diễn ra vào ban đêm.
Khi một cô gái bản thích chàng trai nào đó, cô gái sẽ thông báo cho gia đình và dòng họ đến nhà trai để hỏi dạm. Nếu cả hai họ đều đồng ý, cô gái sẽ đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời. Trường hợp chàng trai không thích có thể trả lại nhưng 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời nữa để đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp lại đến khi chàng trai chấp nhận. Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm gọi là “Đêm hội bắt chồng”. Chàng chai và cô gái phải đọc một số câu luật tục độc đáo như: "Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước...". Vào ngày long trọng nhất là ngày cưới, chàng trai và cô gái sẽ rút nhẫn ra hôn và đeo lại cho nhau. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng giữ và ngược lại, nhẫn của chàng trai sẽ do mẹ vợ giữ.
Lý Thị Ninh (sưu tầm)

Lên vùng sơn cước ngắm các cô gái Lô Lô xinh đẹp (Long Khình)

Dân tộc Lô Lô Hà Giang với cuộc sống thanh bình, hiền hòa, quanh năm gắn liền với núi núi rừng. Cảnh vật nên thơ, con người nên thơ đã tạo nên một sức hút lạ kỳ cho vùng đất này. Đặc biệt là hình ảnh những cô thiếu nữ Lô Lô duyên dáng trong lễ hội hay ngay cả trong đời thường cũng có thể làm đắm say lòng bất cứ du khách nào ghé thăm.

Bởi vậy khi du lịch Hà Giang nhiều du khách đặc biệt là những tay săn ảnh, không chỉ săn tìm cho mình những tấm ảnh với góc chụp đẹp nhất về thiên nhiên núi rừng mà cũng có không ít người lấy vẻ đẹp của những cô sơn nữ làm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Dưới đây hãy cùng chúng tôi ngắm nhìn những tấm hình như thế.

Phụ nữ Lô Lô để tóc dài quấn ngang đầu. Bên cạnh đó họ còn dùng khăn quấn thành nhiều lớp trên đầu hoặc đội. Khăn cũng được trang trí các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc sặc sỡ. Những bộ trang phục như tô điểm thêm nét đẹp đầy đặn của những thiếu nữ Lô Lô.

Chỉ tính riêng cái khăn đội đầu với những tua rua sặc sỡ, tinh tế, đường thêu cầu kỳ, thiếu nữ Lô Lô đã mất cả năm trời mới hoàn thành. Khi đi lấy chồng, mỗi thiếu nữ Lô Lô phải có ít nhất một bộ váy áo mang theo. Sự cầu kỳ trong từng đường kim, mũi chỉ sẽ đánh giá độ khéo léo của thiếu nữ và là một trong những yêu cầu quan trọng giúp các chàng trai Lô Lô kén vợ.

Một nét văn hóa nữa được biết đến nhiều ở người Lô Lô là những bộ váy áo. Những bộ váy đã được du khách VN và cả nước ngoài tìm lên tận bản để đặt mua, một bộ giá từ vài triệu đồng trở lên.

Không như những bản làng khác, bản làng Lô Lô ở Hà Giang chưa bị “thương mại hóa” như ở nhiều vùng miền núi nổi tiếng du lịch khác. Phụ nữ Lô Lô ở đây còn hồn nhiên và trong trẻo lắm.

Gặp khách lạ nhiều khi có cô gái còn cúi đầu, che mặt, thậm chí còn chạy vì… ngượng.

Họ không dệt quần áo để bán. Ai thích thì tự động hỏi mua, tự đặt cho họ dệt, may. Những bộ quần áo đã được cả các nhà tạo mẫu tìm lên để nghiên cứu, chuyển thể. Nghề may thêu thùa ở đây theo một bí quyết, người già dạy cho người trẻ. Con gái, phụ nữ Lô Lô cứ thế tự may theo bí quyết thôi. Nếu may cấp tốc thì 3 tháng xong một bộ, nếu làm từ từ thì 6 tháng mới xong.
Hầu hết con gái Lô Lô đều phải học thêu thùa, may vá từ khi còn tấm bé, để lúc lớn lên có thể tự tạo cho mình những bộ trang phục đẹp để trưng diện.

Nếu có dịp nên vùng Mèo Vạc, gặp những cố gái da trắng, mũi thẳng, hay cười ở phiên chợ hay ở bản rất có thể ấy là những cô gái Lô Lô

Long Khình (sưu tầm)

Độc đáo nghệ thuật ghép vải trang trí trên lễ phục của phụ nữ Lô Lô ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang (Nông Quang Đạo)

Bộ trang phục đi làm

Trong cuộc đời người phụ nữ Lô Lô nói chung,việc học, tự làm trang phục cho mình, cho người thân có một ý nghĩa quan trọng. Với họ, trang phục là nơi để sáng tạo màu sắc, nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng nhưng cũng là tiêu chuẩn, thước đo về phẩm hạnh, sự giàu sang của mỗi người. Mỗi nhóm Lô Lô đều có trang phục riêng với phương thức trang trí đặc trưng của nhóm.
Trang phục của nhóm Lô Lô ở Sủng Là nổi bật bởi nghệ thuật ghép vải tạo hoa trang trí. Đây là điểm nhận diện khu biệt trong các nhóm đồng tộc.Ở nước ta người Lô Lô hiện nay có khoảng 4600 người, thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, với ba nhóm chính là: Lô Lô Hoa (Mùn Chi Ka Pu), Lô Lô Đen (Màn Dì Qua và Mùn Chi Mân Tê), Lô Lô Trắng (Màn Dì No). Nhóm Mùn Chi Mân Tê ở Cao Bằng còn ở Hà Giang căn cứ theo trang phục các nhà nghiên cứu cũng chia làm ba nhóm. Tuy nhiên tên gọi của các nhóm hiện nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Nhóm Lô Lô cư trú ở Sủng Là, huyện Đồng Văn có tên tự gọi là Màn Dì Qua.Mỗi nhóm Lô Lô ở Hà Giang đều có trang phục và nghệ thuật trang trí mang phong cách riêng đại diện cho nhóm ngành. Nhóm ở Sủng Là cũng vậy.

Bộ trang phục nhà chồng tặng

Trang trí trang phục của người Lô Lô nơi đây luôn có những yếu tố bất ngờ, có nhiều sáng tạo trong cách thể hiện hoa văn. Ngoài kỹ thuật dùng kim chỉ tạo nét, đạc hoạ trên vải, dùng các nút thắt buộc trên vải nhúng sáp ong để cho những cánh hoa nở trên chiếc khăn chàm thẫm, họ còn dùng kéo tạo hoa văn trên vải đã ghép… Các miếng cắt ghép được phối hợp cùng nhau từ hình nét đến màu sắc trong một bố cục đã định làm nên giá trị nghệ thuật trên sản phẩm ứng dụng - trang phục của tộc người. Bộ lễ phục đầy đủ của phụ nữ nhóm này gồm: Khăn, áo, quần, yếm quần, dây lưng và đồ trang sức.- Khăn (khuyển) làm từ một khổ vải rộng khoảng 40cm, dài từ 1,6m đến 2m. Hai đầu có các sợi tua dài khoảng 25cm để buộc giữ nếp cho chắc chắn. Dựa theo trang trí trên khăn có thể chia làm hai loại: Khăn dùng trong lễ hội được tạo hoa văn do nhúng sáp ong và nhuộm chàm. Trên khăn, phần sáp ong sau khi đã làm tan chảy tạo thành những hàng xì pô vê (hoa đào) và hình Mỉ xỉ là hai sọc gồm một chuỗi các hình vuông xếp sít nhau như những bờ đá xếp bao quanh nhà của đồng bào. Khăn được ghép vải trang trí ở hai đầu. Mỗi một đầu khăn được đính nhiều quả bông len ngũ sắc xen kẽ với hai hàng hoa văn ghép vải, mỗi hàng gồm nhiều miếng vải nhỏ cắt hình tam giác ghép thành ba khối vuông liền nhau theo chiều rộng của khăn. Xen kẽ giữa hàng hoa văn ghép vải là hoa văn dạng thêu tạo thành một cách bài trí đối xứng nhau.Khăn để dùng khi qua đời được người già tự tay chuẩn bị từ trước cho mình. Chiếc khăn này có tạo dáng giống khăn lễ hội trên nhưng khổ vải rộng hơn; Hai đầu có trang trí hoa văn ghép vải và được gắn các dây vải màu đỏ, xanh, vàng, chàm đen. Cũng dùng các tổ hợp hình tam giác kết hợp thành nhưng do đảo bố cục của bốn hình tam giác để chúng chụm các góc nhọn vào nhau tạo nên hình vuông, chữ nhật hay hình hoa.Áo lễ (súa) được thêu hoa văn và chỉ có duy nhất một khuy cài. Do khổ vải dệt hẹp, chất vải dày nên khi may, người Lô Lô Đen đã nghĩ cách can đáp thêm vải mềm hơn từ phần dưới cánh tay gần giáp với nách kéo dài đến gấu áo tạo độ cử động. Vải ghép thường có cùng màu chàm hoặc màu xanh.
Do cách sử dụng chất vải can mà tạo dáng chiếc áo cho ta cảm giác phần vải dày như một cái khung xương, một cái mai chắc chắn bảo vệ con người, phần vải can dưới cánh tay, sườn cho cảm giác về sự mềm, yếu. Hình dáng áo khi đã can vải tạo độ nở phần ngực để người mặc thuận tiện khi sử dụng. Phần gấu áo được may hơi bó, ôm lấy phần lưng eo cho cảm giác thon gọn và làm điểm nhấn cho độ mở của chiếc yếm quần thắt phía dưới. Chiếc áo cho ta sự cảm nhận gần gũi với kiểu áo chắp ghép từ da thú, vỏ cây thời xa xưa.Xét từ góc độ thị giác, khi cắt phần thân trước và thân sau áo thành hình chữ nhật, sau đó bài trí hoa văn gợi cho ta cảm giác như hai tấm giáp bảo vệ mặt trước và sau của con người. Bố cục những vị trí được trang trí quy định thành ba mảng lớn. Mảng thân áo trước, mảng phần thân áo sau. Mảng thứ ba là trang trí hai bên cánh tay. Căn cứ theo hoa văn, màu sắc trang trí trên tay áo được chia ra ba loại như sau: Một, nếu là áo cô dâu được nhà chồng làm tặng thì trên tay áo bao giờ cũng trang trí bốn lần các dải hoa văn. Hai, với các cô gái tự tay làm trang phục thì chỉ được trang trí ba lớp hoa văn trên tay áo. Kể cả những người phụ nữ dù đã có gia đình nhưng tự làm y phục cho mình, tay áo cũng phải làm ba hàng hoa văn. Ba, nếu là phụ nữ luống tuổi, phần trang trí tay áo sẽ ít hoa văn hơn thay vào đó họ can vải có sắc trầm hơn nhưng vẫn chia thành ba hàng. Mô típ trang trí trên tay áo phụ nữ trẻ thường chắp ghép các hình tam giác lại với nhau như: Các cặp hai hình tam giác vuông lớn ép cạnh (cạnh huyền) vào nhau tạo thành hình vuông có một nửa là màu tối tông lạnh và một nửa có màu sáng tông nóng.

Bộ lễ phục nhóm Lô Lô ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang

Trong mỗi hình tam giác vuông lớn ấy ở chính giữa được đặt một tam giác vuông nhỏ có đỉnh đối ngược lại, chia hình lớn ấy thành ba hình tam giác nhỏ đều nhau đi từ tâm đến góc. Sự phối hợp màu sắc trong tổng thể hình vuông ấy tạo thành hoa văn hình cá. Hoạ tiết ấy được nhân lên xếp dồn sít nhau chạy tròn theo vòng tay áo tạo thành một mô típ trang trí biểu tượng hình đàn cá đang bơi ngoi lên và ngụp xuống uyển chuyển. Sự kết hợp các đường viền vải nhỏ xen kẽ các lớp hoa văn, sự lân chuyển màu và hoạ tiết trang trí tay áo đã cho thị giác một cảm nhận khác, không còn sự cứng cộm của những miếng vải ghép chồng lớp lớp. Nhờ sự chuyển đổi linh hoạt từ một hoạ tiết tạo ra các lớp hoa văn tay áo cho chúng ta cảm giác đôi cánh tay ấy năng động, duyên dáng hơn (H.2).Phần thân áo, các lứa tuổi đều có tỉ lệ, vị trí bài trí hoa văn như nhau. Đó là cách phủ hoa văn trang trí phía trước vạt, kéo dọc từ cổ đến gấu áo và chạy sang hai bên sườn tạo thành một góc vuông. Mảng hoa văn này như một chiếc nẹp làm cho vạt áo luôn suông phẳng. Bố cục mảng đồ án trang trí thân áo vẫn được hình thành trên cơ sở cắt ghép các mô típ hình tam giác. Khi mặc, vạt áo chỉ được cài bằng một khuy duy nhất ở phần ngang eo nhưng hai vạt khép gần nhau tạo một mảng hoa văn có dáng giống chữ đinh (). Mảng đồ án trang trí sau lưng có cùng mô típ giống thân trước. Nếu như thân trước phân tách hai dải hoa văn là mở ngực thì thân sau là màu đen của vải nền chạy thẳng dọc sống lưng. Vì thế, trên cơ bản bố cục trang trí phần thân trước và sau giống nhau. - Quần (lo): Quần phụ nữ Lô Lô Đen Hà Giang có ống can rộng, độ mở của đũng quần là một góc vuông, bụng rộng (khoảng 1,2m), không có cạp, khi mặc người ta phải túm xếp cho vừa bụng và thắt dây lưng đè lên. Phần trang trí cũng theo một góc vuông từ gấu quần (thẳng bàn chân) chạy lên trên gối xuống, vòng qua kheo chân và thẳng tới gót. Khi di chuyển mảng hoa văn trang trí trên ống quần tạo thành hình chữ (T) đối trả lại với () phần bố cục trang trí thân áo. - Yếm quần (du thuá) có tạo dáng hình chữ nhật nằm ngang có độ dài trung bình khoảng 70cm, rộng 1,1m tuỳ theo từng người. Du thúa dùng quấn phía sau hông và phủ bên ngoài quần sau đó kéo bẻ gấp hai mép về phía trước.  Yếm quần cũng có quy ước trong trang trí riêng của nhóm: Loại do các cô gái tự làm cho mình chỉ được trang trí một lớp hoa văn nhưng nếu là yếm quần do nhà chồng tặng bao giờ cũng có hai lớp hoa văn chạy song song dưới gấu.  Căn cứ theo số hàng hoa văn trang trí ở áo hay yếm quần của người mặc ta sẽ nhận biết được đó món quà được tặng của những người đã có gia đình hay họ tự làm.

Vẻ đẹp thiếu nữ dân tộc Lô Lô. Ảnh: dongvan.gov.vn

Điều đó rất quan trọng vì hoa văn được ược lượng thành thước đo phẩm hạnh, thể hiện sự tài giỏi, khéo léo, chu toàn của những người phụ nữ bên nhà chồng hay là của cô gái - người làm ra nó. Cũng có thể nói trang trí hoa văn trên trang phục là thông điệp về một người phụ nữ trong cộng đồng người Lô Lô.- Dây lưng là một khổ vải cắt chéo và may cuốn kiểu tay mướp thành một thể dạng ống dài 1m, rộng 13 đến 15cm, phần giữa nhỏ và to dần về hai đầu. Dây dùng thắt giữ quần và yếm quần, có công dụng giữ ấm bảo vệ phần bụng, giữ cho phần eo luôn thon gọn. Dây lưng nữ chỉ trang trí ở hai đầu; khi thắt, phần trang trí được thả thõng xuống phía trước. Bên cạnh dây lưng, phụ nữ trẻ còn có một vài dây giắt lưng (dây phụ) để làm duyên. Loại dây này ngắn hơn dùng để giắt vào dây lưng với mục đích trang trí nên không quy định số lượng, không bắt buộc, người dùng có thể thêm nó hoặc không. Điểm khác nhau của dây chính và phụ này là hoa văn trên dây lưng bao giờ cũng giữ trong bố cục của những hình thoi; trong khi trên dây giắt phụ hoa văn bài trí trong các khuôn hình vuông. Các mô típ trang trí thường được lặp lại theo phần trang trí của y phục.  Về cơ bản, trang trí lễ phục nữ là sự kết hợp của hoa văn trong bố cục các ô vuông lớn nhưng mỗi ô vuông được bài trí hoạ tiết, màu sắc không giống nhau. Hình vuông do hai hình tam giác ghép lại thường có màu đối nghịch nhau như màu sáng, gam nóng và màu tối gam lạnh phối thành...
Màu đỏ là màu yêu thích của đồng bào, vì thế khi trang trí họ sử dụng nó như một vai trò giữ nhịp cho sắc độ của mảng đồ án. Mặc dù có sự phối hợp của các màu xanh lá, xanh cô ban hay xanh dương và màu chàm đen của vải nền nhưng chúng chỉ có tác dụng kìm chế sắc rực, làm dịu độ chói, rợ của màu đỏ để tông màu đỏ trở nên thuần khiết mang lại cảm giác ấm áp dễ chịu cho thị giác.  Mô típ chủ đạo được cắt ghép vải trang trí toàn bộ trang phục là hình tam giác nhưng khi phối hợp các hình này với nhau như: Đối đỉnh hoặc ghép chồng hình, ghép chung cạnh nó trở thành một mô típ mới biểu tượng cho hình cá dùng để trang trí trên tay áo nữ giới. Ở vị trí này, nó biểu trưng cho hôn nhân, thể hiện tính năng sinh sản, nó gắn với điềm lành và ước nguyện cầu mưa, cầu nước đối với đời sống nơi vùng cao. Dường như biểu tượng được nhân lên đồng nghĩa với nguyện ước sẽ trở thành hiện thực nên người ta trang trí nhiều hơn trên tay áo cô dâu vì họ quan niệm đây sẽ là một người mẹ sinh ra đứa trẻ - đó là cái nôi bắt đầu của mỗi con người (H3). Phải chăng, vì mô típ hình tam giác với đồng bào ẩn chứa nhiều ý nghĩa biểu trưng mà thế hệ trước đây muốn gửi gắm, nhắn nhủ tới con cháu của mình nên chúng ưu ái nhiều hơn và xuất hiện trên dàn trải trên toàn bộ các mảng đồ án trang trí của người Lô Lô nơi đây.Xét trên toàn trang phục, chúng ta thấy thường có sự thống nhất ở một mô típ trang trí. Trang trí hoa văn trên áo, quần, yếm quần đều phải tuân theo những quy luật bắt buộc mang tính văn hoá của nhóm địa phương người sử dụng nó. Điều đó đã trở thành thói quen trong tâm thức của người phụ nữ khi dệt vải hay thêu ghép. Sự quen thuộc ấy mang tính trao truyền ngấm qua nhiều thế hệ và có biến đổi để trở thành cái chung trong trang trí trang phục của đồng bào.

Thiếu nữ 17 tuổi người Lô Lô Hoa duyên dáng. Ảnh: Réhahn  Croquevielle

Bộ lễ phục nhóm Lô Lô ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang

Bố cục các mảng trang trí được người nghệ nhân xếp đặt rất tinh tế, chỉ bằng vài hoạ tiết cắt từ vải như hình bá mỏ (tam giác), là lưu trù (hình mặt trời) hoặc xì pô vê (hình hoa đào), pố khế (hình hoa thảo quả) nhưng nhờ sự cân nhắc trong cách ghép cạnh hay đỉnh của các hoạ tiết với nhau đã tạo nên những hình thể mới có chứa cái ban đầu nhưng đa dạng hơn...Ngoài phương pháp ghép vải tạo hoa văn trang trí trang phục, người Lô Lô nơi đây còn có nhiều kiểu thức trang trí như tạo hoa văn do kỹ thuật nhuộm (khâu, rúm, nhúng sáp ong rồi nhuộm chàm tạo hoa văn), hoa văn thêu, đính hạt cườm, tạo các tua và các quả cầu hoa bằng các sợi len màu. Kết hợp những phương pháp độc đáo trong dệt may, khâu ghép, thêu thùa đã làm nên chất riêng độc đáo mà khu biệt.  Trang trí trang phục của phụ nữ Lô Lô Sủng Là không có mẫu hoa văn cụ thể cho từng độ tuổi nhưng lại quy ước về vị trí phải phủ hoa văn. Đó là vùng thân trước, thân sau áo; phần quanh hông, trên đùi phía sau của yếm quần và phần từ đầu gối và từ khoeo chân xuống đến gấu đối với quần. Đó là những vị trí không thể thiếu trong trang trí trang phục lễ hội. Đối với phần trang trí tay áo có thể có hoa văn hoặc không nhưng vẫn phải được ghép bằng các khoang vải màu. Với kiểu trang trí tay áo thường được giới trẻ ưa chuộng. Phải chăng hoa văn trang trí trên đó còn có một ý nghĩa nào ẩn chứa trong đó.Trong trang trí trang phục, người Lô Lô rất coi trọng tính hợp nhất trên một bộ trang phục. Chính vì thế, khi đã định trang trí hoạ tiết, hoa văn và kiểu bố cục nào thì kiểu thức ấy sẽ lắp đi lắp lại trong suốt các mảng đồ án trang trí trang phục tạo thành từng nhịp kết nối bền chặt, hài hoà. - Đồ trang sức, phụ nữ Lô Lô ở Sủng Là khi mặc lễ phục thường đeo cả hai loại vòng cổ tạo thành một khoảng lớn trước ngực để làm duyên. Vì chất liệu bạc khi gặp ánh sáng tự nhiên thường phản sáng. Ánh sáng được hắt ngược lên làm cho gương mặt người đeo tươi sáng lạ thường, không tô điểm phấn son mà vẫn rạng rỡ.
Phải chăng đó là một trong những cách làm đẹp sáng tạo mà tự nhiên đến dung dị - bản năng của phái nữ.Hình thức trang trí hoa văn trên trang phục bằng ghép vải rất đặc biệt. Mỗi mẫu hoa văn dùng trang trí trên lễ phục nữ đều ẩn chứa tình cảm, sự sáng tạo, cảm quan thẩm mỹ mang tính chất vùng, miền, cũng như sự khéo léo, kinh nghiệm của mỗi người phụ nữ trong cộng đồng. Những bộ trang phục của đồng bào đã vượt trên giá trị sử dụng để trở thành tác phẩm chứa đựng nhiều yếu tố mỹ thuật có giá trị trong đời sống văn hoá, tinh thần của tộc người và là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, có tính sáng tạo.Những giá trị văn hóa và nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử, xã hội ẩn chứa trên trang phục là không thể phủ nhận. Trong xã hội công nghiệp, cùng với các trào lưu mới sẽ dẫn đến sự thay đổi trong quan niệm thẩm mỹ, văn hoá, nghệ thuật… nếu không có sự góp sức của các nhà nghiên cứu hoặc những biện pháp xã hội hoá giúp đồng bào và các cơ quan quản lý cộng đồng tự ý thức thì việc bảo lưu, gìn giữ hay phát huy đều sẽ không có kết quả dài lâu.

Tài liệu tham khảo:
1.  Nguyễn Văn Can, Phong tục hôn nhân của người Lô Lô, Dân tộc học, số 4/2007, tr 70-73.2. Phạm Đức Dương (1973), Một vài cứ liệu ngôn ngữ về sự thân thuộc các tạng người nhóm Tạng - Miến ở miền Bắc Việt Nam, Thông báo Dân tộc học, (3), tr. 64-68.3. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.4. Đặng Thị Hoa (2005), Nghi lễ vòng đời của người Lô Lô ở Cao Bằng. Thông báo Dân tộc học, Nxb KHXH.5. Lý Hành Sơn, Đôi nét về trang phục cổ truyền của người Lô Lô, Dân tộc học số 2/2006, tr 8-16.6. Vũ Diệu Trung (2009), Người Lô Lô Đen ở Hà Giang, Nxb VHDT, Hà Nội.
Nông Quang Đạo (sưu tầm)

Nhà trình tường của người Lô Lô (Dương công Đà)

Nhà ở đây chủ yếu xây bằng đất sét và đất thịt, tường rào được dựng bằng đá xanh.

Những ngôi nhà trình tường của đồng bào Lô Lô (Hà Giang) không chỉ mang lại nét đẹp cho vùng cao nguyên vốn chỉ có đá núi chập chùng mà còn thể hiện kỹ thuật làm nhà đơn giản nhưng không kém phần tinh xảo của người vùng cao.

Con đường dẫn vào bản nhỏ xíu thoai thoải dốc như bị che khuất bởi những ruộng ngô, Lô Lô Chải hiện ra với những căn nhà trình tường lợp ngói âm dương ba gian đã trải qua hàng trăm năm tuổi.

Tường nhà bằng đất lâu ngày đã rạn chân chim.

Cầu thang nhà người Lô Lô rất đơn giản nhưng vững chắc.

Nhà thường có gác xép dùng làm nơi cất trữ lương thực.

Nhà của người Lô Lô thường có hai cửa ra vào, cửa chính ở gian giữa và một cửa phụ ở gian bên trái để đi ra vườn. Trên mỗi cánh cửa đều dán những lá bùa với ký tự và hình vẽ lạ trên giấy hồng điều để trừ tà. Trong nhà không có vách ngăn các phòng mà người dân thường dùng những tấm vải để ngăn.

Kiến trúc nhà ở của người Lô Lô khá đơn giản, thường chỉ làm ba gian, không có trái và chỉ có hai vì kèo gỗ, hai đầu hồi trốn cột, kèo gác ngay lên tường. Gỗ làm nhà thường là các loại gỗ tốt, chắc và bền như thông đá, sa mộc…

Ngày xưa hầu hết nhà được lợp bằng cỏ tranh, những nhà khá giả thì lợp ngói âm dương. Từ xà ngang lên mái được bố trí thành không gian riêng để làm kho chứa lương thực và đồ dùng gia đình. Gian giữa, đối diện với cửa chính là bàn thờ tổ tiên. Buồng ngủ của vợ chồng ở bên trái gần cửa phụ, buồng ngủ của con cái ở gian bên phải. Trước buồng ngủ của vợ chồng là bếp nấu ăn, nấu rượu. Buồng của vợ chồng cũng là nơi cất giữ các đồ dùng quý giá của gia đình. Trước buồng ngủ của con cái là bếp sưởi và cầu thang lên trên gác. Cầu thang làm rất đơn giản, đóng bằng gỗ hoặc bằng tre, có từ 9-11 bậc.
Ngoài những nhà làm hàng rào bằng cách xếp đá thì cũng có những nhà làm hàng rào bằng trình tường.

Làm nhà trình tường tốn kém nên Lô Lô Chải bây giờ có hơn nửa số nhà được xây gạch và lợp tôn xi măng.

Ông Sìn Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải cho biết: Nhà trình tường có thể dựng hai tầng, tuổi thọ vài chục năm và có đặc tính ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, phù hợp với điều kiện sống của đồng bào dân tộc vùng cao. Sau khi gia cố móng bằng những tảng đá cuội xếp kè cẩn thận, người ta lấy khung gỗ làm khuôn, đổ đất sét mịn và nện chặt làm tường nhà, sau đó làm nhẵn bề mặt bằng vồ gỗ (tường nhà thường dày khoảng 50- 60cm), sau đó lợp mái bằng ngói âm dương.
 Dương Công Đà (sưu tầm)

Lễ mừng nhà mới của người Lô Lô (Hoàng Thị khuyên)

Trong chu kỳ một năm 12 tháng, người Lô Lô có rất nhiều lễ, trong đó có lễ mừng nhà mới không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt của đồng bào.
Ở Hà Giang hiện có khoảng 1.500 người Lô Lô, phân bổ ở các xã Lũng Cú, Sủng Là, Lũng Táo, Má Lé và thị trấn Đồng Văn.

Khi chuẩn bị xong các vật liệu xây cất nhà, người Lô Lô thường chọn một nơi đất tốt và chọn hướng cho hợp tuổi người chủ định làm nhà. Họ phải quy chiếu các tiêu chí: tiền, hậu, tả, hữu, trước hết phải tìm tổ sơn, dò long mạch theo thế đất để tìm chỗ "tụ khí tàng phong" sau đó cho bảy hạt gạo chôn xuống đấy, ba ngày sau mở ra, thấy hạt gạo nở, không bị kiến gặm và di chuyển thì nơi đó có sinh khí và làm nhà tốt.
Khi dựng cột cũng như lợp mái, người Lô Lô đều xem ngày giờ và làm lễ cầu an để trong quá trình làm nhà tránh được những bất trắc xảy ra.
Dựng cột, lợp mái xong, cũng là ngày vào nhà mới. Chủ nhà đi mời cả làng, nhất là các cụ ông, cụ bà, những người thông thái về phong tục tập quán đến mừng nhà mới, góp vui và nhờ các cụ chúc mừng lời hay ý đẹp để xin phúc, lộc, thọ... Chờ cả làng đến đông đủ, thầy cúng tuyên bố ngôi nhà đã làm xong. Một người giúp việc đi cùng thầy để địu búa, bào, đục, dao, một gói cơm, một chai rượu, một gói thịt đến từng cây cột nhà gõ rồi khấn vái cho từng cây:
Ngày xưa ông cha ta
Dùng cây mua làm cột
Dùng lá mua che mái.
Cây này là cây gì
Cây này sẽ se phiu(1)
Se phiu thật là chắc
Cây này là se đăng (2)
Se đăng chẳng hề nứt
Cây này gọi se ngò(3)
Se ngò thọ trăm tuổi
Cây Tấy này ở đâu(4)
Làm xà nhờ cây Tấy
Cây Tri mọi đỉnh núi(5)
Lõi cây cứng hơn sừng
Cột này là cây ngà(6)
Gió bão không lay nổi.
Hỡi tất cả các cây
Về cùng ăn cùng uống
Cùng sống với ông chủ
Vững như đá như núi
Không sợ bão, sợ gió
Không sợ nắng, sợ mưa.
Gọi xong vía các cây, thầy cúng gọi chủ nhà đến để thầy giao nhà cho chủ và ca bài về sự tích ngôi nhà xưa:
Ngôi nhà xưa lâu rồi
Từ thuở có trời đất
Và có con người sinh ra
Cột nhà cắm cây mua
Mái nhà che lá mua
Cũng từ ngôi nhà đó
Cây cột to dần ra
Mái nhà rộng dần ra
Càng ngày cây càng tốt
Càng ngày mái càng rộng
Chín, mười đời sống đó
Gió bão không lay nổi
Ngôi nhà ở đâu to
Không to bằng nhà này
Ngôi nhà gọi là chắc
Gỗ cứng dồn về đây
Nhà ở chín vùng đất
Nhà ở mười phương trời
Không đâu bằng nhà đây
Chống trời có mái nhà
Đạp đất có chân cột
Nhà nào chắc bao nhiêu
Không bằng ngôi nhà này.
Lễ mừng nhà mới của người Lô Lô diễn ra đơn giản nhưng vui, đàn bà gói cơm nếp hay đấu gạo; còn đàn ông địu chum rượu đến để mừng gia chủ. Riêng ông cậu gia chủ có một mâm kèn, con lợn và một chum rượu. Rượu để uống, mâm kèn thổi cho vui, con lợn để nuôi đến lớn, nếu có việc phải mổ thật thì xin phép cậu và để phần cậu một đùi.
Cả làng ăn, uống rồi hát mừng gia chủ với những lời ca chân tình, chúc cho nhau sống hạnh phúc trong ngôi nhà mới và làm nghĩa vụ với xã hội, với đồng tộc:
Người già ngồi mâm trên
Người trẻ ngồi mâm dưới
Người trẻ uống trông lên
Người già ăn trông xuống
Hôm nay là ngày đẹp
Đêm nay là đêm tốt
Mới được ngồi ở đây
Mỗi đời vui một vẻ
Đời trước tiếp đời sau
Đều lo tới ngôi nhà.
Không dễ gì làm người
Không nhà người ta chê
Không cửa người ta cười
Đêm nay như giấc mơ
Nhà vàng hay nhà bạc
Sáng hết cả góc trời
Không thấy gió đi qua
Không nghe mưa rơi xuống
Chín đời, mười đời ở...
Đêm mừng nhà mới cũng có nhiều trò chơi như "phát sọi"(7), thổi kèn, vật tay và hát dân ca cả đêm...
Mừng nhà mới của người Lô Lô ở Hà Giang vẫn còn mang tính truyền thống của đồng tộc. Cả làng giúp sức để dựng nhà, giúp của để góp vui và động viên nhau bằng lời ca tiếng hát. Đó là biểu hiện của tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời là sợi dây liên kết ràng buộc của đồng tộc mang tính truyền thống bền vững. Đó là một tập quán tốt đẹp của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang.

Hoàng Thị Khuyên (sưu tầm)

Lễ cúng tổ tiên – nét văn hóa đặc sắc của người Lô Lô (Hoàng Dương)

Trong buổi lễ, các thiếu nữ Lô Lô diện những bộ trang phục truyền thống luôn nhảy múa nghi lễ theo nhịp trống đồng.

Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô (Hà Giang), mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng… Đây là một nghi lễ cổ truyền, một tập tục truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hoá tinh thần, thường được tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán và ngày Rằm tháng 7 (Âm lịch) tại các gia đình trưởng họ.

Là 1 trong 17 dân tộc chung sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), dân tộc Lô Lô là một dân tộc có mặt sớm và có công khai khẩn ở vùng cao biên giới cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, nơi có vị trí rất quan trọng về mặt chính trị, an ninh, quốc phòng của Quốc gia. Người Lô Lô, xã Lũng Cú (Đồng Văn) hiện có 86 hộ với 371 nhân khẩu, 7 dòng họ cùng sinh sống là Vàng, Sình, Dìu, Làn, Mùng, 

Giầu, Sính. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, thời gian, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó phải kể đến một nghi thức quan trọng của đồng bào là Lễ cúng Tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành một nghi thức, một tập tục truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hoá tinh thần.
Ông Sình Dỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), cho biết: Đối với người Lô Lô, lễ cũng tổ tiên được tổ chức đêm 30 Tết là quan trọng nhất. Người Lô Lô cho rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần (duỳ khế) – các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) – những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi. Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Lô Lô tin rằng con người có hai phần, thể xác và linh hồn, phần thể xác là cuộc sống nơi trần gian và mang tính tạm thời, ngược lại phần hồn mới thuộc cõi vĩnh hằng, người thân sau khi chết sẽ thuộc về thế giới khác, và nó tác động đến đời sống vật chất, tinh thần của con cháu trên trần gian. Vì vậy hàng năm con cháu và những người thân thuộc thường tổ chức Lễ cúng Tổ tiên để tưởng nhớ những người đã khuất và để bày tỏ tấm lòng thành kính tổ tiên của con cháu. Tuy mọi gia đình Lô Lô đều có ban thờ tổ tiên, nhưng Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô thường được tổ chức tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm. Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng. Lễ vật bắt buộc phải có để dâng cúng tổ tiên gồm: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng (phíu khí), đèn dầu và một loại hiện vật không thể thiếu được đó là đôi trống đồng (gồm một chiếc trống đực và một chiếc trống cái). Đối với dân tộc Lô Lô, trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người và được thần linh hóa cả hình dáng lẫn tiếng nói.4


Tại lễ cúng, các gia chủ phải mượn những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh hóa trang thành người rừng, hay còn gọi là “ma cỏ” (Ghà Lu Ngang) để múa nghi lễ. Người Lô Lô quan niệm, “người rừng” hay “ma cỏ” đó là nguồn cội của tổ tiên xưa ở trên rừng, lấy cây cỏ làm quần áo, nên ngày nay làm lễ muốn tổ tiên về được thì phải có “ma cỏ”là người dẫn đường, là cầu nối giữa con cháu trên trần gian với tổ tiên, người chết mới có người dẫn đường chỉ lối về nhận tổ tiên ở thế giới bên kia. Lễ cúng tổ tiên, mời và nhờ người hóa trang thành. Những người hóa trang “ma cỏ” sẽ cùng nhau đi tìm loại cỏ “Su choeo” trên núi “Chun ta” (đỉnh núi có tên gọi là núi “Sống lưng”). Đây là một loại cỏ dài, mềm, dai, để bện quanh người thành trang phục che kín khắp người. Khi hoá trang xong, “ma cỏ” sẽ nhảy lễ cho đến khi kết thúc Lễ cúng tổ tiên. Trong giai đoạn đó, họ không được phép ăn, nói; đi đứng không được vấp ngã, vì nếu vấp ngã hoặc bị nhận dạng thì năm đó sẽ gặp xui xẻo.

Những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh hóa trang thành người rừng, hay còn gọi là “ma cỏ”Những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh hóa trang thành người rừng, hay còn gọi là “ma cỏ”


Lễ cúng tổ tiên gồm 3 phần lễ chính: Lễ hiến tế tổ tiên; lễ tưởng nhớ tổ tiên; lễ tiễn đưa tổ tiên. Tối hôm trước, thầy cúng phải tiến hành lễ báo với tổ tiên và mời tổ tiên về dự lễ, lễ vật chính là 1 con gà được cắt tiết, 1 bát tiết gà và 3 chén rượu. Ngày lễ thường diễn ra cả ngày hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau là kết thúc. Trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ, đoàn múa nghi lễ gồm các “ma cỏ”, các thiếu nữ Lô Lô diện những bộ trang phục truyền thống luôn nhảy múa nghi lễ theo nhịp trống đồng.

Lễ vật thờ cúng tổ tiênLễ vật thờ cúng tổ tiên

Mở đầu của Lễ cúng tổ tiên là Lễ hiến tế tổ tiên: thầy cúng chính làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng để báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ và hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Sau đó, nghi thức đánh trống đồng được tiến hành. Thầy cúng nhận 2 chén rượu uống cạn và nổi trống, trong khi những người phụ nữ trong nhà mặc trang phục truyền thống, nhảy múa và hành lễ theo nhịp trống cùng đoàn “ma cỏ”. Khi thầy cúng dứt lời mời và báo cáo với tổ tiên, gà được mang đi để làm lễ chín. Gà luộc xong, đôi cánh được dâng lên bàn thờ và thầy cúng làm tiếp nhiệm vụ của mình là dâng cúng tổ tiên đôi cánh. Tiếp đó, con lợn còn sống được đưa ra giữa sân để hiến tế cho tổ tiên. Lợn được chọc tiết giữa sân và thầy cúng báo cáo với tổ tiên là con cháu trong dòng họ dâng tổ tiên con lợn – tượng trưng cho con vật để tổ tiên nuôi ở cõi vĩnh hằng. Trong lúc thầy cúng đọc lời khấn dâng lễ, toàn thể trẻ em trong họ có mặt tại buổi lễ quỳ xuống, khoanh tay trước ngực, cúi mặt lắng nghe đến hết bài cúng, mới được ngẩng mặt lên và đứng dậy. Vật hiến tế tiếp theo là một con bò, được chọc tiết ngay tại sân. Mục đích của việc con cháu hiến tế bò là mong muốn dâng thức ăn cho tổ tiên trên đường bay về trời, trở về cõi vĩnh hằng.
Tiếp theo là lễ tưởng nhớ tổ tiên. Lễ này do cộng đồng người Lô Lô trong bản cùng với đoàn múa nghi lễ thực hiện. Đoàn múa liên tục đến chiều, cũng là thời điểm kết thúc “Lễ tưởng nhớ tổ tiên”. Nhờ niềm tin tâm linh và lòng nhiệt tình mà suốt một ngày lễ, đoàn múa nghi lễ vẫn múa dẻo, nhịp nhàng theo nhịp trống, không hề thấy mệt mỏi.
Khi màn đêm buông xuống, Lễ tiễn đưa tổ tiên được bắt đầu trong tiếng trống đồng. Giữa sân, gia chủ đốt một đống lửa lớn và thầy cúng thưa với tổ tiên về việc “con cháu dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về trời; xin tổ tiên nhận lễ vật do con cháu trong dòng họ dâng lên, người dẫn đường đã có, tổ tiên hãy về trời và hãy phù hộ cho con cháu ở trần gian, tổ tiên hãy yên tâm ở cõi vĩnh hằng…”. Sau đó, thầy cúng đốt tiền, vàng và lễ cúng kết thúc vào lúc rạng sáng hôm sau.
Lễ vật sau khi hiến tế tổ tiên được chế biến thành các món ăn để cảm ơn bà con dân bản và chia đều cho những người đã giúp dòng họ làm lễ, như thầy cúng, người hoá trang Ma cỏ, đầu bếp, người đánh trống đồng, người cho mượn trống đồng… và mời mọi người đến dự lễ ăn cơm, uống rượu chia vui với gia đình…
Khi kết thúc lễ cúng tổ tiên thì trời cũng rạng sáng, mọi người ra về với niềm tin là tổ tiên đã vui mừng cùng con cháu và đã yên tâm trở về cõi vĩnh hằng, phù hộ cho con cháu trong gia đình, bà con trong bản mạnh khỏe, mùa vụ bội thu, chăn nuôi gia súc, gia cầm sinh sôi…5 (2)


Với những nét đặc trưng riêng có, lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô đã thể hiện được bản sắc văn hóa hết sức quan trọng, tăng tính cố kết của cộng đồng làng xã. Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là di sản văn hoá phi vật thể thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012.
 Hoàng Dương (sư tầm)

Kiến trúc nhà ở độc đáo của người Lô Lô (Hoàng Minh Thắng)

(hagiangnay) - Cũng giống như dân tộc Mông, dân tộc Nùng, dân tộc Bố Y… sinh sống ở các huyện phía Bắc tỉnh Hà Giang, kiến trúc nhà ở của người Lô Lô là nhà trình tường (nhà đất). Khi một gia đình nào đó chuẩn bị làm nhà, ngoài việc chuẩn bị đủ vật liệu để làm nhà ra thì công việc chọn đất và hướng làm nhà ở của người Lô Lô rất quan trọng; xem hướng có đẹp và có hợp với gia chủ hay không thì mới quyết định dựng nhà. Nhà ở của họ thường có mặt quay về hướng nam hoặc đông nam. Các hộ gia đình dân tộc Lô Lô thường dựng nhà ba gian, có hộ làm năm gian nhưng rất ít.

Khung nhà được làm bằng gỗ tương đối đơn giản được kết cấu dựa trên các kèo gỗ (lù phù) có từ 3 đến 5 hàng chân. Những vì kèo được liên kết với nhau bằng hệ thống đòn tay, ngang, dọc. Nhà được thiết kế ba gian, gian giữa nhà (gian khách) rộng khoảng 3,5cm. Gian giữa nhà được dựng có nóc gọi là xà đốc (sảng lè), khi dựng xà đốc người ta phải xem ngày, giờ đẹp thì mới dựng. Khi dựng xà đốc chủ nhà buộc một miếng vải đỏ, đóng ba đồng bạc vào thân xà đốc, buộc một túi thóc nếp, một túi thóc ngô nếp lên hai đầu xa đốc. Dựng xà đốc xong, bắt một con gà trống cho uống một tí rượu, rồi thả con gà trống đứng lên xà đốc, làm hai túi bánh dày bố trí hai người đứng ở hai đầu xà tung bánh xuống cho trẻ em trong làng bản ăn. Với ý nghĩa là người ta cầu chúc cho ngôi nhà được xây cất cẩn thận và gia chủ làm ăn phát tài.
vietnamnay.com kien-truc-nha-o-doc-dao-cua-nguoi-lo-lo-default
Không gian nhà được tổ chức theo quy mô hẹp, khép kín. Nhà ở có ba gian và không có chái. Xung quanh nhà có hệ thống tường rào bao bọc (được xếp bằng đá, đây là nét đặc trưng, nét rất riêng của các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao phía Bắc Hà Giang), trước cửa nhà có một sân nhỏ. Gian chính giữa nhà là nơi tiếp khách và uống ước của gia đình. Gian này có một cửa chính rộng 1,2m, cao 2m gồm hai cánh khi mở quay vào trong nhà. Giữa chính cũng là nơi để thờ tự tổ tiên, gia chủ đặt một bàn thờ nhỏ để các hình nhân khắc bằng gỗ ở bên trên (mỗi hình nhân tượng trưng cho một người trong gia đình đã khuất). Gian buồng được đặt ở bên phía trái hướng từ cửa chính vào, ở gian buồng này cũng đặt một cửa sổ ở mặt trước.
Gian bếp phía tay phải, gian này là nơi nấu ăn và là gian dành cho trẻ nhỏ, gian này cũng được lắp đặt một cửa sổ. Gác xép là nơi cất giữ và bảo quả lương thực, và khi nhà có đông khách cũng được dùng để ngủ. Muốn lên được gác xép người ta đã làm một thang gỗ có 9 đến 11 bậc và người ta kiêng không làm cầu thang có bậc là số chẵn.
Tường nhà được làm bằng đất, đất dùng trình tường không được đổ nước vào để trộn, thường người ta dùng đất có nhiều sỏi hoặc đá xít thì càng tốt, nó giúp cho tường đỡ bị nứt, độ bền cao và có sức chịu đựng lớn. Tường nhà có độ dày từ 40-50cm. Mái nhà được lợp bằng ngói máng (ngói âm dương), mái nhà được lợp một hàng úp một hàng ngửa và chồng lên nhau tạo thành rãnh thoát nước khi có mưa. Xung quanh nhà có tường rào bằng đá được xếp đè lên nhau có chiều cao từ 1,5m – 2m.
Kiến trúc nhà ở của người Lô Lô nói riêng và kiến trúc nhà của các dân tộc thiểu số sinh sống ở các huyện vùng núi cao phía Bắc tỉnh Hà Giang nói chung, phong cách kiến trúc có nhiều nét tương đồng. Về căn bản là giống nhau và đều là nhà đất. Tuy nhiên ở mỗi dân tộc lại có quan niệm khác nhau về việc chọn đất, hướng đất để dựng nhà. Đối với dân tộc Lô Lô thì việc dựng nhà, kiến trúc nhà ở luôn gắn liền với cuộc đời của mỗi con người.
Hoàng Minh Thắng (sưu tầm)

Dân tộc Lô Lô (Hoàng Thị Vinh)

Dân tộc Lô Lô sinh sống ở Yên Bái chỉ có 3 người cư trú ở thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên (theo số liệu tổng điều tra dân số ngày 1/4/1989) đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Yên Bái chỉ còn 01 người dân tộc Lô Lô giới tính Nam cư trú, sinh sống.

Tếng nói của người Lô Lô thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến. ngữ hệ Hán - Tạng, gần với ngôn ngữ Miến hơn. Người Lô Lô đã có dạng chữ viết riêng (chữ tượng hình) nhưng nay đã bị mai một.

Nguồn sống chính của đồng bào Lô Lô là lúa nương. Người Lô Lô ăn cơm tẻ hay bột ngô đồ với canh rau và các mòn xào, cũng uống rượu trong ngày lễ. Người Lô Lô sống quần tụ thành các bản lớn và vừa trên triền núi, nhà ở của người Lô Lô có cả nhà đất, nhà sản nửa đất và nhà sàn.. Mỗi hộ gia đình đều có khuôn viên riêng, ngoài nhà ở còn có vườn và chuồng gia súc, xung quanh nhà thường có hàng cây bao quanh. Người Lô Lô thờ cúng tổ tiên, trong mỗi gia đình, trong mỗi dòng họ. Việc điều hành thờ cúng do người con trai và ông trưởng họ.

Trang phục phụ nữ Lô Lô mặc quần áo rộng, trên y phục có trang trí bằng nhiều họa tiết, hoa văn chắp ghép từ vải màu. Nam giới cũng mặc quần chân què lá tọa yà trang trí hoa văn nhiều màu sắc. Người Lô Lô có nền văn nghệ dân gian khá độc đáo với nhiều truyện kể thần thoại, nhiều làn điệu dân ca trữ tình. Là một trong số ít các dân tộc ở nước ta, hiện nay người Lô Lô còn dùng trống đồng trong đám tang, đánh nhịp trong múa hát. Nghệ thuật trang trí của người Lô Lô rất tinh lế, độc đáo chứa đượm nhân sinh quan, vũ trụ quan cổ điển thể hiện trên y phục, trên trống đồng.

 Hoàng Thị Vinh (sưu tầm)