Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Lự
Showing posts with label ₪ Dân tộc Lự. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Lự. Show all posts

Saturday, June 25, 2016

Vài nét Dân tộc Lự (Minh Nguyệt)

Tên gọi khác : Lữ, Nhuồn, Duồn 
Nhóm ngôn ngữ : Tày - Thái 
Dân số : 3.700 người. 
Cư trú : Tập trung ở hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu 
Đặc điểm kinh tế 

Người Lự có truyền thống làm ruộng từ lâu đời. Đồng bào biết dùng cày bừa, đào mương dẫn nước, gieo mạ, cấy lúa, nhưng lại không làm cỏ, bón phân. Đồng bào còn làm thêm nương để trồng lúa, ngô, khoai, sắn, lạc, bông, chàm và nhà nào cũng có vườn cạnh nhà. Đồng bào có tập quán ăn cơm nếp là chính, thích ăn ớt, ưa uống nước chè và đàn ông thường hút thuốc lào. 
Trong các nghề phụ của người Lự thì nghề dệt phát triển nhất. Mỗi gia đình người Lự thường có vài ba khung cửi. Tài nghệ dệt, may, thuê đều khá cao, từ chiếc quần của đàn ông cho đến váy, áo, khăn của phụ nữ thường có hoa văn trang trí rực rỡ trên nền vải nhuộm chàm, nhất là trang phục ngày lễ hội càng được tranh trí nhiều và đẹp hơn. 


Hôn nhân gia đình 
Trai gái Lự được tìm hiểu nhau tự do rồi xin ý kiến cha mẹ để kết hôn, nhưng họ phải nhờ thầy số xem tuổi trước, nếu hợp tuổi mới lấy nhau. Con trai phải ở rể vài ba năm rồi ra ở riêng. Con lấy họ theo cha, tên con trai có chữ đệm Bạ, tên con gái có chữ đệm Yý. Người Lự sống tình nghĩa, thủy chung. Vợ chồng rất ít ly dị nhau, nếu trai bỏ vợ, gái bỏ chồng đều bị phạt nặng theo tập tục. 
Tục lệ ma chay 
Sau khi chôn cất người chết một thời gian, tang gia làm một mái nhà táng giấy có trang trí đẹp rồi bỏ vải, đệm, gối, thóc, tiền vào đó để làm lễ đưa linh hồn người chết vào chùa. 
Văn hóa 
Người Lự hay hát dân ca "khăp", yêu thích vốn truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, các loại sáo, nhị, trống... 
Nhà cửa 
Người Lự ở nhà sàn, hai mái, mái phía sau ngắn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cho cả hàng hiên và cầu thang. Cửa ra vào ở hướng Tây Bắc. Trong nhà có hai bếp, một bếp để nấu ăn và một bếp để đun nước tiếp khách.

Minh Nguyệt (sưu tầm)

Khám phá văn hóa dân tộc Lự ở Lai Châu (Minh Nguyệt)

Đến với Bản Hon, du khách sẽ được khám phá và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động của người dân bản địa.


100% đường liên thôn bản đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại của người dân và du khách khi đến Bản Hon.

157 ngôi nhà sàn của đồng bào Lự ở Bản Hon vẫn giữ được nguyên trạng.
Với hơn 100 ngôi nhà sàn được bảo tồn nguyên trạng, cùng với nghề dệt vải và các tập tục sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Lự, Bản Hon đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Trước đây, phụ nữ dân tộc Lự có tục nhuộm răng đen từ 13 - 14 tuổi. Giờ đây, phụ nữ trên 30 tuổi mới nhuộm răng đen.

Đồng bào Lự ở Bản Hon không những biết làm du lịch mà còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng.

Trang phục truyền thống của đồng bào Lự với đường nét văn hóa độc đáo được làm bởi những đôi tay khéo léo của người phụ nữ.

Nghề dệt vải truyền thống của đồng bào Lự được duy trì ở hầu hết các gia đình.
Nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu hơn 10 km và nằm trên tuyến du lịch “vòng cung Tây Bắc”, cách điểm du lịch Sa Pa không xa, đường đi thuận tiện là những lợi thế giúp Bản Hon thu hút khách du lịch, nâng cao đời sống đồng bào, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động vùng dân tộc thiểu số.

                                                                                                    Minh Nguyệt (sưu tầm)

Bản dân tộc Lự bên dòng Nậm Hon (Hoàng Hải)

Nằm trên Quốc lộ 4D, cách thành phố Lai Châu chừng 15km, cách trung tâm thị trấn Tam Đường chừng 7km, bản Hon nép mình giữa hai dòng suối Nậm Hon và Nậm Mu thơ mộng trên cung đường huyền thoại mang tên “Vòng cung Tây Bắc”.
Cuộc sống yên bình của người Lự ở Bản Hon

Bản Hon là điểm đến duy nhất trên bản đồ du lịch, nơi những người đam mê khám phá và trải nghiệm có thể tìm hiểu và hòa với cuộc sống còn nguyên chất núi rừng của cộng đồng dân tộc Lự (Lừ, Lữ, Nhuôm, Duôn). Một dân tộc ít người chỉ sinh sống duy nhất trên địa bàn tỉnh Lai Châu và tập trung nhiều nhất tại huyện Tam Đường.
Bản Hon vẫn giữ được những phong tục tập quán gần như nguyên vẹn từ bao đời nay. Bên dưới những nếp nhà sàn ngăn nắp nằm gần sát nhau trong bản, cuộc sống cộng đồng người Lự gần gũi như trong một gia đình.
Người già trong bản vẫn dạy con cháu của mình rằng, người Lự vốn rất coi trọng tình làng xóm, láng giềng. Khi mỗi gia đình trong bản có việc thì cả bản đều giúp đỡ, chia sẻ. Bởi vậy, những ngôi nhà trong bản thường làm rất gần nhau, quây quần trong một không gian vừa phải để tiện sinh hoạt, liên lạc và giúp đỡ nhau những khi cần thiết.
Một buổi chiều bên dòng Nậm Hon êm ả, những mái tóc thả dài theo dòng nước cùng tiếng cười khúc khích từ hàm răng đã nhuộm đen bóng từ khi mới dậy thì của người con gái Lự văng vẳng hòa cùng tiếng chim khách hót vội vàng. Bên dòng nước hiền hòa thơ mộng, một cô gái trẻ khẽ mỉm cười khi đang trải mái tóc dài bên phiến đá. Khung cảnh bên dòng Hon đẹp như một bức tranh.
Dường như người con gái Lự nhuộm răng đen để ý tứ giữ cho mình những nét duyên, giữ riêng cho người mình yêu những điệu Khắp Lử “Hát Lự” khi màn đêm buông xuống. Khi tiếng sáo “Pấu Pí” đôi của người con trai gửi tình cất lên dìu dặt. Điệu Pấu Pí Khắp như lời gửi tình của đôi trai gái đang tâm sự yêu đương. 
Buổi tối ở Bản Hon, sau chén rượu thơm mùi nếp mới, những món ăn giản đơn như rau rừng, cá suối, thịt khói, lạp chua, xôi nếp… Cả chủ và khách đều vui vẻ kể chuyện bản làng, chuyện về những phong tục truyền thống của đồng bào, về những đêm lễ hội xòe thâu đêm của con trai con gái… rồi lại uống rượu, thổi sáo, thổi khèn và cùng nhau hát những bài dân ca Lự đầy ắp âm hưởng núi rừng

Hoàng Hải (sưu tầm0

Độc đáo lễ hội Căm Mường của người Lự (Hoàng Hải)

Các thầy cúng đang chuẩn bị thuyền giấy để làm lễ
Tỉnh Lai Châu hiện có 20 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Lự sống tập trung ở huyện Sìn Hồ và Tam Đường. Vốn văn hóa tinh thần của dân tộc Lự rất phong phú, đa dạng, còn giữ được những nét văn hóa riêng, mang đậm bản sắc dân tộc, đặc sắc và tiêu biểu nhất là Lễ Căm Mường.
Lễ hội được tổ chức trong khoảng thời gian từ đầu tháng Giêng đến mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Những giai điệu dân ca mộc mạc, giản dị nhưng giàu ý nghĩa nhân văn của đồng bào dân tộc Lự vang lên trong lễ hội Căm Mường. Đây là dịp để bà con dân bản dâng lễ vật cầu khấn thần sông, thần núi, thần khe, thần suối, thần rồng, phù hộ cho bà con dân bản được ăn nên làm ra, điều lành ở lại, điều dữ mang đi.
Ngoài những lễ vật là đồ ăn, thức uống, người Lự còn đặt trên bàn lễ 18 chiếc thuyền giấy màu xanh và màu vàng. Những màu sắc này đều có ý nghĩa riêng của nó. Màu xanh là màu của những cánh rừng bạt ngàn, của sức sống mãnh liệt, màu vàng là màu của thóc lúa, sự sung túc và no đủ.

Thầy cúng làm lễ tại lễ hội Căm Mường

Từ xưa đến nay, lễ Căm Mường bao giờ cũng được làm rất trang trọng. Mỗi gia đình sẽ cử ra một người đại diện là nam đi tham gia phần cúng lễ, khi về sẽ có lộc dành cho những người ở nhà. Thủ tục cúng lễ chia làm bốn phần khác nhau là: lễ thỉnh Thần, lễ khẩn cầu, lễ Căm Mường và các nghi lễ kết thúc.
Người chủ lễ phải là người già, có uy tín. Người dân tộc Lự không sử dụng khèn, sáo, trống hay bất kỳ một loại nhạc cụ nào trong phần lễ vì theo quan niệm của họ, những âm thanh ấy sẽ làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng, thần bí. Và nghi lễ cúng không diễn ra trong nhà mà tổ chức dưới một gốc cây to.

Sau phần lễ là phần hội sôi động

Kết thúc phần lễ là đến phần hội, hai chàng trai cùng thổi sáo mẹ, sáo con để cho các cô gái hát những bài dân ca của dân tộc mình. Cùng với các bài hát thì trò chơi ném còn cũng là một phần không thể thiếu trong lễ hội này, nó thể hiện sự tinh tế, khéo léo không chỉ trong việc dựng cột, làm quả còn mà ngay cả trong việc tung còn cũng có những bí quyết riêng đã được các thế hệ của người Lự truyền lại cho nhau.
Ai là người ném trúng vòng tròn đầu tiên thì đó sẽ là người may mắn nhất. Ngoài ra, các trò chơi như đẩy gậy, đánh gối cũng là những nét đặc trưng trong lễ hội của đồng bào Lự. Những người bị thua trong các trò chơi này đều được té nước để giải đen cũng như cầu may mắn. Trong những ngày lễ hội và sát lễ hội, đồng bào dân tộc Lự còn phải tuân thủ một số điều để tránh việc không lành.

Trò chơi đẩy gậy thu hút nhiều thanh niên người Lự tham gia.

Lễ Căm Mường của người Lự ở xã Nậm Tăm huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu rất đề cao vai trò của những sinh hoạt văn hoá dân gian mang tính cộng đồng, nó càng làm tăng thêm sự gắn kết trong mỗi cộng đồng làng bản. Chính vì vậy mà lễ hội này cần được bảo tồn, gìn giữ, phát huy, để nó thật sự trở thành nét đẹp trong vốn văn hoá dân gian mang đậm bản sắc riêng của người Lự
Hoàng Hải (sưu tầm)


Nét duyên người Lự (Hoàng Thị Khuyên)

Người Lự (còn gọi là Lào Lự, người Lữ, người Nhuồn, người Duồn) là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam. Mấy năm gần đây một số bản làng của người Lự ở tỉnh Lai Châu đã trở thành điểm du lịch văn hóa sinh thái hấp dẫn du khách quốc tế.
Theo số lượng mới thống kê gần đây, cả nước chỉ có khoảng 5.500 người Lự và họ sinh sống chủ yếu ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Phong Thổ, Tân Uyên (Lai Châu).

Người dân tộc Lự biết làm ruộng nước từ lâu đời và còn làm thêm nương rẫy để trồng ngô, khoai, sắn. Nghề trồng bông dệt vải phát triển ở hầu hết gia đình người Lự.

Nụ cười của phụ nữ Lự lộ những hàm răng độc đáo. Vậy nhưng trong bản giờ chỉ những người trên 35 tuổi mới nhuộm răng đen.
Phụ nữ Lự có bàn tay thêu thùa khéo léo, may, dệt trang phục cho cả gia đình; nhất là váy, áo, khăn của thiếu nữ về nhà chồng trong ngày hôn lễ được thêu hoa văn thổ cẩm trang trí trên nền vải nhuộm chàm rất đẹp.

Bình yên bản Nà Tăm

Họ mặc áo chàm, xẻ ngực; váy may bằng vải chàm đen, có thêu hoa văn thổ cẩm thành hai phần trang trí do vậy thoáng nhìn cảm giác như chiếc váy có hai tầng vải ghép lại.

Nhà sàn đặc trưng của người Lự.

Thiếu nữ Lự đeo vòng cổ trang sức làm bằng bạc chạm khắc rất tinh xảo và khăn đội đầu được cuốn nghiêng về phía trái, để lộ mặt trước với những đường viền thêu hoa văn thổ cẩm đẹp mắt.

Lễ cơm mới của người Lự.

Người dân tộc Lự sống có trước có sau, đặc biệt vợ chồng rất thủy chung với nhau. Nếu vì lý do nào đó mà vợ chồng phải ly dị thì họ sẽ bị dòng họ và dân làng phạt rất nặng.


 Phụ nữ Lự giặt giũ bên bờ suối. Một vài nơi ở vùng sâu hơn: các cô gái Lự vẫn duy trì phong tục ngực trần tắm suối.
Người Lự rất thích hát dân ca của dân tộc mình, say sưa chơi các loại nhạc cụ truyền thống như sáo, nhị, trống trong các ngày lễ, ngày hội của bản làng. Bên cạnh đó, nhiều trò chơi dân gian được thanh niên ưa thích như ném én, kéo co.

Qua suối
.
Nét độc đáo nhất của phụ nữ Lự là phong tục nhuộm răng đen có điểm xuyết một vài chiếc răng bằng vàng giả trông khá lạ mắt. Phong tục nhuộm răng đen đang bị mai một vì lớp trẻ của người Lào Lự giờ không thích nhuộm răng đen. Bây giờ tìm trong bản những người nhuộm răng đen chỉ là phụ nữ có tuổi đời từ 35 trở lên.

Theo truyền thống, người Lự sinh sống ở nhà sàn, nhà có hai mái, mái phía sau ngắn còn mái phía trước kéo dài xuống che cả hàng hiên và cầu thang lên xuống. Cửa ra vào của nhà ở chính mở theo hướng tây bắc. Trong nhà có hai bếp lửa, một bếp để nấu ăn cho gia đình hằng ngày và một bếp để đun nước tiếp khách khi tới thăm nhà.
Nét đặc biệt của người Lự là rất quý khách tới thăm nhà và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách chụp ảnh, tìm hiểu phong tục tập quán nhưng không đòi hỏi thù lao như những nơi khác.
 Hoàng Thị Khuyên (sưu tầm)


Lễ cưới người Lự (Hoàng Thị Khuyên)

Các chàng trai người Lự thường mang sáo đi tìm người yêu.

Lễ cưới của trai gái dân tộc Lự thường diễn ra khi tiết trời đang độ xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa mạ, hoa pon... đua nở.
Dân tộc Lự có tên gọi khác là: Lữ, Nhuồn, Duồn, có khoảng 3.700 người, cư trú tập trung ở hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Người Lự còn để lại nhiều di tích cổ xưa ở Điện Biên, nhưng hiện nay chỉ còn một ít người sinh sống ở đấy. Lễ cưới là một nghi lễ của đồng bào dân tộc Lự. Không có trường hợp ép duyên. Theo tục ở rể 3 năm sau đó về làm dâu 2 năm thì đôi vợ chồng được phép ra ở riêng để thành đơn vị gia đình hạt nhân sống trong nếp nhà sàn riêng của mình. Con lấy họ theo cha, tên con trai có chữ đệm Bạ, tên con gái con gái có chữ đệm Ý. Người Lự sống tình nghĩa, thuỷ chung. Vợ chồng rất ít ly dị nhau, nếu trai bỏ vợ, gái bỏ chồng đều bị phạt nặng theo tập tục.
Lễ cưới của trai gái dân tộc Lự thường diễn ra khi tiết trời đang độ xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa mạ, hoa pon... đua nở. Đêm hôm nhà trai đưa lễ vật đến nhà gái, chú rể không được đến nhà cô dâu. Đêm ấy, cô dâu và bạn bè tổ chức hát giao duyên tại sân khuống, tạm biệt bạn bè cùng trang lứa để đi lấy chồng.

Ở dân tộc Lự, hồi môn bên họ hàng nhà trai cho ngoài những váy áo, tiền bạc có một điều hết sức thú vị là: đám cưới xong, ngày hôm sau cô dâu đến gánh nước cho họ hàng nhà trai mỗi nhà một gánh; nhà trai trả công cho cô dâu là những con giống như đôi gà, con lợn con hoặc bát đĩa, đồ đan lát... để đôi vợ chồng trẻ làm giống và phát triển sau này. Trong đám cưới không mang nặng tính thách cưới. Khi nhà có đám cưới, những người trong họ cùng chung gánh vác, nếu trường hợp kinh tế khó khăn chưa đủ điều kiện để làm bữa cơm mời họ hàng thì người ta cho nhau nợ, khi nào có điều kiện thì làm được thì trả.
Đến ngày chính lễ, từ sáng sớm ông mối bên nhà trai đến thông báo xin giờ để chàng trai đến ở rể. Nhà gái chuẩn bị một bàn rượu, một bát thịt và một đôi đũa tiếp ông mối. Ông mối quỳ trước họ nhà gái và hát những lời có tính chất thông báo, xin cho chàng trai ở rể. Sau đó nhà gái cho ông mối uống một hớp rượu, ăn một miếng thịt nhằm trả ơn người đã mai mối cho đôi trẻ thành vợ thành chồng. Sau đó đoàn nhà trai đến, dẫn đầu là ông mối. Khi đến chân cầu thang, nhà gái đón tiếp bằng những chén rượu nồng. Mỗi bên đều uống một chén để tỏ lòng thân thiện và đồng ý sự kết duyên của đôi nam nữ. Chủ nhà sắm một lễ gồm đầu, bốn chân và đuôi lợn, gà luộc sẵn trình báo với tổ tiên hôm nay nhà ta có “Kin khéc” (đám cưới con cháu trong nhà). Đoàn nhà trai lên nhà, nhà gái bầy một mâm rượu, đem các lễ vật (của hồi môn cho con gái) trình trước nhà trai như váy, áo, vòng cổ, vòng tay... Trên lễ vật được cắm những bông hoa sặc sỡ (hoa dâm bụt). Cô dâu chú rể lạy trước ông, bà, chú, bác hai bên gia đình. Ông mối hát lời chúc phúc cho hai người thành đôi lứa, sống có ích cho gia đình. Trong thời gian ông mối hát, đôi vợ chồng trẻ vẫn quỳ lạy, đầu chúi xuống chiếu.

Lễ cưới của người Lự

Ông mối hát chúc phúc xong, hai bên gia đình mỗi người một tay bám vào các lễ vật ý nói chúc cho hai vợ chồng trẻ hạnh phúc, làm ăn phát đạt, sống có ích cho hai bên gia đình nương nhờ. Mỗi người đến dự cưới buộc chỉ cổ tay cho cô dâu chú rể như muốn buộc chặt tình cảm yêu thương của mình, buộc chặt tình yêu của đôi trẻ với gia đình hai bên. Sau đó họ nhà gái phát cho mỗi người một que sáp ong như sự tạ ơn của gia đình đôi trẻ và tình đoàn kết họ hàng thân tộc như mật ong, sáp ong quyện chặt.
Thủ tục hôn lễ đã xong, ông mối mời họ hàng nhà gái và dân bản cùng vui chén rượu chúc cho hai vợ chồng trẻ hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Cuộc rượu có thể kéo dài đến đêm. Trong thời gian tổ chức “Kin khéc” chú rể luôn đóng vai trò là người tần tảo tháo vát, lúc chạy vào chỗ này, lúc đến chỗ kia để xem bàn tiệc vơi thứ gì thì kịp thời bổ sung. Một điều thú vị nữa trong 3 ngày tính từ đám cưới chính thức chú rể không được ngồi ghế, chỉ ngồi xổm để tiếp khách. Điều này hàm ý cho bố mẹ nhà gái biết tính chịu khó, siêng năng của chàng rể.

Vẻ đẹp xinh tươi của thiếu nữ người Lự

Trong đám cưới dân tộc Lự hầu như hát giao duyên, ngay cả lời bàn bạc với nhau cũng là những câu vần điệu. Ngày nay, trong đám cưới người Lự cũng đã bớt đi nhiều thủ tục rườm rà, một số địa phương trai gái yêu nhau khi đã tìm hiểu chín muồi thì tự về ở với nhau (tuy nhiên cha mẹ hai bên đã ngầm đồng ý). Còn lại hầu hết đôi trẻ tự giác đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Bố, mẹ người con trai đến báo với cha, mẹ cô gái rồi tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ, tuyệt nhiên không có chuyện thách cưới. 

 Hoàng Thị Khuyên (sưu tầm)

Thổ Cẩm của người dân tộc Lự (Vân Anh)

Sắc thổ cẩm đằm thắm của người phụ nữ Lự ở Tam Đường.

Biên Phòng - Trong cuộc hành trình tìm về với những người anh em dân tộc Lự, chúng tôi đến bản Hon, thuộc huyện Tam Đường, Lai Châu, nơi có 474 hộ với 2.859 nhân khẩu người dân tộc Lự. Là một trong số 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người, dân tộc Lự hiện chỉ còn 3.700 khẩu, cư trú tập trung ở hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Theo giới thiệu của các cán bộ Phòng Văn hóa huyện Tam Đường, bản Hon là bản người Lự thuần chất, vẫn còn giữ được nguyên bản sắc văn hóa từ kiến trúc, ẩm thực, trang phục cho đến các phong tục tập quán trong sinh hoạt thường nhật. 
Bao phủ cả bản Hon là sự bình yên ấm áp, với nhiều cửa nhà vô tư khép hờ, dù chủ nhân vắng mặt, khiến cho những người phương xa mới đến như chúng tôi bỗng thấy mình như được xem trọng và tin yêu. Rải rác dưới hiên của những ngôi nhà sàn bốn mái, những khung dệt, xa quay vẫn như đang chờ đợi tay người... Rồi những ôm tranh, thước củi chen nhau chất kín trên nhà, dưới sàn, cho thấy sự bám rễ thâm sâu của người Lự trên bản Hon, một miền đất lành mà tổ tiên họ đã chọn để an cư lập nghiệp sau khi phải thiên di ra khỏi thành Xám Mứn - Điện Biên để tránh nạn lửa binh từ bao thế kỷ trước.
Là cư dân thuộc ngành Tày - Thái, người Lự thuộc nền văn hóa lúa nước vùng thung lũng. Trên con đường thiên di về phía Nam, người Lự bị phân tán và sống xen kẽ với người Dao, người Mông... Chính vì thế, điều dễ nhận thấy là văn hóa của họ vẫn giữ được văn hóa của cư dân Tày - Thái,  song cũng đã có sự giao thoa, tiếp nhận thêm nhiều yếu tố văn hóa của các dân tộc khác. Người Lự đến định cư tại Tây Bắc từ bao giờ, đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Theo các nhà dân tộc học, sớm nhất vào thế kỷ thứ 11 - 12, người Lự đã có mặt ở khu vực Xam Mứn, nay thuộc tỉnh Ðiện Biên. Tại đây, người Lự đã khai hoang lập ấp và xây thành Xam Mứn, tức thành Tam Vạn mà di chỉ hiện còn nằm ở cánh đồng Mường Thanh. Theo cổ sử, thành Tam Vạn tồn tại dưới sự trị vì của 19 đời chúa Lự. Đến thế kỷ 18, chiến tranh bùng nổ khi giặc Phẻ tràn vào, người Lự phải phân tán đi khắp nơi và một bộ phận lớn đã thiên di lên Lai Châu.
Riêng người Lự ở nước ta thuộc nhóm Lự Đen hay còn gọi là Lừ Đăm. Gần 100 năm trước, các thế hệ người Lự ở Lai Châu vẫn còn những phong tục, lễ nghi trong sinh hoạt mang đậm tín ngưỡng Phật giáo và đặc biệt còn sử dụng chữ viết theo mẫu tự Pali của Phật giáo nguyên thủy. Đặc biệt, khi đó người Lự còn sử dụng bộ lịch riêng.
Ở bản Hon, hầu hết các ngôi nhà của người Lự đều quay lưng vào núi và gần như mỗi nhà đều có vườn để trồng trọt, chăn nuôi mang đậm hình thái kinh tế tự cung tự cấp. Theo các nhà dân tộc học, người Lự cũng là một dân tộc nông nghiệp có trình độ cao. Ngay từ xa xưa, người Lự đã biết làm thủy lợi dẫn thủy nhập điền, biết dùng phân bón ruộng, biết trồng lúa nếp theo kỹ thuật cấy mạ hai lần và thâm canh các loại hoa màu.
Người Lự, đặc biệt là những phụ nữ mà chúng tôi gặp hầu như không lúc nào ngơi tay với những công việc vườn tược, cửa nhà. Dù có tuổi hay còn son trẻ, họ vẫn say sưa việc nhà như thể đó là hạnh phúc của mình. Không biết, đó có phải là do người Lự không có tục ép duyên hay gả bán, nên người phụ nữ Lự luôn chăm sóc tốt tổ ấm cho người mà mình yêu thương. Họ vẫn còn tục nhuộm răng đen bằng cách đốt gỗ cây "mày tỉu" cho vào ống tre; sau đó lấy chảo gang vỡ hứng lấy muội khói tạo thành một lớp nhựa đen sệt; thỉnh thoảng nhuộm một lần để làm đẹp và phòng các bệnh răng miệng rất hiệu quả.
Giống như người Lào ở Nà Luông, phụ nữ Lự cũng vấn khăn trên đầu với phương thức và kiểu dáng lệch hẳn sang bên trái. Có khác chăng là khăn của phụ nữ Lự có thêm khoảng 18 đường gấp hoa văn bổ dọc, khi vấn tạo thêm nét đặc sắc và tươi tắn cho họ. Không quá khi nói rằng, sắc màu cũng như tính mỹ thuật của trang phục Lự thuộc vào hàng nhất nhì vùng Tây Bắc. Họ hết sức khéo léo và tinh tế khi kết hợp một cách hài hòa giữa hoa văn dệt với hoa văn ghép vải trên một bộ trang phục. Với kiểu áo xẻ nách chéo về bên phải, phụ nữ Lự thêu đường viền cổ áo nhiều màu sắc với hoa văn quả trám và chân chim. Song song với hoa văn chỉ thêu, các hoa văn làm bằng vải ghép cũng được phụ nữ Lự trang trí tỉ mỉ dọc theo váy, áo.
Đặc biệt, là dải hoa văn mà người Lự gọi là "con suối uốn lượn" vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau, được điểm tô thêm các đồng tiền theo hình rẻ quạt tạo cho áo có độ xòe so với eo. Trao đổi với chúng tôi, bà Tao Thị Chăn, nhà ở bản Hon cho biết: "Để thực hiện được phần hoa văn vải ghép, chỉ riêng cho gấu váy, người phụ nữ Lự khéo léo nhất cũng phải mất 1 tuần. Đặc biệt, phần hoa văn dọc thân váy còn được chăm chút thêu thêm các hoa văn bằng các loại chỉ len. Ngoài ra, các phục sức như xà tích, vòng tay, hoa tai cũng được người Lự chế tạo hài hòa với trang phục, tôn thêm nét đẹp của người phụ nữ".

Nghề dệt của người Lự vẫn được bảo tồn qua các thế hệ.

Và rồi, không bõ công tìm kiếm, rốt cuộc chúng tôi cũng đã tận mắt thấy những người dệt nên những sắc hoa xứ Lự. Với trang phục truyền thống rực rỡ khoác trên mình, các thiếu nữ ở bản Hon đã cho thấy mình xứng đáng là thế hệ kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa của dân tộc Lự.

Dưới từng mái nhà bản Hon, ít nhiều đều có từ 1 đến 3 khung cửi và người phụ nữ phải dành nhiều thời gian trong năm để dệt váy, áo cho mình và cho cả gia đình. Giống như phụ nữ của nhiều dân tộc, chị em người Lự ngay từ khi còn nhỏ đã được bà và mẹ từng bước dạy cho nghề dệt. Với một trình độ dệt thủ công độc đáo cùng tư duy thẩm mỹ đặc sắc, người Lự là một trong số các dân tộc Tây Bắc có trang phục riêng hết sức bắt mắt.

Vài năm gần đây, bản Hon đã trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách quốc tế. Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Lai Châu Nguyễn Thành Công cho biết: Lý do lớn nhất mà bản Hon thu hút được khách du lịch là vì họ còn giữ được nguyên bản sắc, đặc trưng của dân tộc mình về kết cấu nhà ở, kiến trúc, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán...

Chính quyền và các ngành chức năng đang quy hoạch bản Hon trở thành một điểm du lịch đầy tiềm năng của tỉnh. Và nghề dệt truyền thống với vẻ đẹp dịu dàng, tỉ mỉ của người phụ nữ Lự hẳn sẽ là một điểm nhấn ấn tượng dành cho du khách.

Vân Anh (sưu tầm)

Độc đáo trang phục của đồng bào Lự (Mai Thị Hằng)

Bộ trang phục truyền thống được phụ nữ Lự sử dụng trong những ngày hội bản.


Đồng bào Lự cư trú chủ yếu ở 2 huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Trong các nghề truyền thống của đồng bào Lự, nghề dệt là phát triển nhất. Chính vì vậy người phụ nữ Lự rất khéo léo trong việc canh cửi, trang phục của họ cũng rất cầu kỳ, nổi bật nhiều hoa văn trên sắc chàm đen.

Bộ váy áo của phụ nữ Lự gồm có: Khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng. Khăn đội đầu bằng vải bông nhuộm chàm đen. Trên nền đen của hai đầu khăn dệt xen kẽ đường chỉ trắng vàng to nhỏ khác nhau tô điểm cho khăn. Khi sử dụng, khăn được gấp bốn theo chiều dọc và được quấn quanh đầu nhiều vòng búi nghiêng về phía bên trái đầu tạo sự duyên dáng.

Điểm ấn tượng nhất trong bộ trang phục của phụ nữ Lự đó là chiếc áo tứ thân, ghép với nhau từ 6 miếng vải cắt theo hình rẻ quạt, tạo cho áo có vạt xòe rộng so với eo. Làm như thế để người phụ nữ thêm sự duyên dáng và cũng thoải mái hơn khi lao động. Điểm bắt mắt nữa trên chiếc áo của người phụ nữ Lự đó là hoa văn dệt, kết hợp với hoa văn ghép vải trên cổ áo. Cổ áo liền với nẹp ngực gồm 5 miếng vải khâu cầu kỳ, trong đó miếng vải ở giữa được đáp những quả hình trám màu xanh đỏ nối tiếp nhau. Dưới hoa văn ghép vải là những hình tam giác thêu bằng chỉ các màu. Vạt áo được đính hai dây vải hoa, dải dây bên sườn phải có năm tua bằng sợi len các màu có xâu những hạt cườm. Trong bộ trang phục của mình, người phụ nữ Lự cũng không quên trang sức để thêm phần duyên dáng.

Trang phục phụ nữ dân tộc Lự nổi bật là những hoa văn trên nền vải chàm đen.

Trang phục của phụ nữ Lự rất cầu kỳ và độc đáo.

Chiếc túi thổ cẩm xinh xắn làm duyên cho cô gái Lự.

Những bộ váy áo rực rỡ của các cô gái Lự được bày bán trong những phiên chợ vùng cao.

Chiếc khăn quấn đầu với họa tiết sọc trắng trên nền vải chàm đen.

Cùng với đó là chiếc khăn đội đầu với trang trí độc đáo, tôn lên vẻ đẹp của cô gái Lự.

Đi kèm trang phục là bộ trang sức bằng bạc cầu kỳ.


Mai Thị Hằng (sưu tầm)

Nghề dệt của dân tộc Lư (Mai Thị Hằng)

Nghề thủ công truyền thống của người dân tộc Lự khá đa dạng và phong phú với nhiều loại hình như: Nghề mây tre đan; nghề mộc, thêu thùa nhưng nổi bật hơn cả đó là dệt vải, chính những sản phẩm dệt từ bàn tay thủ công khéo léo đã tạo nên thương hiệu cho những bộ trang phục của dân tộc Lự.

Nghề dệt rất được người Lự coi trọng và xem đó như là thước đo của một người phụ nữ khéo léo trong làng, bản. Trong mỗi hộ gia đình người Lự đều có khung dệt và các dụng cụ xe sợi, quay sợi dệt vải, nguyên liệu gốc để dệt đó là bông, có thể  trồng tại nhà sau đó họ xe thành sợi rồi dệt thành vải. Sản phẩm dệt của người Lự khá phong phú về chủng loại và hoạ tiết hoa văn rất độc đáo, váy của người phụ nữ Lự thường trang trí hoạ tiết hoa văn với những đường viền thêu ngang váy, với các hoa văn hình răng cưa mầu vàng, đỏ, mầu nâu. Trên váy của phụ nữ người Lự thường phân chia thành 3 gam màu chính đó là mầu đỏ nâu ở phía trên cạp xuống phía đầu gối khoảng 30 – 35 cm, trên khoảng này có các đường thêu viền ngang mầu vàng, xanh, đen…Tiếp xuống phía dưới gấu váy là mầu váy đen với khoảng 6 đường thêu chạy ngang xung quanh váy khoảng cách của các đường thêu này là khoảng 3 cm, mầu vàng và chàm là chủ yếu
Áo của người phụ nữ dân tộc Lự cũng rất khác biệt với một số dân tộc khác sống xung quanh, họ may chiếc áo theo kiểu áo xẻ nách chéo, đường viền cổ áo là một dải thêu thùa khổ rộng khoảng 4cm có trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn hình quả chám và các hình thêu chân chim với mầu xanh, đỏ, vàng là chủ yếu. Từ khổ ngang áo có một đường thêu khổ rộng 5 cm chạy ngang vạt áo lên tà xẻ nách áo, với các hình thêu răng cưa ở dưới đường viền này, xen kẽ nhau là các đường thêu mầu xanh, đỏ, vàng ở giữa đường vạt thêu đó, ở giữa là các hình thêu hoạ tiết hình quả chám và hình chân chim đan xen nhau. Trên tay áo được trang trí bằng một đường viền ở khoảng giữa khuỷu tay bằng đường viền rộng khoảng 2 cm với các hoạ tiết hoa văn thêu hình chân chim và phối mầu xanh, đỏ, vàng. Dưới cổ tay có một viền thêu quanh cổ mầu vàng sẫm.
Ngoài dệt quần áo, váy ra thì sản phẩm dệt của người Lự hiện nay còn có các loại túi, khăn, địu….những túi đeo do chị em người dân tộc Lự làm ra là một sản phẩm rất có giá trị để bán cho các dân tộc khác và khách du lịch. Các loại túi này được làm với nhiều kích cỡ khác nhau và trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn, các nhúm bông với đủ các màu sắc rực rỡ. Một chiếc túi của họ có thể bán với giá từ 100.000 – 150.000 đ.
Hiện nay, chị em phụ nữ người Lự vẫn tự dệt và mặc những trang phục truyền thống, còn thanh thiếu niên người Lự thì hầu như ít mặc trang phục truyền thống mà chủ yếu mặc quần áo mua sẵn ngoài chợ. Vì vậy mà vấn đề trang phục truyền thống của người Lự đang có xu hướng bị mai một đi rất nhiều bởi chịu sự ảnh hưởng tác động của các yếu tố kinh tế thị trường hiện nay. Trang phục của nam giới người dân tộc Lự hiện nay cũng đang có nguy cơ biến đổi rất lớn, trong thôn bản chủ yếu chỉ có những ông già là mặc trang phục truyền thống. Vấn đề bảo tồn và phát huy tinh hoa nghề dệt của dân tộc Lự là hết sức quan trọng và cần thiết để nghề dệt sẽ vẫn giữ được những nét tinh hoa, bản sắc vốn có theo thời gian.
Nghề dệt của người Lự thật sự là một tiềm năng có thể khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng cho dân tộc Lự nói riêng và đặc trưng của du lịch Lai Châu nói chung. Ghóp phần đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại các điểm Bản du lịch trong tỉnh./.

Mai Thị Hằng (sưu tầm)

Phát huy bảo tồn nghề dệt dân tộc Lự (Mai Thị Tầm)

Trong 54 dân tộc anh em, người Lự nổi tiếng với nghề truyền thống là trồng bông, nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải. Vì thế các sản phẩm dệt thủ công của người Lự nổi tiếng phong phú và tinh xảo.
Ấn tượng ban đầu khi đặt chân tới vùng đất Lai Châu trong tôi không chỉ là những dải núi trùng điệp mà còn là hình ảnh những cô gái chàng trai trong trang phục dân tộc  rực rỡ sắc màu. Đặc biệt trong đó là trang phục dân tộc Lự, một dân tộc thiểu số với chưa đầy 6.000 người, cư trú tập trung chủ yếu ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ.

Từ xa xưa, nghề dệt rất được người Lự coi trọng và xem đó như là thước đo sự khéo léo, là tiêu chuẩn đánh giá vai trò của một người phụ nữ trong gia đình, trong bản. Cho đến nay, truyền thống đó vẫn tiếp tục được phát huy và lưu truyền cho các thế hệ con cháu. Nếu có dịp đặt chân tới bản Hon (huyện Tam Đường) bạn sẽ thấy người dân vẫn tự dệt vải và mặc các trang phục truyền thống hàng ngày. Tới thăm gia đình nào trong bản cũng có thể bắt gặp hình ảnh chiếc khung cửi bên mỗi góc nhà. Âm thanh kĩu kịt của chiếc khung cửi đã trở thành âm thanh đặc trưng nơi đây.
Trang phục dân tộc Lự nổi bật bởi hoa văn thổ cẩm sặc sỡ trang trí trên nền vải nhuộm chàm, cùng nhiều trang sức cầu kỳ. Không chỉ đẹp mắt, chúng còn rất bền chắc, không phai màu.
Phụ nữ Lự tự dệt trang phục cho mình bao giờ cũng gồm có: khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng. Áo dệt bằng sợi bông, nhuộm chàm màu đen hoặc xanh đen, khuy cài vắt sang sườn phải, đính cúc bạc hoặc nhôm, hai ống tay áo phần giáp vai và ống cổ tay đều thêu hoa văn hình sóng bằng các loại chỉ màu. Đường viền cổ áo được thêu nhiều màu sắc với hoa văn quả trám và chân chim. Đặc biệt, có một dải hoa văn mà đồng bào Lự gọi là "con suối uốn lượn" vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau, được điểm tô thêm các đồng tiền theo hình rẻ quạt, tạo cho áo có độ xòe so với eo. Váy Lự dệt và trang trí thành hai phần, nhìn qua có cảm giác như gồm hai tầng ghép lại. Người phụ nữ Lự trong trang phục truyền thống dường như càng trở nên duyên dáng tự nhiên hơn bao giờ hết..
Trang phục nam giới Lự đơn giản hơn với chiếc quần đen, trông khá giống quần của người Thái, người Lào, nhưng từ phần đầu gối trở xuống bó hơn và có thêu nhiều hoa văn. Áo mặc thường ngày dệt bằng vải thô, áo mặc ngày lễ, ngày hội thì dệt bằng tơ lụa. Đây là loại áo cánh kiểu xẻ ngực, chỉ ngắn ngang thắt lưng. Với những kiểu chắp nối, áo cắt may khi trải ra tạo thành hình bán nguyệt.
Với trình độ dệt thủ công cao cùng tư duy thẩm mỹ đặc sắc, người Lự là một trong số các dân tộc thiểu số có trang phục riêng rực rỡ, độc đáo và được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Ngoài quần áo ra thì người Lự còn dệt túi, khăn, địu….Các loại túi này được làm với nhiều kích cỡ khác nhau và trang trí bằng các hoạ tiết hoa văn, các nhúm bông với đủ các màu sắc rực rỡ. Bên cạnh đó, họ còn dệt thêm vỏ chăn, ga, gối để làm thành vật phẩm lưu niệm cho du khách tới thăm. Nhiều khách du lịch trong và ngoài nước rất hứng thú với các sản phẩm này. Anh John Terry, một du khách người Mỹ cho biết: “Tôi khá thích thú với những sản phẩm dệt thủ công của đất nước các bạn. Chúng không chỉ đẹp mà còn rất chắc chắn. Các họa tiết trang trí thì khó có thể bắt gặp ở đâu.Vì thế, tôi sẽ mua về dùng và tặng cho các bạn bè của tôi để giới thiệu về Lai Châu, Việt Nam.”
Để tiếp tục lưu giữ và bảo tồn một cách tốt nhất nghề truyền thống này, hiện nay, nhiều lớp dạy học dệt đã được tổ chức ngay trên địa bàn bản Hon để những người trẻ có thể tiếp thu một cách tốt nhất những tinh hoa truyền thống làng nghề.

Nghề dệt của người dân tộc Lự thật sự là một tiềm năng có thể khai thác, nhân rộng làm sản phẩm du lịch đặc trưng cho dân tộc Lự nói riêng và đặc trưng của du lịch Lai Châu nói chung. Nó sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển phong phú thêm sản phẩm du lịch tại địa phương, cải thiện đời sống của bà con và bảo lưu các giá trị truyền thống của dân tộc.

Tết người dân tộc Lự - Lai Châu (Mai Thị Tầm)

Mỗi dân tộc đều có phong tục đón Tết riêng của mình; dân tộc Lự (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cũng vậy, họ đón một năm mới theo văn hóa truyền thống riêng của dân tộc mình.
Hình ảnh người Phụ nữ Lự hối hả nhuộm, phơi vải để may trang phục cho cả gia đình diện Tết là hình ảnh thường nhật trong các gia đình ở bản Hon trong những ngày trước Tết. Trang phục truyền thống của người Lự cả nam và nữ được làm từ vải chàm màu đen. Đối với trang phục nam may đơn giản một màu, còn trang phục nữ cầu kỳ, tỷ mỷ mất nhiều công đoạn. Các chị khéo léo thêu thùa trang trí từng họa tiết, từ khăn, áo, váy theo kiểu truyền thống.

Điểm nhấn của trang phục nữ là những đồng xu, đồng bạc đính trên thân áo lấp lánh và váy phía trước, phía sau thêu dệt thổ cẩm nhiều hình hoa văn cùng với dây thắt lưng diêm dúa, sặc sỡ bắt mắt tạo sự lung linh, duyên dáng cho các cô gái Lự. Trang phục của người Lự không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa về mặt tâm linh: tất cả những hình hoa văn trang trí trên trang phục đều gắn với đời sống mang những nét đặc trưng riêng với mong muốn sung túc, an lành, bình yên.

Ngoài ra, người Lự rất coi trọng củi đốt trong ngày Tết. Gậm sàn nhà nào cũng có củi xếp đầy ô. Củi không chỉ là thước đo về giá trị tài sản mà còn thể hiện sự cần cù chịu khó của người phụ nữ Lự. Gạo nếp nương thơm lừng cũng được các bà, các mẹ sàng sảy sạch sẽ để làm bánh chưng ngày Tết.
Nói về tục thờ cúng ngày Tết, ông Lò Văn Phúng, bản Pá Khôm, Xã bản Hon, huyện Tam Đưởng, tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Tết dân tộc Lự nhà nào cũng mổ lợn, thịt chế biến các món ăn như lạp sườn, thịt ướp gia vị treo gác bếp và gói bánh trưng, bánh nếp. Từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 Tết nhà nào cũng thịt con gà trống để cúng tổ tiên. Sau khi cúng xong gia đình mời anh em, họ hàng đến chung vui bữa cơm đầu năm mới chúc cho nhau những lời tốt đẹp”.  
Dân tộc Lự có truyền thống chơi Tết rất riêng. Những chiếc sáo thường ngày vẫn treo trên liếp nhà, giờ cũng được sửa sang mang ra ôn luyện để chơi Tết. Nhạc cụ của dân tộc lự duy nhất chỉ có chiếc sáo, nữ hát nam thổi sáo, tuỳ theo từng nội dung bài hát có thể là một người thổi sáo hoặc hai người cùng thổi cho một người hát. Tiếng sáo trầm bổng, hoà lẫn với tiếng hát du dương tạo nên một âm thanh thánh thót, dẻo dai làm xao xuyến, xốn xang lòng người.
Tết đến, xuân về còn là dịp để đồng bào Lự tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng. Các thiếu nữ trong trang phục truyền thống trang trí hoa văn sặc sỡ và đính những hàng cúc bạc lấp lánh nhẹ nhàng bước xuống cầu thang mở màn cho hội chơi xuân. Những làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền của đồng bào Lự tinh tế, sôi động làm nức lòng người già đắm say lòng trẻ làm cho không khí xuân thêm rộn ràng, ấm áp./.

 Mai Thị Tầm (sưu tầm)

Độc đáo lễ hội Căm Mường dân tộc Lự - Lai Châu (Ngọc Linh)

bị đồ lễ

Lễ hội Căm Mường được tổ chức vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm. Đây là nghi lễ truyền thống của người Lự dâng lễ vật, tế thần sông, thần núi, thần khe, thần suối, thần rồng, phù hộ cho bà con dân bản được ăn nên làm ra, điều lành ở lại, điều dữ mang đi, cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản yên vui no ấm…
Dân tộc Lự chiếm gần 2% dân số tỉnh Lai Châu, họ sống chủ yếu ở huyện Sìn Hồ và huyện Tam Đường và thường cư trú dọc theo các con sông, khe suối. Từ xa xưa, với đời sống ổn canh ổn cư, đồng bào Lự đã biết canh tác lúa nước rất sớm, nên đời sống vật chất của họ tương đối ổn định. Vốn văn hóa tinh thần của dân tộc Lự rất phong phú đa dạng, còn giữ được những nét văn hóa riêng, mang đậm bản sắc dân tộc, đặc sắc và tiêu biểu nhất là Lễ Căm Mường (hay còn gọi là Lễ Cấm bản). 

Thầy cúng bắt đầu nghi thức cúng thần

Lễ Căm Mường mở đầu với phần lễ thính thần, thầy cả đọc lời tuyên bố lý do buổi lễ, nội dung này đề cập đến lịch sử của người Lự, lịch sử bản mường, cái lý của việc làm lễ Căm Mường và những người sẽ thụ lễ lần này. Căm Mường chính là lễ để bà con dân bản thể hiện lòng thành kính dâng tế lễ vật lên các vị thần. Từ xưa đến nay lễ Căm Mương bao giờ cũng được làm rất trang trọng. Mỗi gia đình sẽ cử ra một người đại diện là nam đi tham gia phần thụ lễ, khi về sẽ có lộc dành cho những người ở nhà. Tiếp sau đó là phần lễ khấn cầu. Cuộc lễ bắt đầu sau khi các thầy lạy ba lạy rồi đọc lời cúng. Trong phần lễ này không có khèn, sáo, trống hay bất kỳ một loại nhạc cụ nào để làm âm vang, linh hồn riêng, mà cái linh hồn ở đây chính là sự thần bí, linh thiêng ẩn hiện trong những lời khẩn cầu của thầy cúng.
Phần chính là lễ Căm Mường, người Lự ví lễ Căm Mường là dịp để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần được thể hiện bằng các lễ vật dâng tế trong buổi lễ. Những lễ vật này do dân bản tự nguyện đóng góp, đó là phần mà các vị thần sẽ được hưởng và thầy cúng sẽ khẩn cầu lên các vị thần thấu hiểu lòng thành kính của dân bản, mong được mùa bội thu, thóc lúa đầy bồ, già trẻ gái trai trong bản được vui vẻ sum vầy hạnh phúc.. Lời cúng: “Khẩn cầu lên các vị thần/ Trăm điều vạn nghĩa yên lành về đây/ Sức dân vạm vỡ căng đầy/ Xây dựng mường bản ấm no bội phần…” Người Lự ví lễ là dịp để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần được thể hiện bằng các lễ vật dâng tế trong buổi lễ. Những lễ vật này do dân bản tự nguyện đóng góp. Người Lự có truyền thống làm bánh nếp (khẩu nép) để ăn, mời bạn bè, khách đến nhà chơi. Bản không cấm các gia đình mổ gà, mổ ngan, vịt… Nhưng ít ai làm thịt con vật, vì họ cho rằng ngày cúng lễ là cầu cho vật nuôi không bị dịch bệnh, phát triển tốt.


Sau lễ Căm Mường thì mọi người cảm thấy thoải mái, tự tin hơn cho việc sản xuất mùa vụ sắp tới. Họ tin rằng các vị thần sau khi nhận lễ sẽ phù hộ cho bà con dân bản ăn nên làm ra, mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà. Như lời của thấy cúng: Từ nay mường bản yên lành/ Tâm linh đã vẹn vạn điều bình yên/ Chiều tàn bóng núi trao nghiêng/ Hồn thiêng sông núi về nơi gió ngàn/ Phù hộ mường bản bình an/ Trăm điều hạnh phúc muôn ngàn điều hay/ Một ngày mới được đổi thay/ Dòng tộc đoàn kết chung tay xây mường.

sáo con để cho các cô gái hát những bài dân ca của dân tộc mình.

Sau khi kết thúc phần lễ là đến phần hội, hai chàng trai cùng thổi sáo mẹ, sáo con để cho các cô gái hát những bài dân ca của dân tộc mình. Những lời hát tuy mộc mạc, giản dị, nhưng ẩn sâu trong đó là ý nghĩa nhân văn cao cả, đó cũng là lời gửi gắm, nhắn nhủ của thế hệ đi trước dành cho lớp trẻ hôm nay phải biết chung tay xây dựng mường bản ngày càng ấm no hạnh phúc: “Hôm nay là ngày vui/ Hôm nay là ngày hội/ Dân bản được yên vui/ Được cùng nhau múa hát/ Được thỏa ước mong chờ/ Cùng chung chén rượu ngọt/ Hôm nay đã khác rồi/ Nhà nhà được no ấm/ Bản mường vui mở hội…”.
Cùng với các bài hát thì trò chơi ném còn cũng là một phần không thể thiếu trong lễ hội này, nhưng thu hút người xem và nhộn nhịp nhất có lẽ là trò chơi đẩy gậy, nó thể hiện sức mạnh, bản lĩnh, sự khéo léo của người chơi không chỉ trong việc chuẩn bị tư thế, phương pháp tấn công mà ngay cả việc dồn sức hạ đối thủ ở pha cuối cùng cũng cần hội đủ những yếu tố trên. Bên cạnh đó đánh gối cũng là trò chơi rất được người Lự ưa thích, trong đó sự khéo léo qua từng động tác, từng cú đánh được đặt lên hàng đầu và quyết định sự thắng bại của mỗi trận đấu. Qua những trò chơi này ai thắng cuộc thì sẽ là người gặp nhiều may mắn trong năm tới, còn ai thua sẽ là người gặp rủi ro hoặc những điều không may, vì vậy mà họ sẽ được mọi người té nước để cầu may cũng như giải đen.

cửi

Sau khi tổ chức Lễ Căm Mường dường như tất cả các họ hàng dòng tộc, các hộ gia đình trong bản sẽ sống đoàn kết, thương yêu nhau hơn. Với những lời khẩn cầu trong lễ Căm Mường thì tất cả các gia đình phải cố gắng nuôi cho con cái học hành để có cuộc sống tốt hơn các thế hệ đi trước. Đây chính là một nét đẹp trong vốn văn hoá văn nghệ dân gian của đồng bào Lự nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung cần được bảo tồn gìn giữ và phát triểt

Ngọc Linh (sưu tầm)

Kiến trúc nhà sàn độc đáo của dân tộc Lự (Anh Văn)

Một ngôi nhà sàn người Lự ở bản Hon 1, xã Bản Hon, huyện Tam Đường.

– Đến các bản làng người Lự, dù là bản Hon, Pa Pe (huyện Tam Đường) hay vùng thấp huyện Sìn Hồ thì chúng ta cũng luôn thấy những mái nhà sàn san sát và thường quay mặt về hướng Bắc, tạo nên nét riêng biệt, khó quên.

Qua quan sát, chúng tôi thấy kiến trúc nhà của người Lự là nhà sàn, căn nhà sàn của họ cũng giống như nhà sàn của người dân tộc Thái, song nhà có hai mái, mái phía sau ngắn hơn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cả hàng hiên và cầu thang lên xuống. Cửa ra vào của nhà chủ yếu mở theo hướng Bắc. Gầm sàn sạch sẽ, hầu hết các gia đình dùng làm nơi để trữ củi khô, khung cửi và một số đồ dùng khác.

Cầu thang lên nhà thì chỉ có 1 chứ không có 2 như nhà sàn của người Thái hướng từ phía sau nhà đi lên, theo bà con thì để cầu thang như vậy là để tránh những điều không may mắn cho gia đình. Đặc biệt là số bậc cầu thang nhà luôn là số lẻ, ví dụ 7, 9 bậc chứ không cầu thang nhà nào có số bậc thang chẵn.
Bên trong nhà sàn của người Lự thường dành 1 gian giữa để thờ cúng và con dâu trong gia đình không được vào gian này. Nhà bếp thì nối trực tiếp với căn nhà chính, do vậy khi bước chân vào nhà thì thấy ngay nhà ở và nhà bếp là một thể liên hoàn chứ không tách rời nhau.

Dưới những ngôi nhà sàn thoáng mát bà con người Lự se tơ, dệt vải

Còn về việc tại sao không ở xa xa nhau để còn tranh thủ đất làm ruộng vườn quanh nhà thì anh Hiềng chia sẻ, là người Lự, anh cũng chỉ biết rằng từ xa xưa người già trong bản vẫn dạy bảo con cháu của mình rằng, người Lự có truyền thống coi trọng tình làng nghĩa xóm. Ở bản anh mỗi khi có gia đình có việc hiếu hỷ thì cả bản đều đến thăm hỏi, giúp đỡ, chia sẻ. Do vậy có thể hiểu rằng, việc xây dựng các ngôi nhà trong bản thường rất gần nhau trong một không gian vừa phải là để vừa tiện cho việc sinh hoạt, vừa tiện cho việc liên lạc, giúp đỡ nhau những khi cần thiết.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, hiện nay ở trong cộng đồng người Lự, do việc khai thác gỗ không còn thuận lợi như xưa nữa, việc dựng một ngôi nhà sàn theo kiến trúc nhà truyền thống là rất khó khăn, tốn kém. Vậy nên nhiều gia đình chuyển sang làm nhà đất giống nhà cấp bốn của người dân tộc Kinh bởi vì loại nhà này vừa tốn ít gỗ mà giá thành làm nhà lại rẻ. Do vậy, việc tuyên truyền đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững để người dân tộc Lự có điều kiện gìn giữ những nếp nhà truyền thống là việc quan trọng, để bên cạnh những thế mạnh khác của du lịch cộng đồng thì ấn tượng về những ngôi nhà sàn độc đáo của người Lự trở thành một trong những điểm hút du khách bốn phương đến với Lai Châu.  

 Anh Văn (sưu tầm)