Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc La Hủ
Showing posts with label ₪ Dân tộc La Hủ. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc La Hủ. Show all posts

Wednesday, August 10, 2016

Tập quán săn bắt của dân tộc La Hủ ở Mường Tè (Quang Huynh)

Ngắm bắn.

Săn bắt là một hình thái kinh tế quan trọng của nhân loại cách nay khoảng 1 vạn năm. Hiện nay, một số tộc người trên thế giới vẫn duy trì duy trì hoạt động săn bắt như là một kế mưu sinh hữu hiệu nhằm đảm bảo nhu cầu lương thực thực phẩm hàng ngày, trong đó có người La Hủ và các phong tục về săn bắt cho đến nay vẫn là một sắc thái văn hóa điển hình của tộc người này.

Nếu như ở hầu hết các dân tộc thiểu số khác, hoạt động săn bắt chỉ diễn ra vào dịp nông nhàn hay khi mùa màng sắp được thu hoạch thì với người La Hủ, hoạt động này diễn ra thường xuyên hơn. Các hình thức săn bắt của họ đơn giản, công cụ săn bắt thô sơ gồm có nỏ (khạ), súng kíp (chủ) và các loại cạm bẫy (va) như bẫy dúi (khẹ chô va), bẫy gấu (bô chô va), bẫy kẹp (va nhú), bẫy cần thắt (ha cà má va), bẫy sập (ka va), bẫy thắt (va nhúc), bẫy chuồng (mộ khố va), bẫy lao (gô va)… Bộ công cụ săn bắt tuy thô sơ như khá phong phú về chủng loại cho thấy vai trò của săn bắt trong đời sống người La Hủ. Có thể nói, với kỹ thuật sản xuất lạc hậu, khả năng chinh phục tự nhiên còn hạn chế; nhưng do sống ở nơi rừng còn tương đối nhiều, muông thú chưa bị cạn kiệt nên việc săn bắt của người La Hủ còn được duy trì ở mức cao và các sản phẩm thu được từ săn bắt vẫn chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu nhập của nhiều gia đình.

Săn bắt của người La Hủ là hoạt động của các cá nhân đơn lẻ. Trong ngôn ngữ La Hủ, cụm từ Gạ pố (Đuổi bắn) được dùng để chỉ hoạt động săn bắt nói chung. Người săn mang theo súng đạn, dao và chó săn (nếu có) rời nhà vào lúc 5 – 6 giờ chiều, rình săn chim, gà rừng. Những đêm không trăng, họ đi rình săn hươu, nai vào khoảng 9 – 10 giờ sáng ở những nơi hươu thường đến ăn quả rừng hoặc ở những nơi có nguồn nước mặn. Trong nhiều trường hợp, sau khi bắn con thú bị thương bỏ chạy vào rừng sâu, người săn phải lần theo vết máu có khi tới vài ngày sau mới tìm thấy xác thú đã chết do mất máu. Khi đi săn, người ta phải kiêng không nói là đi săn vì sợ “xúi quẩy”, sợ muông thú “thấy động” sẽ bỏ chạy hết. Ghi nhận từ điền dã cho thấy trong cộng đồng người La Hủ trước đây có ông Vàng Gô Chơ (mất năm 1970) ở bản Xà Hồ, xã Pa Ủ là một thợ săn giỏi, được cộng đồng thừa nhận là người bắn súng và nỏ rất tài. Mỗi khi đi săn ông đều kẹp nỏ vào nách và súng thì cầm ở tay. Khi vào rừng, ông gặp con thú nào mà phải dùng súng thì ông dùng súng, còn gặp con nào chỉ cần dùng nỏ thì ông dùng nỏ để tiết kiệm đạn và thuốc nổ.

- Săn bẫy là hình thức săn phổ biến của người La Hủ trong quá khứ. Hầu hết nam giới đều rất thành thạo trong việc làm các loại bẫy và thường xuyên đặt bẫy ở những nơi chim, thú thường hay đi qua. Đặc biệt là xung quanh bản và nương rẫy. Cách săn này có ưu điểm là không tốn nhiều thời gian, công sức mà vẫn có thể săn được chim, thú hàng ngày.

Người La Hủ ít săn vây, chỉ khi ai đó bất chợt phát hiện được một con thú lớn về gần bản thì người ta mới tổ chức vây đuổi. Đối tượng săn vây chủ yếu là các con thú lớn như gấu, lợn rừng, hươu, nai, sơn dương.v.v… Khí cụ dùng trong các cuộc săn vây là súng kíp, nỏ và chó săn. Vào cuộc săn, ngay khi phát hiện ra con mồi, người ta bố trí các tay súng thiện xạ thành vòng vây dưới sự chỉ huy của một người giàu kinh nghiệm. Số người còn lại cũng được chỉ huy bởi một người giàu kinh nghiệm khác lùa chó săn đi sâu vào rừng, theo dấu vết của con thú. Tìm được thú, người ta hò hét, hù dọa, điều khiển chó săn dồn thú về phía có vòng vây của tốp thiện xạ phục sẵn và các tay súng sẽ hạ gục con thú.

Lần theo vết thú.

Thú bắn được ở đâu sẽ chia phần ở đó. Với mỗi con mồi săn bắt được, người phát hiện thú được hưởng cái đầu và 4 cái chân, nửa bộ lòng và một đùi sau. Nếu thú bắn được là con hổ thì người phát hiện thú được thêm bộ da và bộ xương. Nếu thú bắn được là con gấu thì người phát hiện thú được thêm túi mật. Số còn lại của con thú được chia hai phần theo chiều dọc. Một phần được chia đều cho những người tham gia cuộc săn. Trong phần ấy, người ta lấy ra một miếng thịt cỡ bằng 2 ngón tay nướng chín làm phần thưởng cho người bắn được thú ăn ngay tại chỗ. Ai được ăn miếng thịt ấy đều cảm thấy rất tự hào và chuyện ấy sẽ được kể lại với các thành viên trong bản trong bữa liên hoan sau đó. Sau khi chia đều số thịt ở phần nửa cho những thành viên tham gia cuộc săn, bao gồm cả chó săn. Phần nửa số thịt còn lại của con thú sẽ được mang về bản và chia đều cho các gia đình trong bản.

Sau cuộc săn vây, cả bản diễn ra tiệc rượu liên hoan mừng bắn được thú lớn. Rượu thịt trong cuộc liên hoan do các gia đình cùng đóng góp. Trong bữa liên hoan, người ta kể cho nhau nghe về diễn biến cuộc săn, tôn vinh người đã bắn được thú.
 Quang Huynh (sưu tầm)

Bản La Hủ nơi đỉnh trời Tây Bắc (Đặng Thúy Hường)

Nằm ở miền heo hút vào bậc nhất của núi rừng Tây Bắc, đã có một thời gian dài bản Là Si (xã Thu Lũm) của đồng bào La Hủ như chìm khuất trong đói nghèo, lạc hậu và dường như bị tách biệt với bên ngoài bởi sự xa ngái. Thế mà dịp này trở lại Thu Lũm, chúng tôi đã được nhìn thấy tận mắt những mái nhà mới, những lối đi đỡ gập ghềnh và cả một tương lai sáng như đang đơm hoa, kết lộc trên mảnh đất ốc đầu. Mùa đông này hết đói rét rồi! - bà con La Hủ ai cũng hồ hởi khoe như vậy...

Sau gần 7 giờ trèo đèo, lội suối mới đặt chân đến bản Là Si của đồng bào La Hủ, bản biên giới xa bậc nhất xã Thu Lũm của huyện đặc biệt khó khăn Mường Tè (tỉnh Lai Châu) giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Gần ba chục nóc nhà hiện dần ra dưới rừng cây. Đó là những ngôi nhà đại đoàn kết đã được bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương xây dựng. Hình ảnh đầu tiên khiến chúng tôi chú ý là những đứa trẻ lấm lem, chân đất, lạ lẫm nhìn những người vừa đến. Lạnh tê cóng chân tay mà đám trẻ vẫn trần truồng như thời chiến tranh.
Người La Hủ cho đến nay, có lẽ là tộc người còn giữ nếp sống du cư, không canh tác và đồ ăn ưa thích là thịt thú rừng bẫy được. Trước đây, người La Hủ dựng lều ở giữa rừng, lợp lá chuối rừng. Chỉ độ chục ngày, săn hết dũi rừng, đào hết củ mài ở cánh rừng đó, họ lại di chuyển đến chỗ khác. Bao nhiêu chiếc lá vàng khô, mục rụm trở về với nơi nó đã sinh ra, là bấy nhiêu bàn chân du canh, du cư của người La Hủ đã bước qua. Cứ thế, ngàn đời đói nghèo nối tiếp nghèo đói, vất vả chồng chất, quanh năm chỉ quen với củ mài, củ sắn. Có lẽ thời trước, chính lối sống của một thời hồng hoang đã giữ họ mãi mãi trên những đỉnh núi sương mù. Người La Hủ ngủ rất ít. Đêm khuya, họ đưa gan bàn chân tới gần đống lửa rồi nằm co ro để ngủ, không có thói quen đắp chăn và cũng không tắm rửa. Người Hà Nhì thường bảo, người La Hủ săn được nhiều thú rừng là vì có đến sát gần con thú, nó cũng không phát hiện ra, vì người La Hủ không tắm rửa bao giờ, người họ có mùi giống như mùi thú rừng vậy...
Thiếu tá La Ngọc Dương, chính trị viên Đồn biên phòng Thu Lũm nói chuyện thời sự mà nghe như chuyện của thời nào xa lắm: “Lũ trẻ La Hủ thì phải tắm cho nó 3 ngày cũng không sạch hết bẩn. Ngày đầu tiên lên tới đây, chỉ có 3 chiếc lều gọi là nhà của người dân. Trời lạnh thế này, trẻ con toàn ở truồng, ngủ ngoài gốc cây. Người lớn ngồi nhặt từng hạt cơm trắng sót lại trong nồi để ăn, hoặc lên núi đào củ mài…”. Người La Hủ có tục, muốn cưới vợ, chàng trai phải có 36 con thú săn được mang làm lễ vật cho nhà gái. Nếu mà không đủ số này, người đàn ông La Hủ mãi mãi bị chê cười là lười biếng vụng về. Nhưng đấy chỉ còn là một tục lệ để kể cho nhau nghe mà thôi. Giờ đây trong những căn bếp trống tuênh, họ không có cả những bắp ngô cứu đói, chứ nói gì đến thịt thú rừng để dành làm đẹp cho danh giá của mình.

Bản Là Si, Vàng Mò Giá, 42 tuổi, ngồi kể lại với chúng tôi về nỗi khổ của người La Hủ: “Dân bản nghèo lắm cán bộ à! Làm không đủ ăn, bữa có củ mài, củ khoai sọ và ít măng là may mắn lắm. Trẻ con thì nheo nhóc, không được đi học, quần áo không có, tối đến chỉ biết đốt đống lửa to để nằm bên sưởi ấm...”. Mò Giá ngừng, thở dài, cầm điếu cày châm lửa ghé miệng rít một hơi rồi tâm sự tiếp: “Từng đêm, tôi cứ nằm mơ dân bản có được cái ăn, cái mặc và sống trong một ngôi nhà vững chắc, ấm cúng không sợ mưa, sợ gió nữa! Tôi cứ mơ và tin tưởng vu vơ như vậy chứ không dám chắc bao giờ mới thành hiện thực?”.
Sáng tương lai
Ngay từ những ngày đầu năm 2009, lần đầu tiên trong cuộc đời từ chốn rừng sâu, những người dân La Hủ đã có căn nhà theo đúng nghĩa đậm tình cảm đồng chí, đồng bào. Bà con La Hủ ở bản Là Si, xã Thu Lũm có khoảng 30 hộ, gần 140 nhân khẩu đều được hỗ trợ nhà mới để an cư từ mấy năm nay. Các chiến sĩ biên phòng Lai Châu khẳng định rằng, lực lượng biên phòng đã tìm ra người La Hủ, đã dựng nhà mới để mời bà con về rồi tiếp đó đã và đang bắt đầu từng bước giúp bà con trong bản thay đổi từ nếp sống lang thang sang định cư, ổn định. Quan trọng hơn, mấy năm qua, bộ đội biên phòng đã dạy bà con biết trồng lúa nước, trồng rau xanh, chăn nuôi trâu bò, giúp bà con đọc thông, nói thạo tiếng Việt...
Đi một vòng quanh bản La Si giữa cái lạnh se se của những ngày đầu đông vùng cao, lòng chúng tôi như ấm lại khi ngắm những căn nhà được dựng kiên cố, vững chắc, mái lợp tôn, khung gỗ, thưng tôn xung quanh. Chỉ sau vài năm, cuộc sống của bà con ở bản làng nơi “thâm sơn cùng cốc này” đã đổi khác hoàn toàn. Trưởng bản Vàng Mò Giá hào hứng thổ lộ: “Bà con ở đây luôn ghi nhớ công lao của chính quyền, của bộ đội biên phòng đã không quản khó khăn, ngày đêm lên đây chỉ cách khai hoang vỡ đất trồng lúa nước, đem hạt giống cho bà con trồng… Bản làng đang phấn đấu để có thể chủ động được hoàn toàn hạt gạo trắng để ăn, không phải dựa vào sự cứu trợ của Nhà nước nữa…”. Nhờ biết khai hoang ruộng, nương để trồng trọt rồi cả đầu tư chăn nuôi mà cuộc sống dần ổn định, nhờ thế trẻ em, dân bản được đi học để biết cái chữ. Hiện nay bản có một lớp xóa mù chữ, một lớp mầm non và một lớp tiểu học. Tổ công tác gồm trên một chục cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pa Ủ thường xuyên cắm bản hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác và chăn nuôi phát triển kinh tế. Y sĩ của đồn cũng được tăng cường đóng ở bản để làm nhiệm vụ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Vùng đất mới bên đỉnh đèo A Ma Cổ sừng sững nay đã dần thay da đổi thịt với một hướng đi mới cho một tương lai sáng...

Chúng tôi rời Là Si phải mất tới 5 giờ dò dẫm trên con đường xuyên rừng mới ra tới quốc lộ 4D khi mặt trời đã dần khuất sau những dãy núi trùng điệp vậy mà cảm giác như con đường ngắn lại. Phía sau núi cao và mây mù ấy, cuộc sống vẫn còn rất nhiều gian khó. Nhưng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, một tương lai tốt đẹp đang đến với những đồng bào nơi mảnh đất phên dậu của Tổ quốc này.

Đặng Thúy Hường (sưu tầm)

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ (Triệu Kim Bắc)

Ngôi nhà của dân tộc La Hủ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
.
Ban thờ tổ tiên được người La Hủ gọi là Tê khừ hay Gù cu, nhưng cụm từ Tê khừ (Bát cúng) được dùng phổ biến hơn. Ban thờ tổ tiên của người La Hủ thường được đặt ở lưng chừng cây cột cái trong căn buồng ngủ của vợ chồng gia chủ.

Cùng với người Cống và người Si La, người La Hủ chịu ảnh hưởng lớn bởi những đặc trưng về kinh tế, văn hoá, xã hội của người Hà Nhì trong cùng địa vực cư trú. Bên cạnh đó, do một thời gian dài phải sống lang thang trong các cánh rừng sâu, thiếu thốn trăm bề đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của tộc người. Tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ phản ánh những đặc trưng đó trong văn hóa của người La Hủ hiện nay.
Trách nhiệm thờ cúng của con trai
Theo tập tục truyền thống, việc thờ cúng tổ tiên là nhiệm vụ của con trai và nếu gia đình có đông anh em trai thì trách nhiệm thờ cúng thuộc về người anh trai cả. Trong các dịp thờ cúng hàng năm, gia đình các em trai phải về dự lễ chứ không được lập ban thờ riêng. Chỉ khi nào anh trai chết thì ban thờ tổ tiên mới được chuyển cho người em thứ và cũng theo nguyên tắc ấy mà đến người em trai út.

Ban thờ tổ tiên được người La Hủ gọi là Tê khừ hay Gù cu, nhưng cụm từ Tê khừ (Bát cúng) được dùng phổ biến hơn. Ban thờ tổ tiên của người La Hủ thường được đặt ở lưng chừng cây cột cái trong căn buồng ngủ của vợ chồng gia chủ. Ban thờ đơn giản với một tấm nan đan bằng nan tre hoặc tấm ván gỗ có kích thước: dài 60 cm, rộng 20 – 30 cm, trên đó có 4 ống tre hoặc giỏ đan để dùng vào mỗi dịp Tết cổ truyền: 2 cái dùng để đựng cơm, 2 cái dùng để đựng nước trà mỗi khi cúng.

Ở phía trên tấm đan (hoặc ván gỗ) ấy, người ta buộc một cái giỏ đan (à da ga) hoặc một ống tre đựng một chút men rượu, một ít gừng, vài hạt muối và một đoạn chỉ đỏ. Dưới cái giỏ (hoặc ống tre) ấy là một túm lúa gồm những bông lúa được giắt lên sau mỗi mùa cơm mới.

Sự khác biệt giữa các nhóm La Hủ
Phong tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ có sự khác biệt giữa các nhóm. Ở nhóm La Hủ Trắng, ngoài việc thờ cúng tổ tiên vào Tết cổ truyền (tháng mười ÂL), Tết cúng bản (tháng ba ÂL) và Tết cơm mới còn cúng tổ tiên mỗi tháng một lần, thường chọn vào một trong những ngày Dần của tháng. Gia chủ dâng một bát cơm gói trong lá rừng lên ban thờ nhưng không được dâng rượu, thịt để cúng.

Trong tiếng La Hủ, tổ tiên được gọi là Dế mà khừ hay Ót tè. Theo quan niệm của người La Hủ, tổ tiên là bố mẹ, ông bà, cụ kỵ đã chết nhưng đồng bào chỉ thờ tổ tiên một đời, tức là bố mẹ của gia chủ và đó cũng chính là ma nhà (hà chạ).

Người La Hủ quan niệm con người khoẻ mạnh, ngũ cốc phong đăng, vật nuôi phát triển đều do ma tổ tiên phù hộ.

Các nhóm La Hủ Đen và La Hủ Vàng cúng tổ tiên bốn lần mỗi năm. Lần thứ nhất, họ cúng tổ tiên cùng với dịp cúng bản, gọi là Dệ ma khừ. Lần thứ hai, họ cúng tổ tiên trong Tết cơm mới, gọi là Ổ xơ chà. Lần cúng tổ tiên thứ ba trong năm được tổ chức trùng vào dịp Tết mùa mưa (tháng sáu ÂL) được gọi là Ổ te. Và lần cúng tổ tiên cuối cùng trong năm được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền, gọi là Khọ chà.

Lễ vật cúng tổ tiên gồm có: một con gà trống, hai bát gạo, hai chén rượu, một bát thịt và vài củ gừng. Sau khi luộc chín con gà, người ta dọn lễ vật ra một cái mâm đặt ở đầu giường ngủ của gia chủ. Ở cột ma nhà, người ta buộc vào đó một cành cây có lá còn tươi cho đầu gốc cành cây chạm đất và ngọn cành cây vươn đến chỗ giao nhau giữa cột thiêng và xà nhà. Ở ngọn cây này có buộc một sợi chỉ đỏ tượng trưng cho lá cờ.

Ở thân cành cây cắm dựa vào cây cột thiêng, người ta khắc 9 rãnh sâu vừa phải với khoảng cách đều nhau bắt đầu từ điểm cách đất khoảng một gang tay đến ngang tầm ngực người trưởng thành. Ở những rãnh đó, người ta gài ngang những cái lông cánh của con gà đã mổ hiến sinh (9 cái lông cánh gà).

Theo quan niệm dân gian, đó chính là bắc thang lông gà cho tổ tiên về hưởng lễ. Nhờ có thang này mà tổ tiên sẽ bay như chim từ điểm giao nhau giữa cột thiêng và xà nhà. Toàn bộ số lông đuôi gà và số lông cánh còn lại của con gà sẽ được buộc giắt lên cây cột thiêng.

Trong các dịp cúng tổ tiên, cả nhà thường nghỉ việc để lo nấu nướng. Chủ nhà đích thân chủ trì nghi lễ cúng.

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người La Hủ cho thấy sự tương đồng khá rõ nét với tục thờ cúng tổ tiên của người Hà Nhì (nhóm Hà Nhì Cồ Chồ) ở nguyên vật liệu làm ban thờ và cách bài trí ban thờ tổ tiên. Đặc điểm đó còn phản ánh trong phân công trách nhiệm thờ cúng trong gia đình.

Nhưng đặc trưng riêng trong văn hóa La Hủ vẫn còn đậm nét trong nghi thức cúng tổ tiên của các nhóm La Hủ Đen và La Hủ Vàng với những quan niệm cổ xưa, sơ khai của loài người. Ở nhóm La Hủ Trắng, đó là tàn dư của một thời kỳ khó khăn, vật lộn mưu sinh trong những cánh rừng sâu giáp biên giới Việt - Trung thuộc các huyện Mường Tè (Lai Châu) và Mường Nhé (Điện Biên), khi mà cơm gạo đối với họ là đồ cao sang, chỉ dành để cúng tổ tiên.

Triệu Kim Bắc (sưu tầm)

Tại sao người La Hủ có trứng đỏ? (Kim Cúc)

Tượng trưng cho sự viên mãn, may mắn và sung túc, nhuộm trứng đỏ trở thành tục lệ cổ truyền của người La Hủ ở Lai Châu mỗi khi lễ tết, đặc biệt là lễ cúng bản.
Vào ngày Dần trong tháng 3 âm lịch hàng năm, người La Hủ thường tổ chức Lễ cúng bản để cầu bình an cho dân làng.

Trong ngày này, các gia đình sẽ sửa soạn đồ tế lễ gồm: cơm vàng, trứng đỏ và các lễ vật như ngô, khoai, bạc trắng, rượu… để cùng nhau cúng bến thuyền (Ca tà hứ), bến nước (Ló khọ sò hứ), Thổ địa (Thủ tý hứ) và cổng bản (Cá tu hứ). Chủ trì Lễ cúng là người coi sóc rừng thiêng của bản, Mí Cù. Lễ cúng được diễn ra 2 lần, lần thứ nhất cúng đồ sống, lần thứ 2 cúng bằng đồ chín.

Nhuộm trứng đỏ là một trong những phần việc quan trọng do người phụ nữ đảm nhiệm thường được làm trước ngày diễn ra lễ, tết. Mỗi người trong nhà sẽ được một quả trứng nhuộm đỏ (Ảnh: Internet)

Để nhuộm trứng, phụ nữ La Hủ vào rừng tìm lấy rễ cây "dè pó" – một loại cây dùng để nhuộm màu, đem về rửa sạch và nấu sôi để tạo ra loại dung dịch màu đỏ và có độ bám dính. Trứng gà sau khi luộc chín sẽ được nhuộm bằng nước rễ cây "dè pó" đã đun kỹ.


Khi nhúng vào dung dịch này trứng sau khi nhuộm sẽ có màu đỏ đậm, trở nên cứng, khó vỡ hơn

Trứng sau khi được nhuộm đỏ, sẽ đựng trong các giỏ làm bằng chỉ đan (gá u khạ sự). Với bàn tay khéo léo của người phụ nữ La Hủ, những chiếc giỏ được đan theo chiều đầu nhỏ của quả trứng quay lên trên đầu to, phần dây dài để đeo vào cổ và trứng nhuộm đỏ sẽ nằm ở giữa giỏ. Giỏ trứng thường được đan mắt cáo. Có nhiều cách để đan giỏ khác nhau, miễn sao giỏ trứng không làm tuột trứng.

Quả trứng ấy phải được đặt trong giỏ đan bằng chỉ các màu đỏ, xanh, vàng, trắng và đen, tượng trưng cho: kim, mộc, thủy, thổ, hỏa – các nguyên tố cơ bản hình thành Trái đất để mong điều may mắn luôn bền vững. Ngày nay, tục nhuộm trứng đỏ không còn phổ biến nhiều, ít thấy trong cộng đồng dân tộc La Hủ. Tuy nhiên, vào dịp lễ, tết người dân ở một số bản làng vẫn thường nhuộm trứng đỏ để làm quà tặng cầu may, chúc phúc cho con cháu trong nhà và những vị khách quý của gia đình.

 Kim Cúc (sưu tầm)

Lễ cúng bản của đồng bào La Hủ (Trang Hạ)

Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng bản.

(xã Bum Tở, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) được tổ chức nhằm mong ước bản làng bình yên, no đủ
Đồng bào La Hủ có nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng riêng, thể hiện chủ yếu qua các nghi lễ, câu hát, điệu múa… Trong số đó không thể không kể đến nghi lễ cúng bản độc đáo.

Lễ cúng bản còn gọi là Lễ Gạ Ma Te là một trong những ngày lễ truyền thống của dân tộc La Hủ, thường được diễn ra vào ngày Dần (ngày con Hổ trong tháng 3 âm lịch hàng năm). Người La Hủ quan niệm, nếu bản nào có nhiều người chết, thiên tai nhiều thì cả bản phải tập trung lại tổ chức cúng bản để đuổi tà ma xấu không đến quấy nhiễu, đời sống của người dân được ổn định, no đủ.
Đồ lễ chuẩn bị cho Lễ cúng bản gồm: lợn con, gà trống, gạo tẻ, rượu trắng, chỉ trắng, vòng bạc, lông gà, lông lợn cùng các vật dụng như mâm tre, lá chuối, ống tre…

Để thực hiện các nghi thức của Lễ cúng bản, ngay từ sáng sớm, thầy cúng đã cùng với dân bản chuẩn bị đồ lễ đi ra khu đất rộng đầu bản để làm lễ. Thầy cúng hướng dẫn mọi người sắp lễ. Ban đầu là lễ sống. Thầy cúng khấn gọi ma đến chứng kiến việc dân làng chuẩn bị làm cỗ cúng ma. “Hôm nay ngày lành tháng tốt, ma không tốt khắp bản hãy về đây, ma tốt thì đừng về, chúng ta mang gà, lợn và đầy đủ lễ vật chuẩn bị làm cỗ cho ma ăn…”
Sau đó thầy cúng bảo dân làng tập trung vào mổ lợn, giết gà, nấu chín thức ăn rồi lại cùng sắp một mâm cỗ để cúng. “Các ma xấu tập trung về đây, chúng ta đã nấu chín thức ăn rồi, chúng mày ăn xong thì biến đi, chúng mày trú ngụ ở đâu thì quay về chỗ đấy, đừng có quay lại đây quấy phá nữa…”
Sau khi mời ma ăn và đuổi ma đi, thầy cúng đổ bỏ tất cả thức ăn trên mâm cúng, số thức ăn còn lại thầy cúng bảo mọi người dọn ra cùng ăn uống vui vẻ. Mọi người tham gia phải ăn hết đồ ăn thức uống không được mang về. Bát đũa rửa sạch vì sợ ma ngửi thấy mùi thức ăn sẽ về theo. Dọn xong mọi người phải chạy thật nhanh về bản, thầy cúng đi cuối cùng để bảo vệ mọi người, phòng ngừa ma xấu đi theo.
Về bản, mọi người cùng nhau vui múa, hát mừng vì từ nay bản mình đã trở lại ổn định, không còn sợ ma xấu quấy nhiễu nữa.

Mọi người cùng nhau vui múa, hát mừng.

Theo thống kê, người La Hủ, hiện có khoảng 6.874 người chủ yếu sinh sống ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cũng như cộng đồng dân tộc anh em khác, người La Hủ có những nét văn hóa, tín ngưỡng riêng và hiện vẫn còn gìn giữ và bảo tồn cho tới ngày nay, trong đó có nghi lễ cúng bản độc đáo của dân tộc mình.

Trang Hạ (Sưu Tầm)

Phong tục cưới của người dân tộc La Hủ (Hoàng Thị Khuyên)

Phong tục cưới của người dân tộc La Hủ

Nếu có dịp lên vùng Tây Bắc, tại tỉnh Lai Châu, bạn sẽ có cơ hội tham dự lễ cưới của người La Hủ, một trong những nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc.
Lễ dạm ngõ
Phong tục cưới xin của người La Hủ mang những nét đẹp riêng. Vào tháng 11, 12 hàng năm - là dịp Tết của người La Hủ - cũng là mùa cưới của các đôi trai gái yêu nhau. Đôi trai gái La Hủ khi lớn lên sẽ được tự do yêu đương, khi đến tuổi lập gia đình việc cưới hỏi phải trải qua rất nhiều bước.
Lễ vật cưới của nhà trai đưa sang nhà gái bắt buộc phải có thịt sóc. Bên cạnh đó còn phải có hai chai rượu. Khi nhà trai qua nhà gái, nếu nhà gái thấy bằng lòng thì hai bên cùng uống rượu, nhắm thịt sóc.

Lễ hỏi
Lễ hỏi sẽ cách lễ dạm ngõ cách nhau khoảng bảy, tám ngày. Lễ ăn hỏi gồm hai chai rượu và số con sóc phải là số chẵn chứ không được số lẻ, chừng 6 đến 8 con. Số lượng sóc không được ít hơn 4 con và không được nhiều hơn 8 con.Số lượng số tùy vào nhà gái yêu cầu. Ông mối trong lễ hỏi sẽ là người tự tay làm thịt sóc, trình bày các món ăn này sao cho ngon để mời nhà gái.

Hai bên sẽ trao đổi về tiền cưới và thời gian ở rể trong khi ăn uống vui vẻ. Ngày xưa tiền cưới thường từ 70 đến 80 đồng bạc trắng. Trường hợp nhà rể nghèo, không có bạc trắng, thì anh phải ở lại làm rể ngay tối hôm đó. Thời gian ở rể bây giờ rút xuống còn từ 2 đến 4 năm, thời trước từ 8 đến 12 năm.

Lễ cưới
Trong lễ cưới đoàn đi đón dâu phải là số lẻ, trong đó có hai ông mối và chàng rể. Ông mối sẽ là người trao tiền cưới cho nhà gái. Cô dâu cũng không được ngoảnh lại nhìn ngôi nhà cô sinh ra và lớn lên cho dù có nhớ bố mẹ, vì nếu cô dâu quay lại cuộc sống vợ chồng sẽ thường xuyên cãi cọ sau này.

Mẹ chồng đã đứng đợi ở cửa, đợi rước dâu về. Mẹ chú rể sẽ lấy một nắm gạo xoa lên lưng con dâu, ngụ ý xóa hết cỏ để con dâu không mang cỏ về, trên nương sẽ không có nhiều cỏ mọc. Lại còn tục lệ: bà mẹ chồng trồng hai cây riềng ở hai bên cửa vào nhà, rồi buộc sợi chỉ trắng qua hai cây riềng. Lúc vào nhà, cô dâu và chú rể không được đi cùng một hướng mà cô dâu đi phía tay trái, chú rể đi phía tay phải, rồi chú rể dùng tay trái, cô dâu dùng tay phải cắt đứt sợi chỉ đó, bước vào nhà. Xong thủ tục này hai họ cùng nâng chén chúc những câu tốt lành và ăn uống vui vẻ.

Hoàng Thị Khuyên (sưu tầm)

Phục dựng Tết mùa mưa của dân tộc La Hủ (Hồng Hải)

Không khí hào hứng của trò chơi đẩy gậy.

 Lễ phục dựng được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Mường Tè tổ chức ngày 15/7 tại bản Phìn Khò (xã Bum Tở, huyện Mường Tè).
Tết mùa mưa là một trong những hội lớn của dân tộc La Hủ, thường được tổ chức vào tháng 6 âm lịch. Đây là dịp để bà con tiến hành các nghi lễ cúng tế mong sự bình an, may mắn, sức khỏe và mùa màng bội thu. Đồ cúng tế thường có thịt lợn, gà, nước chè, rượu, cơm.

Phục dựng Tết mùa mưa của người La Hủ, bản Phìn Khò đã tiến hành đầy đủ các nghi lễ cúng tế và tổ chức các trò chơi dân gian: Đu lăng, đu quay, bập bênh quay, cà kheo, đánh tù lu…
Phát biểu trong Lễ phục dựng, ông Đỗ Hạ Long – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Phục dựng Tết mùa mưa là một trong những giải pháp tích cực góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc La Hủ; các cấp, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương người dân cần chú trọng quan tâm, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Phụ nữ La Hủ sửa soạn trước khi tham gia Tết mùa mưa.


…chơi bập bênh quay.

…đi cà kheo.

Hồng Hải (sưu tầm)