Dân tộc Chơ Ro có tên tự gọi là Chrau – Jro, Chrau có nghĩa là Người hay Nhóm người. Jro có nghĩa là một danh từ riêng chỉ cộng đồng của họ. Họ còn có các tên khác như:Châu ro, Chro, Chrau, Jơ ro, Dơ ro.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Chrau-Jro ở Việt Nam có dân số 26.855 người, cư trú tại 36 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Chơ Ro cư trú tập trung tại các tỉnh: Đồng Nai (15.174 người, chiếm 56,5% tổng số người Chơ Ro tại Việt Nam), Bà Rịa-Vũng Tàu (7.632 người), Bình Thuận (3.375 người), Sài Gòn (163 người), Bình Dương (134 người), Bình Phước (130 người).
Trước kia người Chrau-Jro sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, cuộc sống không ổn định. Về sau người Chrau-Jro đã biến rẫy thành đất định canh, đồng thời nhiều nơi phát triển làm ruộng nước, nhờ vậy cuộc sống có phần khá hơn. Chăn nuôi, hái lượm, săn bắn, đánh cá đều góp phần quan trọng trong đời sống của người Chrau-Jro. Ngoài ra họ chỉ đan lát, làm các đồ dùng bằng tre, gỗ.
Người Chrau-Jro không theo chế độ mẫu hệ hay phụ hệ mà coi trọng cả hai như nhau. Trong hôn nhân, tuy nhà trai hỏi vợ cho con, nhưng lễ cưới tổ chức tại nhà gái, chàng trai phải ở rể vài năm rồi vợ chồng làm nhà ở riêng.
Khi chôn người chết theo truyền thống Chrau-Jro, người Chrau-Jro dùng quan tài độc mộc, đắp nắm mồ hình bán cầu. Sau 3 ngày kể từ hôm mai táng, gia đình có tang làm lễ “mở cửa mả”.
Người Chrau-Jro vốn ở nhà sàn, lên xuống ở đầu hồi. Từ lâu, người Chrau-Jro đã hoàn toàn quen ở nhà trệt. Trong nhà đồ đạc đơn giản, chỉ có chiêng và ché được coi là quý giá. Gần đây nhiều gia đình có thêm tài sản mới như xe đạp.
Cho đến nay, kiến trúc nhà của người Chrau-Jro đã có nhiều biến đổi căn bản, ngôi nhà cổ truyền không mấy khi tìm thấy trong vùng cư trú hiện nay của họ. Từ vài chục năm trở lại đây, người Chrau-Jro đã quen xây dựng những ngôi nhà ở theo lối của người dân nông thôn Việt. Đó là những ngôi nhà có kèo, bộ khung bằng tre kết hợp với gỗ, phần nhiều lợp bằng cỏ tranh, vách được thưng lên bằng vách nứa, cửa ra vào mở về phía mái, nhà nằm ngang. Quy mô một ngôi nhà thường có ba gian và thêm một chái hồi để làm bếp, đồng thời là nơi để nông cụ. Nét truyền thống còn lại trong ngôi nhà hiện nay của người Chơ Ro là cái sạp làm bằng tre nứa, chạy dọc theo suốt chiều dài ba gian nhà, bề ngang chiếm nữa lòng nhà.
Trang phục của dân tộc Chrau-Jro xưa phụ nữ Chrau-Jro quấn váy, đàn ông đóng khố; áo của người Chrau-Jro là loại áo chui đầu; trời lạnh có tấm vải choàng. Nay người Chrau-Jro mặc như người Kinh trong vùng, chỉ còn dễ nhận ra người Chrau-Jro ở tập quán thường đeo gùi theo và ở sở thích của phụ nữ hay đeo các vòng đồng, bạc, dây cườm trang sức nơi cổ và tay.
Trên những địa bàn cư trú như hiện nay, người Chrau-Jro sống gần gũi với người Việt nên trong ngôn ngữ của mình, lượng từ tiếng Việt tham gia ngày càng nhiều hơn, đến nay đại đa số dân cư Chơ Ro đều biết chữ quốc ngữ. Xu hướng xích lại gần với người Việt được biểu hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống hàng ngày, các hoạt động sản xuất, các quan hệ xã hội, những biểu hiện văn hóa vật chất như nhà cửa, y phục, đồ gia dụng,…
Vốn văn nghệ dân gian của dân tộc Chrau-Jro chỉ còn một vài điệu hát đối đáp trong những dịp lễ hội, họ cất lên lời khẩn cầu Thần lúa và hiện nay rất ít người biết đến. Các điệu múa mừng lễ hội của họ có nguy cơ sẽ bị thất truyền. Nhạc cụ của dân tộc Chrau-Jro đáng lưu ý đến là bộ chiêng đồng 7 chiếc gồm 4 chiếc nhỏ và 3 chiếc lớn. Ngoài ra, đàn ống tre (Goong Cla), Goong Clog, ống tiêu, sáo dọc còn thường thấy ở vùng núi Châu Thành.
Sáo dọc, Tiêu, dân tộc Chrau-Jro.
Đàn Goong Cla là nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Chrau-Jro, được chế tác bằng ống tre dài khoảng 40-6-cm, có 5 giây, với thang âm Do, Re, Fa, Sol, La. Tục truyền rằng, đàn Goong Cla thường được sử dụng những lúc nhàn rỗi, lúc giữ rẫy hoặc trong lễ hội cồng chiêng…
Dưới đây mình có các bài:
– Văn nghệ dân gian Châu Ro: Cần được bảo tồn và phát huy
– Tìm hiểu lễ hội Sa Yang Va của người Châu Ro tại Phú Lý huyện Vĩnh Cửu
– Người giữ hồn dân tộc Chơro
– Nhà sàn dài-Kiến trúc độc đáo của người Chơ Ro
– Tục ‘ngủ mèo’ trước hôn nhân của người Chơ Ro”
– Chiếc chiếu Lùn của người Chơ Ro – Đồng Nai
– Phong tục sinh con ở Chòi của người Chơ Ro-Đồng Nai
– Nghiên cứu về trang phục cổ truyền của người Chơ Ro tại Đồng Nai”
– Tang ma người Chơ ro-Những điều chưa biết
Văn nghệ dân gian Châu Ro: Cần được bảo tồn và phát huy
Văn nghệ dân gian Châu Ro rất đa dạng và phong phú trong kho tàng văn hoá – văn nghệ dân gian của cộng đồng các dân tộc ít người ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, ngày nay lớp nghệ nhân am hiểu về văn nghệ dân gian Châu Ro đã lớn tuổi, trong khi lớp trẻ vẫn chưa có ý thức kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp này. Vì vậy văn nghệ dân gian Châu Ro không nằm ngoài khả năng bị thất truyền.
Nét đẹp Châu Ro
Trong số ít cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, người Châu Ro được được xem là những cư dân có mặt từ rất sớm và có số lượng đông nhất, với khoảng 1.500 hộ và gần 8.000 nhân khẩu. Từ sự định hình và phổ biến những chuyện kể dân gian, những bài dân ca ru em hay các điệu chiêng đồng, các điệu múa thông qua các kỳ lễ hội trong lao động sản xuất và sinh hoạt thường ngày, văn nghệ dân gian của đồng bào Châu Ro đã góp phần tạo nên một diện mạo văn hoá – văn nghệ của cộng đồng các dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thêm đa dạng và phong phú. Một trong những loại hình văn nghệ được người Châu Ro yêu thích nhất là múa dân gian. Từ những tục cúng Thần cầu bình an, sức khoẻ đến cúng tạ ơn trời cho hạt lúa, hạt ngô đầy nhà, hoa trái bội thu… đã nảy sinh ra những điệu múa mang đậm sắc thái tín ngưỡng.
Các vũ điệu của đồng bào dân tộc Chrau-Jro cần phải được bảo tồn và phát triển
Đối với người Châu Ro thì cồng chiêng luôn là loại nhạc cụ gắn liền với múa. Tiếng cồng chiêng phát ra những âm giai, âm sắc nhịp nhàng, đều đặn. Mỗi điệu múa tuy có khác nhau về ý nghĩa và cách thức biểu diễn, song nền âm nhạc ấy vẫn không thay đổi nhiều, chủ yếu làm nhiệm vụ tạo không khí và giữ nhịp cho người múa, làm toát lên cái hồn của điệu múa. Trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, khi có tiếng cồng chiêng cất lên thì mọi người không thể không bước vào sân để cùng múa, cùng giao lưu. Qua từng động tác múa mộc mạc, đơn sơ như hai tay đưa lên ngang vai, cổ tay cuộn vào, cuộn ra, chân bước đều kết hợp với nhún nhảy nhẹ nhàng, đầu nghiêng qua lại… Mọi người đi đều thành vòng tròn, có khi lại xoắn xuýt nhau theo từng đôi, từng nhóm rồi cuối cùng trở lại đội hình vòng tròn. Đi đôi với múa thường là các nhạc cụ độc đáo như: Kèn bầu (cầm vuột), chiêng đồng, đàn tre, đàn môi, đàn goong choloq…
Ngoài múa, biểu diễn nhạc cụ, văn nghệ dân gian Châu Ro còn nổi bật với các hình thức hò đối đáp, diễn xướng. Với hò đối đáp, người Châu Ro thường dùng lời thơ để đối đáp nhau giữa nam và nữ. Còn diễn xướng của dân tộc Châu Ro là một hình thức kể chuyện có diễn ngâm với mục đích tạo sự tập trung của người nghe và làm cho chuyện kể hấp dẫn hơn.
Đàn Goong Clog – Bà Lý Thị Nhiễn (chủ nhiệm CLB cồng chiêng Nhà văn hoá dân tộc Bàu Chinh) hướng dẫn cho bạn trẻ người Chrau-Jro cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc Chrau-Jro.
Cần được bảo tồn và phát huy
Văn nghệ dân gian Châu Ro rất đa dạng, phong phú nhưng do cuộc sống du canh, du cư và không có chữ viết riêng nên hiện nay hoạt động văn nghệ dân gian Châu Ro ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã phần nào mờ nhạt. Và thực tế, thế hệ những người am tường về văn nghệ dân gian Châu Ro đã ở tuổi “cổ lai hy”, trong khi đó khó tìm được một bạn trẻ dân tộc Châu Ro có ý thức kế thừa và phát huy các giá trị của dân tộc mình trong đời sống mới. Anh Sinh Văn Thành, một thành viên trong đội văn nghệ dân tộc Châu Ro (huyện Châu Đức) cho biết: “Bên huyện khuyến khích thanh niên Châu Ro đi học tập, truyền đạt các bài dân ca, dân vũ, hướng dẫn cách sử dụng các loại nhạc cụ, cồng chiêng… nhưng công việc gia đình bề bộn, đi làm nương, làm rẫy về mệt rồi, có thời gian đâu mà tập luyện”. Vì vậy, văn nghệ Châu Ro không nằm ngoài khả năng bị thất truyền.
Dấu hiệu của sự thất truyền có thể thấy, nhạc cụ của dân tộc Châu Ro thì nhiều nhưng hiện nay chỉ còn 4 loại nhạc cụ được người Châu Ro biết làm và biết sử dụng là: Chiêng đồng, đàn tre, đàn môi và đàn goong choloq. Về dân vũ, hiện nay còn rất ít người Châu Ro hiểu và nhớ được hết các điệu múa dân gian. Hiện nay còn ít nghệ nhân còn nhớ được khoảng 7 điệu múa dân gian nguyên mẫu: múa cấy lúa, múa sàng gạo, múa giã gạo, múa bà bóng, múa theo bà bóng lên đồng, múa đánh chiêng và múa sáng trăng.
Nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá giai đoạn 2001 – 2005, năm 2002, ông Võ Văn Tư, Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh đã khảo sát, sưu tầm và thực hiện đề tài “Văn nghệ dân gian Châu Ro trong tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu” có sự tham gia góp ý của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân và các cá nhân am hiểu về văn hoá dân tộc Châu Ro. Ông Võ Văn Tư bày tỏ: “Những gì còn sót lại trong mảng văn nghệ dân gian Châu Ro mà chúng tôi sưu tầm được tuy chưa đầy đủ nhưng cũng là những sản vật quý ở cả hai ý nghĩa lịch sử và nội dung”. Sau khi thực hiện đề tài nghiên cứu, ông đã biên soạn thành các tư liệu phim về lễ hội Nhang rừng, Nhang lúa và bài dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ đã được nhóm nghiên cứu tuyển chọn, đóng tập và ghi vào băng hình phát cho các Trung tâm Văn hoá – Học tập cộng đồng xã có đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống để chiếu phục vụ bà con.
Nhưng từ năm 2002 đến nay, văn nghệ dân gian Châu Ro dường như vẫn còn rất im ắng ngoại trừ một số tiết mục được trích từ đề tài sưu tầm, nghiên cứu của ông Võ Văn Tư để dàn dựng tham gia các hội thi hát múa dân tộc do Sở Văn hoá– Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức hai năm một lần; các hội thi nghệ thuật quần chúng khu vực miền Đông Nam bộ lâu lâu mới có dịp tổ chức… Cũng từ năm 2002, Nhà văn hoá dân tộc Bàu Chinh (huyện Châu Đức) chính thức đi vào hoạt động, trở thành nơi sinh hoạt văn hoá, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của đồng bào Châu Ro. Bên cạnh việc trưng bày các hiện vật, hình ảnh, Nhà Văn hoá dân tộc Bàu Chinh còn là nơi truyền dạy cách đánh cồng chiêng, cách làm và chơi các loại dụng cụ, nhạc cụ dân tộc, tổ chức sinh hoạt múa hát các làn điệu truyền thống mỗi tháng vài ba lần. bà Lý Thị Nhiễn, Chủ nhiệm CLB Cồng chiêng Nhà Văn hoá dân tộc Bàu Chinh (huyện Châu Đức) cho biết: “Ngày nay, con trai, con gái trong làng ít đứa muốn học đánh cồng chiêng; người của làng bỏ thú vui làm kèn bầu, kèn lá, làm đàn… Kiểu thổi kèn gọi bạn tình bên suối ngày xưa, đã vắng bóng. Không giống như trước đây, gần như người dân Châu Ro nào cũng biết đánh cồng chiêng, già trẻ, gái trai đều biết vài điệu ru, dùng một loại nhạc cụ nào đó”.
Tìm hiểu lễ hội Sa Yang Va của người Châu Ro tại Phú Lý huyện Vĩnh Cửu
1. Tên gọi và nguồn gốc:
Tiếng Châu Ro gọi là lễ Sa Yang Va / nghĩa là cúng Thần lúa/ mừng lúa mới. Nguồn gốc của lễ hội theo một số già làng cho biết được truyền từ bao đời nay. Cộng đồng người Châu Ro cứ theo thông lệ hằng năm thì tổ chức cúng theo kiểu “ xưa bày nay theo ”. Trước đây, lễ cúng Sa Yang Va được người Châu Ro cúng theo định kỳ hàng năm. Thời gian cũng không ấn định cụ thể nhưng thường trong khoảng từ tháng hai đến tháng ba âm lịch, vào những ngày trời đẹp, đêm có trăng sáng. Đây là lễ hội lớn nhất của cộng đồng và để lại những dấu ấn về lễ nghi nông nghiệp của người Châu Ro. Trước đây, khi tính cộng đồng còn chặt chẽ, thể chế nhà dài tồn tại, người Châu Ro tổ chức cúng Sa Yang Va tại đây. Lễ hội cúng Sa Yang Va thường kéo dài trong nhiều ngày đêm. Mọi người trong buôn làng đều tham dự. Những người thầy cúng giữ vai trò hành lễ trong các nghi thức.
Lễ cúng được tổ chức với mục đích tạ ơn thần lúa đã ban phúc cho gia đình một mùa bội thu. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy trong nội dung lời khấn của lễ Sa Yang Va nhắc nhiều đến đối tượng như các loại thần linh, tổ tiên và mang tính chất cầu an, cầu phúc cho cộng đồng, dòng tộc, gia đình hay cá nhân.
Hiện nay, lễ cúng Sa Yang Va ít được người Châu Ro ấp Lý Lịch tổ chức do nhiều nguyên nhân nhưng sâu sa nhất là do đời sống kinh tế khó khăn. Thường chỉ có gia đình già làng Nguyễn Văn Nổi, Hồng Thị Lịch tổ chức. Thông thường những lễ cúng cúng Sa Yang Va tại đây được các cấp chính quyền, các ban ngành hỗ trợ nhiều mặt. Lễ cúng thực hiện đầy đủ những nghi thức cổ truyền và thu hút không chỉ cộng đồng người Châu Ro mà cả các thành phần dân tộc khác tại địa phương đến tham dự.
2. Công tác chuẩn bị cho một lễ cúng cúng Sa Yang Va
Địa điểm: Thông thường lễ hội diễn ra tại nhà của người Châu Ro mà hai điểm chính là ngôi nhà sàn và kho lúa của gia chủ. Một số địa điểm liên quan là rẫy lúa, rẫy mì và các nơi khác trong rừng khi người Châu Ro chuẩn bị các thứ cần dùng đến trong buổi lễ. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy ba địa điểm chính, quan trọng tạo nên tuyến tình của lễ cúng Sa Yang Va này là: Rẫy lúa, Nhà sàn và Kho lúa.
Chùm lúa rẫy: Tại khu rẫy trồng lúa, khi thu hoạch mùa màng, người Châu Ro để lại một vạt lúa tốt có những bông lúa trĩu hạt. Những bông lúa tốt được bó lại bằng tranh, rơm, lá chuối và rào bốn bên bằng các loại gai bằng tre, cây cối để bảo vệ. Vạt lúa cây vẫn sống, bông lúa nhiều hạt và chín vàng. Theo quan niệm của người Châu Ro thì hồn lúa rẫy trú ngụ tại đây và chờ cho đến khi họ tổ chức lễ Sa Yang Va thì rước về. Nghi thứ rước hồn lúa là nghi đầu tiên trong lễ cúng Sa Yang Va và rất quan trọng.
Bàn thờ Nhang
Cây nêu: Khi tổ chức cúng Sa Yang Va, người Châu Ro thường làm một cây nêu đặt trước sân nhà sàn – nhà có bàn thờ nhang chính, diễn ra lễ cúng đồng thời khoảng sân để tổ chức đốt lửa và sinh hoạt cộng đồng khi đêm xuống.
Cây nêu được làm từ cây vàng nghệ (SơrBrơ)– một loại cây trong rừng, có thân suông, thẳng. Đặc biệt, loại cây này khi bào vỏ thì có màu vàng nghệ rất đẹp. Lá của cây xanh, dài và thon, nhọn đầu (giống như lá xoài). Trái của cây vàng nghệ nhỏ vừa, có dạng hình bầu tròn và dài nhọn đầu như trái cau, phía cuống có lớp bao bọc tạo thành như một cái nắp đậy. Lá và vỏ cây thường được người Châu Ro đem giã để suốt cá.
Khi chặt cây vàng nghệ đem về, người Châu Ro chọn phần suông, thẳng để làm cây nêu. Thường thì đoạn gốc dài trở lên khoảng 5 mét. Người Châu Ro đặt cây vàng nghệ với phần gốc chạm đất và phần ngọn cao lên vừa tầm người làm qua một chạng đỡ có hai cây bắt chéo nhau. Thân cây vàng nghệ được bào nhẵn bốn phía, phía gốc to và thon dần lên phía ngọn.
Trang trí trên thân cây nêu: Khi thân cây vàng nghệ được bào nhẵn, người Châu Ro dùng vôi và củ nghệ tươi bôi đều từ gốc đến ngọn. Thân cây thấm nước vôi và màu vàng của nghệ tạo cho cây có màu vàng tươi thêm và giữ được màu sắc trong thời gian dài.
Người Châu Ro dùng lá buông khô, tước đi những gân lá để buộc vào thân cây vàng nghệ. Cách quấn theo hình chéo nhau từ dưới gốc lên đến ngọn, tạo những khoảng trắng hình thoi đối xứng, uốn theo thân cây. Khi buộc lá buông thì chừa đoạn gốc khoảng 1 mét.
Sau đó, người Châu Ro dùng đèn dầu chai. Những cục nhựa từ cây dầu chảy ra, khô lại được người Châu Ro quấn trong lớp lá dứa tạo thành khối hình ống tròn (tựa như đòn bánh tét). Đòn dầu chai được đốt lên cho khói rất nhiều. Người Châu Ro hơ vào thân cây từ gốc lên ngọn và phải trải qua một thời gian rất dài. Đây là công đoạn làm khá tỉ mỉ để giữ cho thân cây có một màu khói ươm vào đều khắp. Khi hun khói xong thì người Châu Ro gỡ lớp lá buông quấn ra. Những nơi trên thân cây vàng nghệ có lá buông quấn sẽ tạo thành nếp sáng giữ màu so với những mảng đen bị khói hun ám vào. Thân cây vàng nghệ có đường nét hoa văn với các hình thoi đen và đường dây trắng liên tục nối chéo nhau.
Trên ngọn của cây nêu, người Châu Ro làm một giỏ hình cái phểu. Để làm giỏ này, người Châu Ro dùng mây buộc chặt một phần của ngọn (cách ngọn khoảng 2 tấc) và chẻ từ ngọn xuống chỗ buộc làm 8 phần rồi nẻ ra. Sau đó, chọn thêm 10 thẻ tre bằng nhau tạo thành hình cái giỏ có 18 phần thẻ bằng nhau. Các thẻ này được bện kết với nhau bằng lạt mây rừng. Từ chỗ buộc dây tạo dáng hình phểu được mở rộng dần lên tạo thành một cái giỏ lớn. Trên vành miệng giỏ, người Châu Ro trang trí 36 chùm tia. Các chùm tia này làm từ cây vàng nghệ. Ban đầu người Châu Ro chặt từng đoạn thẳng bằng nhau được bào vỏ khá kỹ càng. Đoạn cây gỗ vàng nghệ hình chữ nhật. Một đầu đoạn cây gỗ giữ nguyên làm gốc. Người Châu Ro dùng dao côi chẻ tia từ đầu ngọn vào tạo nên một chùm tia với các lát dát mỏng hình vòng cung xoắn đều. Các chùm tia được gắn vào với phần gốc trên vành giỏ, chùm tia tỏa xuống phía dưới và ra bốn bên đều nhau tạo hình bông lúa lớn rất đẹp.
Từ tâm chính của giỏ buộc một đoạn cây tre ngắn cao vượt lên vành giỏ khoảng 40 tấc. Trên đoạn tre này buộc một khoanh bông gòn và trên cùng là chùm lúa chín, nhiều hạt. Trên vành miệng giỏ người Châu Ro trang trí 4 tia hơi ngả ra phía ngoài, đối xứng với qua đoạn cây tre cột chùm lúa chín. Các tia này cũng làm từ thân cây vàng nghệ. Trên thân các tia mỗi đoạn được vạt dồn những dăm bào xoắn dính liền từng nấc cho đến phần ngọn. Đầu hai tia cột một ít lông gà và hai tia còn lại buộc mỗi tia hai dát bông bào mỏng, dài của thân cây vàng nghệ tượng trưng cho lông đuôi của chim chèo bẽo (trước đây người Châu Ro gắn lông đuôi của loài chim chèo bẽo). Từ 4 tia này được cốt nối kết bằng các sợi chỉ qua lại đan xen nhau và trên các sợi chỉ gắn trang trí những cục bông gòn nhỏ.
Từ ngọn cây nêu trở xuống khoảng 6 tấc, người Châu Ro đục bốn lỗ vào thân cây. Tại bốn lỗ này đạt vào bốn thẻ nêm bằng nhau, từ thân cây chính đối xứng ra bốn hướng. Các thẻ nêm cũng làm từ cây vàng nghệ, mỗi thẻ dài khoảng 2 tấc và rộng khoảng 0,5 tấc. Trên các miếng thẻ nên phía đầu ngoài có khoét sẵn một lỗ tròn nhỏ. Bốn lỗ trên thẻ nêm dùng để gắn bốn cây nêu nhỏ.
Từ chỗ các thẻ nêm phía trên xuống phía dưới thân cây khoảng 6 tấc có thêm bốn lỗ đục âm vào thân cây. Tại đây cũng gắn các thẻ nêm như phần phía trên nhưng các thẻ nêm có kích cỡ to hơn.
Trên các thẻ nêm trên toàn thân cây nêu có 8 cây Nhang nhỏ. Những cây Nhang nhỏ này cũng được làm từ cây vàng nghệ. Cách thức làm cây Nhang nhỏ và cách trang trí trên nó cũng giống như làm cây nêu lớn nhưng kích cỡ nhỏ hơn. Mỗi cây nêu nhỏ dài khoảng 1 mét. Cây Nhang nhỏ chỉ có phần giỏ phía trên và thân dài nhọn đầu dần về phía gốc, hoa văn được tạo hình như cây nêu. Các phần bài trí trên cây nêu nhỏ tuân thủ theo số chẳn, như: 8 thanh làm giỏ, 14 hay 16 chùm tia và 4 tia trên vành. Điều khác biệt so với cây nêu chính là trên các giỏ cây Nhang nhỏ không có gắn chùm bông lúa. Các cây Nhang nhỏ được gắn vào các nêm chốt có phần ngọn đưa lên 1 phần và 2 phần gốc hướng về gốc cây nêu chính. Từ các phần gốc cây Nhang nhỏ buộc những lát thân cây vàng nghệ dài, xoắn, dát mỏng thả xuống; phía trên thân và đuôi các lát dát mỏng buộc các nếp bông gòn nhỏ.
Khi cây nêu được làm xong, người chủ nhà khấn Yang và cho trai làng dựng cây nêu trước khoảng sân nhà sàn. Tại chỗ dựng gốc nêu chôn một đoạn gốc có chạng chĩa làm đôi để giữ và buộc dây mây vào khoảng gốc khoảng 5 tấc.
Cây nêu có ba tầng nấc chính. Trên cao là chùm lúa nhiều hạt vươn lên với vai trò chủ thể cúng của người Châu Ro. Hai tầng nấc cây nêu nhỏ trên thân cây nêu chính tượng trưng cho thần linh và tổ tiên. Cây nêu được dựng lên như một nghi thức có tính chất trình báo về lễ cúng mà người Châu Ro quan niệm Yang lúa và các thần linh, tổ tiên biết được để đến dự. Cây nêu là biểu hiện sự giao cảm, giao hoà giữa con người Châu Ro với thần linh, với tổ tiên.
Rượu cần
Bánh dày: Một trong những công việc người Chơro chuẩn bị cho lễ cúng Nhang lúa là làm món bánh dày. Bánh dày (Pin pu) được thực hiện vào trước lễ cúng một ngày. Trước tiên, người Châu Ro ngâm gạo nếp trong nước khoảng nửa ngày, sau đó vớt ra cho vào chõ hấp chín. Trong khi chờ xôi chín, người ta tiếp tục công việc rang mè đen. Liều lượng cứ một lon mè cho 4 lít nếp.
Muốn cho mè chín đều, người ta để chảo thật nóng trên bếp lửa, sau đó múc mỗi lần độ hai chén mè cho vào chảo để rang. Mè được khuấy nhanh, đảo qua đảo lại cho thật đều để mè chín nhưng không bị cháy. Trong quá trình rang mè, người Châu Ro rắc vào chảo một ít muối.
Khi mè chín, người Châu Ro cho vào cối giã nhuyễn. Mè giã lúc còn nóng thì sẽ giòn và mau nhuyễn. Trong khi giã, người Châu Ro rắc thêm một ít muối trộn lẫn với mè. Công việc rang và giã mè đều do những người phụ nữ Châu Ro đảm nhiệm. Thường một cối giã có ba người thực hiện.
Người Châu Ro quết một lớp mè trong cối sau đó cho xôi chín vào thực hiện việc quết bánh. Mỗi cối quết bánh do hai hoặc ba người giã, một người canh giữ để trở bánh cho đến khi nếp dẻo mịn. Trong khi giã, người Châu Ro rắc thêm bột mè đen để nếp không dính vào cối. Những người cầm chày giã mạnh. Khi bánh mềm dẻo thường bám vào chày giã. Người canh bánh phải lấy ra và đập mánh vào cối.Mỗi cối quết trong khoảng thời gian 20 phút. Bánh dày quết xong rất dẻo và mịn, có màu xám tro của mè đen. Bánh được vỗ tròn mỏng, đường kính mỗi ổ bánh khoảng 20- 25 cm, dày 2 – 3 cm. Người Châu Ro dỡ bánh bỏ lên lá chuối có rắc sẵn bột me, chồng các ổ bánh lên với nhau. Khi thực hiện nghi thức cúng Yang thì đem bánh dày (thường nguyên một ổ đặt lên bàn Nhang). Sau khi cúng xong, bánh dày được làm sẵn được người Châu Ro cắt ra từng miếng nhỏ vừa để đãi khách. Bánh dày có thể ăn không hoặc ăn với các thứ thịt nướng. Bánh dày có thể giữ được lâu trong khoảng 10 ngày. Khi mặt bánh khô, người Châu Ro dùng dầu chiên để ăn.
Ống tre lồ ô: Tre lồ ô mọc trong nhiều khu rừng ở xã Phú Lý. Thân tre cao thẳng, từng đoạn ống dài. Người Châu Ro chọn những cây tre ống dài chặt đem về trước diễn ra lễ cúng nhiều ngày. Họ cưa thân tre thành những đoạn tương đối bằng nhau, thường dài từ khoảng 4 – 5 gang tay người lớn (tương đương 8 tấc đến 1 mét). Những đoạn ống tre có phần mắt làm gốc và một đầu thông. Tre lồ ồ dùng để nấu cơm lam, luộc củ nần, củ chụp, củ maì.Cơm lam: Người Châu Ro lấy nếp cho vào ống tre lồ ồ cưa sẵn. Ống tre dài thường là một lóng . Khi cho gạo (có thể thêm một ít hạt mè)và nước vào thì lấy lá chuối hoặc các lá cây rừng nhét lại. Dựng ống tre vào bếp lửa có cây ngang nấu cho đến khi chín. Sau đó, chẻ ống tre ra hoặc cắt khúc thành từng đoạn nhỏ. Thường vỏ ống tre được vuốt bớt đi để thân mền phía trong. Khi ăn, có thể dùng tay bóc nhẹ lớp vỏ ống mỏng, lấy cơm lam từng khúc nhỏ. A8n cơm lam thường chấm với muối mè.
Đọt mây: Mây là loại dây leo, thân nhiều lớp vỏ có gai nhọn. Rừng miền Đông Nam Bộ có rất nhiều mây nhưng mây dài và có ngọn non thường mọc trong các khu rừng sâu, ít bị khai phá. Nhựng dây mài dài to, xanh mướt thường có phần ngọn trắng mềm với vị ngọt. Người Châu Ro thường chặt những đọt mây để nướng hay nấu canh. Trong ngày lễ cúng Sa Yang Va, đọt mây được chặt về dùng để nướng đãi khách. Thời gian đi chặt đọt mây với số lượng nhiều phải mất từ hai đến ba ngày. Người Châu Ro chặt nguyên ngọn mây và tuốt bỏ gai đem về. Đến ngày cúng lễ mới đem ra lột lớp vỏ cứng ngoài nhưng vẩn giữ những lớp vỏ mỏng bên trong để nướng. Đọt mây nướng trên than hồng sẽ cháy sém phần vỏ mỏng làm cho đọt non bên trong chín mềm. Khi độ chín đủ, người Châu Ro lột lớp vỏ mềm và lất đột mây non cắt khúc dọn mời khách. Đọt mây chín có mùi thơm béo và độ ngọt thanh.
Củ chụp: Cây cho củ có bột là một loại thân dây leo, phía dưới có dạng củ nằm sâu trong lòng đất (từ 0,5 m trở đi) chứa rất nhiều bột mà đồng bào thiểu số đã biết dùng thay cho gạo. Thường mỗi dây cho củ lớn từ 0,5 kg – 5kg. Người dân tộc thiểu số hay dùng cây tre dài, chẻ đầu tua nhọn hình vòng dạng cái chụp để đào củ nấu ăn khi nương rẫy thất bát nên gọi là củ chụp. Ở vùng rừng Phú Lý, hiện nay củ chụp được đào trong những khu rừng rất xa nơi đồng bào Châu Ro sinh sống. Củ chụp được đào về và gọt vỏ để bỏ trong ống tre lồ ô nướng đãi khách trong ngày lễ hội cúng Sa Yang Va.
Đọt mây.
Củ nần: Củ nần từ một loại dây leo như loại dây khoai mỡ, lá hình thoi, thường 1 cuống có ba lá chõi ra, rễ hình thành dạng củ. Dây nần càng lâu năm thì củ càng to nhưng qua thời gian dài thì củ tự tiêu để đâm ra những chùm rễ mới. Từ những rễ mới lại hình thành nên các củ khác. Dạng củ nần phát triển lúp búp trên mặt đất quanh dây, nửa âm dưới mặt đất, nửa trồi lên phấn cuống củ. Củ nần có màu trắng – vàng chứa nhiều tinh bột. Người Châu Ro trước đây dùng củ nần để ăn trong những lúa thiếu lương thực. Củ nần được xắc mỏng bỏ vào ché, cứ một lớp lát củ nần thì xen kẻ lá bứa để ngâm. Sau bảy ngày đêm ngâm đem ra suối nhồi nước cho hết màu nước đục để mất các độc tố trong lượng bột và nấu để ăn. Trong lễ cúng Sa Yang Va, củ nần được đào về gọt vỏ và ngâm trước với muối. Sau đó, chẻ lát bỏ vào ống tre với nước để nấu làm thức ăn đãi khách
Củ mì: Loại củ cho nhiều tinh bột. Cây thẳng, thân có nhiều mắt. Thường được người Châu Ro trồng quanh nhà hay trên rẫy. Loại củ mì có nhiều loại khác nhau. Thường chuẩn bị cho lễ hội, người Châu Ro đào củ mì có thân màu trắng, vỏ củ màu trắng (có nơi gọi là mì bún) đem về lột vỏ và ngâm nước. Sau đó xắc lát cho vào ống tre lồ ô để nấu chín, đãi khách sau khi cúng.
Lá bép: Còn gọi là rau diếp. Đây là loại rau mọc trong rừng sâu, thường cách xa nơi người Châu Ro sinh sống. Lá bếp có màu xanh và tím…… Thường người Châu Ro hái về trước một ngày. Tại Lý Lịch, người phụ nữ Châu Ro đi hái lá bếp mất một ngày trời vì rừng xa và phải hái với số lượng nhiều để nấu canh hay nướng. Cách nướng lá bếp khá độc đáo. Người Châu Ro nhúng lá bếp vào nước sau đó rảy nhẹ cho nước bớt lại. Họ xếp chồng lá bếp vào một ít lớp lá chuối và bó lại vuông vức, buộc dây. Sau đó mỗi vuông bó lá bếp được kẹp vào nẹp tre nướng trên than lửa hồng. Mất một khoảng thời gian không lâu thì lá bếp được nướng chín. Họ mở ra và đãi khách. Lá bếp nướng ăn bốc bằng tay. Lá chín mềm, có vị thanh mát. Còn lá bếp dùng nấu canh thì người Châu Ro cho vào nồi đun sôi sau đó nêm gia vị (muối) vừa mứa để có vị mặn và ngọt vừa nếm. Một loại canh mà người Châu Ro trong bữa cơm trước đây thường dùng.
Lá bép
Đan chiếu dứa: Chiếu dứa được người Châu Ro đan để sử dụng cho nhu cầu nghỉ ngơi hằng ngày. Trong lễ hộ cúng Yang lúa, người Châu Ro đan chiếu dứa để những người tham gia ngồi làm các lễ vật cúng, thức ăn hay đánh cồng chiêng, hát, thổi khèn, kèn…
Cây dứa rừng có lá dài và mềm, dẻo. Người Châu Ro hái lá dứa, tuốt phần gai trên lá và phơi 4 ngày. Qua bốn ngày nắng phơi nắng, sương, lá dứa mềm lại và người Châu Ro bắt đầu đan chúng thành những tấm chiếu. Cách đan theo thể đan long mốt, tức xỏ đan theo kiểu lồng ghép theo thứ tự trên dưới các dây với nhau. Các sợi lá dứa có bề rộng khoảng 1 phân. Chúng được đan chèn nối tiếp nhau theo nhiều lần tạo thành tấm rộng. Hướng đan từ trong ra ngoài và kết thúc thường ở các góc hình chữ nhật của chiếu. Người đan bẻ góc lận vào dấu đầu mối của sợi dây. Tấm chiếu dứa thường có kích cỡ rộng 6 tấc, dài 1mét dùng. Hiện nay, tại ấy Lý Lịch, bà Hồng Thị Trang (67 tuổi) đan được loại chiếu này. Chiếu dứa được người phụ nữ Châu Ro tham gia lễ hội dùng chỗ nghỉ ngơi hay làm các công việc chuẩn bị thức ăn.
Heo: Loại heo người Châu Ro dùng để cúng trong lễ Sa Yang Va là loại heo cỏ. Trước đây, mỗi gia đình người Châu Ro thường hay nuôi loại heo này và khi nhà tổ chức lễ cúng thì họ đem heo làm lễ vật. Nều nhà không nuôi thì có thể đi mua từ nơi khác. Con heo không có quy định cụ thể nhưng khi dùng để cúng phải có những đặc điểm như: Toàn thân phải đen (không có vết loang lỗ các màu khác), thường là từ 10 kg trở lên, heo không bị khuyết tật hay bệnh.
Gà: Loại gà trống của nhà nuôi hoặc mua. Không quy định cụ thể nhưng gà dùng cúng thường mạnh khoẻ, có dáng vóc đẹp và nhanh nhẹn, thịt nhiều. Gà dùng làm thịt lấy huyết bôi để thực hiện một số nghi thức tiết tế và làm lễ vật bày cúng tại bàn thờ Nhang.
Thịt thú rừng: Trước đây, mỗi khi tổ chức lễ cúng Sa Yang Va thì nhà ngươi chủ thường cho nguời thân đi săn thú rừng nhiều ngày. Nhiều loại thú rừng săn được sẽ lấy thịt dùng chế biến các món để đãi khách. Các loại thú nguời Châu Ro thường săn được là heo, cheo, thỏ, chồn, mễn, khỉ hay các loại chim…Thường mỗi khi săn được con thú nào, làm thịt thì người Châu Ro thường giữ lại bộ xương hàm để treo trong nhà. Tại nhà già làng Năm Nỗi, trên mái nhà trước bàn thờ Nhang có treo một dãy dài những hàm của con thú rừng mà người thân trong nhà săn được. Ngày nay, nhà nước quy định cấm cửa rừng và bảo vệ động vất hoang dã nên người Châu Ro không có cơ hội săn thú rừng lấy thịt cho đãi khách trong lễ hội.
3. Những nhạc khí cụ dùng trong lễ cúng Sa Yang VaChinh: Người Châu Ro còn gọi là Đồng la. Hiện nay, già làng Nguyễn Văn Nổi còn giữ được bộ chinh ở ấp Lý Lịch xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu. Sử dụng bằng cách đeo đánh bằng tay. Người đàn ông hoặc người phụ nữ đều có thể đánh được. Trong phối đánh không phân biệt giới nhưng theo thứ tự. Tùy theo những nội dung thể hiện mà những người biết đánh sắp theo thứ tự để thể hiện. Trước đây, trong cộng đồng Châu Ro, chỉ có những gia tộc, gia đình có điều kiện kinh tế khấm khá mới sắm được bộ nhạc cụ này. Chinh được sử dụng trong các lễ hội cổ truyền, tiết tết của người Châu Ro. Loại hình nhạc cụ phối hợp diễn tấu tập thể.
Chinh là bộ nhạc cụ có bề mặt tròn, trơn phẳng. Bộ gồm 6 chiếc. Mỗi bộ chinh ở từng cộng đồng Châu Ro có khác nhau về dàn và định âm, chức năng riêng biệt.
Chất liệu làm nên bộ chinh bởi kim loại đồng. Khi có vật tác động vào tạo nên tiếng vang lớn, ngân dài. Khi sử dụng, người Châu Ro dùng nắm bàn tay tác động lên bề mặt trơn phẳng theo từng giai điệu tiết tấu âm thanh, nhằm tạo ra âm chuẩn. Đồng thời tay cón lại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp diễn tấu. Bàn tay đặt dưới mặt lòng chinh lúc úp vào hay xòe đỡ với những cách ấn vào đỡ nhẹ hay thả ra (bấm hay buông) để xử lý sắc thái âm thanh lơn, nhỏ, trầm bổng theo giai điệu mà nội dung cần thể hiện.
Tính năng của Chinh rất quan trọng. Đây là loại nhạc cụ không thể thiếu trong lễ hội cổ truyền của người Châu Ro. Về mặt xã hội thì người nào biết tấu chinh hay sở hữu bộ chinh cũng là niềm tự hào trong cộng đồng. Chinh là loại nhạc cụ có lợi thế về tạo nên giai điệu hơn hẳng với Chiêng (Goong). Trong dàn chinh, người Châu Ro có thể chọn ra một bộ 3 chiếc để cho ngững người tấu chinh thi tài với nhau.
Chiêng: Còn gọi là Goong. Nhạc cụ Chiêng gồm nhiều bộ như bộ có 5 chiếc, 6 chiếc hoặc 7 chiếc. Loại nhạc cụ này trên mặt phẳng đánh có núm tròn nhô lên. Đây là loại nhạc cụ khá phổ biến và quan trọng được người Châu Ro dùng trong các dịp lễ hội cộng đồng, trong lễ của chu kỳ vòng đời người như tang ma, lễ cưới. Người phụ nữ Châu Ro thường sử dụng loại nhạc cụ này. Họ treo lên thành từng dàn, có thể trong tư thế đứng hoặc ngồi mà đánh. Thông thường mỗi dàn chiêng có khác nhau về định âm thang âm, kích cỡ và cách quãng. Bộ chiêng được phân định chiêng mẹ đến chiêng con (chiêng lớn đến chiêng nhỏ). Tác động lên u núm để tạo âm thanh trên chiếc Chiêng người Châu Ro dùng đọan thanh gỗ, thân cây gòn, cây tầm phúc nhưng tốt nhất là các thân dây mây, chắc, dẻo bền. Nếu dùng cây gỗ khô đẩ đánh thì người Châu Ro thường buộc quấn vào đầu cây một lớp vải để khi đánh vào giảm độ vang chói của kim loại.
Về mặt xử lý âm thanh, sắc thái của nhạc cụ Chiêng tương tự như nhạc cụ Chinh. Chỉ khác nhau về vai trò tay trái khi tác động để tạo âm lớn, nhỏ trong sáng hay mờ của Chiêng không được thuận tiện như Chinh. Lòng chinh trơn nên những động tác tạo âm (bấm, buông) trong lòngcòn Chiêng do có lõm trong tạo u núm mặt trên nên người đáng tạo âm theo chuẩn tiết tấu bằng cách nắm, buông trên vành.
Chất liệu làm nên bộ Chiêng chủ yếu bằng kim loại, trong đó đồng đóng vai trò chủ đạo. Mỗi chiếc Chiêng có độ nặng nên khi diễn tấu thường được đặt vị trí cố định. Có hai tư thế khi đánh Chiêng: đánh trong tư thế ngồi trong các lễ hội cổ truyền, đánh trong tư thế đứng trong lễ tang ma. Cũng có một số trường hợp, người Châu Ro đeo Chiêng vào vai, mỗi người một chiếc tạo hình vòng tròn vừa đi vừa tấu. Trong tư thế này, người tấu chiêng dùng nắm bàn tay để gõ vào u núm chiêng. Thông thường chỉ tấu được 3 bài là phải nghỉ để lấy sức. Nhưng trên thực tế, những quy định này ngày nay không còn giữ như trước đây. Những bài tấu trong lễ hội có nhịp tấu vang, thể hiện sự vui mừng của con người và chào mời thần linh.
Già làng Năm Nổi giới thiệu đàn tre Goong Cla.
Đàn tre: Loại nhạc cụ này ngắn chỉ một phần thân ống của cây tre già. Đọan thân tre được chọn cưa ngay hai đầu lóng giữ cho tòan đọan tre giữ được nguyên vẹn hơi phía trong ống. Trên phần ngoài vỏ ống, người Châu Ro tách tạo thành 6 dây. Thường để tạo một dây phải tách làm 3 tách vỏ mỏng song song. Dây mỏng ở giữa để gãy tạo thanh âm, còn 2 dây hai bên để phụ cho mảng trống của dây chính, chêm cho dây giữa nhô ra.
Theo nhiều người Châu Ro lớn tuổi thì đây là nhạc cụ dễ làm. Nếu nhà người Châu Ro nào nghèo không có tiền, hay trâu bo, chum chóe quý để đổi Chinh thì họ làm đàn tre. Loại nhạc cụ này do một người diễn tấu với bài bản giống như một dàn chinh nhưng âm thanh nhỏ hơn nhiều. Họ tự chế loại nhạc cụ này để có thể tấu diễn hay thưởng thức thay thế cho dàn Chinh trong các dịp lễ hội…Hiện nay, một số người Châu Ro lớn tuổi còn sử dụng loại nhạc cụ này để giải trí hay gãy trong các dịp lễ tết của gia đình. Những người trẻ ít biết sử dụng đàn tre này. Trong các dịp lễ hội, sau khi ăn mừng, những người già làng thường tấu lên những bài Chinh để cho mọi người nghe.
Khi sử dụng đàn tre, người Châu Ro thường đứng hoặc ngồi rất thoải mái. Đàn tre có một điểm tựa phần gốc vào người diễn tấu. Đàn tre đưa hơi chếch lên so với điểm tựa và về phía trước mặt. Hai bàn tay người tấu châu vào ôm thân đàn và các ngón tay xếp theo từng bậc của dây. Tay phải đóng vai trò chủ đạo trong diễn tấu. Các ngón tay khác tùy theo sự thành thạo hay điêu luyện của người diễn tấu mà có thể dùng để khảy các dây. Trước khi diễn tấu các bài cùng điệu thức, chủ âm thì người tấu phải chỉnh dây bằng cách đẩy những miếng gỗ chêm nhò tại các đầu dây (ra, vào) để nâng độ dây lên cao hay chùng xuống theo ý muốn (xem như cây ngựa đàn).
Đàn tre là loại nhạc cụ thường được dùng diễn độc tấu các bài bản giai điệu như của cồng chiêng…Tính năng thể hiện của Chinh K;la rất đa dạng, phong phú ở các tiết tấu nhanh hoặc chậm, trầm lặng hoặc sôi động. Âm thanh của loại nhạc cụ này nghe hơi mờ, tối, độ vang ngắn. Loại nhạc cụ này hiện nay có già làng Nguyễn Văn Nổi (ấp Lý Lịch, xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu) thường sử dụng.
Kèn Môi
Kèn môi: Kèn được làm bởi một thanh tre lồ ô nhỏ, mỏng. Chiều dài khoảng 20 cm, rộng 0,2 cm. Mảnh tre được vuốt láng trơn bề mặt và lòng phía trong. Một đầu mảnh tre tạo đầu nhú như hình tra cán rìu nhỏ.
Một đầu vuốt nhọn dần. Giữa mảnh tre được tạo một lưỡi gà để tạo âm thoa khi thổi. Phần lưỡi gà được tạo chiếm 2/3 chiều dài lòng thân mảnh tre. Lưỡi gà còn có thể làm bằng một lá đồng mỏng. Vì chất kim loại nên tiếng kêu sẽ thanh hơn nhưng khó làm.
Người Châu Ro dùng miệng để thổi kèn. Phần lưỡi gà đặt ở môi. Tay trái giữ lấy đầu nhọn. Phần lưỡi gà đặt ở môi. Tay phải khảy bật phần đầu nhú làm cho lưỡi gà rung tạo thành âm vang ra. Khi thổi, người Châu Ro dùng lưỡi điều chỉnh hơi và vòm miệng để thay đổi âm sắc.
Thường người Châu Ro khi canh chòi, giữ rẫy thường sử dụng loại kèn môi để thổi. Người thanh niên của Châu Ro trước đây cũng thường dùng kèn tồng để bày tỏ tình cảm đối với cô gái mà mình yêu mến. Họ thường đến dưới nhà sàn hoặc những gốc cây gần nhà cô gái để thổi.
Giai điệu và âm từ kèn môi phát ra rất nhẹ nhưng thanh. Người thổi tạo âm và khảy theo chủ đích thì người nghe có thể hiểu được chủ ý. Âm phát từ kèn là tiếng được tạo từ miệng, môi một cách nhẹ nhàng để khi thổi và khảy bật tòan thanh kèn tạo nên độ luyến láy.
Đây là nhạc cụ tự tạo. Trong lễ hội, người Châu Ro dùng kèn môi để cầu chúc điều tốt lành cho những người tham dự lễ hội, vui chơi. Hiện nay, ở Lý Lịch, bà Hồng Thị Lịch còn thổi được kèn mối.
Kèn lúa: Người Châu Ro dùng thân cây lúa để làm kèn thổi nên có tên gọi như thế. Thân cây lúa phải lớn, trong thời kỳ trổ đòng thì có ống dài và đoạn mắt. Thân lúa được cắt về để ngâm trong nước giữ độ tươi. Người Châu Ro dùng tay bóc lớp vỏ ốp thân lúa phía ngoài, chọn lấy phần ống có đoạn mắc. Từ đoạn mắc dài ra khoảng một gang tay thì cắt vát. Tại gần phần đoạn mắc dùng dao khứa một đường nhỏ cắt vào một phần ba thân ống. Từ đường cắt khứa mỏng này bật lên phía sau khoảng một đốt ngón tay để làm lưỡi gà. Trên ống thân lúa cùng bề mặt có lưỡi gà khoét bốn lỗ nhỏ thông vào thân ống đều nhau (thường là hình vuông hoặc hình tròn) có tác dụng thoát hơi. Phần đoạn mắt có lưỡi gà để ngậm vào miệng thổi, các lỗ hơi dùng ngón tay trỏ và giữa của hai bàn tay vừa che vừa thả tạo làn điệu theo cách của người thổi. Thường người Châu Ro dùng ngón trỏ, ngón giữa của hai bàn tay vừa che vừa thả tạo làn điệu. Người Châu Ro trước đây dùng kèn lúa thổi theo các làn điệu để hẹn hò tâm sự tình yêu nam nữ. Nay không còn duy trì. Trong lễ cúng Sa Yang Va, các phụ nữ lớn tuổi thổi kèn lúa với các giai điệu trầm bỗng nghe như nhớ về làn điệu xưa và góp vui cho cộng đồng trong các tiết mục sinh hoạt văn nghệ trong thời gian diễn ra lễ hội. Tại ấp Lý Lịch hiện nay, bà Hồng Thị Trang là người thổi kèn lúa có những làn điệu rất hay.
K’Toàn biểu diễn thổi kèn bầu 6 ống của người Chrau-Jro.
Kèn bầu: Kèn được làm bằng trái bầu già để khô và 6 ống trúc. Trái bầu được vét sạch phần ruột, để trống. 6 ống trúc có độ dài ngắn khác nhau: ống dài nhất khoảng 80 cm, ống ngắn nhất khoảng 45 cm.
Các ống trúc được gắn vào một phần bên hông của trái bầu rồi xuyên qua cả trái bầu theo chiều ngang bằng sáp ong. Phía trên gắn 4 ống, phía dưới gắn 2 ống, đầu phía ngoài choãi ra cùng một hướng nhưng với góc lệch khoảng 15 – 20 độ. Các ống trúc được chế lưỡi gà bằng miếng kim loại mỏng, phần lưỡi gà đưa vào phía trong trái bầu. Trên thân ông trúc phía ngoài, mỗi ống có lỗ hơi phía dưới.
Về kỹ thuật diễn tấu, người Châu Ro dùng miệng ngậm vào đầu trái bầu khô. Hai tay giữ các ống trúc vừa giữ kèn đồng thời tạo nhịp âm theo ý muốn. Khi hút hơi vào, các ngón tay giữ bịt các lỗ hơi trên thân ống trúc. Khi thổi hơi ra, ngón tay giữ ống trúc nào nhả lỗ hơi thì lưỡi gà sẽ tạo ra âm thanh.
Tư thế người thổi kèn bầu đa dạng. Người thổi có thể ngồi hoặc đứng. Trong các lễ hội với không khí nhộn nhịp, náo nhiệt, khi hòa tấu cùng dàn nhạc cụ như chinh, chiêng, người thổi có thể vừa đi vừa thổi với những bước nhịp chân. Những người thổi giỏi vừa nhảy vừa thổi nhưng vẫn giữ được thanh nhịp bài thổi.
Làm cành phan.
4. Cách bày trí các khu vực diễn lễ cúng Sa Yang Va
Tuyến tính diễn ra lễ cúng Sa Yang Va tại ba địa điểm chính là rẫy lúa, nhà sàn và kho lúa.
Rẫy lúa: Liên quan đến nghi thức rước hồn lúa. Tại đây, khi thu hoạch mùa, vạt lúa có chùm bông nhiều hạt, chín vàng. Những bông lúa được bó lại bằng tranh, rơm, lá chuối và rào bốn bên bằng các loại gai bằng tre, cây cối để bảo vệ cẩn thận cho đến khi lễ cúng Sa Yang Va diễn ra.
Nhà sàn: Trên gian nhà chính của nhà sàn để bàn thờ Nhang và là nơi diễn ra những nghi thức cúng trình Yang nhi (Yang nhà). Bàn thờ cúng có ba tầng nấc gắn vào vách. Từ hai tầng trên bàn thờ có hai cây nhô thẳng ra phía trước để gắn hai cây đèn sáp. Tầng trên cùng để chén đựng vỏ cây chùm hum được hun khói xông; tầng thứ hai để bài trí lễ vật cúng. Cây Nhang (được mô tả trong phần cây nêu) được cắm vào bàn thờ từ giữa tầng hai theo chiều xuôi xuống. Phần giỏ bông cây Nhang và các tia toả về phía trước bàn thờ theo hướng song song vơi mái trần nhà/ nơi để những đồ vật của mùa cúng Yang Va năm trước.
Phần dưới cùng bàn thờ bày những ché đựng lúa, gạo, nếp của các mùa thu hoạch trước. Trước bàn thờ khoảng 1 mét đặt ché rượu cần. Phía vách đối diện bàn thờ Nhang là bộ chiêng được người Châu Ro dùng dây mây treo lên một cây ngang buộc theo một đà cây mái nhà. Những cái chiêng được treo vừa tầm đối với người ngồi đánh.
Phía dưới sân nhà sàn được dọn sạch sẽ. Cây nêu được dựng giữa sân. Gốc cây nêu là nơi cột những con vật sẽ làm thịt để hiến tế trong lễ hội. Cách cây nêu khoảng 2 mét có dựng khung giàn để treo chiêng (vị trí không bắt buộc). Xung quanh sân với cây nêu làm tâm có làm những dãy cây rừng buộc dã thô để làm chỗ ngồi cho người dự lễ.
Kho lúa: Là nơi để cất giữ lúa mà người Châu Ro thu hoạch mùa màng vừa qua. Trước đây với sàn kho bằng gỗ thì người Châu Ro trải lúa trên cả phía trong kho. Nay, với nhu cầu bảo quản lâu dài nên người Châu Ro sử dụng các đồ đựng bằng nhiều chất liệu để chứa lúa và cất giữ trong nhà kho. Dù nhà kho còn chứa lúa hay không thì khi tổ chức lễ cúng Sa Yang Va thì trong kho phải có một số lúa tượng trưng. Nhà kho được dọn cho tươm tất, sạch sẽ.
5. Diễn trình các nghi thức trong lễ cúng Sa Yang Va
Rước hồn lúa: Bắt đầu cho buổi lễ cúng Yang lúa là nghi thức rước hồn lúa. Khi buổi sáng của ngày cúng bắt đầu, lúc mặt trời lên, người nhà của người Chơro tổ chức lễ thực hiện việc đi rước hồn lúa. Người gọi Yang lại khấn trình trước bàn thờ và cho người đi lên rẫy.
Người phụ nữ chính trong nhà và người thân (số lượng người không quy định nhưng không đông lắm, thường chỉ có ba người) đem theo liềm, chà gạc, bầu khô đựng nước để trong gùi mang đi. Họ đi về hướng rẫy lúa nơi để dành sẵn một chùm lúa chín. Rẫy lúa ở khá xa với nhà người Châu Ro đang cư ngụ.
Tại khu rẫy, khi thu hoạch mùa màng, người Châu Ro để lại một vạt lúa tốt có những bông lúa trĩu hạt. Khi đi đến nơi, người phụ nữ chính thực hiện nghi thức khấn. Lời khấn mang nội dung: báo cho hồn lúa biết hôm nay nhà tổ chức lễ cúng Sa Yang Va và mời hồn lúa từ rẫy về nhà dự lễ cúng, cầu xin hồn lúa thuận ý và phu hộ cho mọi sự diễn ra tốt lành. Khấn xong, người phụ nữ lấy nước trong trái bầu khô đem theo rảy vào chùm lúa thể hiện sự tẩy sạch và tươi tắn cho chùm lúa chọn. Những người đi theo dỡ bỏ những rào che, mở chùm lúa khỏi những dây bó, lá chuối và lấy liềm gặt lấy, bó lại, bỏ vào gùi.
Khi gặt chùm lúa chọn xong, những người đi theo tìm đến một phần đất khác để chặt hai ngọn mía và hai ngọn chuối con (có khi không có mía nhưng bắt buộc phải có đọt chuối non). Những cây mía và cây chuối cũng được chọn sẵn trước với điều kiện lá xanh, đọt thẳng, thường nảy nở từ những bụi gốc lớn. Trước khi chặt đọt chuối (cây mía) người phụ nữ Châu Ro đọc lời khấn báo gia đình làm lễ cúng Yang Va và xin được chặt chuối non về làm lễ; bên cạnh đó, họ đọc lời khấn cho con cai trong nhà được an, được phúc, nhanh lớn như đọt chuối. Tất cả những đồ vật được bỏ vào gùi và mang về nhà trình qua Yang nhà.
Những vật lấy từ rẫy có ý nghĩa quan trọng trong quan niệm của người Châu Ro khi tổ chức cúng. Chùm bông lúa chọn là hồn lúa của mùa màng và qua đó, người Châu Ro thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh trong mỗi kỳ làm rẫy. Cái tốt nhất, đẹp nhất dành cho ngày cúng tế Yang lúa. Hai hai đọt chuối non (cây mía) thể hiện sức sống, sự sinh sôi nảy nở của con cái như lời khấn và cho các loại cây khác mà người Châu Ro trồng tỉa trên nương rẫy. Con số hai (chẵn) của lễ vật rẫy biểu hiện của người Châu Ro trong quan niệm sự hoàn thiện, có đôi, có bạn cho cả người chủ rẫy, chủ gia đình người gọi Yang.
Khi những người đi rước hồn lúa về thì họ dừng lại ngay tại gốc cây nêu. Tại gốc cây nêu có buộc sẵn các con vật hiến tế là heo và gà. Người Châu Ro để gùi xuống chứa đựng các vật đem về từ rẫy: chùm bông lúa, hai cây mía, hai cây chuối như trình báo cho thần linh, tổ tiên chứng giám.
Trình Yang nhà và làm vật hiến tế: Khi những người đi rước hồn lúa về trình các lễ vật tại gốc cây nêu thì người gọi Yang ngồi chờ sẵn tại cửa nhà sàn. Người phụ nữ mang gùi lên cầu thang và giao lại những vật mang từ rẫy cho người gọi Yang. Người gọi Yang đem các vật từ rẫy vào trước bàn thờ. Các chùm bông lúa đặt lên tầng thứ hai của bàn thờ. Sau đó, người gọi Yang tách lấy một phần của chùm bông lúa ra từng bông gắn lên thân cây Nhang mùa cúng trước, đọt chuối non gắn hai bên cây Nhang. Vừa đặt sắp các vật, ngươi gọi Yang vừa đọc lời khấn với vẻ mặt cung kính. Một người phụ cúng bắt con gà từ cây nêu đưa cho người gọi Yang. Người gọi Yang cầm con gà cúng ngồi trước bàn thờ Nhang đưa lên vái ba lần, miệng đọc lời khấn xin làm thịt những con vật hiến tế. Những người phụ cúng đem cây Nhang và con gà xuống phía dưới nhà sàn làm thịt. Một người cắt cổ gà lấy huyết bôi đều vào các chùm tia của cây Nhang.
Sau đó, những người phụ cúng bắt heo từ gốc cây nêu làm thịt. Khi cắt cổ, họ dùng thanh tre vuốt nhọn thọc huyết. Huyết chảy ra liền được họ lấy tay nhúng và bôi đêu lên cây Nhang mà trước đó đã bối huyết gà. Khi bôi xong, một người sẽ đem cây Nhang lên nhà sàn đưa cho người gọi Yang. Người gọi Yang cung kính đón lấy và đọc lời khần trình lên Yang nhà và gắn vào phía dưới bàn thờ Nhang. Khi cây Nhang được bôi huyết hai con vật tế thì được đem cắm vào phần dưới cùng của bàn thờ. Trong thời gian trình các lễ vật từ rẫy cho đến trình cây Nhang đã được bôi huyết các con vật hiến tế thì những người phụ nữ Châu Ro liên tục đánh giàn chiên trên nhà sàn để tấu những làn điệu nhộn nhịp mừng lễ cúng.
Phía dưới nhà sàn, ngay từ buổi sáng diễn ra lễ cúng, những người Châu Ro tham gia lễ hội làm các thứ thức ăn như bánh dày, cơm lam, củ nần, củ mì, củ chụp, đọt mây…để đãi khách khi lễ cúng hoàn tất. Nếu lượng thức ăn nhiều thì họ chuẩn bị từ đêm trước lễ hội.
Bánh dày được làm từ sáng sớm. Người Châu Ro rang mè đen, sau đó cho vào xôi nếp đem đi giã. Để thực hiện một ổ bánh dày thì ba người giã và một người phụ trở bánh trong cối. Khi xôi và mè được giã nhuyễn thì họ cầm bánh đập vào cối cho có độ dẻo chặt. Bánh mềm dẻo với màu đen, trắng chấm li ti được tạo dáng hình tròn để trên lá chuối rừng.
Nếp, củ nần, củ mì, củ chụp, đọt mây được người Châu Ro cho vào ống tre lồ ô với một lượng nước vừa đủ để nấu. Tất cả các ống tre được bịt chặt lại bằng lá chuối. Một bếp lửa dài được đốt lên và có một giá đỡ ngang để giữ những ống tre. Những người tham gia nấu phải liên tục canh độ lửa để trở những ống tre đang nấu cho chúng được đốt đều. Lá bếp thì được quấn trong lớp lá chuối, kẹp vào thanh tre để nướng. Thịt heo, thịt gà được xâu chuỗi trong các xiên tre vót nhọn để nướng. Các thức ăn làm được bày sẵn theo thứ tự trên các sàn tre, cây được làm sẵn.
Nghi thức cúng Yang nhi: Lễ cúng Yang thường được bắt đầu vào buổi trưa. Để chuẩn bị cho buổi lễ những người phụ cúng bắt đầu bài trí khu cúng trên bàn thờ Nhang trên nhà sàn. Bàn thờ Nhang được bày các lễ vật. Chén vỏ cây chùm hum được chuyển từ tầng trên cùng xuống tầng thứ hai của bàn thờ để xông hương, hai cây đèn cầy sáp ong được đốt lên. Bên cạnh đó là các lễ vật cúng như bánh dày, cơm lam, cù nần, củ mì, đọt mây đã được nấu chín.
Ché rượu cần được khai miệng, đổ nước vào, cắm những ống hút bằng tre. Bốn ống hút nghiêng ra bốn hướng và 1 ống chính (ngắn) ở giữa và cái cò bắc ngang miệng ché. Từ bốn ống hút bốn bên được cốt nối vòng những sợi dây chỉ đều nhau. Có hai sợi dây chỉ nối từ hai ống hút của ché rược cần lên trên trần nhà / nơi để những bông lúa, cây nhanh của mùa cúng trước. Trên những sợi dây được kết những bông gòn theo từng nấc tượng trưng cho cái thang để thần linh đến dự hưởng rượu cần của mùa lúa đã thu hoạch. Người phụ cúng nối vào ống hút ngắn chính giữa một đoạn dây ống nhựa để lấy ra một chai nước rượu đầu tiên.
Thịt của các con vật hiến tế được đem lên bàn thờ. Lễ vật này gồm một đùi heo phía chân sau, giữ nguyên đuôi; một nửa con gà nhưng giữ nguyên phần đầu và đĩa đựng một số đồ lòng của con vật như gan, cật, một ít thịt chặt rời. Các phần thịt để tươi. Người gọi Yang bày lễ vật phía dưới bàn thờ Nhang cùng với một ổ bánh dày và các loại củ nầu chín (nần, mì, chụp). Sau đó, người phụ cúng đem đĩa thịt ra xâu vào hai xiên tre (mỗi xiên tre xâu riêng biệt thịt heo, gà).
Người gọi Yang ngồi trước ché rượu cần, mắt hướng về bàn thờ Nhang đọc lời khấn. Những người phụ cúng đứng phía sau. Tại Lý Lịch, già làng Năm Nổi đọc lới khấn.
Mai Hường