Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Chơ Ro
Showing posts with label ₪ Dân tộc Chơ Ro. Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Chơ Ro. Show all posts

Thursday, July 7, 2016

Người giữ hồn dân tộc Chơro (Đặng Ngọc Thanh)

Vót tên cho chiếc nỏ mới làm.

Từ thuở người Chơro còn ở nhà sàn, sống bằng việc đốt rẫy, săn thú thì chiếc nỏ đã trở thành “cánh tay phải” của những người đàn ông Chơro giữ đất, giữ làng. Cho đến hôm nay, đồng bào dân tộc Chơro đã có cuộc sống khá hơn trước, nhưng chiếc nỏ vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa - tinh thần.

Nỏ đã theo chân người Chơro qua bao thế hệ. Xưa người Chơro sống trải dài khắp các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ, phải đối mặt với thú dữ nên khi họ dựng nhà sàn, đi rừng, đi rẫy đều luôn mang theo rìu và nỏ để phòng thân và săn thú. Với người Chơro, cây nỏ là một vật hết sức thiêng liêng, tượng trưng cho khả năng chinh phục thiên nhiên và sức mạnh của người đàn ông. Từ những ngày còn bé, những đứa trẻ Chơro 5-6 tuổi đã được chơi với mũi tên, cây nỏ và được người lớn đưa đi rừng làm quen với việc đi săn sau này.

Thử nghiệm chiếc nỏ.

Nỏ của người Chơro thường có hai loại, phân biệt dựa theo chiều dài của cánh nỏ, cũng dựa vào đó mà sẽ có mũi tên thích hợp cho từng loại. Thân nỏ được làm gỗ cứng như: rọi, cẩm lai. Cánh nỏ thì sử dụng các loại gỗ có tính đàn hồi như gỗ cau. “Ngày xưa, để làm một cây nỏ phải mất hàng tháng. Phải vào rừng tìm cây, rồi đánh dấu lại, đến một thời gian nhất định trong tháng mới đến đốn, vì khi đó chất gỗ sẽ săn chắc hơn. Gỗ sau khi đốn được đem về đẵn ra thành từng bộ phận riêng biệt, rồi dùng một con dao mác nhỏ bằng ngón tay đẽo kỹ lại, công đoạn này phải mất ít nhất cả tháng. Giờ thì tiện lợi hơn, có máy móc nên chỉ mất khoảng một tuần là tôi làm xong một chiếc nỏ” 

 Đặng Ngọc Thanh (sưu tầm)

Chiếu Lùn – vật dụng vô giá của dân tộc Chơ Ro (Đặng Ngọc Thanh)

Đồng bào Chơ Ro

Chiếu hẳn chẳng ai trong chúng ta cũng biết, bởi nó là vật dụng thân quen và gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của người dân Việt. Với người Chơ Ro (Đồng Nai) chiếu còn là một vật dụng vô cùng quý báu.

Bởi thế, không giống như những chiếc chiếu bình thường được dệt bằng khung, chiếc chiếu Lùn của người Chơ Ro được đan hoàn toàn bằng tay, rất cầu kỳ và cận thận. Nét hoa văn trên chiếu đã phần nào phản ánh đời sống văn hóa độc đáo của bà con dân tộc.
Nguyên liệu làm nên chiếc chiếu rất đặc biệt được lấy hoàn toàn từ thân của cây Lùn - một loại cây mọc ở vùng đầm lầy, ven suối. Đây là loại cây có chiều cao khoảng 1,4m đến 2 mét. Chỉ có phần thân thẳng của cây không bị sâu bệnh, không có vết thương mới được sử dụng để đan chiếu.
Công đoạn làm chiếu cũng rất cầu kỳ, đồng bào dân tộc Chơ Ro phải mất rất nhiều công sức mới có thể hoàn thành một sản phẩm. Họ phải vào rừng sâu để tìm kiếm những cây Lùn có đủ tiêu chuẩn để đem về. Sau đó họ chẻ thân cây Lùn và lột vỏ đem phơi và vót nan trong vòng 2 -3 ngày để chống mối mọt, sau đó lại ngâm ngập nước hoặc phơi sương 1 đêm. Khi các nan đã khô, họ bắt đầu đan, thời gian đan chiếu thường mất 2 đến 3 ngày mới hoàn chỉnh 1 sản phẩm.
Để có được một chiếc chiếu Lùn đẹp, người đan không chỉ là người có hoa tay mà có cả óc sáng tạo hoa văn thẩm mỹ. Tùy vào cảm hứng sáng tác của mỗi người mà tạo ra những hình thù hoa văn khác nhau trên thân chiếu. Nhưng chủ yếu, những đường nét mỹ thuật trên chiếu là hình thoi, hình chữ N hoặc những hình ảnh về thiên nhiên cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc.
Trong quá trình đan, việc tạo đường tim khi mới bắt đầu vào công đoạn đan đầu tiên là một điểm đòi hỏi sự cẩn thận và kỹ lưỡng của người đan chiếu Lùn. Nếu không biết tạo đường tim sẽ không thể tạo được hoa văn và sự cân đối của thành phẩm như mong muốn. Khi đan chiếu, người ta phải kéo làm sao cho các nan thật khít vào nhau thì chiếu sẽ không có khe hở và nhìn một cách chắc chắn, sau quá trình sử dụng sẽ không bị xô vẹo, xộc sệch. Chiều dài và rộng của chiếu phải được căn chỉnh sao cho từ tim chiếu ra các cạnh của chiếu được đều nhau.
Người dân Chơ Ro rất tự hào về nghề làm chiếu Lùn truyền thống này. Chiếc chiếu Lùn đã đi sâu vào đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc Chơ Ro. Đặc biệt, nó không thể thiếu được trong các Lễ cưới, khi cô dâu và chú rể cùng nhau quỳ gối để mời rượu cha mẹ và gia đình trong suốt buổi lễ. Chính vì thế chiếc chiếu Lùn đã trở thành vật dụng vô giá trong đời sống của người Chơ Ro (Đồng Nai).

 Đặng Ngọc Thanh (sưu tầm)

Phong tục sinh con ở Chòi của dân tộc Chơ Ro, Đồng Nai (Đàm Vinh)

                                     
                         Phụ nữ Chơ Ro sinh con trong chòi được dựng ngay trong vườn nhà.

Việc sinh đẻ, chăm sóc sản phụ và nuôi dưỡng con cái của người Chơ Ro chủ yếu dựa trên những kinh nghiệm của cuộc sống, kiến thức y học dân gian và những kiêng kỵ liên quan đến tín ngưỡng.
Người Chơ Ro ở buôn Lý Lịch, xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu ( Đồng Nai) có phong tục sinh con ở Chòi. Việc dựng chòi sinh con theo quan niệm của người Chơ Ro là để tránh sinh trong nhà lớn sẽ làm ảnh hưởng, mất đi sự linh thiêng của nơi thờ tự khiến tổ tiên cùng các vị thần linh phật ý sẽ gây bệnh tật cho người nhà, bất hòa trong gia đình và mùa màng của buôn thất bát...

Khi người vợ mang thai đến tháng thứ 8 thì người chồng sẽ phải tự tay chuẩn bị vật liệu, dựng một chiếc chòi kín đáo, vững chãi ở ngay trong vườn nhà để vợ “lâm bồn”. Vị trí chòi để vợ sinh con thường người chồng chỉ đặt cách nhà chính chừng vài bước chân, chọn ngày dựng phải nắng ráo, những cây cột đỡ chòi phải thật thẳng, không có dây leo với ý cầu mong cho vợ mình lúc sinh không đau bụng, đứa trẻ dễ ra và dễ nuôi. Hướng của cửa chòi quay về phía quang đãng, không có gò ụ che chắn và vợ sinh bao nhiêu đứa con thì người chồng phải làm bấy nhiêu cái chòi, mỗi cái chỉ dùng duy nhất một lần, xong thì dỡ bỏ. Đến đúng ngày người mẹ “nở nhụy khai hoa”, bà mụ được đón đến và cũng là lúc cành lá cấm người lạ đến được cắm trước cổng nhà để tránh điều không may mắn đối với trẻ sơ sinh.

Đứa bé mới sinh được bà mụ cắt rốn, tắm rửa nước ấm, quấn khăn tã rồi đặt nằm cạnh mẹ. Vừa sinh xong, sản phụ và đứa trẻ được bà mụ tắm bằng nước của các loại lá rừng gồm: tâng cham (mùa cua), mục pu, ừng gâm (từ bi)..., tắm mỗi ngày 3 lần. Sau đó vài ngày, bà mẹ đem ra suối gần nhà tắm rửa với ý niệm: Bệnh tật sẽ trôi theo sông nước, đứa trẻ khỏe mạnh.

Theo quan niệm của đồng bào Chơ Ro thì thanh nứa mà bà mụ dùng để cắt rốn cho đứa trẻ sẽ được trao cho người bố cất giữ cẩn thận, còn phần nhau thai sau sinh bao giờ cũng phải do ông ngoại hoặc bà ngoại của đứa trẻ đem đi chôn ở cạnh con đường lớn nơi có nhiều người đi lại với mong ước cháu mình sẽ luôn được vui vẻ, ấm áp.

Thời gian người phụ nữ nằm ở đây 9 ngày, mọi việc ăn uống, giặt giũ đều do người chồng, hoặc chị em giúp. Mỗi lần sinh con thì người chồng lại làm một cái chòi mới, khi dùng xong thì phá bỏ, không dùng cho lần sau.

Khi đã được “mẹ tròn con vuông”, gia đình đứa trẻ mang đồ lễ sang cảm tạ bà mụ. Lễ vật thường là con gà và chiếc tô đẹp đựng cơm nếp. Chiếc tô vừa là vật để đựng xôi nếp, vừa là vật kỷ niệm của gia đình tỏ lòng cảm ơn bà mụ. Chiếc tô vừa phải đẹp, lại phải nguyên vẹn, là đồ quý đối với người Chơ ro, đồng thời cũng thể hiện sự mong muốn con cháu mình sau này khoẻ mạnh, có của ăn của để.

Đàm Vinh (sưu tầm)

Lễ hội Sayangva mừng lúa mới của đồng bào Chơ ro (Lò Văn Páo)

Đồng bào Chơ ro tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân lộc đã tổ chức Lễ hội Sayangva với nhiều hoạt động như: biểu diễn cồng chiêng, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, đập niêu), biểu diễn văn nghệ và nghi thức cúng thần lúa. 
Đây cũng là dịp để đồng bào dân tộc Chơ Ro tạ ơn thần linh đã cho một mùa bội thu và cầu xin mưa thuận gió hòa để mùa vụ năm sau nhà nhà được no đủ.

 Lễ hội mừng lúa mới là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chơro. Tiếng dân tộc Chơro gọi lễ hội này là SaYangva. Theo một số người lớn tuổi cho biết, xưa kia, lễ hội này kéo dài nhiều ngày đêm, thu hút cả cộng đồng tham gia. Họ vui chơi, ca hát, nhảy múa trong không khí náo nhiệt của một hội lễ sau nhiều ngày nhọc sức lên nương, làm rẫy, đi rừng săn bắn để lo cho cái ăn, cái mặc thường ngày. Trong lễ hội Sayangva, cây nêu có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Theo cách nghĩ của người ChơRo, cây nêu được xem là cây thông thiên. Bởi họ dựng cây nêu là để gởi “ tin báo và thư mời ” cho thần linh để đến dự lễ hội của cộng đồng ChơRo. Đối với con người thì cây nêu là mối giao hòa giữa cộng đồng. Hễ ai thấy cây nêu thì biết rằng làng vào lễ hội.

Được biết, đồng bào Chơ ro sinh sống tại huyện Xuân Lộc có khoảng trên 4.800 người, tập trung nhiều Xuân Phú, Xuân Trường, Xuân Thọ, Xuân Hòa…
Lò Văn Páo (sưu tầm)

Tục "ngủ mèo" trước hôn nhân của dân tộc Chơ ro (Lã Việt Hưng)

Với người Chơ ro, tục "ngủ mèo" không chỉ tạo cơ hội cho các đôi trai gái có thêm cơ hội hiểu nhau trước khi đến hôn nhân, mà cao hơn thế, nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong phong tục hôn nhân của đồng bào nơi đây.
Từ xưa đến nay, người Chơ ro kết hôn dựa trên sự to do luyến ái giữa những người ngoài dòng họ.

Vào những đêm trăng thanh gió mát, những ngày cúng thần lúa, thần rừng, ngày cưới của bạn bè trong tiếng công chiêng bên bếp lửa, những đôi trai gái trong làng lại có dịp giao lưu, tìm hiểu rồi bén duyên với nhau. Khi có tình cảm với nhau, chàng trai hẹn hò với cô gái và ngủ cùng cô gái vào ban đêm. Những đêm chàng trai ngủ chung bên cạnh cô gái trước khi cưới người Chơ ro gọi là tục "ngủ mèo".

Khi chàng trai đến nhà cô gái, chàng trai thường ra hiệu để cô gái biết và xuống đón lên nhà. Tín hiệu thường là roi mây chọc vào phần sàn cô gái nằm ngủ hay lá cỏ tranh luồn qua khe sàn. Nếu cô gái đồng ý sẽ rút hoặc roi mây lên và xuống đưa chàng trai lên nhà cùng nhau tâm tình đến sáng. Cha mẹ cô gái có thể biết, nhưng làm ngơ vì họ tin vào sự lựa chọn của con mình và cho đó là ý trời.
Một điều đặc biệt là không phải ngẫu nhiên roi mây được chọn làm tín hiệu. Người Chơ ro quan niệm: Vì thời gian hẹn hò vào ban đêm, nên thanh niên thường sử dụng roi mây, vừa có tác dụng làm tín hiệu cho cô gái, vừa là vũ khí. Khi đi đường chàng trai quay roi mây tạo ra tiếng động “vun vút” trong gió nhằm xua các loại thú dữ. Vì thế, với người Chơ ro, roi mây không chỉ là một loại vũ khí khiến nhiều thú dữ phải sợ mà những tiếng vun vút của nó là tín hiệu của tình yêu.
Với người Chơ ro, tục "ngủ mèo" không chỉ tạo cơ hội cho các đôi trai gái có thêm cơ hội hiểu nhau trước khi đến hôn nhân, mà cao hơn thế, nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong phong tục hôn nhân của đồng bào nơi đây. Tuy nhiên, gia đình cô gái chỉ chấp nhận chuyện “ngủ mèo” này nhiều nhất là ba lần. 
Sau đêm thứ ba chàng trai phải chủ động đến trình diện bố mẹ cô gái và xin phép được cưới. 
Nếu trường hợp “ngủ mèo” diễn ra quá ba lần mà không thấy tràng trai đả động gì đến chuyện cưới xin thì gia đình cô gái sẽ theo dõi và giữ lại. Lúc đó, gia đình cô gái qua bên nhà chàng trai, hỏi tế nhị, theo nghĩa bóng: “Hồi tối không biết con trâu nhà ai bị lạc, qua chuồng nhà tui.. Ông bà qua coi thử có phải con trâu của ông bà không?”. 
Nghe như vậy gia đình chàng trai hiểu ngay ý tứ của gia đình cô gái, nhờ bạn bè, láng giềng qua nhà cô gái thăm dò xem sự thực con trai của mình có ở đó không. Khi chắc chắn con mình ở đó, nhà chàng trai mang rượu qua nhà cô gái, đáp lời hỏi của nhà gái: “Đúng rồi, trâu nhà tôi bị lạc ở đây” và nhà trai tiến hành các thủ tục cho đôi trai gái cưới nhau. (*)
Trong cuộc sống, người Chơ ro đặc biệt coi trọng chuyên hôn nhân và có nhiều phong tục thấm đẫm nét văn hóa của những con người đại ngàn. Trong đó, "ngủ mèo" là một phong tục lạ thể hiện sự phóng khoáng, tự do trong tình yêu nhưng vẫn đầy văn hóa, nhân văn.
Lã Việt Hưng (sưu tầm)

Lễ cúng Yang Pa của dân tộc Chơ ro (Lã Việt Hưng)

Dân tộcChơ ro thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơmer, dân số khoảng 27 nghìn người, địa bàn cư trú chủ yếu tập trung đông nhất ở tỉnh Đồng Nai, một số cư trú ở tỉnh Bình Phước và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Tín ngưỡng nguyên thủy của dân tộc Chơ-ro là thờ đa thần và quan niệm mọi vật đều có linh hồn và một trong các thần được đồng bào coi trọng nhất là thần lúa (Yang pa) hay hồn lúa.

Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm của người Chơ ro. Người Chơ ro sống bằng nghề nông truyền thống, cây lúa rẫy là lương thực chính của họ. Mục đích của lễ hội này là cảm ơn thần lúa và cầu mong thần lúa phù trợ cho mùa tới được thuận lợi.
Lễ hội truyền thống này được tổ chức lần lượt theo từng gia đình trong dòng họ, thông thường lễ hội này chỉ diễn ra từ 15 đến 30 tháng 3 âm lịch. Trước kia, người Chơ ro ở nhà dài, các tiểu gia đình trong ngôi nhà tổ chức lễ cúng thần lúa vào từng thời gian khác nhau, tránh trùng lặp, để mọi người trong dòng họ, xóm giềng đều đến chung vui với gia đình.
Lễ vật cúng yang pa gồm: thịt gà luộc, thịt heo, rượu cần, những bông lúa, hoa quả và bánh. Rượu cần được làm trước đó nhiều ngày, điều quan trọng là gạo dùng làm rượu phải lấy từ rẫy của gia chủ, không được vay mượn hoặc mua. Ngoài lễ vật cúng, người Chơ-ro còn làm một cây nhang bằng tre dài trên 1m. Phía ngọn phình ra hình cái rọ tượng trưng cho bông lúa lớn. Đầu cây có bốn tia ra được uốn rất đẹp, hai tia tượng trưng cho chim chèo bẻo (biểu tượng cho sự mạnh mẽ, khôn ngoan), hai tia tượng trưng cho lồng gà (hình ảnh thể hiện cúng yang hàng năm của gia đình). Bàn thờ cúng có ba tầng được làm bằng cây rừng và tre, gắn vào vách trên phần nhà sàn chính. Trước bàn thờ đặt ché rượu cần. Người gọi yang thường là người lớn, có uy tín trong nhà.
Vào ngày hội, phụ nữ phải lo việc xay lúa, giã gạo, làm gà vịt, làm bánh cúng... Một số loại bánh phổ biến trong lễ hội cúng thần lúa như: bánh giày mè đen (piêng pup), bánh tét (piêng chum), bánh ít, bánh ú... ở lễ hội này, người Chơ ro cũng nấu cơm nếp nướng trong ống tre (piêng đinh)... Nhiệm vụ của nam giới là sửa sang lại kho lúa, làm cây nêu, đi lấy nước, mổ heo, chuẩn bị bàn thờ, sân lễ...
Trước ngày làm lễ, chủ nhà mang rượu, một con gà còn sống, hoặc một quả trứng, một đĩa xôi (tuỳ theo điều kiện gia đình và mối quan hệ) đến nhà bà con, họ hàng, láng giềng biếu và mời đến dự lễ với gia đình. Nếu chủ nhà không đi được hết tất cả các gia đình thì nhờ con trai đi hộ. Khi đến mỗi nhà, người này mở rượu, rót ra ly mời gia chủ và thưa chuyện. Thông thường họ hàng, chòm xóm đến dự đều mang rượu và các hiện vật để tặng cho gia đình lấy may mắn.
Chủ nhà lấy những cây tre non, được chẻ làm 4 nhánh tượng trưng cho bông lúa mẩy, đặt ở bàn thờ (gô yang), đặt trên bồ lúa (voh piêng) và đặt trong chòi lúa (nhi va). Chuẩn bị đến giờ làm lễ, đồ cúng được bày lên bàn thờ (văh) gồm: rượu, đầu heo, gà luộc, các loại bánh đã chuẩn bị. Đầu heo chưa luộc được đặt ở giữa mâm cúng, xung quanh là trầu cau, gà luộc và các loại bánh trái đặt lên đầu những cây tre non. Riêng mâm cúng “Hứa trả lễ vụ tới” thì họ chuẩn bị 15 cọng tre đã chuốt sạch sẽ, mỗi cọng xâu 7 miếng tim, gan, lòng đặt quanh cái đầu heo sống, hoặc miếng thịt heo sống.
Trong khi mọi người chuẩn bị lễ vật cúng thì bà chủ nhà (mây va) mang gùi, vác chà gạc, dao côi ra rẫy. Trên đường đi, bà chặt một ngọn mía, một thân cây chuối non, lấy hai trái bầu khô đã để dành trước cho vào gùi. Đến chỗ lúa để dành cúng thần. Bà vái các thần linh trước rồi cắt bụi lúa cho vào gùi và đi thẳng về chòi lúa, bà đặt lúa, ngọn mía, hai trái bầu, thân chuối vào kho lúa và khấn.
Giờ hành lễ thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 19 giờ cho đến nửa đêm. Đối với những gia đình mùa màng không thuận lợi, họ cũng làm lễ, nhưng không cúng trả lễ bằng lời hứa với các thần vào mùa trước.
Thầy Chang bắt đầu làm lễ ba lần theo tuần tự: Ban đầu thầy Chang khấn lạy thần lúa, thần rừng, thần rẫy, ông bà tổ tiên, chúng con dâng lễ cúng các thần và ông bà tổ tiên, mong các thần và ông bà tổ tiên cho chúng con làm ăn được mùa... Sau đó thầy Chang Khấn trả lễ và tiếp chuyện với thần lúa. Cuối cùng thầy Chang cùng chủ nhà khấn “hứa trả lễ vụ sau” cầu cho mùa sau được thuận lợi đồng thời chủ nhà hứa sẽ trả lễ với thần, nếu mùa màng bội thu thì trả lễ to.
Thời gian mỗi giai đoạn làm lễ trong khoảng 60 phút. Suốt quá trình làm lễ có sự kết hợp của dàn cồng chiêng 6 chiếc, khi tiếp chuyện với thần và khi khấn vái đều có nhạc đệm của tiếng cồng, tiếng chiêng kèm theo. Sau lời khấn vái ở các giai đoạn kết thúc, thầy Chang vảy ít gạo lên bàn thờ, chủ nhà làm tiệc đãi khách. Người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình chịu trách nhiệm cai quản chòi lúa, gọi là mẹ lúa uống ly rượu đầu tiên, vì theo quan niệm của người Chơ ro, vẫn còn bảo lưu chế độ mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình là người tiêu biểu cho sự cai quản, chăm sóc nhà dài, nương rẫy và chịu đựng nhiều trách nhiệm với cộng đồng.
Sau khi lễ xong, mọi người có mặt trong buổi lễ đó cùng nhau nhẩy múa, ca hát, mọi người mời nhau ăn bánh, uống rượu, khi uống dàn nhạc vẫn thay nhau chơi trong không khí vui vẻ, hoà đồng. Người lớn thì ngồi quây quần, tâm sự ôn lại chuyện xưa, mách cho nhau những vùng rừng mới cần khai thác vào mùa tới. Cuộc chơi này có khi kéo dài hai ba ngày đêm, cho đến khi không còn rượu nữa mới thôi. Tuỳ theo kinh tế từng gia đình mà cuộc vui này kéo dài hay kết thúc sớm. Thường thì khoảng từ 3 ngày đến 7 ngày, vui chơi cho đến khi hết rượu mới thôi.
Ngày nay, do cơ cấu sản xuất thay đổi, Người Chơ ro không còn lối canh tác du canh du cư nữa, họ cũng không còn ở nhà dài cộng đồng. Các gia đình ra ở riêng và hoà vào trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, họ hoà nhập vào tập quán sinh hoạt chung của người Việt, bắt đầu làm quen với tết Nguyên Đán. Lễ cúng thần lúa của họ thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán của người Việt.
 Lã Việt Hưng (sưu tầm)

Dân tộc Chơ Ro với lễ hội dựng Nêu độc đáo (Hoàng Minh Thái)

Lễ hội dựng Nêu.

Hiện nay, làng dân tộc Chơ Ro ấp Bình Hòa có khoảng hơn 200 hộ sinh sống tập trung. Bà con nơi đây sinh sống bằng nghề làm rẫy, làm thuê để kiếm sống. Tuy đời sống vật chất có phần cực nhọc nhưng ngược lại đời sống tinh thần của bà con nơi đây lại vô cùng phong phú.

Điều đó thể hiện ở những lễ hội do bà con tổ chức nhằm tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng một năm khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, đồng thời cầu năm tới được thần linh tiếp tục ban cho ơn lộc dồi dào, vào những dịp đó khắp bản làng dân tộc châu Ro lại rộn ràng tiếng cười, tiếng hát, tiếng cồng chiêng.
Trong những ngày diễn ra lễ hội dựng Nêu, dân làng kéo đến nhà rông rất đông, cùng nhau thành kính dâng lên Giàng lễ vật do chính bàn tay họ làm ra. Nhà rông được trang hoàng đẹp đẽ, có hình ảnh Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng đặt gần bên bàn thờ cúng Giàng. Đặc biệt, để chuẩn bị cho lễ hội, trước nhiều ngày, các trai làng đã cùng nhau vào tận rừng sâu chọn dựng một cây nêu thật to, thật cao.
Khi cây nêu đã được dựng lên, toàn thể dân làng và khách mời vào trong nhà rông thưởng thức rượu cần, cơm lam, thịt nướng xâu và múa hát rộn ràng theo nhịp cồng chiêng.
Lễ hội dựng Nêu là một nét sinh hoạt văn hoá rất độc đáo của người Chơ Ro, góp phần làm đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.

(Hoàng Minh Thái (sưu tầm)