Mc tiệc cưới, học làm mc đám cưới, video đám cưới hay nhất: ₪ Dân tộc Sán Chay (Cao Lan)
Showing posts with label ₪ Dân tộc Sán Chay (Cao Lan). Show all posts
Showing posts with label ₪ Dân tộc Sán Chay (Cao Lan). Show all posts

Thursday, April 6, 2017

Các lễ, tết trong năm của người Sán Chay, Thái Nguyên (Hoàng Diễm Lê)

Cộng đồng dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên gồm có 2 nhóm địa phương: Cao Lan và Sán Chí. Về thành phần dân tộc tuy vẫn còn một số vấn đề đang được xem xét lại song theo công bố chính thức vào thàng 3/1979 của Tổng Cục Thống kê, Cao Lan và Sán Chí đều thuộc cùng một dân tộc. Đó là dân tộc Sán Chay.

Theo tập quán, ngày 30 Tết Nguyên đán, các gia đình trong bản chuẩn bị cỗ cúng bản. Cỗ cúng bản của họ không thể thiếu miến nấu thịt lợn, rau. Sáng mùng 1 Tết, họ dạy sớm để lấy nước rồng (sắn xui chờ lọn), cầu mạnh khỏe, may mắn và hạnh phúc. Trước khi lấy nước, họ thắp hương cầu thủy thần phù hộ dân làng có đủ nước để ăn uống, tắm giặt và sản xuất. Ngày mùng 2 Tết họ tổ chức cúng bản, các gia đình mang cỗ ra miếu tham gia cúng thâu lộn và lùng ý. Ngoài cỗ của các gia đình, mâm cỗ chung của bản gồm gà luộc (hay thủ lợn), cơm, rượu, tiền vàng và nhang. Theo thông lệ, người già, thầy cúng đến sớm và đặt lễ trước. Chủ tế thay mặt các thành viên trong bản khấn. Nội dung cầu khấn: Chúng con là dân bản… thành tâm chắp lễ khấn vái, mong thổ thần về chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ già, trẻ trong bản mạnh khỏe, muông thú không phá hoại mùa màng… Khấn xong, thầy cúng phải xin âm dương, nếu chưa được thì phải khấn lại, khi nào được mới thôi (một sấp, một ngửa là thổ thần đã đồng ý). Cúng xong, các thành viên cùng nhau thụ lộc ngay tại miếu. Họ thường giữ lại bánh chưng và một ít rau mang về nhà với hy vọng năm mới sẽ phát đạt, mạnh khỏe hơn.

Theo tập quán, khi chuyển hay lập bản mới, họ đều tổ chức cúng thâu lộn để xin phép lập miếu thờ mới. Vào dịp bản có gia đình làm nhà mới hoặt mới đến nhập cư cũng đều phải cúng trình báo thổ thần. Ngoài cúng đình, miếu, các bản Sán Chay còn làm lễ hạ điền, lễ mở cửa rừng (vào ngày 4 Tết), lễ giết sâu bọ (vào ngày 5/5), lễ cơm mới (vào tháng 9, tháng 10).

Xưa kia, lễ hội đám tăng (hội đèn) của người Sán Chay 3-5 năm được tổ chức một lần, với mục đích cầu thổ thần phù hộ cho dân bản mạnh khỏe, hạnh phúc và được mùa. Nhiều nơi, khi dân bản gặp khó khăn, mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, họ cũng làm lễ đám tăng. Một số dòng họ (Lỹ, Sầm, Hoàng) thờ thần đèn (màng tăng) còn tổ chức đám tăng riêng.

Hoàng Diễm Lê

Saturday, March 18, 2017

Vài nét về dân tộc Sán Chỉ (Lan Anh)

Phụ nữ Sán chỉ

Dân tộc Sán Chỉ sống rải rác ở các tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Vốn là cư dân nông nghiệp, lại sống định canh, định cư theo từng bản làng và có tổ chức khá chặt chẽ nên dân tộc Sán Chỉ có tính cộng đồng cao. 

Người Sán Chỉ sống tập trung thành xóm nhỏ ở các vùng núi cao. Nhà sàn 4 mái vững chãi là kiểu dáng nhà ở đặc trưng của họ. Tuy nhiên, nhà ở của người Sán Chỉ cũng có thay đổi theo từng vùng miền. Ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn thì người Sán Chỉ ở nhà sàn còn ở Quảng Ninh thì họ ở nhà vách đất hoặc xây bằng gạch không nung. Ngày nay kinh tế, xã hội phát triển, nhà ở của người Sán Chỉ cũng đã thay đổi cả về chất liệu xây dựng và kiểu dáng. Nhà tranh được thay bằng nhà gạch xây theo kiểu hiện đại. Nhiều hộ gia đình người Sán Chỉ còn xây nhà cao tầng, mái bê tông kiên cố như của người Kinh.

Người Sán Chỉ làm ruộng là chính. Họ tiếp cận và vận dụng nền văn minh lúa nước từ rất lâu. Họ còn chăn nuôi và trồng trọt. Đây là nghề chính đem lại thu nhập chủ yếu cho từng gia đình người Sán Chỉ. Bên cạnh đó, họ có nghề thủ công như làm mộc, đan lát mây tre, rèn. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ mang tính tự cung, tự cấp trong cộng đồng, chưa trở thành hàng hóa phổ biến. Nhiều nghề thủ công hiện vẫn được người Sán Chỉ giữ gìn và phát triển. Bà Đặng Thị Trinh, người Sán Chỉ ở Móng Cái, Quảng Ninh, cho biết: "Người Sán Chỉ nuôi lợn, đi rừng, trồng cây quế, keo, thông, sắn, ngô, lạc. Người Sán Chỉ không biết buôn bán chỉ biết trồng trọt chăn nuôi, nếu dùng không hết thì mang đi bán. Chỉ làm nhỏ thôi. Nuôi trâu mấy năm mới được bán. Người ta làm kinh tế hay buôn bán lớn mới nhiều tiền".

Trang phục của các cô gái

Trang phục của người Sán Chỉ do những bàn tay khéo léo của phụ nữ Sán Chỉ làm ra, đơn giản và không rực rỡ như trang phục của người Mông, người Dao, nhưng vẫn có những nét độc đáo riêng biệt. Mặc trang phục truyền thống của dân tộc, phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu đen và kèm theo các đồ trang sức như: vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Mỗi cô gái Sán Chỉ đều có từ 2 - 3 chiếc thắt lưng làm bằng lụa hoặc nhiễu với nhiều màu sắc khác nhau được các cô khéo léo kết hợp cho phù hợp với trang phục của mình trong những ngày lễ, tết. Trang phục nam của người Sán Chỉ mộc mạc, đơn giản hơn nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khoẻ khoắn, mạnh mẽ với áo màu chàm, có hai túi rộng; quần dài, cạp chun, ống quần rộng để thuận lợi cho việc leo núi đồi. Bà Đặng Thị Trinh cho biết: "Người Sán Chỉ mặc váy, quấn đầu. Ngày xưa ông bà hay mặc quần áo dân tộc nhưng bây giờ thì mặc quần áo bình thường. Giờ thì đi hát hò hay lễ cưới, lễ hội mới mặc trang phục dân tộc".

Lễ cưới của người Sán chỉ

Người Sán Chỉ nổi tiếng yêu ca hát. Những câu dân ca được cộng đồng sáng tác và lưu truyền trên cơ sở nét văn hoá riêng có của dân tộc, những phong tục, tập quán và qua quá trình lao động. Hát dân ca của người Sán Chỉ gắn liền với tập tục hôn nhân, chúc thọ, mời rượu, đối đáp trao duyên và được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh và không gian khác nhau.

Sự phong phú về câu hát dân ca của người Sán Chỉ gắn liền với tài ứng khẩu và đặt lời mới của người hát. Ông Lâm Minh, người Sán Chỉ ở Móng Cái, Quảng Ninh, cho biết: "Hát dân ca như thế này các cụ ngày xưa biết nhiều hơn. Ngày trước bố mẹ tôi biết. Tối mọi người trong xóm tới giao lưu hát, có khi hát tới sáng nên cũng biết hát. Từ tầm 30 tuổi trở lên cũng không hát được nhiều vì không nhớ lời và không có giọng để hát. Anh em ở xa đến nhà tìm hiểu, hát từ tối đến sáng, hát cả đêm không ngủ. Hôm sau mới ngủ".

Lời ca, tiếng hát với đồng bào Sán Chỉ chính là một món ăn tinh thần không thể thiếu, có tác dụng khích lệ, động viên, giúp con người xích lại gần nhau, yêu quê hương, làng bản của mình hơn.

Lan Anh

Tuyên Quang: Lễ hội Khai nhạc của dân tộc Cao Lan ( Nông Minh Điềm)

Tuyên Quang: Lễ hội Khai nhạc của dân tộc Cao Lan

Hàng năm vào mồng 2 Tết Nguyên đán, bà con dân tộc Cao Lan xã Thành Long (Hàm Yên) tổ chức Lễ hội Khai nhạc. Các tiết mục trong lễ hội thể hiện những nét văn hoá truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Lễ hội Khai nhạc nằm trong nghi lễ trả nợ (đám tang, đám chay) của 4 dòng họ của dân tộc Cao Lan: Hoàng, Lương, Lý, Hà. Từ sáng sớm các con cháu tổ chức lễ rước kiệu tổ tiên, tổ tông, thần linh từ nhà ra đồng (ngoài đồng dựng sẵn cái rạp đã lập đàn), sau đó thầy (thầy mo) đánh ba hồi trống bắt đầu lễ Khai nhạc. Lễ Khai nhạc kết thúc thì nghi lễ trả nợ cũng hoàn thành. Thầy làm phép khai binh khiển tướng, cấp lễ hội này cho tổ tiên, tổ tông, thần linh. Coi như con cháu đã trả nợ xong công ơn của các bậc đã phù hộ cuộc sống của họ được bình yên, hạnh phúc trong nhiều năm qua. Nghi lễ trả nợ không phải lúc nào cũng có mà chỉ khi có nợ với tổ tiên, tổ tông, thần linh. Tức là đời ông, bà, cha, mẹ trước kia nuôi con, cháu khó, trâu bò, lợn gà khó, mùa màng thất thu... đã khấn các vị phù hộ. Sau khi được phù hộ, việc trong nhà ngoài ngõ thuận buồm xuôi gió là đến lúc họ phải làm lễ trả nợ. Đời bố không trả được thì đến đời con, đời cháu, tuyệt đối không được để quá 3 đời. Các đồ cúng tế trong nghi lễ là trâu (họ Hoàng), bò (họ Lương), lợn (họ Lý, Hà).


Lễ Khai nhạc gồm 10 điệu múa: Tập thể, Khai đao mở đường, Mời thần an toạ, Bồ câu xoè cánh, Khỉ giã gạo, Xúc tép, Dâng hương, Dâng trà, Dâng rượu, Khai đèn và 24 câu xướng. Hát xướng là hình thức phụ họa (hát đệm) để chuyển bài, qua đó tăng thêm tính hấp dẫn, nghiêm trang của lễ hội. 10 điệu múa trong lễ Khai nhạc thể hiện sự biết ơn tổ tiên, tổ tông, thần linh đã mang lại những điều may mắn cho con, cháu, người nhà khoẻ mạnh, trâu bò không bị ốm, mùa màng tốt tươi. Hiện nay, các tiết mục múa trong phần lễ Khai nhạc của nghi lễ trả nợ được các nghệ nhân dân tộc Cao Lan lưu giữ và thể hiện dưới hình thức sân khấu hoá. Các tiết mục này đều dùng công cụ chủ đạo là trống cái - thầy đánh trống, các đồng nhi (tồng nhi - diễn viên múa) múa theo tiếng trống. Diễn viên múa không phân biệt lứa tuổi, nam - nữ. Người đánh trống giữ vai trò chủ đạo, xuyên suốt trong bài múa, điệu múa. Mỗi một hồi trống gắn với một động tác khác nhau. Sau mỗi điệu múa người đánh trống sẽ hát xen vào 2 câu xướng - coi như là nhạc dạo để các đồng nhi chuẩn bị cho điệu múa tiếp theo.


Hiện nay để lưu giữ nghi lễ truyền thống này hàng năm vào mồng 2 Tết Nguyên đán bà con dân tộc Cao Lan xã Thành Long lại mở hội Khai nhạc. Tại buổi lễ bà con chuẩn bị một mâm cỗ đơn giản vái thần Hoàng Làng, sau đó tập trung tại nhà già làng (thầy mo) mở hội. Lễ hội Khai nhạc thu hút đông đảo bà con trong xã tham gia, không kể dân tộc, dòng họ. Họ đến lễ hội vừa để vui xuân đón tết, vừa để học những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan.

              Dù tuổi đã cao nhưng ông Dừn vẫn miệt mài sưu tập và sáng tác Sình ca

Nông Minh Điềm

Saturday, June 11, 2016

Hát ví của đồng bào dân tộc Cao lan (Vi Đức Hồi)

Hát Sình ca hay còn gọi là hát ví của đồng bào dân tộc Cao Lan, là lối hát đối đáp giữa thanh niên nam nữ, được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán.
Theo truyền thuyết của người Cao Lan, tác giả của bài Sình ca là nàng Lưu Ba, cô gái đẹp đã đặt lời cho các điệu hát và nàng đã hát suốt 13 ngày đêm không ăn không ngủ rồi chết. Tiếng hát ấy không chỉ lưu lại đời đời, còn chứng tỏ sức sống tiềm tàng và tình yêu trong sáng, ngọt ngào, bình dị của người Cao Lan.

Những cuộc hát Sình ca đều có đề tài riêng. Thanh niên nam nữ mượn những cảnh đẹp của quê hương, đất nước, cảnh sinh hoạt hằng ngày, những câu chuyện cổ tích, thần thoại để gợi cảm và thông qua đó nói lên tình yêu và ước vọng xây dựng một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc. Những đêm hát Sình ca là những đêm vui vẻ, sinh động xóa đi những mệt nhọc của những ngày lao động vất vả, có sức thu hút diệu kỳ với những chàng trai, cô gái. Từ những đêm hát đã nảy sinh những mối tình thật đẹp.
Hàng năm, từ mùng 4 tháng Giêng âm lịch cho đến hết tháng Giêng, thanh niên nam nữ đi hội, đi chơi làng, hát đối với nhau. Sình ca có nhiều dạng: Hát trong đám cưới, hát tháng Giêng (hát hội), hát chúc tụng các cụ... Đặc biệt, trong hát hội chỉ có thanh niên nam nữ mới được tham gia, vì đi hát là để tìm hiểu yêu đương.
Vào mùa lễ hội, tiếng hát Sình ca dập dìu suốt đêm thâu. Giai điệu Sình ca có lúc ngân cao, có khi trầm ấm. Mùa xuân về khi làng mở hội, làn điệu Sình ca bay bổng, âm vang núi đồi, hoà quyện vào trong gió, vào hương sắc mùa xuân làm lay động lòng người. Hát Sình ca ít khi có nhạc đệm, có nhiều chủ đề như: Làm khách, đường về, chúc tụng, chào mừng...
Qua câu hát, người con trai khéo léo ca ngợi vẻ đẹp của người con gái và bày tỏ tình yêu của mình. Đó chính là nét tinh tế của hát Sình ca Cao Lan. Hát Sình ca còn là để kể chuyện cổ, kể lại những tích xưa. Sình ca được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng hát nhiều nhất vẫn là khi mỗi độ tết đến xuân về, nam thanh nữ tú đến với nhau để tìm hiểu yêu đương. Những thiếu nữ Cao Lan dịu dàng, e ấp trong bộ váy chàm mới đi trảy hội, đẹp như những bông hoa rừng đã tô điểm thêm cho bức tranh trong ngày hội thêm rực rỡ.
Trải qua nhiều năm tháng, ngày nay lớp thanh niên trẻ dân tộc Cao Lan không còn biết chữ Hán để đọc được những lời hát Sình ca cổ, nhưng những làn điều Sình ca thì vẫn được người già trong làng lưu truyền và phát triển từ đời này sang đời sau. Trong những lễ hội truyền thống của người Cao Lan hiện nay vẫn không thể thiếu làn điệu Sình ca.

 Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Tết của đồng bào Cao Lan ở Yên bái (Vi Đức Hồi)

Bữa cơm sum họp gia đình ngày tết của đồng bào dân tộc Cao Lan

Cứ mỗi độ xuân về, khi hoa mơ, hoa mận, hoa lê đua nở thì cũng là lúc bà con đồng bào dân tộc Cao Lan xốn xang tiễn đưa năm cũ, đón năm mới đến và tổ chức ăn tết cổ truyền.
Ở Yên Bái, dân tộc Cao Lan có khoảng trên 7.000 người, hiện nay sinh sống tập trung tại các xã Đại Đồng, Tân Hương,Vĩnh Kiên, Bạch Hà, Vũ Linh, Phúc An, Xuân Lai của huyện Yên Bình, Hòa Cuông, Minh Quán của huyện Trấn Yên và Yên Phú, Yên Hợp của huyện Văn Yên. Dân tộc Cao Lan thường ở nhà sàn 3 gian, 4 mái, các gian nhà được phân định chức năng sinh hoạt của từng gian.
Trong đó, gian giữa được dùng để đặt bàn thờ cúng tổ tiên, các gian còn lại dùng làm nơi ngủ, nghỉ và tiếp khách. Đời sống của đồng bào chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với sự cần cù, sáng tạo trong lao động, đồng bào đã tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống. 
Cùng đó, bà con còn tích cực trao đổi mua, bán hàng nông sản, mở quán bán hàng tạp hóa, làm dịch vụ ăn uống nên đời sống, tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy và gìn giữ.
Cũng như các dân tộc khác, tết cổ truyền là một trong những ngày lễ lớn, thể hiện sự trân trọng với tổ tiên và với các thần linh như: thần sông, thần núi, thần đá, thần cây… Đồng thời, đây cũng là dịp gia chủ cảm tạ các vật dụng trong gia đình và nông cụ sản xuất ngoài đồng đã giúp cho một năm sản xuất an toàn, bội thu.
Ngày tết là thời gian dành cho bà con đến thăm nhau, cùng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tổ chức các trò chơi giải trí và chúc mừng những thành tựu đã đạt được trong năm cũ, ước nguyện điều tốt lành trong năm mới.
Tết thường được chuẩn bị tổ chức từ ngày 27 tháng Chạp cho đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Do đó, để có một cái tết trọn vẹn, an toàn, vui vẻ, những ngày trước tết, mọi người, mọi nhà đều tất bật với công việc chuẩn bị đồ ăn, nước uống, đặc biệt là các món đặc sản như: bánh chim gâu, bánh gai, bánh rán, bánh chè, bánh chưng…, một phần được dâng lên tổ tiên, một phần dùng để đãi khách quý trong dịp tết.
Cùng đó là việc dọn dẹp nhà cửa, quét sân, lau chùi các vật dụng, trong đó đặc biệt chú trọng đến những vật thờ cúng. Tất cả dụng cụ của gia đình như: cuốc, xẻng, dao, cày, bừa, chuồng, trại gia súc, gia cầm đều được dán giấy đỏ “niêm phong” thể hiện sự cảm tạ của gia chủ và là tín hiệu quy ước cho các vật dụng được "nghỉ ngơi" như con người.
Theo quan niệm của đồng bào Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho sự sung túc, mùa màng bội thu và còn mang ý nghĩa tâm linh “xua đuổi” tà ma. Với đồng bào Cao Lan, khi giấy đỏ được dán lên những nơi quan trọng chính là niềm tin vào năm mới tiếp tục no ấm, hạnh phúc.


Phụ nữ dân tộc Cao Lan may áo mới cho mùa hội xuân.

Tuy ngày hội xuân vui nhộn đến mấy nhưng tối đến, người nào về nhà nấy để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và sum họp bên mâm cơm của gia đình. Qua những lời chúc tụng, điệu hát dân ca và các trò đua tài, đấu võ trong dịp tết, mọi người thấy đã quý nhau rồi lại càng quý nhau hơn, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Cao Lan dịp tết đến xuân về.

Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Người Dân tộc Cao Lan ở Bắc giang (Vi Đức Hồi)


Cao Lan là một trong hai nhóm của dân tộc Sán Chay (Cao Lan – Sán Chí). Trước đây các học giả người Pháp coi người Cao Lan là một bộ phận của dân tộc Dao. Người Cao Lan còn được gọi là người Trại. Cho đến nay, người Cao Lan ở Bắc Giang vẫn tự nhận mình là người dân tộc Cao Lan, có tiếng nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái.

Theo số liệu thống kê năm 2014, nhóm dân tộc Cao Lan – Sán Chí ở Bắc Giang có khoảng trên 25 nghìn người, sống tập trung ở 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Cũng như các dân tộc thiểu số khác sinh sống ở vùng núi thấp, người dân tộc Cao Lan lấy việc trồng trọt lúa nước và  cây lương thực khác trên đất dốc là hoạt động kinh tế chủ đạo, ngoài ra họ cũng tận dụng những khoảnh đất bằng phẳng để trồng lúa nước. Tất cả hoạt động khác như chăn nuôi, thủ công gia đình, trao đổi buôn bán hay săn bắt hái lượm đều là những hoạt động kinh tế phụ mang tính chất bổ trợ cho trồng trọt. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người dân tộc Cao Lan sử dụng các nông cụ như cày, bừa, cào, cuốc bàn, dao quắm và hái.
Một loại áo đặc sắc của phụ nữ người Cao Lan là pù dằn dinh, áo có màu chàm thậm. Dưới gấu áo đáp liền nhau những miếng vải trắng, hình vuông. Áo không cúc, khi mặc đồng bào thắt thắt lưng bên ngoài. Trang phục nam giới có nhiều nét giống trang phục nam hai dân tộc Tày, Nùng. Áo nam màu chàm, quần gần giống quần bà ba của người Kinh.
Xưa kia, người dân tộc Cao Lan thường ở nhà sàn. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, những ngôi nhà sàn của đồng bào đã nhường chỗ cho những ngôi nhà đất. Do vậy, hiện nay những ngôi nhà sàn ở Bắc Giang còn lại rất ít.

                                                                                                        Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Những tục lệ độc đáo trong đám cưới người Cao Lan (Vi Đức Hồi)

Đám cưới dân tộc Cao lan tỉnh Bắc giang

Dân tộc Cao Lan là một trong 2 nhóm ngành của dân tộc Sán Chay. Người dân tộc Cao Lan ở Bắc Giang đều tự nhân mình là một tộc người thuộc dân tộc Cao Lan, tiếng dân tộc gọi là hờn bản. Nguồn gốc của người Cao Lan ở Bắc Giang là từ Quảng Đông, Quảng Tây, Dương Châu, Quế Châu Trung Quốc.
Người dân tộc Cao Lan ở Bắc Giang tập trung chủ yếu ở 4 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế cũng như dân tộc Cao Lan ở các huyện khác thì người dân tộc cao lan ở Sơn Động đã và đang gìn giữ được truyền thống văn hóa vốn có như hát sình ca, các nghi lễ trong các phong tục tập quán ma chay cưới hỏi. Trong đó đám cưới của người dân tộc Cao Lan được tổ chức khá đôc đáo mang nhiều ý nghĩa.
Nói tới đám cưới của người dân tộc Cao Lan thì thành phần vô cùng quan trong và không thể thiếu là thầy tào còn được gọi là thầy cúng và Tráng Mòi còn được gọi là thầy mai mối.
Đám cưới của người dân tộc Cao Lan được diễn ra trong 2 ngày một đêm với rất nhiều thủ tục và nghi lễ khác nhau như lễ đặt trầu, lễ dạm ngõ, lễ đặt ghánh và cuối cùng là lễ rước dâu.
Cũng giống như phong tục của các dân tộc khác thì lễ cúng gia tiên này là lễ không thể thiếu trong mỗi gia đình đặc biệt là dịp cưới xin. Để tiến hành lễ cúng gia tiên chu đáo thầy tào phải chuẩn bị các bài cúng khá tỷ mỷ công phu với những nội dung phù hợp như cúng xin tổ tiên phù hộ khi đón dâu cúng xin tổ tiên chở che cho đôi bạn trẻ, cho gia đình co thêm thành viên mới cho gia đình làm ăn phát đạt.
Trong ngày cưới một phần lễ cũng khá quan trọng và độc đáo được thầy tào thực hiện trước khi đến nhà gái đó là lễ mở đường với ý nghĩa là xua đuổi tà ma che chở cho đoàn đón dâu trên hành trình không bị ma quỷ quấy rầy cản trở. Theo phong tục của người Cao Lan thì phần lễ mà nhà trai phải mang tới nhà gái thường là 2 con gà trống, 2 con gà con đã được làm sẵn, 2 bánh dầy to được dán giấy đỏ có ngôi sao năm cánh gọi là ẹt sầy, 4m vải trắng, người Cao Lan gọi là “cẩm lây”. Ngoài ra còn có những phần lễ khác như cau, trầu, rượu, thuốc, bánh kẹo
Có thể nói sự đặc biệt trong lễ cưới của người dân tộc Cao Lan chính là nghi lễ chặn đường của nhà gái. Tức là khi đoàn đón dâu đến thì không được vào nhà luôn mà phải hát đối đáp với nhà gái những câu hát sình ca một lối hát dao duyên đặc trưng của người Cao Lan. Và rồi những câu hát Xình ca được nhà trai thể hiện đã thuyết phục được nhà gái mở đường cho vào đón dâu.
Trước sự chúc phúc của quan viên 2 họ thầy tào đã làm lễ xe duyên cho cô dâu và chú rể. Đó chính là một lễ tơ hồng, một nghi lễ không thể thiếu trong đám cưới của người dân tộc Cao Lan, bởi người dân tộc Cao Lan quan niệm khi kết tơ hồng cho đôi vợ chồng trẻ cũng giống như một sợi dây để kết nối họ để họ hạnh phục sống bên nhau tới đầu bạc răng long con cháu đầy đàn.
Có thể nói những nghi lễ, những phong tục của người dân tộc Cao Lan nói riêng và các dân tộc VN nói chung thật đáng để cho thế hệ chúng ta lưu truyền và gìn giữ góp phần văn hoá giúp dân tộc VN đựơc bay cao bay xa hơn nữa trong bầu trời văn hoá nhân loại.

 Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Nan giải bài toán bảo tồn văn hóa Cao Lan (Vi Đức Hồi)

Dân tộc  Cao Lan là một trong số các dân tộc khá ít nhưng lại sở hữu bề dày văn hóa hơn 400 năm. Thế nhưng nét văn hóa dân tộc Cao Lan lại đang dần biến mất khi không có người kế cận và bảo tồn.

Văn hóa đặc sắc một thời nay còn đâu?
Người Cao Lan đang đứng trước nguy cơ thất truyền văn hóa dân tộc. Các nghề thủ công dệt vải, đan lát, nông – công cụ độc đáo đã bị bỏ hoàn toàn. Tiếng nói, chữ viết, hát sình ca, điệu múa truyền thống, trang phục, phong tục cưới hỏi đang dần biến mất trong cuộc sống của người Cao Lan. Các kho truyện cổ, tư liệu nghiên cứu, sách đọc về văn hóa dân tộc đang bị thất truyền. Hiện tại, người Cao Lan hiện chỉ giữ nguyên tục thờ cúng tổ tiên.
Làng Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn là một làng văn hóa dân tộc Cao Lan điển hình ở tỉnh Tuyên Quang. Người Cao Lan đã định cư ở đây hơn 200 năm. Nhưng khi đến Giếng Tanh, người ta không nhận ra dấu ấn của một ngôi làng cổ của dân tộc Cao Lan. Nhà sàn, nông cụ, nghề dệt nay chỉ còn lác đác trong một số xóm của làng. Khan hiếm gỗ và sự bất tiện trong sinh hoạt khiến người trong làng dần bỏ nhà sàn truyền thống. Hiện nay, làng chỉ còn 2 căn nhà sàn

Bàn thờ của người Cao Lan

Về tục cưới xin, người Cao Lan không có tư tưởng gả chồng cho con sớm. Nét đặc sắc trong phong tục cưới hỏi ở dân tộc này là hát sình ca. Sau các cuộc hát sình ca tìm hiểu nhau, người con trai về báo cáo với cha mẹ về địa chỉ cô gái mình yêu. Thuận vợ, thuận chồng, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ một ông mối (ông mòi) đi dạm lễ trầu cau, gọi là hoi mạc. 
Trong lễ cưới của người Cao Lan, ông mối giữ vai trò đặc biệt, có ý nghĩa quyết định như: ngủ lại ở bản nhà gái để nghe ngóng, đem lá số về cho nhà trai, sửa lễ gá bạc, gánh lễ vật… Trong đám cưới, nhà gái chặn đường nhà trai, thách đố hát sình ca. Họ thậm chí có thể hát cả ngày và thực hiện nhiều nghi lễ cổ truyền như giã bánh dày, làm buồng mới cho cô dâu, giăng lụa đỏ đón nhà trai... Người Cao Lan tuyệt đối không mặc áo trắng trong lễ cưới. Nhưng ngày nay tục đưa đón dâu cổ truyền đã lược bỏ nhiều nghi lễ, đám cưới của người Cao Lan đã gần giống người Kinh. Bây giờ thanh niên bỏ tục hát sình ca, thay vào đó là hát karaoke.

Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Lễ hội xuống đồng của đồng bào dân tộc Cao lan Quang yên,huyện sông lô -Vĩnh phúc (Vi Đức Hồi)

Thi cấy trong lễ hội Xuống đồng của người  dân tộc Cao Lan

Văn hóa lễ hội là phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, đó là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc đều có nguồn gốc, lịch sử tồn tại, phong tục tập quán, văn hoá độc đáo tạo nên những nét riêng đặc sắc riêng có.
Và mỗi độ Tết đến Xuân về, nét văn hóa đặc sắc riêng có đó lại như mới hơn, vui hơn. Với bà con người dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên (Sông Lô) thì lễ hội Xuống đồng (theo tiếng dân tộc gọi là lễ hội Lồng Tồng) từ bao đời nay đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc. Hàng năm, lễ hội Xuống đồng được bà con người Cao Lan sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dạ, Đồng Găng, Đồng Dong và Xóm Mới tổ chức từ ngày 10-16 tháng Giêng (âm lịch).

Thông thường, Lễ hội mở đầu bằng những âm thanh vang rền của dàn trống như thúc giục người xem nhanh chân về vui hội. Trong lễ hội, bà con và du khách đến tham quan cũng được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét truyền thống của người Cao Lan như hát ví sịnh ca, hát đối giao duyên với chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới hoặc những ca khúc về tình yêu đôi lứa; những điệu múa tái hiện lại cảnh lao động, sinh hoạt thường ngày của bà con như: múa lên nương, múa phát rẫy, múa xúc tép...
Một phần không thể thiếu trong lễ hội Xuống đồng là việc bà con cầm nắm thóc vãi xuống đất và vẩy ít nước lên Trời với lời khấn cầu mong cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho nhân dân. Đây cũng là một trong những nghi lễ chính của lễ hội, phản ánh rõ nét nhất lễ tiết nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước.
Phần hội được diễn ra với các trò chơi dân gian đặc sắc như: ném còn, đi cà kheo, kéo co, bắn nỏ và một số môn thể thao khác; nét đặc sắc riêng có trong lễ hội Xuống đồng ở xã Quang Yên là trong trò chơi ném còn. Theo tục truyền khi lễ hội diễn ra, bà con dân làng sẽ dựng một cây còn trước đình làng, khi bắt đầu thi ném còn Ông Thủ từ sẽ làm lễ cúng cây còn, dưới chân cây còn sẽ bày 1 mâm lễ vật gồm có 1 con gà và một mâm xôi; các thanh niên trai tráng thi ném còn, nếu ai ném thắng thì sẽ được thưởng mâm lễ vật đó (không thưởng bằng tiền). Ai được thưởng mâm lễ sẽ gặp may mắn cả năm...
Trong lễ hội, bà con trong xã cùng nhau xuống đồng để cày bừa và gieo cấy lúa xuân. Thông qua những hoạt động trong lễ hội Xuống đồng, bà con trong xã sẽ có được những giây phút thư giãn, thoải mái, tạo sự hứng khởi trước khi bước vào vụ sản xuất mới. Đồng thời, cùng nhau tích cực đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương. 

Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Bánh chim Gâu, loại bánh đặc trưng của đồng bào dân tộc Cao lan (Vi Đức Hồi)

Các bà, các chị người dân tộc Cao Lan khéo léo gói bánh chim gâu

Dân tộc Cao Lan, huyện Yên Bình (Yên Bái) không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào Cao Lan cũng vô cùng tinh tế.

Một trong những món ăn mang đặc trưng riêng của người Cao Lan là bánh chim gâu. Để làm được những chiếc bánh chim gâu thì người Cao Lan phải lên rừng hay trên đồi cao để tìm những chiếc lá dứa rừng. Người Cao Lan cho rằng, lá dứa rừng là một vị thuốc chữa được bệnh dạ dày do đó, gói bánh bằng lá dứa rừng sẽ vừa tạo vị thơm ngon cho bánh, vừa chữa được bệnh nên đây là loại lá rừng quen thuộc mà người Cao Lan yêu thích. Lá dứa rừng sau khi được rửa sạch, lau khô thì sẽ được tước phần gai, chẻ thân cứng đi cho lá mềm dễ gói.
Cùng với lá dứa rừng thì gói bánh chim gâu không thể thiếu được gạo nếp. Gạo nếp được chọn để gói bánh phải là loại gạo nếp ngon, được vo sạch, để ráo nước rồi trộn thêm ít muối tạo vị đậm đà cho bánh. Trước đây thì gói bánh đơn giản thế, nhưng ngày này cũng có những gia đình trộn thêm cả nhân đỗ xanh và thịt vào bánh để tạo độ thơm ngậy cho bánh. Gói bánh chim gâu đơn giản, không cầu kỳ nhưng để có được chiếc bánh đẹp, thơm ngon thì rất cần đến sự khéo léo của người phụ nữ..
Để có một nồi bánh ngon thì trong suốt quá trình nấu, lửa phải đều và châm nước thường xuyên để giữ chiếc bánh được ngập trong nước. Bánh sẽ chín sau khoảng 1 giờ nấu, sau đó vớt ra, để cho ráo nước và cắt đôi bánh ra để thưởng thức. Bánh được đánh giá là gói khéo khi chiếc bánh mang rõ hình con chim gâu, nhỏ xinh vừa phải, không to quá.
Người Cao Lan gọi chung là bánh chim gâu nhưng thực tế thì từ chiếc lá dứa đó, ngoài đan hình con chim thì các bà, các chị có thể đan thành hình con nhện, con ve sầu.
Những chiếc bánh chim gâu với hình dáng nhỏ xinh này người Cao Lan làm ra là để thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm của những người trong gia đình với nhau. Đây là món ăn dân dã thích hợp cho những người khi đi làm nương rẫy và cho các bé mang đến trường ăn vào bữa trưa.
Bánh chim gâu của đồng bào Cao Lan là món bánh không thể thiếu trong ngày lễ, ngày Tết của dân tộc giờ đã được rất nhiều người biết đến bởi đây là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của bà con đã được giới thiệu ở rất nhiều lễ hội trong và ngoài tỉnh.
Hy vọng rằng, món ẩm thực độc đáo của đồng bào Cao Lan sẽ được nhiều người biết đến để mỗi khi qua thôn Khe Gầy, xã Tân Hương, du khách sẽ dừng chân lại để thưởng thức loại bánh với tên gọi đặc biệt “bánh chim gâu” – loại bánh mang đậm hương vị mộc.

Vi Đức Hồi (sưu tầm) 

Phong tục đón Tết của người Cao Lan ở Đoan Hùng (Vi Đức Hồi)

Người dân tộc Cao Lan Vui hát Sình ca trong dịp Tết

Người dân tộc Cao Lan (còn gọi là dân tộc Sán Chay) ở huyện Đoan Hùng hiện có trên 6000 người, sinh sống quần tụ ở 6 làng thuộc các xã: Ngọc Quan, Hùng Long, Yên Kiện, Minh Phú, Tây Cốc và Vân Đồn. Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Cao Lan ở Đoan Hùng có nhiều phong tục truyền thống mang bản sắc riêng trong đó có tục lệ đón Tết nguyên đán, làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên đất Đoan Hùng.

Mỗi dịp tết đến xuân về, người Cao Lan chuẩn bị đón Tết rất chu đáo, sau một năm lao động vất vả, cần mẫn, đây là dịp để họ nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng nhau những điều tốt lành. Thời gian ăn tết của người Cao Lan kéo dài từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Trong những ngày cuối năm này, mọi người đều tất bật với công việc chuẩn bị đón Tết, việc đầu tiên là mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, chủ nhà thắp một nén hương thơm lên bàn thờ để mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Tiếp đó là việc chuẩn bị để làm các loại bánh trái ngày Tết. Bánh chưng là thứ bánh không thể thiếu được của mỗi gia đình, bánh không chỉ để ăn trong những ngày Tết mà còn làm quà biếu họ hàng nội ngoại. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, gói bằng lá chuối, bên ngoài bọc lá dong, cho vào nồi nấu kỹ trong một ngày để bánh rền. Bánh có hình trụ dài, dẻo có thể vắt được trên vai khi lên rẫy (nên còn gọi là bánh vắt vai). Một loại bánh nữa được ưa chuộng là bánh gai, bánh làm bằng bột gạo nếp trộn với lá gai và mật mía rồi cho vào cối giã nhuyễn, gói bằng lá chuối khô, bên trong là nhân đỗ xanh sau đó cho vào trõ, sôi tới chín, bó 5 chiếc thành một cầu bánh để lên bàn thờ thắp hương, số còn lại để ăn dần trong những ngày tết. Cùng với các loại bánh làm bằng gạo nếp, người Cao Lan còn làm bún, món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết, do được làm hoàn toàn thủ công nên bún của người Cao Lan rất trắng, mềm, mượt, khi ăn chan canh cá dấm hoặc nước hầm xương và rau húng rất thơm ngon...


Điệu múa chim gâu, xúc tép trong dịp Tết

Với người Cao Lan từ xưa đến nay, Tết nguyên đán không chỉ là sự ăn ngon, mặc đẹp mà ngày Tết còn là dịp để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã, mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ và qua câu hát Sình ca. Đó cũng là  món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Cao Lan ở Đoan Hùng trong mỗi độ tết đến xuân về. Nét đẹp văn hoá truyền thống đó được bà còn nơi đây luôn trân trọng giữ gìn để lưu truyền cho con cháu mai sau.

Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Sình ca giao duyên – Loại hình dân ca trữ tình của dân tộc Cao Lan Trấn Yên - Yên Bái (Vi Đức Hồi)

Sình ca giao duyên – Loại hình dân ca trữ tình của dân tộc Cao Lan Trấn Yên

Những lời ca mộc mạc mà da diết, sâu lắng trong lối hát giao duyên của dân tộc Cao Lan đã có một sức hút diệu kỳ, thôi thúc người nghe tìm đến với bản tộc người Cao Lan. Trong tiết xuân ấm áp, cả bản Cao Lan hay còn gọi là người Sán Chay ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) lại say nồng trong những câu hát giao duyên Sình ca vang ngân hòa quyện vào núi rừng.

Không ai biết điệu Sình ca có từ bao giờ, những người già trong làng chỉ biết rằng có một truyền thuyết về tác giả của những bài Sình ca là nàng Lausam. Nàng đã gửi gắm những ước mơ của mình vào những bài ca trữ tình sâu sắc. Để rồi những giai điệu, câu hát ấy không chỉ lưu lại đời đời mà còn chứng tỏ sức sống mãnh liệt và tình yêu trong sáng, ngọt ngào và bình dị của người Cao Lan.


Hát Sình ca là một loại hình sinh hoạt văn hóa bình dị nhất, ai cũng có thể hát được. Hát Sình ca ít khi có nhạc đệm mà chủ yếu là dựa vào tài ứng khẩu của người hát. 

Các đề tài bình dị trong điệu hát Sình Ca đã phản ánh đời sống tinh thần, nói lên ước vọng của người Cao Lan về một cuộc sống ngập tràn tình yêu thương và hạnh phúc. Sình ca được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng hát nhiều nhất vẫn là khi mỗi độ tết đến xuân về, những người lớn tuổi thì hát để so tài, còn nam thanh nữ tú sẽ giao duyên, tỏ tình với nhau qua những câu hát đối đáp để tìm hiểu nhau. Và vào dịp lễ hội, những làn điệu Sình ca ấy cứ dập dìu lúc bổng lúc trầm, lúc thánh thót, lúc du dương suốt đêm. Có khi cuộc so tài hát đối đáp giữa bên nam và bên nữ diễn ra thâu đêm, qua ngày mà vẫn không phân được thắng bại. Và những giai điệu, lời ca đó cứ vang lên, hòa vào trong gió, quyện vào đất trời làm lòng người thêm xốn xang trước một mùa xuân mới. 


Vì Sình ca được viết theo thể thơ tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán nên hiện nay lớp thanh niên trẻ người Cao Lan không còn nhiều người đọc được những lời Sình ca cổ nữa do đó việc bảo tồn và phát triển những làn điệu dân ca chủ yếu là dựa vào truyền miệng.

Những giá trị văn hóa truyền thống đó vì thế cứ tuôn trào như một dòng chảy bất tận trong lòng mỗi người dân Cao Lan, từ năm này qua khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác và sẽ mãi trường tồn với thời gian.

Mang giá trị quan trọng trong đời sống tinh thần, hát Sình ca đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu của đồng bào Cao Lan mỗi độ tết đến xuân về. Đó là lúc người Cao Lan lại tự hào hát lên những làn điệu dân ca của dân tộc mình với niềm cảm xúc trào dâng và Sình ca sẽ lại mãi vang lên trên khắp các bản trên, làng dưới với ước mơ và khát vọng về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc của dân tộc trước mùa xuân mới.

 Người sưu tầm: Vi Đức Hồi

Tết cơm mới-nét văn hóa độc đáo của dân tộc Cao Lan (Vi Đức Hồi)

Dân tộc Cao Lan (còn gọi là Sán Chay) ở Tuyên Quang có khoảng 60.000 người sống rải rác ở một số thôn bản của 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên.
Cộng đồng người Cao Lan nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc như các lễ hội, hát sình ca và phong tục cúng cơm mới (còn gọi là Tết cơm mới), được tổ chức vào tháng 8 hoặc tháng 9 Âm lịch khi thu hoạch vụ mùa đầu tiên trong năm. Lúc ấy người Cao Lan bắt đầu chọn ngày tốt và chuẩn bị các nhu yếu phẩm cho ngày Tết cơm mới này. 

Trước khi cả làng ăn cơm mới, ông trùm làng làm một lễ cúng Thành hoàng ở đình làng, xin Thành hoàng đồng ý cho bách tính được ăn cơm mới, phù hộ cho dân làng. Lễ vật dâng cúng gồm có xôi làm từ gạo mới, gà luộc, rượu, hương. Cũng vào thời gian này, nhà nào tiến hành ăn cơm mới thì làm cây nêu bằng ngọn tre, hoặc ngọn lau cắm ngoài cổng để báo hiệu khách lạ không được vào nhà. 
 Hiện nay Tết cơm mới vẫn được bà con Cao Lan duy trì và thực hành theo nghi lễ truyền thống. Tết cơm mới có vai trò không thể thiếu trong đời sống của người Cao Lan ở Tuyên Quang. Vào ngày Tết là dịp để các gia đình làm lễ tạ ơn tổ tiên, đất trời đã phù hộ cho một mùa bội thu. Nhân dịp này, các thế hệ con cháu càng biết ơn công ơn tổ tiên cha ông, trân trọng hơn thành quả lao động một năm của dân tộc mình.

Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc Cao Lan (Vi Đức Hồi)

Dân tộc Cao Lan (còn gọi là Sán Chay) ở Tuyên Quang có số dân hơn 60.000 người, cư trú chủ yếu ở 37 xã thuộc 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên. Cũng giống như các dân tộc khác, Tết cổ truyền của người dân tộc Cao Lan chứa đựng và mang đậm bản sắc riêng, độc đáo với những phong tục tập quán tốt đẹp, lễ, hội đặc sắc của mình.

Tết Nguyên đán của người Cao Lan thường được bắt đầu từ 25, 26 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, mỗi tối trước khi đi ngủ, chủ gia đình thắp một nén hương thơm lên bàn thờ, mang ý nghĩa thông báo và mời tổ tiên về ăn tết, đón xuân cùng con cháu.

Người dân tộc Cao Lan thường tự làm bánh chưng, bánh gai, bánh rán, bánh chè lam để ăn tết... Bánh chưng của người Cao Lan có hình trụ dài, có thể vắt được trên vai (nên có nơi còn gọi là bánh vắt vai), chắc nịch, bánh xanh dẻo quyện với hương thơm của gạo đỗ mới và thịt lợn hồng. Một loại bánh nữa được ưa chuộng là bánh gai.

Cùng với các sản phẩm từ gạo nếp, người dân tộc Cao Lan còn làm bún, món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết. Do được làm hoàn toàn thủ công nên bún của người Cao Lan rất trắng, mềm mà dai, thơm ngon.

Tùy theo từng dòng họ mà cách bài trí bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung là có mâm ngũ quả, cành đào, cành mận hoặc hoa hải đường… bàn thờ thường được phân chia làm hai khu vực. Nơi trang trọng nhất thờ tổ tiên, những cụ tổ đã ngoài 5 đời; bàn thờ này chỉ có hoa thơm, quả ngọt và nước trà tươi vì theo quan niệm đã qua 5 đời thì các cụ đã thành tiên nên đồ cúng phải tinh khiết. Bên dưới là bàn thờ các cụ tổ trong phạm vi dưới 5 đời và đồ cúng trong những ngày tết là thức ăn mặn. 

Các phong tục đầu năm là những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc Cao Lan, vẫn luôn được bà con tiếp tục duy trì và gìn giữ, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc và những giá trị tinh thần to lớn.

 Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Lễ hội Lồng Tồng của người dân tộc Cao lan (Vi Đức Hồi)

Lễ hội Lồng Tồng của người dân tộc Cao Lan

Lễ hội Lồng Tồng của người Cao Lan để cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi nhà ấm no hạnh phúc.
Thời gian: Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức vào ngày 15, 16 tháng Giêng hàng năm.
Địa điểm: Lễ hội được tổ chức tại thôn Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Lễ hội Lồng Tồng theo tiếng Cao Lan có nghĩa là lễ hội "xuống đồng". Đây là một lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào nơi đây, được tổ chức vào những ngày đầu tháng Giêng nhằm tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên và cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, hạnh phúc.
Lễ hội Lồng Tồng là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Cao Lan được tổ chức thường niên và coi đây là một hoạt động vui chơi giải trí đầu xuân và động viên đồng bào bảo tồn văn hóa của dân tộc, sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Lễ hội xuống đồng là một trong những lễ hội ở Vĩnh Phúc mang nét đẹp tín ngưỡng và nhiều giá trị về văn hóa, đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan, cần được bảo tồn và phát huy. Đồng thời, đây cũng là một hoạt động vui chơi giải trí đầu xuân, động viên đồng bào dân tộc tích cực tham gia lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

 Vi Đức Hồi (sưu tầm)

Nét Đẹp Văn Hóa Bắc Giang - Tiếng Hát Sịnh Ca Người Cao Lan (Vi Đức Hồi)

Nét đẹp văn hóa Bắc Giang - Ảnh: Sưu tầm

Hát sình ca là điệu hát của người dân tộc Cao Lan, được tổ chức theo từng nhóm: một nhóm nam và một nhóm nữ hát đối đáp. Các bài hát này thường được chép bằng Hán Nôm, chia thành nhiều phần: hỏi thăm, làm quen, giới thiệu bản thân, trao đổi tâm tư tình cảm, lời chúc..., những phần này được gộp chung một bài.

Mùa xuân lễ hội đem hát đối đáp giao duyên, bài hát gần gũi với đời thường của bà con, hương đồng gió nội khắp bản làng vùng sâu vùng xa. Làn điệu đã góp phần không nhỏ cho những đôi lứa thành vợ chồng.

Tiếng hát Sịnh ca người Cao Lan - Ảnh: Sưu tầm

Du lịch Bắc Giang - Ảnh: Sưu tầm

Làn điệu Sịnh ca của người Cao Lan ở Đèo Gia vừa phong phú về thể loại lại vừa hấp dẫn về nội dung. Đến nay, hơn 400 bài hát với nhiều thể loại và nội dung khác nhau còn được lưu giữ ở Đèo Gia. Có bài hát thể hiện tình yêu nam nữ, thể hiện tình yêu của con người với cuộc sống với thiên nhiên, phần nhiều bài hát mới lại thể hiện lòng biết ơn với Đảng, Bác Hồ và con đường đổi mới của quê hương, dân tộc.

Khám phá Bắc Giang - Ảnh: Sưu tầm

Sự khác biệt đáng nói ở làn điệu Sịnh ca của người Cao Lan chính là làn điệu vừa chứa đựng chất thơ, vừa phản ánh giá trị nhân văn sâu sắc của con người.

Nói cách khác, Sịnh ca không chỉ là những câu thơ có vần có điệu mà còn là một hình thức dân ca thể hiện sâu sắc trí tuệ và xúc cảm về nhân sinh quan, thế giới quan của người Cao Lan.

Qua Sịnh ca, người nghe có thể nhận thấy vẻ đẹp tâm hồn của người Cao Lan bình dị mà tinh tế, mộc mạc mà chân thành.

Chỉ những người biết chữ Hán và có tuổi mới đọc, hiểu, dịch những bài Sịnh ca. Lớp người trung niên và mới lớn không biết chữ Hán thì không đọc được nên rất khó hiểu nội dung của các câu hát mặc dù có học thuộc lòng đi chăng nữa.

Với giá trị độc đáo và giàu bản sắc dân ca, Sịnh ca ở Đèo Gia . Đây vừa là niềm tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của dân tộc Cao Lan ở Đèo Gia nói riêng, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc giang nói chung trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của làn điệu Sịnh ca.

 Vi Đức Hồi (sưu tầm)